X

Wednesday, September 17, 2014

Obama sẽ làm gì ở Syria?


Obama sẽ làm gì ở Syria?

Ngô Nhân Dụng
TT Barack Obama

Sau khi nói chuyện với dân Mỹ vào ngày Thứ Tư, 10 Tháng Chín, 2014, Tổng Thống Barack Obama có vẻ nắm được tất cả các quân bài tốt trong tay để đối phó với lực lượng Quốc Gia Hồi Giáo, ISIS hay còn gọi là ISIL, ở Iraq và Syria. Trong nước, các lãnh tụ Quốc Hội đều đồng ý, đa số dân chúng ủng hộ (63%). Ở nước ngoài, các nước Á Rập hoan nghênh và hứa đóng góp, các nước lớn ở Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ, Iran im lặng không chống. Chỉ có Nga và chính phủ Syria phản đối, tố cáo Mỹ hành động phi pháp. Sau khi Nga đã đem xe tăng và đại pháo vào Ukraine thì những lời lẽ của ông Putin không được ai chú ý.

Nhưng sau những hình ảnh tốt đẹp bên ngoài đó, ông Obama sẽ phải trả lời những câu hỏi căn bản sau đây: Ðối nội, việc bỏ bom lực lượng ISIL có cần được Quốc Hội chính thức cho phép hay không? Cuộc hành quân này có thể sẽ kéo dài, và sau cùng chính phủ Mỹ sẽ phải làm gì
với chính quyền Bashar Assad tại Syria? Ðối ngoại, nước Mỹ sẽ lấy danh nghĩa nào khi can thiệp vào cuộc nội chiến tại một nước như Syria? Hiện nay các nước trong Liên Ðoàn Á Rập và Iran đều đồng ý đánh ISIL, nhưng sau này tới lúc phải quyết định số phận chính quyền Assad họ có thể sẽ bất đồng ý kiến với nhau. Cho nên, dù muốn hay không, Tổng Thống Obama sẽ phải quyết định ngay bây giờ: Sẽ làm gì với chế độ Assad? Quyết định này nằm trong chính sách chung của nước Mỹ đối với cả vùng Trung Ðông; trong đó là các mối bang giao giữa Mỹ và các đồng minh như Israel, Á Rập Saudi, Jordan; giữa Mỹ với các nước lớn như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và tất nhiên cả Iran.

Tất cả các câu hỏi trên cho thấy ông Obama đang đứng trước một thử thách lớn về ngoại giao và nội trị, một thử thách quyết định có thể đánh giá hai nhiệm kỳ tổng thống của ông. Ông phải làm sao thuyết phục Quốc Hội Mỹ về chính sách tổng quát đó, vì các đại biểu không thể ký một ngân phiếu trắng cho Tòa Bạch Ốc.

Trong bản thông điệp ngày 10 Tháng Chín, ông Obama nói sẽ “làm giảm khả năng (degrade) và sau cùng sẽ tiêu diệt (destroy) ISIL.” Câu này khá mơ hồ, nhưng các lãnh tụ hai đảng trong Quốc Hội Mỹ không ai phản đối, vì họ không dám nói ngược với dư luận dân chúng Mỹ đang phẫn nộ sau cảnh phiến quân giết hai ký giả Mỹ một cách dã man. Năm ngoái, ông Obama đã dự tính dùng hỏa tiễn (cruise missiles) đánh vào kho vũ khí hóa học của chính quyền Assad, nhưng sau không làm vì biết không đủ đa số trong Quốc Hội Mỹ cho phép.

Theo luật pháp ông tổng thống không thể đưa quân can thiệp ở nước ngoài quá 60 ngày nếu không được phép Quốc Hội. Ðể biện minh việc đánh ISIL, ông Obama đã dựa trên quyết định của Quốc Hội Mỹ thường gọi là AUMF 2001 và AUMF 2002 (AUMF viết tắt Authorizations for the Use of Military Force), khi Quốc Hội cho phép cựu Tổng Thống George W. Bush tấn công tổ chức khủng bố “al-Qaeda và đồng lõa” tại Afghanistan và Iraq. Nhưng ISIL không phải là al-Qaeda. Tổ chức al-Qaeda đã khai trừ ISIL, và hai bên bắn giết nhau thật sự khi quân ISIL đánh nhóm al-Nusra Front tại Syria, mặc dù lãnh tụ al-Qaeda, Bác Sĩ Ayman al-Zawahiri yêu cầu ngưng.

Cho nên ông Obama không thể né tránh không yêu cầu, mà Quốc Hội Mỹ cũng không thể né tránh không biểu quyết một AUMF mới, nói rõ tên ISIS hoặc ISIL thay chữ al-Qaeda (chúng tôi dùng ISIL vì tên gọi tắt này được Liên Ðoàn Á Rập chính thức sử dụng). AUMF 2014 có thể viết đủ mơ hồ để không lộ rõ ý định của chính quyền Mỹ đối với chế độ Assad tại Syria, tránh các phản ứng bất lợi quốc tế sớm quá. Quốc Hội có thể gài thêm một điều khoản giới hạn về không gian địa giới và thời gian, thí dụ sau hai năm phải được tái tục (sunset clause) để ngăn tổng thống lạm quyền. Vì trong tình trạng hiện nay, quyết định đánh ISIL của ông Obama không có giới hạn nào, cả địa lý lẫn thời gian. Quốc Hội và dân chúng Mỹ sẽ không thể chấp nhận tình trạng đó quá lâu.

Trên mặt ngoại giao, Ngoại Trưởng John Kerry đã được sự ủng hộ của các nước Á Rập như Saudis, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar và United Arab Emirates, cũng như Egypt, Iraq, Jordan và Lebanon. Ông Kerry tuyên bố các nước Á Rập sẽ đóng vai trò dẫn đầu (leading role) trong liên minh chống ISIL. Nhưng dẫn đầu nghĩa là gì?

Thực ra, các nước trên chỉ hứa hẹn ngăn chặn không cho các công dân của họ đi theo ISIL, ngăn chặn các nguồn tài trợ cho ISIL, công khai bác bỏ các lý thuyết cực đoan của ISIL khi giải thích thánh luật Hồi Giáo. Ngoài ra, họ cũng hứa sẽ giúp các quốc gia đang bị ISIL đe dọa (Iraq, Lebanon, Jordan, và cả Thổ Nhĩ Kỳ); hứa sẽ bắt đưa các người theo ISIL ra tòa. Không thấy nước nào nói đến việc gửi quân đánh ISIL, cũng không nói sẽ cho máy bay oanh tạc. Chiến dịch đánh bom chỉ một mình nước Mỹ lo, vì chính phủ Ðức đã nói sẽ không dự, chính phủ Anh còn đang cứu xét (chắc sẽ tham gia). Ðối với chính phủ Pháp, người ta được nghe Thủ Tướng Haidar al-Abadi tiết lộ Pháp sẽ đánh bom quân ISIL ở Iraq, trong lúc Tổng Thống Francois Hollande đang thăm Baghdad. Không Quân Mỹ sẽ phải cất cánh từ khu tự trị của người Kurd trong nước Iraq khi đi đánh quân ISIL tại Syria, vì chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ chối không cho xuất phát từ nước họ. Chính quyền Mỹ thông cảm vì hiện có 50 người Thổ bị quân ISIL bắt giữ sau khi họ chiếm thành phố Mosul ở Iraq tháng trước.

Nhưng không một cuộc chiến tranh nào chỉ dùng không lực mà có thể hoàn tất. Tổng Thống Obama đã lảng tránh vấn đề then chốt này. Sau khi Không Quân Mỹ tiêu diệt một cứ điểm của ISIL tại Syria rồi, ai sẽ vào đó chiếm đóng? Tất nhiên, ông Obama không muốn giúp đạo quân Syria trung thành với nhà độc tài Bashar Assad.

Vì vậy, chính phủ Mỹ phải giúp cho các lực lượng kháng chiến chống Assad khác, miễn không quá khích như ISIL và al-Qaeda. Trong hơn ba năm nội chiến ở Syria, các lực lượng này rất yếu vì họ không lôi kéo được những thanh niên cuồng tín, như nhóm al-Nusra Front hoặc ISIL. Chính quyền Obama đã không giúp họ hết lòng vì trong nội bộ họ chia rẽ, các thủ lãnh phần lớn sống an toàn ở nước ngoài. Bây giờ tình hình có thể thay đổi, với sự tham dự của các nước Á Rập, đặc biệt là vương quốc Á Rập Saudi.

Hiện nay, theo ước tính của trung ương tình báo CIA, nhờ các chiến thắng tại Iraq quân ISIL đã gia tăng gấp đôi trong ba, bốn tháng vừa qua, hiện có từ 20 đến 31 ngàn người. Muốn chống lại họ, cần một đạo quân tương đương trên mặt đất, Syria sẽ là bãi chiến trường cho ba phía: quân ISIL, quân đội của Assad, và một lực lượng thứ ba, dưới danh nghĩa mới. Việc huấn luyện đám quân này còn tùy thuộc việc chấp nhận ngân khoản 500 triệu Mỹ kim của Quốc Hội Mỹ.

Chính phủ Obama cần thuyết phục thế giới rằng việc can thiệp vào Syria, và sau cùng là việc lật đổ chế độ Assad là một hành động có chính nghĩa, do các nước Á Rập chủ trương và “đóng vai chính.” Cho nên, các nước Á Rập phải góp người vào đạo quân “giải phóng” này, dù chỉ góp tượng trưng. Liên minh này không cần xin phép Liên Hiệp Quốc. Nước Qatar và các hầu quốc United Arab Emirates đã cho quân tham dự vào cuộc chiến lật đổ nhà độc tài Moammar Gadhafi tại Libya năm 2011, cùng với Mỹ và các nước Châu Âu. Hiện nay quân Lebanon đang đánh nhau với quân ISIL xâm nhập ở biên giới. Mỹ đã viện trợ vũ khí cho chính quyền Lebanon, Hoàng Gia Saudi đã giúp tiền, tuy vẫn có một lực lượng Hezbollah từ Lebanon đang giúp quân đội Assad đánh ISIL. Các nước Á Rập đang cộng tác với Mỹ đều theo giáo phái Sun Ni trong khi chế độ Assad dựa trên một thiểu số Alawites thuộc phái Shi A; cho nên họ cũng không ngại ngần lật đổ Assad. Trong bản thỏa hiệp của các nước Á Rập họp tại Jeddah, Á Rập Saudi vừa qua, các nước đã hứa sẽ tham dự vào hành động quân sự, nhưng chưa nói rõ rệt.

Hành động tham gia của Saudi quan trọng nhất, vì họ đang cho phép CIA huấn luyện đạo quân chống cả ISIL lẫn Tổng Thống Bashar al-Assad trong lãnh thổ vương quốc. Họ sẵn sàng góp một ngân sách đủ lớn để nuôi dưỡng, tiếp tế cho đạo quân sau này. Ông hoàng Saud al-Faisal, ngoại trưởng Saudi đã tuyên bố: “Việc hỗ trợ của vương quốc không có giới hạn nào. Vương quốc quyết tâm tiêu diệt tai họa này.” Chính nhóm ISIL cũng công khai nói muốn lật đổ hoàng gia Saudi cùng các chính quyền Á Rập khác.
Cuối cùng, liên quân Mỹ và các nước Á Rập sẽ phải lo một điều còn lại, là phản ứng của các quốc gia đã hỗ trợ chế độ Assad. Trong ba năm nội chiến vừa qua, Assad được hai đồng minh này giúp tiền bạc, vũ khí, và nhân lực.

Nhưng hiện nay ông Putin còn đang lo đối phó với các nước Âu Châu và Mỹ tại Ukraine, kinh tế Nga đang suy yếu, ông ta sẽ không còn sức để tiếp tục bảo vệ một khách hàng mua vũ khí trong khi chính khách hàng đó đang khánh tận. Ngày hôm qua, các nước Châu Âu đã công bố các biện pháp cụ thể cấm vận kinh tế đối với Nga, và Mỹ ủng hộ ngay. Ngoại Trưởng Mỹ Kerry nêu sự kiện Nga đã chiếm Crimea và tiến quân vào Ukraine để bác bỏ lời tố cáo của Nga rằng Mỹ can thiệp vào Syria là trái với luật pháp quốc tế.

Iran đã tiêu phí hàng tỉ Mỹ kim để hỗ trợ chính quyền Assad. Nhưng hiện nay Iran đang cùng với Mỹ đối phó với một kẻ thù chung là ISIL. Vì vậy, Iran không phản đối mà còn hoan nghênh việc máy bay Mỹ trở lại Iraq đánh quân ISIL. Việc tiếp viện của Iran cho Assad còn đang gặp khó khăn vì những “đường mòn” gửi quân và vũ khí qua Iraq đã mất sau khi quân ISIL chiếm đóng một phần ba lãnh thổ của cả hai nước này, trong đó có vùng biên giới.

Cả Nga lẫn Iran không thể làm gì để cứu chế độ Assad trong thời gian tới. Chính phủ Mỹ sẽ được rộng tay hành động, nếu có quyết tâm xếp đặt một giải pháp chính trị cho xứ Syria, sau khi tiêu diệt quân ISIL. Tổng Thống Barak Obama chưa nói gì về giải pháp chính trị đó mà chỉ nói tới mục tiêu quân sự là tiêu diệt quân ISIL. Có thể ông tránh không nói mục tiêu xa này vì không dám đưa ra trước quốc hội và dân Mỹ một tham vọng quá lớn, khó được dư luận dân chúng chấp thuận. Nhưng ai cũng hiểu rằng việc đánh quân ISIL chỉ để tiêu diệt họ sẽ không có ý nghĩa nào cả nếu chỉ giúp cho chính quyền Assad càng thêm vững mạnh.

Việc tiêu diệt quân ISIL sẽ khó khăn và lâu dài, vì đó là một đạo quân cuồng tín. Nhưng việc lật đổ chế độ Assad có thể dễ và nhanh chóng hơn. Assad có thể bị lật đổ dưới hình thức đảo chính hay bạo loạn sau khi thất trận. Khi đó thì chính nhóm ISIL sẽ suy yếu, vì mất một nguyên nhân tồn tại. Người Syria theo ISIL vì họ thuộc phái Sun Ni và bị ức hiếp từ nửa thế kỷ nay. Một chính quyền mới ở Syria tụ họp được người theo phái Sun Ni, người Thiên Chúa Giáo, và cả phái Alawites, sẽ tước bỏ vũ khí tuyên truyền mạnh nhất của quân ISIL.

Chính phủ Mỹ có thể nhân Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc trong tháng tới đề nghị một giải pháp chính trị cho Syria, trong đó đưa việc chống quân ISIL lên hàng đầu. Mặc dù trong Hội Ðồng Bảo An, Nga và Trung Cộng sẽ phản đối chính sách lật đổ Assad, nhưng tại đại hội đồng thì họ khó lôi cuốn được đa số khi mục tiêu nêu ra chỉ là tiêu diệt nhóm ISIL.

Ông Obama có thể nhân cơ hội này chứng tỏ chính quyền của ông và đảng Dân Chủ có khả năng quyết định mạnh trong chính sách đối ngoại. Ðó cũng là một cách vận động trong cuộc tranh cử bầu Quốc Hội Mỹ năm nay.

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=194958&zoneid=7#.VBg0fhaCf_c


Mỹ để ngỏ khả năng gửi bộ binh tới Iraq

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (trái) và Tướng Martin Dempsey trong buổi điều trần về chính sách của Mỹ đối với Iraq và Syria và mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo ở Điện Capitol, Washington, 16/9/2014.

Giới chức quân đội hàng đầu của Mỹ đã mở cánh cửa để ngỏ khả năng điều bộ binh Mỹ tới Iraq để chiến đấu chống lại những kẻ chủ chiến thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Martin Dempsey, phát biểu trước một ủy ban quốc hội hôm thứ Ba rằng nếu ông kết luận các cố vấn quân sự của Mỹ phải cùng với binh sĩ của Iraq ra chiến trường, ông sẽ yêu cầu Tổng thống Barack Obama phê chuẩn việc này.
Tướng Dempsey cho biết các cố vấn của Mỹ đang hành động "phần nhiều trong vai trò cố vấn tác chiến" và nói rằng hiện giờ "không có ý định" để họ tham gia chiến đấu.
Tuy nhiên phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nhắc lại lập trường mà tổng thống đã khẳng định - rằng sẽ không có binh sĩ tác chiến Mỹ trên thực địa ở Iraq.
Ông Obama đã gửi hơn 1.600 cố vấn quân sự Mỹ tới Iraq trong những tuần gần đây nhằm củng cố nỗ lực của nước này ngăn chặn nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Tổng thống Obama rút lực lượng bộ binh Mỹ cuối cùng khỏi Iraq vào năm 2011 sau cuộc chiến tranh kéo dài chín năm lật đổ nhà độc tài lâu năm Saddam Hussein.
Mỹ đã thực hiện hơn 160 cuộc không kích nhắm vào các phần tử Nhà nước Hồi giáo. Tướng Dempsey cho biết nếu các phi công Mỹ bị bắn rơi, bộ binh sẽ được phái đến thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.
Tổng thống Obama đang yêu cầu Quốc hội phê chuẩn cấp ngân quỹ để đào tạo và vũ trang quân nổi dậy Syria có chủ trương ôn hòa, những người vừa chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Syria, vừa chống lại chính phủ Syria.
http://www.voatiengviet.com/content/my-de-ngo-kha-nang-gui-bo-binh-toi-iraq/2452163.html

Nam Phi tịch thu hơn 9 triệu USD tiền mặt trên máy bay tư nhân



VOA - 16.09.2014
Chính quyền Nam Phi đang điều tra 9,3 triệu USD tiền mặt mà hải quan nước này phát hiện thấy trong hành lý của một máy bay phản lực tư nhân đến từ Nigeria. 
Vụ thu giữ xảy ra vào ngày 5 tháng 9 tại sân bay Lanseria, phía tây bắc thành phố Johannesburg, sau khi phát hiện thấy "những bất thường" trong hành lý của hai người Nigeria và một người Israel ở trên máy bay. 
Giới chức hải quan cho biết số tiền bị tịch thu được đóng thành 90 khối trị giá 100.000 USD mỗi khối trong hai va li màu đen. Mức tiền mặt tối đa mà mỗi du khách được mang vào Nam Phi là khoảng 2.300 USD. Không có vụ bắt giữ nào xảy ra. 
Báo chí địa phương loan tin khoản tiền là để mua vũ khí cho cơ quan tình báo Nigeria, và rằng ít nhất một trong những người đàn ông trên máy bay có giữ một hóa đơn mua hàng ở Nam Phi. 
Tuy nhiên, các nhà điều tra nói rằng họ có nghe qua những lý do mâu thuẫn nhau về số lượng tiền mặt lớn, và nói rằng giao dịch mua bán vũ khí thường không được trả bằng tiền mặt. 
Tạm thời số tiền đã được chuyển giao cho ngân hàng trung ương Nam Phi để giữ an toàn cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất.
__._,_.___

Posted by: ly vanxuan 

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts