HOA KỲ -
Bài đăng : Thứ bảy 09 Tháng Mười Một 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ
bảy 09 Tháng Mười Một 2013
Tuy giảm ngân sách, Mỹ
vẫn sản xuất hàng không mẫu hạm thế hệ mới
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Gerald R. Ford (usnavy.com)
Thụy My RFI
Hôm nay 09/11/2013, Hải
quân Mỹ làm lễ đặt tên cho chiếc USS Gerald R. Ford, hàng không mẫu hạm thế hệ mới siêu hiện đại thuộc lớp mới là
Ford-class, có trọng tải lên đến 97.000 tấn. Ngân sách dành cho việc đóng chiếc
tàu sân bay này đã vượt quá số tiền dự trù ban đầu, trong khi Hải quân Mỹ đang
phải đối mặt với tình trạng ngân sách bị siết chặt.
Vinh dự khai trương tàu sân bay tiên tiến nhất của Mỹ được dành cho
bà Susan Ford Bales, con gái của cố tổng thống và là lãnh đạo danh dự Hải quân.
Bà là người làm thủ tục đập một chai sâm banh vào thân tàu, trong buổi lễ tổ
chức tại công xưởng Hải quân Newport News nằm gần căn cứ Hải quân rộng mênh
mông ở Norfolk thuộc bang Virginia.
Việc đóng chiếc hàng không mẫu hạm này mới thực hiện được 70%, và
sẽ còn tiếp tục đến tháng 2/2016 mới hoàn tất để giao cho Hải quân – chậm mất
sáu tháng.
Nhưng trước việc ngân sách bị tự động cắt giảm, và sự cần thiết
phải tài trợ cho các dự án quan trọng như loại tàu ngầm mới trong tương lai, Tổng
tham mưu trưởng Hải quân là Đô đốc Jon Greenert đã dự trù nguy cơ “ tàu sân bay sẽ được giao trễ
hai năm, kéo dài thời kỳ mà Hải quân chỉ có mười chiếc hàng không mẫu hạm hoạt
động và không thể tăng cường năng lực” trong trường hợp có chiến
tranh.
Luật pháp cho phép Hải quân Hoa Kỳ sở hữu 11 chiếc hàng không mẫu
hạm nguyên tử, nhưng hiện giờ không đủ túc số do chiếc USS Enterprise không còn
hoạt động từ cuối năm 2012.
Tất cả mười hàng không mẫu hạm hiện nay, được đưa vào hoạt động từ
năm 1975 đến 2009, đều thuộc lớp Nimitz. Chiếc tàu sân bay CVN-78 USS Gerald R.
Ford, tiếp theo đó là chiếc John F. Kennedy (CVN-79) rồi Enterprise (CVN-80)
đều có kích thước 330 mét.
Nhưng các nhà thiết kế hứa hẹn chiếc hàng không mẫu hạm mới có khả
năng thực hiện thêm 25% số chuyến bay đối với 75 phi cơ và trực thăng mang
theo, các lò phản ứng nguyên tử sẽ sản xuất ra nhiều điện năng hơn, các thiết
bị lọc nước biển cho ra thêm 20% lượng nước ngọt mỗi ngày, giúp các lính thủy
có thể tắm rửa thoải mái. Đặc biệt những cải tiến khác nhau sẽ tạo điều kiện
cho các hoạt động bảo trì.
Theo Hải quân Mỹ, “Lớp
Ford được thiết kế để tăng cường năng lực chiến đấu và thủy thủ đoàn giảm xuống
còn khoảng 700 người (so với lớp Nimitz lên đến 5.000 người), với tổng giá
thành hạ hơn”.
Tuy vậy đến giai đoạn này, chi phí đã cao hơn hẳn so với dự kiến
ban đầu. Từ khi ký hợp đồng năm 2008 cho đến nay, giá thành đóng tàu đã lên đến 12,8 tỉ đô la, tăng 22%. Đó là Hải quân Mỹ “còn chưa tính đến 4,7 tỉ đô la
chi phí nghiên cứu và triển khai” – theo như chỉ trích của
Congressional Budget Office, cơ quan kiểm soát việc sử dụng ngân sách liên
bang.
Các lãnh đạo của Hải quân biện minh là tình trạng giá thành bị đội
lên là phổ biến đối với các chiến hạm tiên tiến thuộc loại mới. Nhưng trong
thời buổi thắt lưng buộc bụng hiện nay, việc đội giá đã gây quan ngại thậm chí
đối với cả những người ủng hộ Lầu Năm Góc nhiệt thành nhất. Chẳng hạn như
thượng nghị sĩ John McCain, đã tỏ ra bực tức trước yêu cầu mới của phía Hải
quân đòi tăng thêm 506 triệu đô la cho việc đóng chiếc USS Gerald R. Ford.
Hồi tháng Chín, GAO tức Viện Thẩm kế Hoa Kỳ cho rằng “Hải quân
trước hết “còn phải vượt
qua những vấn đề đáng kể về mặt kỹ thuật, thiết kế và lắp ráp”. Đặc
biệt GAO lấy làm tiếc trước quyết định sản xuất và trang bị trên chiếc hàng
không mẫu hạm này một số công nghệ mới trong khi chưa thật hoàn chỉnh, chiến
lược này sẽ làm “tăng
nguy cơ giao tàu chậm và những thay đổi về thiết kế gây tốn kém”.
Một loại bệ phóng phi cơ mới hoạt động bằng điện từ thay vì hơi
nước, loại radar hay hệ thống mới giúp phi cơ dừng lại khi hạ cánh cũng khiến thời
gian hoàn tất tàu sân bay USS Gerald R. Ford chậm hơn và làm tăng chi
phí.
GAO còn lo ngại là: “Thậm
chí ngay cả sau khi hàng không mẫu hạm này được đưa vào hoạt động, một số hệ
thống quan trọng vẫn sẽ chưa thực sự đáng tin cậy, làm chính phủ tốn thêm tiền
và hạn chế năng lực hoạt động của tàu sân bay”.
Tuy nhiên đối với các nước châu Á đặc biệt là Đông Nam Á, trong
bối cảnh Biển Đông và Hoa Đông có nguy cơ dậy sóng, đang trông chờ Hoa Kỳ quay
lại Thái Bình Dương, thì sự góp mặt của chiếc hàng không mẫu hạm siêu hiện đại
thuộc lớp mới của Mỹ vẫn là một tín hiệu lạc quan.
Đặc biệt trong lúc Bắc Kinh vẫn dương oai diễu võ, nhưng kỹ thuật quân
sự còn rất lâu mới đuổi kịp Mỹ: chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của của Trung
Quốc được đặt tên là Liêu Ninh chỉ là một tàu sân bay của Liên Xô cũ được mua
về tân trang lại.
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching