X

Sunday, July 14, 2013

Alaska cũng nóng hừng hực, có phải vì ảnh hưởng của hiện tượng nóng ấm toàn cầu?


 

Alaska cũng nóng hừng hực, có phải vì ảnh hưởng của hiện tượng nóng ấm toàn cầu?

 Bích Vân                   

alaska-sonne

 

Những ai cho rằng sự thay đổi thời tiết trong năm nay gây nên nhiều sự kiện lạ lùng thì vừa có thêm một bằng chứng nữa khá rõ ràng tại Alaska, Hoa kỳ. Hồi cuối tháng Năm vẫn có tuyết rơi tại Alaska như thường lệ, vậy mà chỉ hai tuần sau đó ở vùng Anchorage (phía nam-Alaska) nhiệt độ đã leo lên đến 36 độ C; miền bắc-Alaska cũng chịu một cơn nắng nóng bất thường trong những ngày giữa tháng Sáu vừa qua. Hình chụp của Cơ quan Không gian NASA từ vệ tinh cho thấy bầu trời có mầu “xanh ngắt, và trong vắt” ở hầu hết khắp tiểu bang Alaska. Quả là một điều lạ.
Theo tạp chí New Scientist, hiện tượng lạ lùng tại Alaska làm dấy lên một cuộc tranh luận tại Hoa kỳ: có thể đổ lỗi cho sự biến đổi khí hậu toàn cầu là thủ phạm đã gây nên nhiệt độ bất bình thường tại Alaska? Nha Khí tượng và Hải dương học quốc gia của Hoa kỳ thì cho rằng hiện giờ còn quá sớm để kết luận, vì chưa chắc là do thời tiết. Một chuyên gia phân tích lại quả quyết rằng chính là do những chuyển động bất thường của jetstream [jetstream là những luồng gió mạnh trên tầng đối lưu (trotosphere) được phát sinh ra khi có những thay đổi về nhiệt độ và áp suất cao với áp suất thấp trong khu vực]. Trong khi đó Sarah Palin, cựu Thống đốc tiểu bang Alaska nhiệm kỳ 12/2006-07/2009 và năm 2008 từng là nữ ứng cử viên phó Tổng thống thuộc đảng Cộng Hoà, lại không tin hiện tượng nắng nóng tại Alaska là do sự biến đổi khí hậu toàn cầu nên đã viết trên mạng xã hội Facebook: “Global warming my gluteus maximus!” (dịch nôm na: “Nóng ấm toàn cầu à? cái bàn toạ của tôi í!”) (BV)

Suốt cuộc đời sẽ mãi mãi trẻ như ở tuổi 24?
Tiến sĩ Bill Andrews là một chuyên gia sinh học người Mỹ cống hiến suốt cuộc đời cho các cuộc nghiên cứu, luôn luôn bị quyến rũ bởi ý tưởng sẽ khám phá ra công thức của sự sống vĩnh cửu. Có lẽ Tiến sĩ Andrews là một fan hâm mộ cuộn phim “The Curious Case of Benjamin Button” (phim về một cậu bé có chu trình sinh học ngược với bình thường, do tài tử gạo cội Bratt Pitt đóng vai chánh). Ts Andrews tin rằng một ngày nào đó người ta sẽ có thể đảo ngược lại quá trình lão hoá và mãi mãi ở tuổi 24. Các cuộc nghiên cứu của Ts Andrews tập trung vào các telomere và telomerase là enzyme chứa telomere, vì ông tin rằng nếu kéo dài telomere trong một số các tế bào là có thể kéo dài cuộc sống của con người. Trả lời cuộc phỏng vấn của báo NZ Herald (của Tân-tây-lan), Ts Andrews cho biết chi phí của các cuộc nghiên cứu tính đến nay đã lên đến 33 triệu mỹ kim, và ông còn cần khoảng 40 triệu mỹ kim nữa để thử nghiệm một loại thuốc có thể khiến người ta trẻ lại, mà trẻ lại quay về tuổi 24 là độ tuổi mà cơ thể chúng ta ngưng phát triển (vì sau ngày sinh nhật thứ 24 là chúng ta càng ngày càng già đi, vì các tolemere càng ngày càng ngắn dần).
Tiến sĩ Bill Andrews tiết lộ rằng ông không muốn ngày nào đó phải chết (vì già): “Tôi tin vào các công trình nghiên cứu của tôi sẽ tìm ra tất cả giải pháp cho mọi vấn đề liên quan đến sự già nua mà sớm hay muộn chúng ta phải trải qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và sẽ nghiên cứu mãi mãi …” (BV)

NeverWet đã thấy bầy bán trên thị trường
Làm đổ cà-phê sữa lên giầy vải mầu trắng? Nước thấm ướt thùng cạc-tông đựng đồ vật quý giá? Xin đừng hốt hoảng vì đã có bình xịt NeverWet (không bao giờ ướt)! Cuối tuần vừa qua tại Mỹ trong các siêu thị lớn chuyên về xây cất và trang trí nội thất như Home Depot đã thấy bày bán bình xịt NeverWet có thể làm chất lỏng đọng lại và trôi tuột đi dễ dàng. Thậm chí có thể xịt lên điện thoại di động rồi đem bỏ thử vào chậu nước cũng không làm điện thoại bị hư, bị thấm nước. Thêm một thử nghiệm (khá lạ lùng) nữa là có thể chuyên chở một thùng cạc-tông đựng các chai rượu ngâm trong đá cục mà thùng giấy cạc-tông vẫn không thấm nước đá sau khi đã được phủ một lớp silicon mỏng từ bình xịt NeverWet lên mặt trong thùng giấy. Quả là kỳ diệu! Clip video quảng cáo kèm theo những gợi ý ứng dụng sản phẩm NeverWet cộng trên YouTube đạt gần nửa triệu lượt xem chỉ trong vòng mấy ngày.
Ý tưởng phát minh ra một sản phẩm để đồ đạc không bị thấm nước, không dính bụi, đã manh nha từ hơn hai năm trước và từ nhiều nghiên cứu ráo riết do các chuyên viên của hãng Ross Technology Corp. thực hiện, một công ty chuyên về xây dựng các vật dụng bằng sắt thép, đặc biệt là các kệ thật cao bằng sắt để đựng hàng hoá mà chúng ta thường thấy trong các nhà kho. Nên công ty Ross luôn băn khoăn là làm sao để các kệ sắt đừng rỉ sét với thời gian, và từ đó nảy sinh sáng kiến ứng dụng công nghệ nano để chế ra bình xịt NeverWet. Chỉ cần xịt NeverWet lên bề mặt bất cứ các đồ vật gì bằng gỗ, bằng vải, hoặc bằng sắt, thậm chí các thiết bị điện và điện tử, v.v… thì một lớp silicon mỏng sẽ bảo vệ các đồ vật đó luôn luôn được sạch sẽ vì không dính bụi, không thấm nước, vi trùng không thể xâm nhập (ví dụ như xịt lên các đồ vật trong bệnh viện), không thể đóng băng (xịt lên kính chắn gió của xe hơi, mái nhà, đường dây điện cao thế chẳng hạn). Sản phẩm NeverWet còn rất nhiều ưu điểm khác nữa như chống ẩm, chống xói mòn, v.v… Giá một bình xịt NeverWet khoảng 20 mỹ kim. (BV)

Phương pháp chụp CT có thể gây ung thư cho trẻ em
Y khoa hiện đại không thể không kể đến phương pháp Computed Tomography thường gọi tắt là chụp CT, hay chụp cắt lớp vi tính (đây là một cách chụp hình X quang. Máy CT chạy vòng quanh thân thể bệnh nhân, phát sóng X quang và đo độ dội lại của các tia X quang trên các tế bào, sau đó xử dụng các thông tin này và ráp lại hình ảnh của cơ thể trên không gian 2 hoặc 3 chiều bằng máy vi tính). Mặc dù vậy trước khi chọn phương pháp chụp CT có lẽ chúng ta phải suy nghĩ thật chín chắn, vì một cuộc khảo sát của các bác sĩ Hoa kỳ thuộc University of California in Davis vừa báo động, trên tạp chí Jama Pediatrics, rằng chụp CT có thể là nguyên nhân khiến mỗi năm có hàng ngàn trẻ em mắc bệnh ung thư. Tuy chụp CT có thể cung cấp những hình ảnh rất chính xác về tình trạng nội thương nhưng cường độ bức xạ cao từ 100 đến 500 hơn so với lần chụp X-quang bình thường. Lựa chọn phương pháp MRI không cần đến X-quang xem ra thích hợp hơn vì cũng cho ra những hình ảnh những mô mềm rất rõ ràng (MRI = Magnetic resonance imaging chụp-cộng-hưởng-từ-hạt-nhân, bắt đầu được dùng để chẩn đoán bệnh từ năm 1982, là một phương pháp thu hình ảnh của các cơ quan trong cơ thể sống và quan sát lượng nước bên trong các cấu trúc của các cơ quan nội tạng. Sự khác nhau giữa chụp cộng hưởng từ và chụp X quang là năng lượng dùng trong chụp X quang là năng lượng phóng xạ tia X còn trong chụp cộng hưởng từ là năng lượng vô tuyến điện) nhưng chụp MRI rất đắt tiền và phải lấy hẹn cả tháng trước). Quả là những con số đáng báo động nếu chúng ta biết rằng trong số 4 triệu trẻ em mỗi năm chụp CT lại có 5000 trường hợp mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên con số các bệnh nhân tí hon này lại có thể giảm gần 2/3 nếu các bác sĩ nhi khoa trong bệnh viện giảm lượng bức xạ khi chụp CT và giảm cả những xét nghiệm không cần thiết.
Tại Hoa kỳ con số những trẻ em dưới 14 tuổi bị chụp CT đã tăng hơn gấp đôi từ 1996 đến 2005. Đây là một điều đáng lo ngại vì lứa tuổi đang phát triển đặc biệt rất nhạy cảm với bức xạ, nên các trẻ em này trong tương lai có nhiều nguy cơ mắc bệnh ung thư hơn những người trưởng thành đương thời vì tuổi thọ trung bình hiện nay ngày càng cao. Theo quan điểm của Diana Miglioretti và các cộng sự viên thực hiện cuộc khảo sát, chỉ cần giảm 25% cường độ bức xạ khi chụp CT, và chụp MRI hoặc siêu âm (ultrasound) thay vì chụp CT, cũng đủ giảm 62% con số các trẻ em mắc bệnh ung thư hiện nay. Cuộc khảo sát cũng cho thấy vấn đề điều chỉnh giảm cường độ liều bức xạ thích hợp cho từng đứa trẻ khi chụp CT rất quan trọng, tuy nhiên khả năng biết cách điều chỉnh lại đòi hỏi các chuyên viên phải có một sự hiểu biết vững về kỹ thuật, và đây chính là điều nan giải khó vượt qua khi mà các chuyên viên và các bác sĩ nhi khoa chuyên về quang tuyến còn khá hiếm hoi. (BV)


 

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts