X

Friday, November 1, 2013

Vụ NSA nghe trộm : Làn sóng phẫn nộ lan sang châu Á


 

ÚC - MỸ - 

Bài đăng : Thứ sáu 01 Tháng Mười Một 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 01 Tháng Mười Một 2013

Vụ NSA nghe trộm : Làn sóng phẫn nộ lan sang châu Á


Cơ quan tình báo NSA dùng sứ quán Úc làm cơ sở thu thập thông tin tại châu Á - Reuters

Cơ quan tình báo NSA dùng sứ quán Úc làm cơ sở thu thập thông tin tại châu Á - Reuters

Mai Vân  RFI


Indonesia vào hôm nay, 01/11/2013, đã triệu mời Đại sứ Úc tại Jakarta lên Bộ Ngoại giao để yêu cầu giải thích về thông tin theo đó sứ quán Úc đã được cơ quan tình báo Mỹ NSA dùng làm cơ sở thu lượm thông tin.

 

Malaysia cũng có yêu cầu tương tự đối với Úc, trong lúc Trung Quốc, ngay từ hôm qua, đã lên tiếng cảnh cáo đích danh Hoa Kỳ.


Theo hãng tin AFP, Đại sứ Úc tại Jakarta, ông Greg Moraty, vào sáng nay đã được triệu mời đến Bộ Ngoại giao Indonesia để tiếp xúc với một quan chức ngoại giao cao cấp. Trả lời báo chí lúc ra về, ông Moraty nói ngắn gọn : « Cuộc gặp rất tốt ». 

Đại sứ Úc được triệu mời sau khi hai tờ báo Der Spiegel tại Đức và tờ The Sydney Morning Herald tại Úc tiết lộ rằng tình báo Mỹ đã sử dụng các Đại sứ quán Úc ở châu Á để thu thập các dữ liệu, thông tin trao đổi, đặc biệt là qua ngã Internet. 

Chính quyền Indonesia đã giải thích là họ đã triệu mời Đại sứ Úc để phản đối vụ việc. Theo Ngoại trưởng Marty Natalegawa, Indonesia « rất quan ngại và không thể chấp nhận một vụ việc như vậy ». 

Ngay từ thứ Tư, 30/10, Jakarta cũng đã lên tiếng cực lực phản đối việc bị Mỹ nghe trộm sau khi hai tờ báo Đức và Úc nói trên tiết lộ là có đến 90 phái bộ ngoại giao Mỹ có một hệ thống theo dõi, thu thập dữ liệu từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan... 

Không riêng gì Indonesia, Malaysia cũng yêu cầu sứ quán Úc tại Kuala Lumpur làm sáng tỏ việc giúp tình báo Mỹ nghe trộm. 

Trái với thái độ gay gắt nói trên của Indonesia và Malaysia, Thái Lan và Cam Bốt đã tỏ ý coi nhẹ vấn đề. Theo Bangkok, tiết lộ của giới truyền thông không có cơ sở, trong lúc Phnom Penh cho là các tiết lộ này không có gì mới mẻ. Người phát ngôn của chính phủ Cam Bốt, Khieu Kanarith, cho là Hoa Kỳ đã sử dụng hệ thống theo dõi điện tử từ lâu rồi, cho nên các thông tin hiện nay không có gì đáng ngạc nhiên. 

Về phần Trung Quốc, một trong những đối tượng chủ chốt bị tình báo Mỹ theo dõi, Bắc Kinh vào hôm qua đã bày tỏ « mối quan ngại sâu sắc ». Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chính thức đòi Hoa Kỳ phải làm sáng tỏ và giải thích vấn đề. 

Trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu : « Phái bộ ngoại giao các nuớc bạn và nhân viên của họ tại Trung Quốc tuân thủ các hiệp định quốc tế, không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào đe dọa an ninh và lợi ích của Trung Quốc ». 

Vào hôm nay, thông qua các phương tiện báo chí, Bắc Kinh đã gia tăng sức ép, đòi Hoa Kỳ rút nhân viên tình báo của mình về nước. Tờ China Daily chẳng hạn, đã nhắc nhở rằng hoạt động của các điệp viên Mỹ tại Trung Quốc « về bản chất là phi pháp và không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao ». 

Trong bài xã luận của mình, tờ báo không ngần ngại thẩm định : « Đối với nhiều người Mỹ, bất chấp các lập luận chính thức về quan hệ đối tác, Trung Quốc ít ra cũng là một đối thủ cạnh tranh tiềm tàng, nếu không muốn nói là kẻ thù ».

 

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts