Đáy kinh tế và bến bờ sạt lở
Phạm Chí Dũng
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Cập
nhật: 06:21 GMT - thứ ba, 16 tháng 7, 2013
Có ý kiến nói tăng
trưởng kinh tế ở Việt Nam có thể chỉ hơn 0% đôi chút
Cuộc tranh cãi về cái
gọi là “đáy” của nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp biến, giữa một bên là những chuyên
gia “trung thành” với đường lối của các nhóm lợi ích và nhóm thân hữu quan
chức, với phía đối diện là những người phản biện độc lập thừa lòng tự trọng.
Gần đây, một số dư luận
trong nước đã phải lên tiếng phản ứng đối với ông Vũ Đình Ánh - một cấp phó của
Viện Nghiên cứu thị trường-giá cả (Bộ Tài chính) và cũng là người đang cổ vũ
cho học thuyết “đáy kinh tế”, khi vị tiến sỹ này cho rằng “không thể đòi hỏi công
khai minh bạch về vàng” và quy kết rằng những người có đòi hỏi như thế chứng tỏ
“không hiểu gì về bản chất của vàng”.
Các bài liên quan
- VN
sẽ 'tăng trưởng chậm, lạm phát cao'
- VN
học hỏi cách TQ làm kinh tế
- Kinh
tế VN tăng trưởng 4,9% nửa năm 2013
Chủ đề liên quan
Khẩu khí của ông Ánh lại
như khá đồng điệu với khẩu ngữ của Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn
Bình: “Chênh lệch giá vàng thuộc về đất nước, thuộc về nhân dân”.
Nhưng cũng trong khối
chuyên gia quan chức, vẫn xuất hiện những nhân tố mới đang xa dần bến bờ cũ.
“Những dự báo về khả
năng “thoát đáy” của nền kinh tế có thể bắt đầu từ giữa năm 2012 đang trở nên
xa vời hơn” - trong Diễn đàn kinh tế mùa Xuân ở Nha Trang vào tháng 4/2013,
viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đã phóng ra một phản biện bất
ngờ.
Khác hẳn với năm 2012,
số ý kiến phản biện độc lập đối với triển vọng “kinh tế Việt Nam thoát đáy”,
bao gồm cả những quan chức đa ngành vốn chưa có điều kiện để thể hiện khẩu khí
và dũng khí, đã vang lên can đảm và tự tin hơn vào nửa đầu năm 2013, ngược
chiều với não trạng của giới quan chức chính phủ.
Ở phía bên kia dòng
sông, nhiều người đang nhìn thấy bến bờ cũ bị sạt lở nghiêm trọng và còn đang
cận kề nguy cơ lũ quét.
Cho dù mức lạm phát năm
2012 chỉ có 7% và 6 tháng đầu năm 2013 chưa đầy 3%, nhưng với việc tỷ lệ tăng
trưởng GDP cũng bị sụt giảm gần như tương ứng, thay cho “quyết tâm” đến 8%-9%
của những năm trước, hiển nhiên điều này không phải là một thành tích và cũng
chẳng phát đi dấu chỉ “điềm lành” nào.
"Thực
chất GDP mà nền kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2012 và hiện thời có thể
chỉ nhích hơn chỉ số 0% đôi chút."
Một nhà nghiên cứu Hong
Kong mới đây đã đưa ra đánh giá rằng về thực chất, kinh tế Trung Quốc chỉ đang
tăng trưởng với mức 3,3%, thay vì 7,5% như báo cáo của chính phủ nước này. Và
nếu tương ứng với những sai lệch thâm căn về số liệu của Trung Nam Hải, thực
chất GDP mà nền kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2012 và hiện thời có thể chỉ
nhích hơn chỉ số 0% đôi chút.
Giảm phát lại là hệ lụy
của hiện tượng lạm phát kinh niên bị ép xuống đột ngột. Vòng quay vốn trong năm
2012 chỉ còn 0,8 lần so với mức hơn 2 lần trong giai đoạn 2007-2008 là một minh
chứng điển hình cho chiều cao hình thể kinh tế bị lùn hóa hơn một nửa.
Đáy giả 2013 - 2014
Cho tới nay, ba năm suy
thoái nặng nề vẫn như chưa sáng ra được bài học cơ bản nào. Tất cả vẫn như
nguyên vẹn, từ nợ và nợ xấu trong các ngân hàng đến tỷ lệ tồn kho chất ngất của
thị trường bất động sản vẫn hầu như chưa được thanh lý. Con số hàng trăm ngàn doanh
nghiệp phải giải thể và phá sản có lẽ vẫn chưa phải là là đáp án cuối cùng, nếu
so với tình trạng thất nghiệp mà chính một quan chức phải cho rằng “thêm vào
một con số 0 vẫn đúng”.
Vào đầu năm 2013, Bộ Lao
động, Thương binh và Xã hội đã công bố tỷ lệ thất nghiệp trên toàn Việt Nam chỉ
là 1,99%, tức còn xán lạn hơn cả mức thất nghiệp của năm 2011 và 2010.
Đến giữa năm 2013, bộ
trưởng của đức tin xán lạn ấy là bà Phạm Thị Hải Chuyền đã phải nhận lãnh số
phiếu “tín nhiệm thấp” khá cao từ các đại biểu Quốc hội - một sự trả giá cho
thói quen vô cảm trước tâm thế khốn khổ của các doanh nghiệp và người lao động.
Riêng thống đốc Ngân
hàng Nhà nước còn trở thành quán quân về tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp. Hiển nhiên
sau hai năm từ khi chính phủ mới đi vào hoạt động cùng quá nhiều hệ lụy phát
tác, khối ngân hàng đã đóng vai trò chủ đạo trong việc làm sao để tín dụng, lãi
suất huy động và lãi suất cho vay chỉ có lợi cho họ.
Cho dù tới nay mặt bằng
lãi suất huy động đã được kéo giảm đến 12%-13% so với đỉnh của nó là 19%-20%
vào cuối năm 2011, nhưng thực tế mặt bằng lãi suất cho vay chỉ được kéo hạ từ
5%-6%.
Trong cơn bĩ cực chưa
hết thấm thía, các ngân hàng chỉ chuyên tâm vào chuyện khuyến dụ người tiêu
dùng bằng cách giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là
những chương trình khuyến mãi lãi suất đối với dự án căn hộ cao cấp được thỏa
thuận giữa chủ đầu tư và ngân hàng.
Các chính sách kinh
tế gây ra nhiều tranh cãi
Hiện vẫn tồn ít nhất hàng
trăm ngàn căn hộ trung-cao cấp ở hai đầu cầu Hà Nội và Sài Gòn,
và vào cuối quý 2/2013, Bộ Xây dựng đã phải thừa nhận tỷ lệ tồn kho căn hộ vẫn
tiếp tục tăng lên. Như một hiệu ứng đồng pha, Ngân hàng Nhà nước cũng phải phát
đi báo cáo về tỷ lệ nợ khó thu hồi tại các ngân hàng đã tăng đến trên 30% so với
đầu năm 2013.
Thế nhưng lại không
thiếu minh họa về việc nhiều ngành nghề khác do chậm thu hồi vốn, và nói chung
không liên quan đến địa ốc, nên không nhận được ưu ái nào từ ngân hàng. Nhiều
ngành sản xuất như cá tra, cà phê, mía đường, sắt thép, xi măng… đều đang chìm
trong vòng nợ nần cùng núi tồn kho không tiêu thụ được. Ở một số nơi, nông dân đang
phải bán ruộng tổ tiên để trả nợ.
Mặc dù một thống kê của
Ngân hàng Nhà nước cho biết 83% nợ vay cũ đã được đưa về mức lãi suất 13%,
nhưng cho tới nay vẫn chẳng có manh mối công khai nào về chuyện các ngân hàng
thương mại đã xử lý đến đâu số nợ vay cũ để có thể chuyển sang cơ chế cho vay
mới với lãi suất thấp hơn hẳn.
Hết tháng này đến tháng
khác, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước vẫn lặp lại điệp khúc “giảm lãi suất
cho vay cần có độ trễ”.
Nhưng nền kinh tế Việt
Nam đã mòn mỏi chờ đợi cái được coi là “độ trễ” ấy đến gần ba năm qua.
Cho đến giờ, chẳng còn
mấy doanh nghiệp hy vọng vào lòng thành giảm lãi suất. Đơn giản là, các ngân
hàng với bản tính ích kỷ cố hữu của họ đã không muốn như thế.
Chỉ khi các ngân hàng
thương mại cảm nhận về mối nguy hiểm cận kề, hay nói khác hơn là về một cái
chết đe dọa họ, lãi suất cho vay mới có thể được tự động kéo giảm.
"TPP
vẫn là một cái gì đó đang được tô hồng hoặc được thao diễn để khỏa lấp các mâu
thuẫn xã hội lẫn nội bộ."
“Đáy kinh tế” cũng bởi
thế đã trở nên một từ ngữ hàm hồ ru ngủ vào năm 2012 và có thể cả vào năm 2013,
bất chấp vài ba dự đoán và khuyến cáo lạc quan từ một số giới chức điều hành,
kể cả triển vọng Nhà nước Việt Nam đang manh nha cơ hội được chấp thuận tham gia
vào Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu được đính kèm
những tự điều chỉnh về mặt nhân quyền.
Điều tốt nhất trong tình
thế hiện thời là một cái đáy giả được thiết lập, để người ta cố ru mị nhau rằng
đó là đáy cuối cùng của cuộc suy thoái cuối cùng. Để nếu khả quan, cái đáy giả
đó sẽ kéo dài đến năm 2014.
Đáy thực 2016-2017?
Cái nhìn của các tổ chức
xếp hạng tín nhiệm quốc tế cũng chẳng mấy lạc quan về điều được xem là “đáy”
của một mặt bằng điều hành kém cỏi và đầy ứ thuận thảo với các nhóm lợi ích.
Moody’s - một tổ chức
xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín - vào tháng 9/2012 đã hạ mức tín nhiệm của
kinh tế Việt Nam một bậc xuống còn B2. Tại thời điểm đó, xếp hạng tín dụng của
Moody’s đối với Việt Nam là mức xếp hạng thấp nhất trong ba tổ chức xếp hạng uy
tín trên thế giới khi thấp hơn 2 bậc so với xếp hạng của S&P và thấp hơn 1
bậc so với của Fitch Ratings.
Hiển nhiên, nếu một nền
kinh tế không thể cất cánh trong điều kiện “mới nổi”, gần như chắc chắn sẽ phải
mất một thời gian dài chìm trong tâm thế “bò sát”. S&P, Moody’s và cả Fitch
Ratings đều có lý do để e ngại về cái triển vọng quá thiếu trong sáng như thế
đối với Việt Nam.
Dù rằng TPP vẫn là một
cái gì đó đang được tô hồng hoặc được thao diễn để khỏa lấp các mâu thuẫn xã
hội lẫn nội bộ.
Nhưng trước khi nhìn về
tương lai của TPP, người ta cũng nên ngoái lại dĩ vãng để nhận biết mình đang ở
đâu, và hơn thế nữa là đang lâm vào tình trạng khó xử đến thế nào.
Chẳng mấy có ý nghĩa về
tính thực chất của WTO sau 6 năm “hội nhập”, thật khó để có thể hy vọng về một
lối thoát cho nền kinh tế Việt Nam cho dù có được tham gia vào TPP.
Liệu kinh tế Việt Nam
sẽ 'thoát đáy'?
Năng lực điều hành kinh
tế yếu kém, lồng trong bối cảnh bị xen cài quá nhiều bởi các nhóm lợi ích và
gần đây lại xuất hiện cụm từ “nhóm thân hữu”, hố phân cách giàu nghèo ngày càng
lớn lao và ngày càng đầy đặn các phản ứng xã hội quyết liệt hơn…, tất cả những nguồn
cơn đó có thể đẩy nền kinh tế và xã hội Việt Nam vào một vòng xoáy không ngoi
lên được.
Tuy vậy, cái vòng xoáy
khốn khổ ấy dù đang hiện hình nhưng vẫn chưa nguyên trạng. Với những tác động
song ánh trực tiếp từ mối nguy khủng hoảng kinh tế thế giới cùng những dự báo u
ám của “tiến sỹ tận thế” Nouriel Roubini, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ phải chứng
thực một cái đáy nữa theo mô hình chữ W, với cạnh sau sâu hơn cạnh trước và đáy
sau, tất nhiên, cũng sâu hơn đáy trước.
Nếu không có gì thay
đổi, mọi chuyện có thể xảy đến vào năm 2016-2017, hoặc sớm hơn.
Nhưng ngay cả sau cuộc
khủng hoảng tương lai ấy, nếu không tự cải tạo về những hình ảnh hoàn toàn mất
cân đối của mình, nền kinh tế và có thể cả vận động kinh tế - chính trị của
Việt Nam sẽ không có, dù chỉ một cơ hội nhỏ nhoi, để “thoát đáy”.
Bài phản ánh
văn phong và quan điểm riêng của tác giả, nhà báo hiện sống ở TP Sài Gòn
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching