X

Friday, April 14, 2017

Afghanistan: Mỹ ném bom phi hạt nhân hủy diệt hàng loạt


 
Afghanistan: Mỹ ném bom phi hạt nhân hủy diệt hàng loạt
RFI

Bộ Quốc Phòng Mỹ, ngày hôm qua, 13/04/2017, thông báo quân đội Hoa Kỳ đã ném một quả bom phi hạt nhân có sức công phá cực kỳ lớn nhắm vào một căn cứ của quân khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo – Daech - ở phía đông Afghanistan. Đây là lần đầu tiên, quân đội Mỹ sử dụng loại bom GBU-43, còn được gọi nôm na là « bom mẹ của tất cả các loại bom » thông thường, tương đương hơn 10 tấn thuốc nổ, có sức tàn phá, hủy diệt hàng loạt.
Theo Washington, nhiều cơ sở và đường hầm trong núi của Daech bị phá hủy và 36 chiến binh Hồi Giáo cực đoan bị tiêu diệt. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tự hào vì chiến dịch quân sự này thành công.
Từ Kabul, thông tín viên Sonia Ghezali cho biết thêm thông tin :
« Sức công phá của bom GBU-43 mạnh đến nỗi một số người dân ở tỉnh Nangahar, sống cách nơi bị ném bom nhiều cây số, kể lại rằng cửa kính nhà họ bị thổi vỡ tung và theo một nhân chứng được báo chí địa phương đăng tải thì mặt đất rung chuyển như trong một trận động đất mạnh. Người ta chưa rõ số nạn nhân là thường dân cho dù tướng John Nicholson, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Afghanistan, trấn an rằng tất cả các biện pháp đề phòng đã được thực hiện để tránh gây ra những thiệt hại ngoài dự kiến.
Thậm chí, phát ngôn viên chính phủ Afghanistan còn trấn an là người dân trong những ngôi làng nằm trong khu vực đã được  di tản và tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã bị thiệt hại nặng nề.
Hoa Kỳ đã chuẩn bị tiến hành chiến dịch quân sự này từ lâu. Trước đó, không quân Hoa Kỳ đã gia tăng các vụ oanh kích, yểm trợ cho lực lượng Mỹ và Afghanistan chiến đấu chống lại nhiều tổ chức vũ trang trong tỉnh này, trong khu vực biên giới chung với Pakistan.
Chính phủ Afghanistan khẳng định đã được thông báo về chiến dịch quân sự quy mô này, nhưng lại bị một số nhà đối lập lên án. Trong số những người phản đối có cựu tổng thống Hamid Karzai ; kể từ khi không còn cầm quyền nữa, ông chỉ trích các can thiệp quân sự của Mỹ tại Afghanistan ».

“Tấn công hóa học”: Tổng thống Syria Assad khẳng định “100% ngụy tạo”

Trọng Thành

 
Ngày 12/04/2017, hãng thông tấn AFP có cuộc phỏng vấn với tổng thống Syria Bachar al-Assad tại Damas, về nghi án “tấn công bằng vũ khí hóa học” nhắm vào một địa điểm do phe nổi dậy kiểm soát. Theo ông Assad, đây là một vụ ngụy tạo thông tin của phương Tây, được sử dụng để tạo cớ cho Hoa Kỳ tấn công. Ngay sau đó, Mỹ và Pháp đã lên án những lời lẽ tuyên truyền “dối trá” của lãnh đạo Syria.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn, tổng thống Syria Bachar al-Assad tuyên bố chế độ Damas “hoàn toàn” không có vũ khí hóa học, toàn bộ hệ thống vũ khí đã bị tiêu hủy, và đây là điều đã được Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học quốc tế chứng nhận.
Vụ tấn công vào Khan Cheikhoun, một địa điểm do phe nổi dậy kiểm soát, xảy ra vào lúc khoảng 6 giờ đến 6 giờ 30 sáng ngày 04/04/2017, khiến ít nhất 87 thường dân, trong đó có 31 em nhỏ thiệt mạng. Theo ông Assad, cuộc không kích do quân đội Damas tiến hành là vào lúc 11 giờ 30 đến 12 giờ trưa, như vậy đây là hai vụ việc khác nhau. Tổng thống Syria tuyên bố ủng hộ một cuộc điều tra về vụ này, với điều kiện là “không thiên vị”.
Theo AFP, điều tra về vụ “tấn công hóa học”, mà nghi phạm là chế độ Damas, là một nội dung chính trong dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An. Dự thảo lên án vụ “tấn công hóa học” và yêu cầu chính quyền Syria “công bố chi tiết các hoạt động quân sự trong ngày xảy ra vụ tấn công”. Hôm thứ Tư 12/04, Matxcơva đã bỏ phiếu phủ quyết bản dự thảo này.
Về cuộc trả lời phỏng vấn của tổng thống Syria, ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault đang trong chuyến công du Trung Quốc hôm nay, 14/04, khẳng định các nhận định của ông Assad là một bằng chứng cho thấy ông ta là kẻ hoàn toàn dối trá, dùng các ngụy biện để che đậy sự thật về một đất nước bị tàn phá, hơn 300.000 người chết và 11 triệu người phải sơ tán.
Về phần mình, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ Mark Toner lên án việc lãnh đạo Syria “tung tin sai lạc, gây lẫn lộn” và tái khẳng định vụ tấn công tại Khan Cheikhoun là “tội ác chiến tranh”.
Thổ Nhĩ Kỳ : Nga đồng ý điều tra về vụ “tấn công hóa học”
Ngày hôm qua, 13/04, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và đồng nhiệm Nga Putin đã có cuộc điện đàm Theo Ankara, hai bên đã nhất trí ủng hộ một cuộc điều tra do Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học tiến hành. Thổ Nhĩ Kỳ tái khẳng định đây là một “tội ác chống nhân loại”.
Hiện tại các chuyên gia của tổ chức quốc tế này đã có mặt tại khu vực xảy ra vụ việc để thu thập mẫu vật và phỏng vấn những người còn sống sót.
Khởi sự chiến dịch di tản khỏi bốn đô thị
Về tình hình tại chỗ ở Syria, theo Reuters, hôm nay, hàng trăm cư dân của hai đô thị thân chính quyền Damas, bị quân nổi dậy bao vây tại miền tây bắc đã rời khỏi các khu vực này.
Ngược lại, quân nổi dậy cũng dời khỏi hai địa điểm gần Damas, theo một thỏa thuận với chính quyền Syria. Zabadani và Madaia là hai đô thị bị quân đội và các lực lượng thân chính quyền vây hãm từ nhiều năm nay.

Nga tổ chức hội nghị quốc tế về Afghanistan, Mỹ không tham gia

Trọng Thành

 
Hôm nay 14/04/2017, một hội nghị quốc tế về hòa bình cho Afghanistan diễn ra tại Matxcơva. Ngoài Nga và Afghanistan, bốn khách mời là Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Iran. Matxcơva đã gửi lời mời, nhưng Washington không hồi đáp. Hội nghị trước đó do Nga tổ chức cũng tại Matxcơva ngày 15/02/2017. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây về khu vực Trung Á, tổng thống Nga Vladimir Putin giải thích về mối quan tâm mới đối với Afghanistan của Matxcơva.
Thông tín viên Muriel Pompone tường trình từ Matxcơva,
“Người Nga đang trở lại Afghanistan. Tuy nhiên 30 năm sau, không phải là với các chiến xa, mà là với các nhà ngoại giao. Đối với Matxcơva, việc lập lại ổn định tại Afghanistan là điều cần thiết, để ngăn chặn nạn buôn lậu và nguy cơ khủng bố đối với Nga, thông qua khu vực Trung Á. Ổn định chỉ có thể trở lại với sự hòa giải giữa các thế lực tại Afghanistan.
Quan điểm của tổng thống Nga là cần phải tiếp xúc với tất cả các lực lượng nào chấp nhận ba nguyên tắc. Đó là tôn trọng Hiến Pháp, giải trừ vũ khí, hòa giải quốc gia. Matxcơva không loại trừ Taliban.
Theo đại sứ Nga tại Kabul, Alexandre Mantiytskiy, mới đây Nga đã tiến hành đối thoại với Taliban. Theo Matxcơva, cho dù có tham vọng chính trị ở quy mô quốc gia, nhưng lực lượng Taliban không theo đường lối độc tài như Daech, và có thể là một thành trì chống lại các lực lượng khủng bố trong khu vực. Trong khi đó, một cựu thủ lĩnh Taliban khẳng định đã có các tiếp xúc với Nga và Trung Quốc từ ba năm nay.
Matxcơva đồng thời cũng phát triển quan hệ với chính quyền Afghanistan. Ngày 17/03 vừa qua, lãnh đạo ngoại giao Nga đã gặp cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Afghanistan. Nga cũng muốn các nước khác tham gia vào tiến trình này, đặc biệt là các nước trong khu vực. Trung Quốc, Iran hay Pakistan là những nước có nhu cầu như vậy, nhân danh cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, nhân tố gây bất ổn quốc gia”.
Washington lo ngại Matxcơva can dự vào Afghanistan với việc hậu thuẫn cho lực lượng Taliban trong cuộc chiến chống lại quân đội chính phủ và liên quân quốc tế. Cuối tháng 3/2017, một tướng lĩnh cao cấp Mỹ, ông Curtis Scaparrotti, tư lệnh các lực lượng NATO tại châu Âu, nêu nghi vấn Nga cung cấp vũ khí cho Taliban.
Về tình hình tại chỗ, chính quyền Afghanistan đang chờ đợi một đợt phản công lớn mùa xuân của Taliban, sau khi hàng loạt các nỗ lực thương thuyết giữa Kabul và quân nổi dậy không thành công. Theo AFP, ngày 23/03 vừa qua, Taliban đã giành được thêm một huyện thuộc tỉnh Helmand, ở miền nam, ngay trước khi đợt phản công lớn mùa xuân hàng năm bắt đầu.

Đức bắt giam nghi can thánh chiến trong vụ nổ Dortmund

Thụy My

 
Tư pháp Đức hôm qua 13/04/2017 đã ra lệnh bắt giam một nghi can người Irak, bị câu lưu sau vụ nổ nhắm vào chiếc xe chở các cầu thủ đội bóng Borussia Dortmund. Nghi can vốn là thành viên của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Chưởng lý liên bang cho biết Abdul Beset A., 26 tuổi, đã tham gia tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS) tại Irak từ cuối năm 2014 và chỉ huy một đơn vị gồm 10 quân thánh chiến. Nhiệm vụ của nhóm này là chuẩn bị các vụ bắt cóc, trấn lột và giết người. Nghi can đến Thổ Nhĩ Kỳ tháng 3/2015 và sang Đức vào đầu năm ngoái. Từ Đức, nghi can vẫn tiếp tục giữ liên lạc với các thành viên Daech.
Tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy Abdul có tham gia vụ tấn công vào chiếc xe chở đội bóng Dortmund tối thứ Ba 11/4, hành động được chính quyền Đức cho là mang tính khủng bố. Nghi can bị câu lưu hôm thứ Tư 12/4, sau khi cảnh sát khám xét nhà. Theo nhật báo Bild, cảnh sát đang chú ý đến hai nghi can khác, một cảm tình viên tân phát-xít và một thành viên cực tả.
Tờ báo cho biết các ngòi nổ quân sự đã được sử dụng để nối liền ba quả bom, được kích nổ từ xa bằng điện thoại di động. Vụ nổ làm hậu vệ người Tây Ban Nha Marc Bartra và một cảnh sát bị thương, gây chấn động cách xa hàng trăm mét.
Ba lá thư có nội dung giống nhau và in tại Đức, đã được tìm thấy tại hiện trường, « nhân danh Allah » đòi hỏi Đức chấm dứt các phi vụ thám sát ở Syria và đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ ở Ramstein. Tuy vậy thư không có logo hay cờ của Daech, và tổ chức thánh chiến này thường nhận trách nhiệm qua các video và thông cáo chứ không phải bằng thư.
Vụ nổ đã làm cho trận đấu lượt đi vòng tứ kết Cúp C1 giữa Borussia Dortmund và AS Monaco bị hoãn lại 24 tiếng đồng hồ, với kết quả Monaco thắng 3-2. Huấn luận viên đội Dortmund tố cáo : « Chỉ vài phút sau vụ tấn công, người ta bảo chúng tôi vẫn phải thi đấu, cứ như là chiếc xe buýt chỉ bị một lon bia ném trúng ».
Về mặt chính trị, thủ tướng Đức Angela Merkel than phiền cuộc chiến chống khủng bố bị ngăn trở do các bang có luật lệ khác nhau. Đặc biệt là tại bang Nordrhein-Westfalen mà thành phố Dortmund trực thuộc, cảnh sát chỉ được kiểm soát những người tình nghi trên đường phố khi có những dấu hiệu thật cụ thể.
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts