X

Wednesday, April 1, 2015

Triệu Phú BALẸ tại Hawaìi- Từ bánh mì đến LA TOUR Bakehouse.




Date: Fri, 27 Mar 2015 12:30:17 -0500
Subject: Triệu Phú BALẸ tại Hawaìi- Từ bánh mì đến LA TOUR Bakehouse.
From: lehuutu06


  Ngọc Lan/Người Việt

HONOLULU, Hawaii – Từ doanh thu hơn 500 ngàn đô la ở năm đầu mở tiệm bánh mì Ba Lẹ, sau 30 năm, Ba Le Bakery nay trở thành La Tour Bakehouse với hơn 19 triệu đô la thu về trong năm 2014, trở thành tiệm bánh đứng đầu cả về phẩm chất, số lượng, mức bán trên toàn đảo Honolulu, Hawaii.
Tuy nhiên, điều đáng tự hào hơn ở một doanh nghiệp chuyên cung cấp thực phẩm sỉ cho chuỗi nhà hàng, khách sạn, chợ, cũng như một số hãng máy bay, là ở chỗ: chủ nhân Ba Le Bakery hay La Tour Bakehouse là một thuyền nhân – ông Lâm Quốc Thanh, người từng nhận giải thưởng Chủ Doanh Nghiệp Nhỏ Xuất Sắc năm 2002 do Tổng Thống George Bush trao tặng.
Câu chuyện kinh doanh cũng như những bài học giản dị về cuộc đời của người được xem là một trong số những người Việt thành công nhất tại Hawaii là điều đáng để nhiều người trong chúng ta cùng suy ngẫm.

Ông Lâm Quốc Thanh, chủ nhân Ba-Le Sandwiches & Bakery nay là La Tour Bakehouse, một trong những triệu phú gốc Việt tại Hawaii. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

* Từ rửa xe, cắt cỏ ở San Jose đến Bánh Mì Ba Lẹ nơi xứ Hạ

Cuộc đời của Lâm Quốc Thanh, chàng thanh niên gốc Rạch Giá, Kiên Giang, từ sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975 không có gì đặc biệt hơn so với phần lớn người dân quê nhà. Mồ côi cha từ năm 10 tuổi, một buổi đến trường, một buổi Thanh đi bán vé số phụ mẹ mưu sinh.
Vượt biên đến Mỹ năm 1979, ở tuổi đôi mươi Thanh cũng lao vào kiếm sống bằng đủ nghề, “từ rửa xe, cắt cỏ, sửa nhà lặt vặt, đến phụ việc ở nhà hàng Việt Nam, cả làm cho hãng Intel được một tháng.”
Bằng sự bén nhạy của mình, cuối năm 1980, từ tài xế lái thuê, Thanh đã có thể “tự mở một 'tour' riêng chở khách từ San Jose đi Reno đánh bài.” Thời gian đầu, Thanh tự làm bánh mì để phát cho khách ăn trên xe. Đến lúc việc kinh doanh này trở nên khấm khá hơn, thì “Bánh mì Ba Lẹ” trở thành bạn hàng của anh.
“Cuối năm 1982, tôi bắt đầu quen anh Võ Văn Lẹ, chủ nhân Bánh mì Ba Lẹ, vì tôi mua bánh mì kẹp thịt của tiệm anh cho khách hàng ăn trên đường đi.” Thanh nhớ lại.
Sau 4 năm, công việc làm “tour” mỗi ngày khó khăn hơn.
Chủ nhân Ba Le Sandwiches xưa hồi tưởng, “Tôi không nhớ chính xác ngày, chỉ biết hôm đó là một ngày Thứ Hai, Tháng Bảy, 1984, tôi ngồi than với anh Ba về sự khó khăn trong việc làm ăn thì anh rủ tôi qua Hawaii mở tiệm bánh mì, hùn vốn 50-50. Thế là Thứ Tư đó chúng tôi mua vé đi Hawaii 10 ngày.”
Kết quả của chuyến đi “định mệnh” này là Thanh cùng ông Ba Lẹ sang được một tiệm ở China Town. Và ngày 16 Tháng Mười Hai, 1984, tiệm Bánh Mì Ba Lẹ chính thức khai trương.
“Anh Ba Lẹ đã giúp cho tôi một cơ hội như giúp một chiếc bè qua sông.” Sau hơn 30 năm, doanh nhân Lâm Quốc Thanh vẫn nói về “ân nhân” của mình bằng sự cảm kích vô biên.

Tiệm bánh mì Ba-Le Sandwiches của ông Lâm Quốc Thanh tại Honolulu, Hawaii. (Hình: Lâm Quốc Thanh cung cấp)

* Từ bánh mì kẹp thịt Ba Lẹ đến Ba Le Sandwiches & Bakery, công ty cung cấp thực phẩm sỉ

Tiệm bánh mì Ba Lẹ khởi đầu chỉ có 3 món: bánh mì thịt, bánh croissant và bánh bao.
Ông Thanh kể, “Lúc đầu, tiệm bán bánh mì thịt nhưng không có làm bánh mà mua bánh của những tiệm địa phương. Tuy nhiên, họ cung cấp không đủ số bánh mì mình cần mà phải đi nhiều tiệm mới lấy đủ số mình muốn. Đó là lý do ba tháng sau tụi này tự mua máy về làm bánh mì luôn.”
Dù công việc làm ăn thuận lợi từ đầu, nhưng theo ông Thanh, “sau một năm ba tháng, anh Võ Văn Lẹ rút phần hùn ra vì lợi tức không giống như anh dự đoán.”
Cũng sau khoảng một năm, biển hiệu của Bánh Mì Ba Lẹ đã mất đi “dấu nặng” bởi “khó giải thích cho khách Mỹ hiểu” ông Thanh cho biết.
“Ba Le nghĩa là Paris. Tôi giải thích với khách như thế.” Bánh mì Ba Lẹ trở thành Ba Le Sandwiches & Bakery từ đó, dù thực tế đến hôm nay, “bánh mì Ba Lẹ” vẫn là cách gọi thân thương của mọi người dân gốc Việt ở Hawaii.
Nói về sự phát triển của thương hiệu Ba Le Sandwiches & Bakery, ông Thanh cho biết, “Từ năm 1984 đến nay, mỗi năm doanh thu tăng lên từ 10 đến 25%. Nếu năm 1985 thu nhập khoảng chừng $500,000.00 thì năm 2014 là hơn 19 triệu.”

Từ trái: Ông Weddle Rodney, thợ làm bánh chính, Lâm Đức Trí Brandon, ông Lâm Quốc Thanh và Lâm Đức Trung, con trai ông Thanh. (Hình: Latourbakehouse.com)
Nếu khởi đầu, bánh mì Ba Lẹ “chỉ có hai vợ chồng và hai nhân viên, thì hiện tại trụ sở chính có 130 nhân viên, và có thêm 20 nhân viên làm trong tiệm bán lẻ ở trường Đại học Hawaii.”
Nếu những ngày đầu ông Thanh “làm bánh mì chỉ có máy nhồi bột và lò nướng bánh, muốn chia bột ra thành từng cục nhỏ phải cắt bằng dao, chia bằng tay” thì hiện nay, chỉ riêng dàn máy móc làm bánh của ông đã trị giá hơn 2 triệu đô la.
Ngoài tiệm bánh Ba Lẹ của gia đình, ông Thanh còn có 15 tiệm “franchise” ở Honolulu, 4 tiệm ở Maui.
Từ bánh mì thịt, bánh bao, bánh croissant buổi đầu, giờ đây, công ty của gia đình ông Thanh đã có hơn 400 loại bánh.
Sau hai năm tự làm bánh mì, đến năm 1987, ông Thanh bắt đầu tiến vào lãnh vực cung cấp thực phẩm sỉ cho các nơi.
Hiện tại, thị trường của La Tour Bakehouse (tên gọi của Ba Le Sandwiches & Bakery từ năm 2011) bao gồm các hãng hàng không Hawaiian Air, Japan Airline, Korean Airline, Qantas Airline, China Airline, Philippine Airline, Air New Zealand, hệ thống khách sạn Hilton, Sheraton, Marriot, hệ thống nhà hàng Ruth Chris, Wolfgang Steak House, các chợ Whole Foods, Foodland, Longs Drug, Safeway, và “còn nhiều khách hàng lắm.” Chủ nhân Ba Le Bakery, người có dáng dấp thư sinh, cười nói.
Không chỉ vậy, “từ năm 1998, khi Papa John's Pizza mở ở Honolulu thì tôi là người làm bột cho họ. Lúc đó chỉ vài tiệm, giờ đã là 14 tiệm. Đây là một trong những khách hàng lớn của tôi, mỗi ngày chúng tôi dùng hơn một tấn bột để làm vỏ bánh cho Papa John's Pizza.” Ông Thanh cho biết thêm.

Bánh ngọt của La Tour Bakehouse có mặt trong phần ăn trên chuyến bay của hãng hàng không Hawaiian Air. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

* 'Làm ăn thì nên thành thật, thành thật và thành thật'

Đó là kinh nghiệm thành công mà ông Lâm Quốc Thanh rút tỉa và chiêm nghiệm sau hơn 30 dấn thân vào thương trường, bên cạnh sự “chịu khó làm, chịu cực làm và bỏ công sức ra nhiều.”
Trả lời câu hỏi của phóng viên Người Việt, “Người ta nói thương trường như chiến trường, trong thương trường mà thành thật quá sẽ bị lường gạt. Mà phương châm của anh, một người rất thành công, lại khuyên nên thành thật thì điều đó nên hiểu như thế nào?” ông Thanh không chút ngập ngừng, “Mỗi người có ý nghĩ khác nhau. Cá nhân tôi đến giờ vẫn rất thành thật với mọi người, dù nhiều lúc cũng có những cái bất lợi nhưng điều đó rất ít so với cái lợi.”
Ngoài sự thành thật trong kinh doanh, “thành thật với khách hàng, thành thật với nhân viên,” theo lời người đàn ông có nụ cười “quên tổ quốc” này thì yếu tố “may mắn để có được nhân viên tốt” cũng góp phần quyết định sự đi lên của doanh nghiệp.
Ông kể, “Năm 2002, tôi may mắn có được một người thợ làm bánh người Mỹ nổi tiếng ở Hawaii vô hợp tác làm với tôi. Anh biết làm rất nhiều loại bánh. Lúc đầu anh cũng chỉ là một nhân viên thôi. Giờ anh như một thành viên trong gia đình.”

Tiệm La Tour Cafe trong khu La Tour Plaza, Honolulu, một mô hình kinh doanh khác của gia đình ông Lâm Quốc Thanh. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Doanh nghiệp của ông Thanh có tuổi đời 30 năm, thì “người nhân viên làm lâu năm nhất là 26 năm, trên 20 năm là khoảng 3 người, trên 15 năm cũng nhiều và trên 10 năm thì rất là nhiều.”
“Có người hỏi tôi làm sao để có được nhân viên tốt. Tôi chỉ biết là tôi đối xử theo lương tâm, tự theo trái tim tôi. Chỉ cần lấy một ví dụ, là bảo hiểm sức khỏe của nhân viên. Theo luật, tôi không phải trả 100% tiền bảo hiểm sức khỏe mỗi tháng. Nhưng ở đây tôi trả 100% cho nhân viên, với người quản lý thì trả luôn 100% cho gia đình. Điều này tôi giữ từ lúc mới mở tiệm có vài người cho đến bây giờ.” Ông chia sẻ.

* Triệu phú từng làm việc 7 ngày một tuần và 18 tiếng mỗi ngày

“Tính đến nay hơn 30 năm đeo đuổi con đường kinh doanh này, nhìn lại kỷ niệm nào là đáng nhớ nhất đối với anh?” Ông Thanh trả lời câu hỏi của phóng viên bằng nụ cười, “Kỷ niệm đáng nhớ thì rất nhiều, nhiều lắm. Nhưng chắc kỷ niệm buồn nhiều hơn.”
“Tại sao vậy?” - “Vì khi mình có đời sống thoải mái, lợi tức không còn lo nhiều nữa thì nằm đêm nhớ lại, nhớ chuyện buồn nhiều hơn chuyện vui.” Ông lại cười, nụ cười rười rượi.
“Đáng nhớ mà buồn là khi hai vợ chồng lo bán, thằng con than đói bụng, mình không có thời giờ lo cho nó ăn, nó lấy nước ngọt nó uống. Mỗi lần nhớ lại là buồn.” Đôi mắt người đàn ông 55 tuổi đỏ hoe, cố gượng cười che đi sự xúc động.
Ông kể, như tâm tình với chính mình, “Nhớ lúc con còn nhỏ, có lúc dẫn nó đi chơi, nó kêu tôi bằng 'má' rồi xin lỗi vì tiếng má nó gọi quen hơn là tiếng 'ba'.”
Quả thật, tấm huân chương nào cũng có hai mặt, vinh quang nào cũng phải trả giá. Nhưng tôi tự hỏi, có mấy ai tính đến những điều tưởng như quá nhỏ nhặt này khi ngồi nhẩm lại cái giá phải trả cho thành công?
"Nhớ ngày xưa còn nghèo, thèm ăn đủ thứ mà không có tiền ăn. Giờ tôi chỉ ao ước được mỗi sáng uống một ly cà phê thôi để cảm nhận được mùi thơm vị đắng của nó mà không được, bởi bao tử không cho phép." Ông cười nói, như tâm sự với chính mình.
Dẫu vậy, điều ông muốn nói với những người sắp bước vào con đường kinh doanh vẫn là sự mạnh dạn dấn thân.
“Theo tôi, từ 20 đến 30 tuổi nếu có cơ hội kinh doanh mà thắng thua là 50-50 thì hãy cứ làm. Nếu không may mắn thì đến tuổi 30-40 mình vẫn còn cơ hội làm lại nữa. Rồi 40-50 vẫn còn có thể dù có hơi chậm. Tôi khuyến khích người trẻ có muốn làm ăn thì cứ làm vì còn có nhiều cơ hội. Chứ để lớn tuổi, chờ già dặn rồi thì đã trễ.” Ông khuyên.

Ông Lâm Quốc Thanh bên cạnh những thùng bánh macaroons, một trong những sản phẩm của La Tour Bakehouse. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Ông nhấn mạnh một lần nữa, “Và nếu đã ra làm ăn thì nên thành thật, thành thật và thành thật.”
Ở tuổi 55, nói về chuyện mở rộng công việc kinh doanh, ông Lâm Quốc Thanh cho rằng “để hai đứa con lo. Mình làm bấy nhiêu đủ rồi.”
Hai người con trai của ông Thanh đều tốt nghiệp MBA. Từ năm 2011, các con ông đã mở một hướng làm ăn khác hẳn với kiểu “franchise” Ba Le Sandwiches của ông Thanh, lấy tên là La Tour Cafe, mang dáng dấp hoàn toàn theo kiểu Âu Mỹ, không vướng chút “bánh mì, phở” như trong các tiệm Ba Le Sandwiches của cha.
“Năm 2011 tiệm La Tour Cafe đầu tiên mở ở ngay building La Tour Plaza của tôi rất thành công. Năm 2013 mở tiệm thứ hai cũng thành công. Mùa Hè năm nay sẽ mở tiệm thứ 3.” Ông Thanh khoe.
Cũng từ năm 2011, tên giao dịch kinh doanh Ba Le Sandwiches & Bakery được thay thế bằng La Tour Bakehouse.
Phóng viên đặt câu hỏi sau cùng, “Nếu bây giờ anh được gặp lại anh Thanh ngày xưa khi phải xa vợ xa con còn nhỏ để đến Hawaii lập nghiệp, hay gặp lại anh Thanh ngày xưa còn nhồi những cái bánh bao bằng tay đến ê ẩm cả vai và được báo Honolulu đăng tin thì anh sẽ nói gì với anh Thanh đó?”
Ông cười thật tươi trước khi trả lời:
“Lúc đó cũng có vài người khách Mỹ nói hãy làm ít và dành thời giờ nhiều cho gia đình. Nhưng tôi nghĩ trời ơi làm ít thì ai trả tiền nhà tiền bill cho mình. Thế nên nếu gặp lại những 'anh Thanh' của ngày đó, tôi sẽ khuyên rằng nếu không có thời giờ với gia đình thì hãy biết giữ gìn sức khỏe, ăn uống điều độ. Và nếu được, hãy cố dành thêm thời giờ cho gia đình vì sau này, nếu có tiền mình cũng không mua lại được.”

__._,_.___

Posted by: =?UTF-8?B?TkdVWeG7hE4gVsOCTiBUw5lORw

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts