X

Saturday, April 6, 2013

Khả năng săn ngầm đáng sợ của Nhật


 

Khả năng săn ngầm đáng sợ của Nhật


Theo đánh giá, chỉ cần triển khai 1 máy bay P-3C là có thể kiểm soát toàn bộ vùng biển ven bờ đảo Shikoku Nhật Bản, huống hồ đến nay Nhật Bản đã trang bị tổng cộng gần 100 máy bay P-3C.



Thực lực săn ngầm trên không mạnh

Thời gian gần đây báo chí Trung Quốc bàn nhiều về khả năng săn ngầm trên biển và trên không của Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc và Nhật Bản hiện nay đang tồn tại những tranh chấp về chủ quyền liên quan đến đảo Senkaku ở biển Hoa Đông.

Nhật Bản vừa tuyên bố, cuối tháng 3 vừa qua, họ đã  chính thức biên chế máy bay tuần tra săn ngầm P-1 thế hệ mới do họ tự phát triển. Đây là máy bay trinh sát nội địa hoàn toàn do Chính phủ Nhật Bản hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản cùng phát triển, tính năng của nó cao hơn so với máy bay săn ngầm P-3C mua của Mỹ, vì vậy được báo Nhật gọi là “khắc tinh lớn nhất của tàu ngầm Trung Quốc”.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-1 dài 38 m, rộng 35,4 m, nặng 79,7 tấn, trang bị máy dò ánh sáng và máy dò biển sâu tia hồng ngoại do Nhật Bản tự nghiên cứu phát triển, đặc biệt có khả năng nhận biết tốt hơn đối với hiện trạng, đặc điểm âm thanh và tính năng của tàu ngầm lặn sâu mà Trung Quốc trang bị những năm gần đây.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Thực ra, thực lực săn ngầm trên không mạnh như hiện nay của Nhật Bản đến từ gần 100 máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của họ, đây là loại máy bay tuần tra, săn ngầm được các nước phương Tây sử dụng phổ biến nhất. Đặc điểm chủ yếu của nó là hành trình xa, thời gian hoạt động dài, thiết bị săn ngầm tiên tiến, tấn công săn ngầm sắc bén, thậm chí được coi là sát thủ tàu ngầm đáng sợ nhất.

Đặc biệt là những vùng biển như Tây Thái Bình Dương, từ căn cứ trên lãnh thổ Nhật Bản, máy bay P-3C càng phát huy tốt ưu thế săn ngầm của nó. Thực ra, P-3C do Nhật Bản trang bị tốt hơn so với phiên bản do nước khác trang bị, bởi vì Nhật Bản đã tự tiến hành cải tiến hiện đại hóa đối với nó.

Máy bay P-3C do họ cải tiến không chỉ có thể mang theo ngư lôi săn ngầm, mà còn có thể mang theo 4-6 quả tên lửa không đối hạm, thời gian hoạt động liên tục đạt 16 giờ.

Theo đánh giá, chỉ cần triển khai 1 máy bay P-3C là có thể kiểm soát toàn bộ vùng biển ven bờ đảo Shikoku Nhật Bản, huống hồ đến nay Nhật Bản đã trang bị tổng cộng gần 100 máy bay P-3C. Do đó có thể thấy, mật độ săn ngầm trên không của Nhật Bản thậm chí có thể coi là đứng đầu thế giới.

Nhưng, Nhật Bản chưa hề thỏa mãn, họ còn phát triển một loại máy bay săn ngầm nội địa thế hệ mới tiên tiến hơn, có khả năng săn ngầm mạnh hơn, đó chính là máy bay săn ngầm P-1.

Khác với máy bay P-3C sử dụng động cơ cánh quạt, máy bay P-1 trang bị 4 động cơ phản lực, khả năng hoạt động liên tục và độ cao bay vượt xa P-3C, có thể đến hiện trường tàu ngầm rất nhanh, ứng phó với các sự kiện bất ngờ trên biển.

Tàu ngầm lớp Nguyên, Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm lớp Nguyên, Hải quân Trung Quốc

Được biết, P-1 đã bắt đầu trang bị cho căn cứ Atsugi (nằm ở thành phố Ayase, tỉnh Kanagawa) của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, về sau sẽ còn từng bước trang bị cho các căn cứ khác của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Dự đoán, tổng số lượng mua sắm máy bay P-1 của Lực lượng Phòng vệ có thể trên 70 chiếc, từng bước thay thế cho máy bay săn ngầm P-3C cũ.

Theo bài báo, Nhật Bản sở dĩ phát triển và sở hữu lực lượng máy bay tuần tra săn ngầm khổng lồ như vậy là do họ có mục đích rõ ràng – đối phó với tàu ngầm thông thường của các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Theo báo chí phương Tây, hiện nay lực lượng tàu ngầm Hải quân Trung Quốc sở hữu tổng cộng 63 tàu ngầm thông thường và tàu ngầm hạt nhân, trong đó phần lớn đều là phiên bản mới được biên chế những năm gần đây, như tàu ngầm 039A lớp Tống, 041 lớp Nguyên và tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093, trong khi đó 12 tàu ngầm lớp Kilo nhập khẩu cũng có sức chiến đấu tương đối. Dựa vào những trang bị này, những năm gần đây, Hải quân Trung Quốc bắt đầu thực hiện nhiệm vụ huấn luyện biển xa.

Trong khi đó, những năm gần đây, Nhật Bản nâng cấp lớn trang bị săn ngầm, chủ yếu nhằm đối phó với hoạt động huấn luyện biển xa ngày càng tích cực của tàu ngầm Trung Quốc, đồng thời muốn dựa vào đó ngăn chặn các bước vươn ra biển xa của Hải quân Trung Quốc.

Trong tuyến phong tỏa chuỗi đảo thứ nhất do Mỹ-Nhật triển khai, khả năng săn ngầm của Nhật Bản là “chủ lực tuyệt đối” triệt tiêu sức chiến đấu của tàu ngầm khá mạnh của Trung Quốc. Vì vậy, máy bay tuần tra săn ngầm mới do Nhật Bản bắt đầu trang bị lần này là một “nhân vật” săn ngầm lợi hại hơn so với máy bay săn ngầm của quân Mỹ triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, do đó tạo ra mối đe dọa lớn hơn cho tàu ngầm Trung Quốc.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-1 không những có khả năng tác chiến săn ngầm rất mạnh, mà còn có chức năng nhận biết hình dạng tàu ngầm và đặc điểm âm thanh rất tin cậy, sẽ dùng để thực hiện nhiệm vụ theo dõi các động thái quân sự trên biển của Trung Quốc, đặc biệt là hoạt động của tàu ngầm.

Máy bay tuần tra săn ngầm mới P-1 của Nhật Bản.
Máy bay tuần tra săn ngầm mới P-1 của Nhật Bản.

Theo báo Trung Quốc, sau khi Nhật Bản biên chế nhiều máy bay P-1 hơn, tàu ngầm Trung Quốc sẽ rất khó tiếp tục ẩn náu dưới đáy biển và thoải mái vượt qua chuỗi đảo thứ nhất để hoạt động.

Vì vậy, trong tương lai, lực lượng tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc muốn vượt qua sự phong tỏa của chuỗi đảo, ngoài việc tiếp tục nâng cao tính năng chạy êm thì tốt nhất phải trang bị tên lửa ngầm đối không để bắn rơi máy bay P-1 trước khi loại máy bay này tiến hành tìm kiếm hay phát động tấn công. Chỉ có như vậy mới có thể bảo đảm được an toàn cho bản thân và thực hiện giấc mộng biển xa.

Trong bối cảnh lớn quân Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược tới châu Á-Thái Bình Dương hiện nay, lực lượng quân sự trên biển-trên không của Nhật Bản cũng tích cực phối hợp với quân Mỹ, và “tác chiến săn ngầm” đã trở thành điểm chung hợp tác giữa hai bên.

Quân Mỹ yêu cầu Nhật Bản tăng cường triển khai máy bay săn ngầm, không chỉ có thể trực tiếp tăng cường khả năng săn ngầm cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, mà còn có thể tiến hành yểm trợ săn ngầm trên không hiệu quả hơn cho biên đội tàu sân bay Mỹ trên các vùng biển châu Á-Thái Bình Dương.

Một khi máy bay săn ngầm P-1 (tính năng tiên tiến, cự ly bay xa hơn) bắt đầu được biên chế lượng lớn, thực lực săn ngầm trên không của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản chắc chắn tăng mạnh, tiến tới làm giảm không gian hoạt động của tàu ngầm hải quân các nước xung quanh.

Hiện nay, tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc phần nhiều là tàu ngầm thông thường, mặc dù đã trang bị hệ thống động lực AIP, nhưng khả năng ẩn náu của nó cũng khó vượt qua được tàu ngầm Nhật Bản, vì vậy khả năng phản ứng nhanh và khả năng săn ngầm mạnh của máy bay P-1 Nhật Bản thực sự là một mối đe dọa không nhỏ đối với Hải quân Trung Quốc.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-1
Máy bay tuần tra săn ngầm P-1

Săn ngầm mặt nước chặt chẽ hơn

Trong vài ngày qua, những thông tin về tiến độ chế tạo tàu sân bay trực thăng săn ngầm 22DDH mới của Nhật Bản cũng rộ lên, điều này sẽ tiếp tục tăng cường khả năng săn ngầm cho Nhật Bản.

Trong liên minh Mỹ-Nhật-Hàn, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đảm đương trọng trách “tiên phong” săn ngầm, Lực lượng Phòng vệ liên tục lớn mạnh sẽ mở rộng khu vực tuần tra tới biển Đông, nhiệm vụ chiến lược chuyển thành ngăn chặn tàu ngầm Trung Quốc xâm nhập đại dương.

Sau khi Hải quân Nhật Bản hoàn thành chế tạo tàu khu trục trực thăng 16DDH lớp Hyuga, họ liền khởi công chế tạo tàu 22DDH có khả năng tác chiến mạnh hơn, nó có thể gọi là tàu sân bay hạng nhẹ.

Do hai loại tàu chiến mới này có đường băng lớn, có thể trang bị nhiều máy bay trực thăng hơn, nên tàu sân bay trực thăng 16DDH và 22DDH của Nhật Bản sẽ là mối đe dọa chí tử đối với lực lượng tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc.

Đồng thời, bán kính tác chiến của lực lượng săn ngầm trên không bờ biển Nhật Bản có hạn, tàu sân bay trực thăng có thể lấp đi lỗ hổng này. Tàu sân bay trực thăng 16DDH có thể mang theo 11 máy bay trực thăng, còn tàu 22DDH sẽ mang theo ít nhất 14 máy bay trực thăng. Chúng chủ yếu trang bị trực thăng săn ngầm SH-60K Sea Hawk.

Tàu sân bay trực thăng Hyuga tham gia diễn tập trên biển
Tàu sân bay trực thăng Hyuga tham gia diễn tập trên biển

Hai loại tàu sân bay trực thăng nêu trên được coi là tàu chỉ huy của biên đội tác chiến săn ngầm biển xa, cộng với hạm đội “10.10” hiện có, có thể nâng cao khả năng chiến đấu săn ngầm lên mấy lần, vùng biển ảnh hưởng cũng sẽ tăng lên vài lần.

Dựa vào khả năng tác chiến săn ngầm của tàu khu trục hiện có của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, nếu nói “hạm đội 8.8” là biên chế cơ bản của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản để đáp ứng nhu cầu tác chiến săn ngầm của tàu chiến trên biển, như vậy hạm đội “10.10” chính là cơ cấu tốt nhất cho tác chiến săn ngầm của tàu chiến.

Nếu nói biên đội săn ngầm trực thăng hiệu quả nhất do 3 máy bay trực thăng luân phiên hoạt động, thì bản thân tàu sân bay trực thăng 16DDH và 22DDH đã có thể thành lập được 3 nhóm, cộng với 3 nhóm của hạm đội vốn có, như vậy khả năng săn ngầm của họ rất rõ ràng.

Hơn nữa, trong “Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương” có nhiều nước tham gia như Mỹ, Nhật Bản..., hạm đội “10.10” của Nhật Bản những năm gần đây đã nhiều lần hoạt động với chiến thuật hiệp đồng thành thục giữa tàu chiến và máy bay, đã phát hiện và “bắn chìm” chính xác, gọn gẽ với tàu ngầm hạt nhân quân xanh có ý đồ tiếp cận hoặc đang “chạy trốn”, “làm cho tàu ngầm tiếp cận họ hầu như bằng không”, điều này đã xác nhận đầy đủ thực lực tác chiến săn ngầm mạnh của hạm đội “10.10” Nhật Bản.

Nhật Bản đang chế tạo tàu sân bay trực thăng 22DDH lớn hơn 16DDH
Nhật Bản đang chế tạo tàu sân bay trực thăng 22DDH lớn hơn 16DDH

Sau khi toàn bộ 4 hạm đội “10.10” đều có sự gia nhập của tàu sân bay trực thăng, khả năng săn ngầm mặt nước của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ được tăng cường rất lớn.

Thiết bị sonar có độ nhạy cảm cao của tàu 16DDH và 22DDH kết hợp với khả năng tác chiến cự ly xa của máy bay trực thăng, trong thời chiến sẽ giúp ngăn chặn tàu ngầm nước láng giềng (sử dụng ngư lôi là vũ khí chính) tiếp cận hạm đội mặt nước của Nhật Bản, quét sạch những mục tiêu không rõ dưới nước ở vùng biển có chu vi khoảng 300 hải lý.

Có chuyên gia phân tích cho rằng, một khi Trung Quốc và Nhật Bản xảy ra tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku hoặc biển Hoa Đông, lực lượng tàu ngầm có số lượng nhiều của Hải quân Trung Quốc trong thời chiến nếu muốn vượt qua chuỗi đảo thứ nhất thì sẽ đối mặt với sự kiềm chế của lực lượng săn ngầm mạnh của Nhật Bản. Có thể nói, Nhật Bản chế tạo tàu sân bay trực thăng 16DDH và 22DDH sẽ tạo ra mối đe dọa chí tử cho lực lượng tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc.

Máy bay trực thăng SH-60K Sea Hawk là máy bay trực thăng săn ngầm được Nhật Bản cải tiến nhờ nhập khẩu công nghệ Mỹ vào thập niên 1990, có trình độ tiên tiến thế giới, đã thay thế toàn bộ máy bay trực thăng HSS-2B mà Nhật Bản sử dụng trước đây.

Được biết, Nhật Bản đã lắp thêm sonar chủ động tần số thấp tiên tiến tự chế tạo cho trực thăng SH-60K, tính năng của nó vượt sonar tần số thấp AQS-22 trang bị cho máy bay trực thăng MH-60R của Hải quân Mỹ.

Máy bay trực thăng săn ngầm SH-60K của Nhật Bản
Máy bay trực thăng săn ngầm SH-60K của Nhật Bản

Máy bay này sẽ còn trang bị radar góc mở tổng hợp, loại radar này dựa vào phân tích chếch Doppler sóng radar bức xạ từ mục tiêu là có thể nhận biết hình dạng của mục tiêu và có thể có được tỷ lệ phân giải tương tự chất lượng hình ảnh, cự ly tìm kiếm mục tiêu tàu chiến mặt nước hơn 250 km.

Như vậy, việc biên chế trực thăng SH-60K đã nâng cao rõ rệt khả năng dò tìm tàu ngầm từ trên không cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Đồng thời, tất cả tàu chiến mặt nước chủ lực của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, bao gồm 44 tàu khu trục lớp 10, 9 tàu khu trục lớp 2, đều trang bị thiết bị dò tìm săn ngầm và vũ khí tấn công tiên tiến, đảm đương nhiệm vụ tác chiến săn ngầm tầm gần của biên đội tàu chiến mặt nước.

Ngoài tàu khu trục phòng không chuyên dụng, trên các tàu còn lại cũng được trang bị hệ thống sonar kiểu mới, có thể dùng để tiến hành định vị chính xác đối với tàu ngầm. Những tàu chiến này cũng đồng thời mang theo máy bay trực thăng SH-60K, vũ khí săn ngầm mang theo gồm ngư lôi Type MK46-5 và Type 97 do Nhật sản xuất.

Ngư lôi Type 97 áp dụng 2 tốc độ (giai đoạn tìm kiếm ở tốc độ thấp, khi tấn công có tốc độ cao), có thể tấn công các mục tiêu lặn sâu tốc độ cao.

Loại ngư lôi này đã tăng cường khả năng đối phó tàu ngầm ở vùng nước nông cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, hơn nữa hệ thống dẫn đường sonar của nó có thể xác định mục tiêu dựa vào tín hiệu âm thanh do sonar dò được, đối phó hiệu quả với tàu ngầm chạy êm hiện đại.

Ngư lôi săn ngầm Type 97 do Nhật Bản chế tạo
Ngư lôi săn ngầm Type 97 do Nhật Bản chế tạo

Ngoài ra, hầu hết tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đều trang bị tên lửa săn ngầm ASROC, làm nhiệm vụ săn ngầm tầm gần của biên đội, bộ phận tác chiến của nó là ngư lôi Type Mk46-5. Thiết bị phóng ASROC trên các tàu khu trục lớp Kongo, lớp Takanami, lớp Murasame đều thuộc kiểu phóng thẳng đứng.

Ngoài ra, tất cả các tàu khu trục, tàu hộ vệ đều đã trang bị 2 thiết bị phóng ngư lôi săn ngầm 324 mm, chúng đều có khả năng săn ngầm không tồi. Sau khi một thiết bị nhận rõ vị trí cơ bản của tàu ngầm đối phương, trải qua xác nhận bằng các phương pháp dò tìm, vũ khí săn ngầm trên máy bay hoặc tàu chiến của biên đội theo sau sẽ có thể tiến hành tấn công, các loại hỏa lực đủ để phá hủy vài lần tàu ngầm này.

Như vậy, tổ hợp săn ngầm tầm xa, tầm trung và tầm ngắn được hợp thành bởi máy bay trực thăng săn ngầm hải quân, tên lửa săn ngầm và ngư lôi săn ngầm... làm cho hạm đội “10.10” của Nhật Bản không hề sợ hãi cho dù ở những vùng biển có mối đe dọa tàu ngầm nghiêm trọng nhất, chỉ dựa vào bản thân cũng đủ để ứng phó tốt.

Trong cuộc diễn tập quân sự liên hợp với các nước khác, đặc biệt là Mỹ, tác chiến săn ngầm cũng là khóa học được Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tập trung quan tâm, vì vậy, rõ ràng Hải quân Nhật Bản xác định rõ đối tượng tác chiến.

Ngư lôi săn ngầm Type MK-46 Nhật Bản
Ngư lôi săn ngầm Type MK-46 Nhật Bản

Hiện nay, số lượng máy bay săn ngầm P-3C của Nhật Bản chỉ đứng sau Mỹ, vượt xa các nước khác, đồng thời bắt đầu trang bị máy bay săn ngầm P-1 tiên tiến hơn, tìm cách lấy cụm máy bay săn ngầm để áp chế tàu ngầm nước đối tượng.

Đồng thời, thực lực săn ngầm của tàu chiến mặt nước Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cũng đứng ở vị trí dẫn đầu tuyệt đối ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, không chỉ các loại tàu khu trục và tàu hộ vệ đều trang bị máy bay trực thăng săn ngầm, mà tàu sân bay trực thăng 16DDH và 22DDH đang đóng vai trò “tàu sân bay săn ngầm”; còn việc mở rộng quy mô lực lượng tàu ngầm, cùng với việc nâng cao khả năng răn đe tàu ngầm, cũng đã tăng cường khả năng tác chiến săn ngầm dưới nước.

Do đó, đằng sau việc Nhật Bản nhấn mạnh đến “mối đe dọa tàu ngầm từ Trung Quốc”, bản thân họ lại luôn tìm cách chiếm vị trí ưu thế tuyệt đối trong lĩnh vực tác chiến săn ngầm và chiến tranh tàu ngầm. Trên cơ sở đó, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã xây dựng thành công lực lượng săn ngầm mạnh nhất khu vực châu Á -Thái Bình Dương và chắc chắn sẽ đóng vai trò tiên phong trong chiến lược mới châu Á -Thái Bình Dương của Mỹ, theo đó, báo Trung Quốc cho rằng, "điều này rõ ràng “bất lợi” cho an ninh và ổn định của khu vực châu Á -Thái Bình Dương".

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts