X

Monday, July 1, 2013

Châu Âu tức giận đòi Mỹ giải thích vụ nghe lén


 

 
PHÂN TÍCH - 
Bài đăng : Thứ hai 01 Tháng Bẩy 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 01 Tháng Bẩy 2013

Châu Âu tức giận đòi Mỹ giải thích vụ nghe lén

Ảnh minh họa các hoạt động nghe lén của tình báo Mỹ
Ảnh minh họa các hoạt động nghe lén của tình báo Mỹ
Reuters

Đức Tâm  RFI

Một cách hành xử giống như thời chiến tranh lạnh, giữa các kẻ thù. Washington cần phải có những giải thích rõ ràng và sớm nhất. Đó là phản ứng của chung của nhiều nước Châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức sau các tiết lộ của báo chí về việc cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã theo dõi, nghe lén các định chế của Liên Hiệp Châu Âu và cơ quan đại diện nhiều nước đồng minh Châu Âu.
Theo tạp chí Đức Der Spiegel, Cơ quan An ninh Quốc gia NSA, phụ trách tất cả các tổ chức tình báo của Mỹ, đã đặt micro nghe lén trong trụ sở của Liên Hiệp Châu Âu tại Washington, thâm nhập vào hệ thống tin học để đọc thư điện tử và các tài liệu nội bộ của Châu Âu. Mỗi tháng, có khoảng 500 triệu cuộc gọi điện thoại hoặc trao đổi qua internet bị nghe lén tại Đức, gần 50 triệu tại Pháp.
Tối ngày 30/06/2013, báo Anh The Guandian bổ sung thêm: Tổng cộng có tới 38 sứ quán và phái đoàn đại diện ngoại giao là đối tượng do thám của tình báo Mỹ, như bị cài micro trong các thiết bị thông tin điện tử, đấu cáp nghe trộm, thu thập thông tin qua các ăng ten đặc biệt. Vẫn theo tờ báo, ngoài các đối thủ truyền thống do khác biệt về hệ tư tưởng và một số nước nhậy cảm ở Trung Đông, danh sách theo dõi của NSA còn có cả sứ quán Pháp, Ý, Hy Lạp, và một số đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mêhicô.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 30/06/2013 ra thông cáo nhấn mạnh : « Các sự việc trên, nếu được khẳng định, thì không thể chấp nhận được » và đề nghị Hoa Kỳ có giải thích sớm nhất. Hôm nay, tổng thống Pháp François Hollande yêu cầu Washington chấm dứt ngay lập tức các hoạt động theo dõi, nghe lén các cơ quan đại diện Liên Hiệp Châu Âu. Ông nói: « Không thể chấp nhận kiểu hành xử như vậy giữa các nước đối tác và đồng minh ».
Còn theo bộ trưởng Tư pháp của Đức Sabine Leutheusser Schnarrenberger : « Nếu các tiết lộ trên báo chí là đúng, điều này làm nhớ lại các hoạt động được tiến hành giữa các kẻ thù trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Nó vượt quá sức tưởng tượng là các người bạn Mỹ của chúng ta coi châu Âu như kẻ thù ». Vẫn theo vị bộ trưởng này, thì không thể lấy lý do chống khủng bố để biện minh việc theo dõi, nghe lén trụ sở Liên Hiệp Châu Âu tại Washington và Bruxelles.
Đại diện Ngoại giao Châu Âu, bà Catherine Ashton cũng đề nghị phía Mỹ cần nhanh chóng đưa ra các giải thích về những sự vụ nói trên.
Một số chính khách châu Âu còn đề nghị Bruxelles đình chỉ đàm phán với Washington về Hiệp định tự do trao đổi mậu dịch.
Báo chí đã khai thác các tài liệu mà Edward Snowden, nguyên là chuyên gia phân tích tin học tại NSA tiết lộ. Giống như trường hợp WikiLeaks, đây là những thông tin khả tín. Do vậy, chính quyền Mỹ đang ở thế rất bị động và buộc phải chơi ván bài lật ngửa. Washington lạnh lùng tuyên bố : « Hoa Kỳ thu thập một số thông tin ở nước ngoài, giống như các nước vẫn làm ». Nói một cách khác, « lòng vả cũng như lòng sung », tất cả các nước đều theo dõi lẫn nhau. Vấn đề là có bị lộ hay không mà thôi, như nhận định sau đây của một cựu chuyên gia tình báo Hoa Kỳ, trong bài tường trình của thông tín viên RFI Jean Louis Pourtet, từ Washington :
« Các tiết lộ của tạp chí Đức Der Spiegel chắc chắn làm cho Mỹ rất khó xử. Theo tạp chí này, cơ quan tình báo quốc gia Mỹ NSA đã theo dõi và nghe lén Liên Hiệp Châu Âu. Bộ Ngoại giao Mỹ giữ im lặng và cho đến nay, chỉ có một lời bình luận chính thức từ phía ban lãnh đạo NSA. Trong thông báo, NSA cho biết chính quyền Mỹ sẽ trả lời một cách thích hợp thông qua con đường ngoại giao và thông qua đối thoại song phương giữa các chuyên gia tình báo Mỹ-Châu Âu cũng như qua quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ với từng nước Châu Âu. NSA không hề nói một câu nào về những cáo buộc mà báo chí đưa ra.
Do không còn ở trong chính phủ và nhờ vậy có thể phát biểu dễ dàng hơn, ông Michael Hayden, nguyên lãnh đạo CIA và NSA, đưa ra ba nhận xét : Trước tiên, Mỹ tiến hành các hoạt động gián điệp. Thứ hai, tu chính án thư tư của Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ đời tư công dân Mỹ không phải là một hiệp định quốc tế. Điểm thứ ba, mọi công dân Châu Âu nếu muốn đưa ra các phán xét về hoạt động tình báo quốc tế, thì trước đó, nên xem xét kỹ càng những việc mà chính phủ của họ đã làm.
Nếu không có giải thích rõ ràng và có sức thuyết phục, thì nạn nhân đầu tiên của việc tiết lộ thông tin của tạp chí Der Spiegel là dự án hiệp định tự do trao đổi mậu dịch Mỹ- Châu Âu. Cách nay không lâu, các cuộc đàm phán về dự án này vừa mới được khởi động ».
 
 

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts