NHẬT BẢN - QUÂN SỰ -
Bài đăng : Thứ hai 11 Tháng Mười Một 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ
hai 11 Tháng Mười Một 2013
Nhật
Bản tập trận dùng tên lửa ở Thái Bình Dương
Binh sĩ Nhật triển khai tên lửa đất đối hạm trong cuộc tập trận
tại căn cứ Naha, phía nam đảo Okinawa, 11/11/2013
REUTERS
Thanh Hà RFI
Trong khuôn khổ các cuộc
thao diễn quân sự ở vùng Thái Bình Dương, ngày 11/11/2013, Nhật Bản tiến hành
đợt tập trận với việc sử dụng tên lửa không gắn đầu đạn tại một hòn đảo ở phía
nam Okinawa. Tokyo khẳng định các chương trình thao diễn không nhắm vào bất kỳ
một quốc gia nào, nhưng theo giới quan sát, đây là một thông điệp rõ ràng Nhật
Bản muốn gửi tới Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo sáng nay 11/11/2013 tại Naha, thủ phủ Okinawa,
các giới chức quân sự Nhật Bản thông báo đã huy động tên lửa không gắn đầu đạn
loại SSMI đến đảo Miyako. Đây là một hòn đảo nhỏ nằm cách Okinawa 300 km về
phía nam. Okinawa là cửa ngõ vào Thái Bình Dương.
Trung Quốc lên án việc Nhật Bản đưa tên lửa đến đảo Miyako. Tuy nhiên,
để tránh gây thêm căng thẳng với Trung Quốc, trong cuộc tập trận sáng nay, lính
Nhật đã không bắn các loại tên lửa này.
Phía Nhật Bản nói rõ đợt thao diễn quân sự lần này nhằm « trắc
nhiệm về khả năng phối hợp giữa các đơn vị » của lực lượng phòng thủ Nhật
Bản. Kể từ ngày 01/11/2013 Tokyo đã điều động 34 000
binh sĩ, khu trục hạm, chiến đấu cơ tham gia chiến dịch tập trận kéo dài cho
tới hết ngày 18/11/2013.
Chiến dịch thao diễn quân sự kéo dài trong ngày của Nhật Bản khiến
Trung Quốc lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh chương trình diễn tập bao gồm cả
các nội dung như đổ bộ, bắn đạn thật …
Chính quyền Tokyo luôn khẳng định mục tiêu đề ra nhằm « duy trì
và cải thiện khả năng đối phó của các lực lượng phòng thủ Nhật Bản » trong
trường hợp bị tấn công. Tuy nhiên tất cả các nhà quan sát đều cho rằng, đây là
một thông điệp rất rõ ràng mà Tokyo đang gửi tới Bắc Kinh. Nhật Bản và nhiều
quốc gia trong vùng Thái Bình Dương đang lo ngại trước sức mạnh quân sự cũng
như trước những tham vọng lấn chiếm biển đảo ngày càng lớn của Trung Quốc.
Tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, là cái gai trong quan
hệ Nhật-Trung. Tàu tuần duyên Trung Quốc thường xuyên thâm nhập lãnh hải Nhật
Bản trong vùng đe dọa đến hòa bình trong khu vực.
PHILIPPINES - BIỂN ĐÔNG -
Bài đăng : Thứ hai 11 Tháng Mười Một 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ
hai 11 Tháng Mười Một 2013
Philippines xây dựng
căn cứ chiến lược nhìn ra Biển Đông
(Ảnh: Internet)
Tú Anh RFI
Nằm trong vùng quần đảo
Palawan, Oyster Bay nhìn thẳng ra biển Đông Nam Á và chỉ cách Trường Sa 150km.
Manila đang gấp rút xây dựng biến vùng vịnh thiên nhiên được du khách hâm mộ
thành một căn cứ quân sự chiến lược răn đe Trung Quốc.
Philippines từng bước nâng cấp khả năng phòng vệ trước tham vọng
của Trung Quốc. Theo kế hoạch, một căn cứ quân sự chiến lược sẽ được hoàn tất
vào năm 2016 tại Oyster Bay, một danh lam nổi tiếng trên đảo Palawan. Chính phủ
Aquino đã chi ra 12 triệu đôla để canh tân đường giao thông, xây dựng quân
cảng, một trong nhiều nỗ lực của Manila để nâng cao khả năng tác chiến của quân
đội.
Trong bối cảnh bị Trung Quốc gây sức ép quân sự và ngoại giao,
Tổng thống Philippines đã phê chuẩn một ngân sách 1,8 tỷ đôla canh tân quân đội
dù là nước nghèo. Ngân sách này bao gồm kế hoạch tăng cường khả năng tác chiến bên
ngoài lãnh thổ, qua chương trình tân trang căn cứ Subic Bay nằm ở phía bắc
Manila nhìn ra Thái Bình Dương.
Nhưng vì sao Manila xây dựng thêm một hải cảng chiến lược ?
Khác với Subic Bay, căn cứ Oyster Bay mà phía Hoa Kỳ gọi là « mini
Subic » có một vị trí cực kỳ quan trọng vì nhìn thẳng ra quần đảo Trường Sa,
nơi mà Trung Quốc tự cho là có chủ quyền « không
thể tranh cãi ».
Thứ hai là từ một năm nay, số tàu chiến Mỹ hoạt động trong vùng
gia tăng rõ nét và cần hậu cứ. Theo cơ quan quản lý Subic Bay, trong 6 tháng đầu
năm nay, có đến 72 chiến hạm và tàu ngầm Mỹ ghé qua. Theo thời gian, số tàu
chiến Mỹ đến Philippines tăng dần : 51 chiếc trong năm 2010, 54 chiếc năm 2011
và 88 chiếc trong năm 2012 không kể các quân cảng khác.
Hoạt động hải quân Mỹ sẽ gia tăng thêm, nếu Manila và Washington
đạt được thỏa thuận mới nâng cấp quan hệ quốc phòng dựa trên hiệp ước an ninh
chung ký từ năm 1951 và đang được đàm phán bổ sung.
Trong khi chờ đợi, Philippines vẫn tiến hành công trình chuẩn bị
hạ tầng cơ sở. Bản thân hải quân Philippines cũng cần nhiều quân cảng làm hậu
cứ. Manila đã nhận thêm hai tuần dương hạm do Hoa Kỳ cung cấp. Tuần rồi, Philippines
kêu gọi đấu thầu mua thêm nhiều chiến hạm trang bị tên lửa với tổng trị gia gần
200 triệu đôla. Có ít nhất bốn nước Pháp, Ý, Ấn, Hàn Quốc nhận lời.
Philippines có ý định mua thêm 5 tuần dương hạm của Pháp và nhiều tàu
chiến đa năng của Hàn Quốc và tầu ngầm để bảo vệ vùng biển đảo đang bị Trung
Quốc dòm ngó.
Theo phóng viên Al Labita của báo mạng Asia Times, thì các động
thái này của Manila chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh bực tức.
Theo kế hoạch, căn cứ Oyster sẽ có chỗ dành riêng cho một đơn vị
tiền trạm khoảng 50, 60 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tại biển Đông Nam Á. Hoa Kỳ còn
có ý định sử dụng bãi tập của Thủy Quân Lục Chiến Philippines tại Palawan rộng
gần 250 hecta làm Bộ Chỉ huy chung cho hai quân đội. Do vậy, căn cứ Oyster sẽ
phải được trang bị thêm một hệ thống radar cực mạnh nhìn ra biển Đông Nam Á.
Hệ thống radar canh chừng hoạt động của hải quân Trung Quốc tại Biển
Đông nằm trong kế hoạch của Manila cho phép quân đội Mỹ, không quân cũng như
hải quân, sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines.
Mặc dù Hiến pháp hiện hành cấm Philippines cho quân đội nước ngoài
đồn trú thường trực, nhưng Hoa Kỳ và chính phủ Manila khai thác được kẽ hở của
luật pháp để tiến hành kế hoạch chung vì quyền lợi địa chiến lược trước mối đe
dọa của Bắc Kinh.
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching