X

Wednesday, May 3, 2017

HIỆN TRẠNG RẠN SAN HÔ TẠI VIỆT NAM

  

HIỆN TRẠNG RẠN SAN HÔ TẠI VIỆT NAM

Trần-Đăng Hồng, PhD
Image result for RẠN SAN HÔ TẠI VIỆT NAM
SAN HÔ LÀ GÌ?
Rạn san hô (coral reef) là một hệ sinh thái dưới mặt biển kết hợp bởi kiến trúc bằng vôi (calcium carbonate) do con san hô tiết ra. Một san hô giống như một cây, với nhiều hình dạng, gồm có gốc dính chặt vào nền đá, trên có thân và cành đều bằng vôi, đó là xương của san hô đã chết, trên cành đính hàng trăm ngàn hay triệu con san hô còn sống. Mỗi san hô là tập hợp của 2 sinh vật sống cộng sinh: một động vật nhỏ là con san hô (polyp) và thực vật là tảo zooxanthellae.

Hình 1. Tập đoàn san hô gồm nhiều loài với muôn màu sắc
Con san hô (sống) có một thân thể mềm, trong suốt, hình ống đường kính vài mm, bên trên là một miệng rộng bao quanh bởi nhiều xúc tu (tentacles). Ở phần đáy là xương cứng đá vôi (calicle) (Hình 2).

Hình 2. Tiết diện một con san hô (polyp). Từ trên xuống dưới: xúc tu (tentacles), miệng, bụng chứa tảo zooxanthellae và dưới cùng là bộ xương bằng vôi (calicle).

Phần thân gồm bên ngoài là lớp tế bào biểu bì trong suốt, bên trong phần bụng chứa tảo zooxanthellae đủ màu sắc, tùy theo loài, sống trong mô tế bào. Chính màu của tảo làm san hô có màu đẹp. Các màu đỏ, lục, xanh, vàng, v.v. là từ màu sắc của protein chứa trong cơ thể con san hô. Vào ban đêm, con san hô dùng các xúc tu để bắt phiêu sinh động vật hay cá nhỏ để ăn, cung cấp một số chất dinh dưỡng, nhất là chất đạm protein. Tuy nhiên vẫn không đủ, san hô cần cộng sinh với tảo zooxanthellae. Vào ban ngày, các xúc tu giang rộng như cánh hoa và lùa ánh sáng vào miệng mở rộng để tảo có ánh sáng cho quang tổng hợp (photosynthesis).
Tảo zooxanthellae đơn bào, hình cầu với hai đuôi hình sợi giúp bơi lội trong nước, nhưng một khi sống trong san hô thì hai đuôi rụng mất. Tảo sinh sản vừa hữu tính vừa vô tính. Tảo có mật độ rất cao trong mỗi con san hô, khoảng 1 – 5 triệu tảo/cm3 của khối san hô, và mỗi tảo chứa khoảng 2 – 10 pg diệp lục tố  (chlorophyll) (1pg = picogram = 0.000 000 000 001g).
Con san hô và tảo sống cộng sinh. Khi hô hấp san hô phế thải khí CO2 (thán khí) và H2O (nước). Tảo xử dụng khí CO2 và H2O do san hô phế thải để thực hiện quang tổng hợp sản xuất đường, glycerol, amino acids và oxy (O2), các chất này cung cấp cho san hô biến chế protein, chất béo, đường và calcium carbonate cho sự sinh trưởng và hô hấp. Tảo hấp thụ Ca++ hòa tan trong nước biển và tạo thành Ca(HCO3)2 chất này bị phân hủy thành CaCO3 và carbonic acid. Tế bào biểu bì của san hô tiết CaCO3 ra ngoài và tích tụ ở phần đáy calicle của san hô. 90% sản phẩm quang tổng hợp của tảo được san hô xử dụng (5).
San hô có khả năng kiểm soát mật độ tảo sống trong bụng bằng cách kiểm soát chất phế thải của hô hấp là CO2 và H2O, đóng hay mở miệng để kiểm soát ánh sáng, là các yếu tố cần thiết cho tảo quang tổng hợp và sinh sống của tảo (6).
San hô thành hình bắt đầu bằng con san hô (polyp) dùng bộ phận xương bằng vôi (calicle) đính vào nền đá ở đáy biển, rồi sanh sôi nẩy nở, phần xương vôi của con này nối dính với xương vôi con kế bên hay con bên dưới, tạo thành một tập đoàn san hô có phân nhánh (như cây cối). Ở vùng nhiệt đới, cây san hô phát triển chiều ngang (đường kính) khoảng 1-3 cm/năm, và chiều cao 1–25 cm/năm, tùy theo độ sâu mà ánh sáng rọi tới, nhưng san hô không mọc thêm ở trên mực nước thủy triều (7). Vì vậy phải mất hàng vài chục năm đến trăm năm cây san hô mới có đường kính và chiều cao 1m. Tập đoàn cây san hô tiếp tục phát triển theo chiều cao và bề ngang, qua hàng ngàn năm, tập đoàn này liên kết với tập đoàn khác kế bên có thể tạo thành rạn san hô với diện tích rộng hàng ngàn cây số vuông. Thông thường, các rạn san hô vùng nhiệt đới có số tuổi 15.000 – 20.000 năm, kể từ thời đại băng hà tan, tuy nhiên cũng có vài rạn san hô có số tuổi 50 triệu năm (5).

ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP SAN HÔ
San hô cần nhiều điều kiện môi trường rất hạn chế để sinh sống và phát triển:
– Nước ấm: Nhiệt độ tốt nhất cho san hô và tảo zooxanthellae là 26° –27 °C, hay biến thiên giữa 20° – 32°C. Cũng có vài loại san hô sống ở vùng nước lạnh <18°C như san hô ở Bắc Âu, hay nóng như ở Vịnh Ba Tư (Persian Gulf) nơi nước biển biến thiên 13°C và 38°C. Đa số  tảo sống ở vùng biển nhiệt đới, vùng giữa 2 vỉ tuyến 30°N và 30°S.
– Biển cạn: Tảo zooxanthellae cần ánh sáng cho hiện tượng quang tổng hợp. Bởi vì ánh sáng không xuyên qua nước biển ở độ sâu quá 100 m, san hô chỉ phát triển mạnh ở biển cạn, nơi đáy biển không sâu quá 50 m, để có ánh sáng đủ mạnh cho quang tổng hợp.
– Độ muối (salinity): San hô cần nước biển mặn để sống, tối thiểu là 25 phần ngàn (ppt) muối ClNa, thích hợp với độ mặn biến thiên từ 32 tới 42 ppt, và thích hợp nhất là 35 ppt, tức nước biển mặn tự nhiên ở vùng nhiệt đới. Đó là lý do tại sao san hô không thấy ở vùng cửa sông hay vùng biển nước lợ.
– Nước biển phải trong và sạch: San hô rất nhạy cảm với ô nhiễm và nước đục do chứa nhiều chất trầm tích (phù sa). Vì thiếu chất trầm tích lơ lững nên nước nghèo chất dinh dưỡng. Chất trầm tích như phù sa lơ lững trong nước ngăn cản ánh sáng cần thiết cho quang tổng hợp. Vì lý do này, san hô chỉ thấy ở nơi nước chứa ít phù sa, nước ít bị khuấy động mạnh hay nơi có dòng hải lưu chảy yếu. Đó cũng là lý do tại sao vùng biển ở gần cửa sông lớn không có san hô (như Ganges, Amazon, Cửu Long, sông Hồng). Chất phế thải từ thành phố hay khu công nghiệp mang nhiều kim loại nặng làm độc hại san hô, nước thải chứa nhiều chất dinh dưỡng làm rong rêu nẩy nở gây thiếu ánh sáng cho san hô.

QUAN TRỌNG CỦA RẠN SAN HÔ
Trong dây chuyền thực phẩm, cá lớn ăn cá nhỏ, tất cả cuối cùng đều sống vào thực vật, là nguyên liệu đầu tiên. Chính san hô sản xuất nguyên liệu đầu tiên rất cao, mỗi 1 m2 san hô sản xuất 5 – 10 g Carbon mỗi ngày.
Mặc dầu chỉ chiếm 0,07% diện tích biển toàn cầu, rạn san hô là nơi sinh sống của khoảng 25% sinh vật biển gồm cá, tôm, tôm hùm, cua, sứa, ốc, sò, hải sâm, rùa, rắn biển, v.v. Chưa kể chim sống trên đảo có san hô.
Ước tính khoảng trên 4.000 loài cá sống trong rạn san hô, và khoảng 6 triệu tấn cá được đánh bắt hàng năm từ nơi đây. Nếu quản lý hữu hiệu, hàng năm có thể khai thác 15 tấn hải sản/cây số vuông rạn san hô. Các nước Đông Nam Á hàng năm thâu hoạch khoảng 2,4 tỷ đô la từ hải sản (7).

Hình 3. Hơn 4.000 loài cá sống trong rạn san hô

Vùng biển Việt Nam có hơn 2.000 loài cá, trong đó hơn 500 loài thuộc nhóm cá sống gắn bó vòng đời trong rạn san hô, hoặc sống vĩnh viễn trong rạn, hoặc trải một thời gian để sinh đẻ và cá con sinh trưởng. Các loài cá trải qua cả cuộc đời trong rạn như cá mú, cá hồng, v.v. Tôm hùm là nguồn lợi gắn liền với rạn. Các nguồn lợi khác sinh sống tại vùng rạn là bạch tuộc, trai tai tượng, trai ốc, trai ngọc, bào ngư, hải sâm, cá cảnh, v.v.
Rạn san hô bảo vệ rừng ngập mặn và bờ biển vì ngăn cản sóng mạnh, tsunami, cản bớt dòng hải lưu. Ngược lại rừng ngập mặn cũng bảo vệ rạn san hô vì giúp phù sa lắng tụ tại bờ biển, không trôi dạt ra khơi tới vùng rạn san hô.
San hô giúp tái tạo đá vôi (CO3Ca) bằng cách hấp thụ dạng vôi hòa tan trong nước [Ca(HCO3)2 ] rồi phân hủy thành đá vôi trong bộ xương san hô.

HIỆN TƯỢNG SAN HÔ TẨY TRẮNG
Một khi sự sống của san hô bị đe dọa, như nhiệt độ nước biển đột nhiên tăng cao, nước bị ô nhiễm, ánh sáng bị che khuất lâu ngày (do rong rêu, phù sa bên trên), con san hô trục xuất tảo zooxanthellae ra khỏi cơ thể, san hô bị mất màu, chỉ còn bộ xương vôi trắng, hiện tượng “tẩy trắng” (coral bleaching) xảy ra. Nếu thiếu tảo lâu ngày, con san hô bị đói và chết. Trong trường hợp môi trường được cải thiện trước khi san hô chết, tảo được con san hô kêu gọi trở về, và san hô hồi sinh. Nghiên cứu cho biết trận bảo Flora gây thiệt hại nặng nề, gây san hô tẩy trắng ở vùng biển Jamaica, nhưng trong thời gian ngắn sau đó tảo zooxanthellae trở về định cư trong con san hô, rạn san hô được cứu vãn, hồi sinh tự nhiên (14). Hiện tượng san hô tẩy trắng và sau đó được hồi sinh cũng được tường trình ở các rạn san hô Côn Đảo.

Hình 4. San hô còn sống (trái) và san hô tẩy trắng (phải)

CON NGƯỜI TÀN PHÁ SAN HÔ NHƯ THẾ NÀO
San hô bị tẩy trắng và chết vì thiên tai và bởi con người.
Về thiên tai, đó là bão, tsusami, động đất, phun núi lửa ở biển, hiện tượng El Nino (làm gia tăng nhiệt độ nước biển). Trận bảo Linda (1997) tàn phá nhiều rạn san hô ở Côn Đảo, Bình Thuận và Nha Trang (13). El Nino năm 1997-1998, 1982-1983 làm giết hại nhiều rạn san hô vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, như tại biển Aceh ở Indonesia thiệt hại tới 70-80%. Lụt lớn đưa phù sa ra xa ngoài biển đến vùng rạn cũng gây tẩy trắng ở san hô. Một số động vật biển như cá parrotfish, cầu gai (sea urchins) ăn san hô.
Tuy nhiên trong vòng 40 năm trở lại đây, con người đã phá hủy san hô nhiều nhất:
  • Đánh cá bằng chất nỗ, xử dụng cyanide để xua đuổi cá ra khỏi rạn để bắt.
  • Du lịch phát triển và khai thác san hô làm quà lưu niệm cho du khách
  • Khai thác san hô để nung vôi.
  • Biển bị ô nhiễm vì dầu loang.
  • Xả thải hóa chất, chất phế thải từ cống rãnh thành phố, từ khu công nghiệp, nhất là chất thải chứa kim loại nặng, phân bón (đạm và Phosphore) và thuốc diệt côn trùng và nhiều chất độc khác.
  • Xán hút đáy biển để cải tạo đảo. China đã phá hủy hàng trăm cây số vuông rạn san hô để cải tạo một số đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa.
  • Phát triển đô thị, lấp biển để gia tăng mặt bằng cho dân cư và khu công nghiệp.

SAN HÔ TẠI VIỆT NAM
Diện tích rạn san hô trên toàn thế giới khoảng 284,300 km2, chiếm 0,07% diện tích biển toàn cầu. Trong phạm vi thế giới, san hô vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương chiếm 91,9%, còn Đại Tây Dương và vùng biển Caribbean chiếm 7,6% Hai vùng san hô quan trọng nhất thế giới là vùng biển Australia chiếm 40,8% và vùng Đông Nam Á chiếm 32,3% (1) (Hình 5).
Diện tích rạn san hô ở Việt Nam (chưa kể Hoàng Sa và Trường Sa) là 1.270 ha, chiếm 0,45% san hô thế giới, đứng hạn 35 thế giới  (1) (Hình 6). Nếu tính thêm Hoàng Sa (nay thuộc Tàu) và Trường Sa (Việt Nam chỉ còn một ít đảo), diện tích san hô tổng cộng là 7.532 ha (10), vì toàn thể Trường Sa (thuộc nhiều quốc gia kể cả Việt Nam) có 1.150 ha san hô (1). Diện tích san hô Việt Nam như vậy rất nhỏ so với Indonesia (51.020 ha, hạng 1 thế giới), Philippines (25.060 ha, hạng 3), Malaysia (3.600 ha, hạng 17), Thái Lan (2.130 ha, hạng 26), Miến Điện (1.870 ha, hạng 27) (1). Tuy diện tích nhỏ, nhưng san hô của Việt Nam rất phong phú, đa dạng và rất quan trọng cho môi trường biển và kinh tế của Việt Nam.

Hình 5. Phân phối san hô (l) trên thế giới

Việt Nam có khoảng 350 loài san hô, trong số 800 loài trên thế giới, phân bố rộng rãi từ Bắc tới Nam. Một cách tổng quát, rạn san hô tập trung ở 3 vùng chính: Vịnh Bắc Việt, Trung Việt, và vùng Biển Tây Việt Nam (tức phía đông của Vịnh Thái Lan). Vùng chứa san hô nhiều nhất là Trường Sa và Hoàng Sa.
Trong số 350 loại san hô hiện diện ở Việt Nam có 308 loài thuộc 15 họ, 59 giống san hô tạo rạn (Stony coral, hard coral, Scleractinia), 16 loài san hô mềm (Soft coral, Alcyonacea), 6 loài san hô sừng (staghorn coral, Acroporidae), 3 loài san hô thủy tức (Hydrocoral), và 1 loài Zoanthid.

Hình 6. Phân phối san hô (l) ở Việt Nam

Một cách tổng quát, rạn san hô Việt Nam thuộc 3 dạng, “rạn san hô riềm” (fringing reef) quanh vách đá bờ biển hay hải đảo, “rạn san hô nền” (platform reef) nằm dưới đáy biển xa bờ, và “rạn san hô vòng” (atoll) là rạn hình vòng tròn kín bao quanh một vũng nước lớn ở ngoài khơi và đôi khi ở dạng “rạn san hô vòng giả” (pseudo atoll) là san hô vòng có nhiều đoạn hở (Hình 7).

Hình 7. Rạn san hô riềm ven bờ hay bao quanh đảo (trên), rạn san hô nền (giữa) và rạn san hô vòng (dưới)
Thành phần sinh vật biển sống trong rạn san hô ở vùng biển Việt Nam cũng khá đa dạng, với trên 147 loài thuộc 81 giống và 32 họ cá, trong đó có cá Bàng chài, cá Thia, cá Bướm, cá Mó, cá Đuối gai có số lượng loài phong phú nhất. Thành phần thân mềm được ghi nhận trên rạn là 115 loài thuộc 3 lớp chân bụng (với 83 loài), nhuyễn thể hai mảnh vỏ (31 loài).

Tại Vịnh Bắc Việt, san hô tập trung tại Vịnh Hạ Long, Bạch Long Vĩ, quần đảo Cô Tô, Cát Bà, Long Châu, v.v.
Vịnh Hạ Long có khoảng 2.000 đảo đá vôi, với 2 đảo lớn là Tuần Châu và Cát Bà, có nền biển cứng, là nơi san hô tập trung nhiều.
Rạn san hô trong Vịnh Hạ Long tập trung ở Hang Trai, Cống Đỏ, Vạn Giò, với 232 loài san hô. là nơi sinh cư của 81 loài chân bụng, 130 loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, 55 loài giun nhiều tơ, và 57 loài cua. Theo những khảo sát năm 1980 và 1990, san hô phân bố ở hầu hết các đảo đá vôi trong Vịnh Hạ Long, kể cả các đảo gần bờ như Đầu Gỗ, Hòn Vểu, Dầm Nam v.v. với san hô sống có độ phủ >50%, và nhiều rạn san hô trải dài hàng trăm mét.
Vào năm 1985, hầu như chỗ nào ven đảo Hạ Long cũng đều có san hô. Đến năm 1998, 1/3 rạn san hô bị mất so với năm 1985. Vào năm 2003, độ phủ tường trình là 34.2%. Khảo sát năm 2007 cho biết các rạn san hô cơ bản chỉ còn một dải hẹp ven các đảo phía ngoài như Cống Đỏ, Vạn Gió, Đầu Bê, Hang Trai, Bọ Hung. Các rạn san hô ở các đảo phía trong đã bị chết hoặc còn lại không đáng kể. Số lượng loài cũng bị suy giảm nhanh, từ trên 200 loài xuống 150 loài và đến năm 2007 thì chỉ còn thấy 102 loài trong phạm vi khu di sản Vịnh Hạ Long. Khảo sát hồi giữa tháng Sáu năm 2006 cho thấy vịnh Hạ Long và Bái Tử Long hầu như không còn san hô nữa (Khoahoc.tv ngày 14/7/2006).
Hệ sinh thái rạn san hô ở Bạch Long Vĩ (là đảo xa nhất trong Vịnh Bắc Việt, cách Hải Nam 130 km) được đánh giá là một trong những vùng rạn san hô tốt nhất ở vùng biển Bắc Việt. Đảo Bạch Long Vĩ có 99 loài san hô cứng, thuộc 32 giống và 13 họ. Có sự suy giảm mạnh mẽ ở các rạn san hô xung quanh đảo Bạch Long Vĩ, độ phủ san hô sống trung bình giai đoạn 1995-1997 là 64% giảm xuống 31% vào năm 2003, chỉ còn 15,7% giai đoạn 2007-2008.
Cô Tô là một quần đảo gồm 50 đảo nằm phía đông đảo Vân Đồn, có hệ sinh thái san hô phong phú, đa dạng, quý hiếm vào độ bậc nhất Việt Nam. Đa số san hô ở đây là các cá thể dạng vòm, san hô cứng có nhiều hơn san hô mềm. San hô sống có độ phủ 5,2% vào năm 2003. Tuy nhiên, lượng san hô quanh các đảo bị giảm sút nghiêm trọng, đến nay đã mất 70 – 85% diện tích san hô.
Tại Trung Việt, san hô rãi rác từ Thanh Hóa (Hòn Mê)  cho tới Bình Thuận (Đảo Hòn Cau), tập trung với mật độ cao ở vùng biển Khánh Hòa nhất là Hòn Mun Nha Trang, và Hoàng Sa, Trường Sa.
Tỉnh Thanh Hóa có rạn san hô duy nhất ở Hòn Mê với 58 loài san hô thuộc 22 giống và 12 họ, trong số này có 2 loài quý hiếm là san hô lỗ đỉnh nôbi (Acroporo nobilis) và san hô khối đầu thùy (Porites lobata). Tổng diện tích rạn san hô là 36,21 ha, trong đó san hô dạng khối chiếm ưu thế. San hô phân bố chủ yếu ở phía Tây đảo hòn Mê, xung quanh hòn Bung, hòn Miệng và hòn Sập với độ phủ ở mức trung bình. Hiện nay san hô suy thoái nặng nề vì khai thác quá mức.
Ở khu vực biển 4 tỉnh Miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế, có tổng cộng khoảng 800 ha rạn san hô, tạo một quần thể sinh vật biển khá phong phú. Rạn san hô ở đây có 2 dạng, một là dạng san hô riềm quanh bờ của các đảo như đảo Hòn La (Quãng Bình), Hòn Nồm (Quãng Bình), Cồn Cỏ (Quãng Trị), Hòn Sơn Trà (Đà Nẵng). Dạng thứ hai là rạn san hô nền với những rạn san hô nằm chìm sâu ở dưới nước.
Tại Hà Tỉnh rạn san hô Sơn Dương, Mũi Ròn Mạ nghèo nàn và rãi rác. Khoảng 35-40% san hô bị chết hoàn toàn trong biến cố Formosa xả thải hóa chất tháng 6/2016 (VietnamExpress, 4/7/2016).
Tại Quãng Bình, rạn san hô Hòn La phân bố ven bờ tới độ sâu 4m, đa số thuộc san hô cành Acropora. Sau biến cố Formosa xả thải hóa chất, san hô chết 45% (VietnamExpress, 4/7/2016).
Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có 111 loài san hô cứng trong 41 giống và 14 họ. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Thủy Sản thì rạn san hô Cồn Cỏ chỉ còn 40% đa dạng so với trước.
Ở bãi biển Thừa Thiên – Huế, có rạn san hô Sơn Chà với các loài san hô Montipora, Pachyseris, Galaxea, Pocillopora. Tại đây, nhiều san hô cũng bị chết trắng trong biến cố Formosa xả thải hóa chất 6/2016.
Tường trình cho biết biến cố Formosa xả thải tiêu diệt khoảng 400 ha rạn san hô (trong số 800 ha rạn) trong vùng biển 4 tỉnh từ Hà Tỉnh đến Thừa Thiên Huế (8, VietnamExpress, 4/7/2016).
Thuộc  Đà Nẵng, theo khảo sát của Hải Học Viện Nha Trang, vùng duyên hải từ Hòn Chão  tới phía nam Hải Vân và vùng Sơn Trà là nơi sinh sống của 191 loài san hô. Vùng biển phía bắc Hải Vân có rạn san hô Bãi Chuối, với các loài san hô cành AcroporaMontipora. Tuy nhiên, vào năm 2009 tường trình cho biết  80% diện tích rạn san hô vùng biển Đà Nẵng bị thoái hóa.
Tại vùng biển Quảng Nam, rạn san hô phát triển tại 2 khu vực: đảo Cù Lao Chàm (Hội An) và khu vực mũi An Hòa (Tam Hải, huyện Núi Thành). Tam Hải có 2 kiểu rạn san hô chính là kiểu rạn riềm ven các đảo và kiểu rạn nền trên các bãi cạn, đồi ngầm. Kiểu rạn nền có thành phần đa dạng và độ phủ cao hơn. Thành phần và độ phủ của san hô thường từ 30-35%, có nơi độ phủ đạt 100%. Ran san hô ở biển Tam Hải có đa dạng sinh học cao, phong phú về nguồn lợi thuỷ sản. Tuy nhiên rạn san hô An Hòa – Tam Hải đang đứng trước nguy cơ xâm hại nghiêm trọng.
Rạn san hô ở vùng biển Quy Nhơn không đa dạng bằng một số nơi khác trong nước như Khánh Hòa, Bình Thuận. Các rạn san hô tập trung bờ nam bán đảo Phương Mai, phía nam đảo Nhơn Lý, ven đảo Hòn Đất. Ở ven đảo Cù Lao Xanh, do được bảo vệ tương đối tốt, ở khu vực phía đông, tây nam san hô đã tái sinh khá tốt. Tuy nhiên trừ rạn san hô ở những địa điểm kể trên, ở những khu vực còn lại diện tích san hô không đáng kể.
Tỉnh Phú Yên có tổng diện tích rạn san hô khoảng trên 300 ha. Rạn lớn nhất thuộc khu vực An Hải – An Chấn (167,2 ha), trong đó có rạn lớn nhất ở Bãi Gõ thuộc Xã An Chấn (39,4 ha) và Hòn Chùa – An Chấn (32,73 ha). San hô mềm chiếm ưu thế ở bãi rạn ven bờ Bãi Gõ (An Chấn) xung quanh Hòn Chùa. Độ phủ trung bình của san hô sống là 16%, trong đó san hô cứng có độ phủ trung bình 5,8% và san hồ mềm 9,9%. San hô tại Phú Yên khá phong phú, với 151 loài san hô cứng thuộc 48 giống và 14 họ, trong số này loài cao nhất thuộc về các giống Acropora (27 loài), Montipora (16 loài), tiếp theo là Porites (8 loài), và Fungia (8 loài). Hòn Chùa có 25 loài. San hô cứng vùng An Chấn khá nghèo (15)
Tỉnh Khánh Hòa bắt đầu với Rạn Trào thuộc Vịnh Vân Phong gồm 13 rạn san hô với 28 loài san hô sống trong diện tích tổng cộng 28 ha với độ bao phủ 60%.
Vịnh Nha Trang là nơi san hô sống phát triển tốt và phong phú nhất Việt Nam, có diện tích khoảng 252 ha với độ phủ rất cao và tập trung phân bố ở các khu vực Hòn Mun (22 ha), Hòn Tằm (20 ha), Hòn Rơm (3,2 ha), Hòn Vung (4,6 ha), Hòn Cau (3,2 ha). Hiện nay, chỉ có Hòn Mun và Hòn Rơm là nơi có rạn san hô tương đối ổn định, còn ở VinPearl – Hòn Tre, Bích Đầm, Hòn Một bị tàn phá bởi hoạt động đánh bắt và tác động của môi trường (Tạp chí Môi trường, số 6/2014). Một nghiên cứu trên 8 địa điểm san hô trong vịnh Nha Trang từ 1994 đến 2005 cho thấy độ phủ giảm từ 52,4% xuống 21,2%, trung bình 2,8%/năm.
Vũng Tròn thuộc tỉnh Ninh Thuận có khoảng 430 ha rạn san hô với 125 loài với độ phủ từ 10% đến 75% tùy vùng. Biển Ninh Hải cũng rất phong phú san hô, nhất là vùng biển Núi Chúa.
Tại Bình Thuận, bên ngoài khơi đảo Phú Quý có một khu vực san hô rộng lớn, tại đó có các loài Acropora spp. và Pocillopora spp. chiếm ưu thế. Cù Lao Câu hay còn gọi là Hòn Cau (thuộc Tuy Phong, Bình Thuận) được các nhà khoa học nghiên cứu và đánh giá là vùng biển có các rạn san hô còn giữ được độ bao phủ cao. Điểm đặc biệt san hô đảo Hòn Cau là một quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô, trong đó có nhiều loài chỉ có ở vùng biển Cù Lao Câu. Các rạn san hô ở Cù Lao Câu hầu như chưa bị tác động và có độ che phủ đến khoảng 43%. Đây là vùng có tính đa dạng sinh học cao nhất về khu hệ san hô mềm tại Việt Nam với khoảng hơn 65 chi trong đó có Acropora, Montipora, Porites, Favia Goniopora. Ngoài ra, ở đây còn có những diện tích nhỏ các trãng cỏ biển.
Tại Nam Việt, không có san hô dọc duyên hải từ Vũng Tàu – Cà Mau – Hà Tiên, nhưng rất phong phú san hô ở các hải đảo, như Côn Đảo có 219 loài san hô, và ở vô số đảo vùng Phú Quốc (8).
Côn Đảo có diện tích rạn san hô khoảng 2.000 ha, với 217 loài san hô cứng thuộc 59 giống và 15 họ; xu hướng gia tăng rõ ràng về độ phủ san hô sống được quan sát thấy ở các rạn san hô xung quanh đảo Côn Đảo, từ 17,3% năm 1998 lên 29,71% giai đoạn 2007-2008, chứng tỏ các rạn san hô nơi đây sau khi bị tàn phá bởi cơn bão Linda năm 1997 đang có dấu hiệu phục hồi rất tốt. Tuy nhiên, tường trình vào 16/6/2016 của Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết một lượng lớn san hô thuộc vùng biển huyện Côn Đảo đang bị tẩy trắng và chết dần trên diện rộng khoảng từ 600 đến 800 ha tại khu vực phía đông (mặt trước Côn Đảo) tại các địa điểm Cựa Gà, Hòn Tài, Bãi Dương, Cát Lớn, bãi Xi Măng, mặt trước Hòn Cau, bãi Cô Vân, Bãi Vong, Bờ Đập và Đầm Tre, uớc lượng tỷ lệ trung bình san hô bị tẩy trắng là khoảng 60-70% (Báo Người Lao Động, 17/6/2016). Lý do bị tẩy trắng là do nhiệt độ nước biển gia tăng do El Nino xảy ra. Kết quả khảo sát mới nhất vào tháng 10/2016, khoảng 200 ha san hô đã hồi phục (Khoa học phát triển, 24/11/2016).
Theo tài liệu khảo sát của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), vùng san hô trên biển Phú Quốc rộng gần 480 ha. Riêng khu vực Nam đảo, tức quần đảo An Thới, diện tích san hô trải rộng trên 360 ha. Độ phủ trung bình khoảng 44,5%, có nơi lên đến 82,5%. Phú Quốc có thành phần loài đa dạng nhất với 258 loài san hô cứng thuộc 49 giống và 15 họ. Tuy nhiên, ngày nay san hô Phú Quốc chỉ còn 30% so với trước kia (Tuổi trẻ ngày 28/9/2015).

KẾT LUẬN
Hệ sinh thái rạn san hô Việt Nam đang đối diện với những de dọa từ con người như đánh bắt cá bằng thuốc nổ, dùng hóa chất độc hại, khai thác san hô bừa bãi, hoạt động du lịch, gây ô nhiễm môi trường nước sông và biển do dầu loang, xả thải chất thải lỏng và đặc vào biển từ các khu công nghiệp (như Formosa, nhà máy nhiệt điện ở Bình Thuận, v.v.), từ cống rãnh thành phố và các hoạt động kinh tế xã hội khác là nguyên nhân hủy diệt rạn san hô ở Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy 90% diện tích san hô ở Việt Nam đang nguy cấp vì ô nhiễm. Một báo cáo khác cho biết 96% diện tích rạn san hô ở Việt Nam đang bị đe dọa, trong số này 75% là nguy kịch.
Thật vậy, san hô bị tiêu diệt trầm trọng ở Việt Nam. Theo Tổng Cục Biển và Hải Đảo của Việt Nam, khoảng 80% san hô bị tiêu diệt do khai thác quá mức và do ô nhiễm môi trường. Tính trên toàn lãnh thổ, vào năm 1997, san hô nguyên thủy (chưa bị tàn phá) chiếm 33,3% tổng số rạn san hô, chỉ còn 11,6% vào năm 2007.
Tại Vịnh Bắc Việt, vào năm 1985, san hô có mặt ở hầu khắp các vùng ven đảo ở vịnh Hạ Long. Đến năm 1998, diện tích san hô chỉ còn 2/3 so với năm 1985. vào tháng 6 năm 2006 hầu như không còn san hô tại các vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Đi cùng với sự suy thoái của san hô trong vùng là sự vắng bóng của các loài hải sản quý và sự suy giảm sản lượng đánh bắt thủy sản nói chung.
Tại 4 tỉnh bắc Trung Việt, từ Hà Tỉnh đến Huế, thảm họa Formosa Vũng Áng tháng 6/2016 gây thiệt hại diện tích san là 400 ha, chiếm 50% diện tích san hô của vùng này (8).
Theo điều tra của IUCN năm 2002, rạn san hô ở các tỉnh Miền Nam chỉ còn 1,4% diện tích được cho là rất tốt (excellent, độ phủ >75%), 31% là tốt (good, độ phủ 50 – 75% ), 48,6% là khá tốt (fair, độ phủ 25 – 50%), và 37,3% là nghèo (poor, độ phủ <25%) (11).
Nếu không bảo vệ hữu hiệu, chỉ trong vài thập niên nữa Việt Nam sẽ không còn rạn san hô, và dĩ nhiên tài nguyên hải sản cũng sẽ cạn kiệt. Trên đất liền không còn rừng, dưới biển không còn rừng ngập mặn và rạn san hô. Tương lai nào dành cho thế hệ con cháu sau này?

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
  1. Tài liệu UNEP (2002). http://coral.unep.ch/Coral_Reefs_files/reef%20area%20by%20country%20.jpg
  2. Mark D. Spalding & Barbara E. Brown (19/11/2015) Warm-water coral reefs and climate change. Science 350, 769-771.
  3. Zooxanthellae and their Symbiotic Relationship with Marine Corals. https://microbewiki.kenyon.edu/index.php/Zooxanthellae_and_their_Symbiotic_Relationship_with_Marine_Corals.
6.http://www.algone.com/zooxanthellae-and-corals. Zooxanthellae and corals
  1. Wikipedia. Coral reef. https://en.wikipedia.org/wiki/Coral_reef
  2. TS Nguyễn Thị Hải Yến (2016). Formosa cần bồi thường 1.000 tỷ USD và đóng cửa Formosa Hà Tĩnh. http://bacaytruc.com/index.php?option=com_content&view=article&id=11377:formosa-cn-bi-thng-1000-t-usd-va-ong-ca-formosa-ha-tnh-&catid=34:din-an-c-gi&Itemid=53
  3. Biển Đông Net (2013). Tìm hiểu hệ sinh thái rạn san hô. http://www.biendong.net/the-gioi-dai-duong/tai-nguyen-bien/1366-tim-hiu-h-sinh-thai-rn-san-ho.html
  4. Saigoneer (2014). Vietnam’s Coral Reefs On The Brink Of Extinction
http://saigoneer.com/saigon-development/2188-vietnam-s-coral-reefs-on-the-brink-of-extinction
  1. State of water environmental issues. http://www.wepa-db.net/policies/state/vietnam/seaareas.htm
12. VBN (4/7/2016). Formosa toxic discharge: How long will it take for marine life to recover? https://www.vietnambreakingnews.com/tag/mui-ron-ma-and-hon-son-duong/
  1. Coral reefs status
http://www.reefbase.org/global_database/dbs1,32,XXX_PAR,122.aspx
  1. Havard university – Coral reefs’ symbiosis with zooxanthellae, benefits and risks. http://isites.harvard.edu/fs/docs/icb.topic653142.files/envr140_termpaper6_coral_reef_bleaching.pdf.
  2. Nguyễn Thị Hoài Trang & Nguyễn Thị Ngọc Ẩn (2011). Định hướng công tác bảo tồn đa dạng sinh học vùng ven biển xã An chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. http://www.iebr.ac.vn/database/HNTQ4/949.pdf

Reading, 4/2017
Trần-Đăng Hồng, PhD
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts