Thứ tư 04 Tháng
Chín 2013
Điện hạt nhân tiếp tục bị chỉ
trích nhân dự án Đà Lạt
Điện hạt nhân và hiểm họa khó kiểm soát (DR)
Trung tuần tháng 8/2013,
báo chí trong nước đưa tin về phản ứng lo ngại của chính quyền tỉnh Lâm Đồng
đối với dự án xây dựng một cơ sở hạt nhân cách trung tâm thành phố Đà Lạt 10
km. Nhìn nhận về nỗi lo ngại trước dự án hạt nhân Đà Lạt – một mắt xích cơ bản
trong chủ trương chuẩn bị nhân lực cho các nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tương
lai của Việt Nam – là một dịp trở lại với các câu hỏi : Liệu lựa chọn năng
lượng hạt nhân có thực sự hữu ích ? Và trong trường hợp bất khả kháng, cần phải
hành động như thế nào để ĐHN không trở thành một thảm họa ?
Về chủ đề này, Tạp chí
Khoa học RFI trước hết xin giới thiệu với quý vị tiếng nói của Giáo sư Nguyễn
Khắc Nhẫn, nguyên cố vấn của Nha Kinh tế - Dự báo - Chiến lược của tập đoàn
điện lực Pháp EDF. Từ mươi năm nay, Giáo sư Nhẫn dành rất nhiều tâm lực đặc
biệt cho việc nghiên cứu về vấn đề ĐHN và năng lượng nói chung, nhằm đưa ra
những tư vấn mang tính cảnh báo về nguy cơ của việc theo đuổi con đường phát
triển ĐHN một cách mù quáng.
|
RFI
: Theo tin trong nước, Việt Nam đang có dự án xây cất Trung tâm nghiên cứu
hạt nhân ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, trị giá nửa tỷ USD, do Nga giúp đỡ công nghệ.
Giáo sư đã từng nhiều lần lên tiếng về chương trình ĐHN của Việt Nam. Vậy xin
Giáo sư cho biết quan điểm về Trung tâm này ?
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn
: Vì tôi hoàn toàn không đồng ý với chương trình ĐHN của Việt Nam, tôi rất tiếc
phải nói rằng việc xây cất Trung tâm hạt nhân ở Đà Lạt, gắn liền với chương
trình này, là không cần thiết lắm, phí tiền của dân mà không đem lợi ích gì cho
nước nhà. Lẽ cố nhiên, đối với Viện Năng lượng nguyên tử, có trách nhiệm lớn
trong chương trình ĐHN, tôi thông cảm với những lý do mà ông Viện trưởng, TS
Trần Chí Thành, đã đưa ra. Theo ông Viện trưởng, thì Trung tâm có bổn phận phục
vụ các nhà khoa học, các trường đại học và các cơ sở liên quan đến việc khai
thác các nhà máy ĐHN.
Ta không có nhân lực thì
phải có cơ sở để làm thí nghiệm và đào tạo một số cán bộ ở trong nước, chứ
không thể hoàn toàn ỷ lại ngoại quốc, điều ấy dễ hiểu thôi, không có gì đáng
trách móc lắm.
Điện hạt nhân đã lỗi
thời và rất nguy hiểm
Vì thế trước tiên, cho
phép tôi trả lời câu hỏi chính là : Tại sao tôi không ủng hộ chương trình ĐHN ?
Từ 10 năm nay, qua trên
40 bài tôi viết và trả lời phỏng vấn, tôi đã có dịp trình bày những lý do tại
sao Việt Nam không nên làm ĐHN.
Tôi xin vắn tắt lại như
sau : ĐHN đã lỗi thời, không an toàn, rất nguy hiểm cho hàng chục thế hệ con
cháu sau này. ĐHN không kinh tế như người ta tuyên truyền láo, nó sẽ đắt hơn
năng lượng tái tạo, khi ta xây cất xong các nhà máy. Hiện nay giá thành điện
gió ở Âu Châu đã cạnh tranh được rồi.
Điện Hạt Nhân – ĐHN - là
Điện Hại Nước, Điện Hại Non. Non Nước và dân ta có tội gì đâu, mà phải sống
trong sự đe dọa thường trực của phóng xạ giết người, gây bệnh hoạn suốt đời,
sau biết bao tang thương của những cuộc chiến tranh tàn ác để lại. Vì một chiến
lược sai lầm, không phù hợp với cuộc cách mạng năng lượng thế giới đang diễn ra
(smartgrid, Năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng...), nếu rủi ro,
trong chớp nhoáng, Việt Nam có thể bị điêu tàn, kinh tế sụp đổ, ngành du lịch,
xuất khẩu tê liệt !
Trở lại vấn đề dự án
Trung tâm hạt nhân Đà Lạt. Tại Hội nghị Khoa học và công nghệ hạt nhân toàn
quốc lần thứ 10 vừa diễn ra tại Vũng Tàu, ông Lê Đình Tiến - Thứ trưởng Bộ KHCN
- phát biểu như sau : Chúng ta đang thiếu nhân lực, cán bộ năng lượng nguyên
tử, cán bộ giỏi về ĐHN. Hiện nay, các cán bộ trong nước đang gặp khó khăn trong
việc thẩm định kết quả tư vấn cho hai nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận do chúng ta đang
rất thiếu chuyên gia, thiếu đội ngũ làm việc cho cơ quan pháp quy để đảm bảo an
toàn an ninh cho hạt nhân, thiếu đội ngũ cán bộ xây dựng nhà máy ĐHN. Việc quản
lý chất thải nhà máy ĐHN cũng đang là vấn đề quan trọng đang tranh cãi chưa đưa
ra được hướng đi.
Như thế thì tại sao ta
phải xây dựng cấp bách nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận ? Rồi xây tiếp một loạt 14 lò
đến năm 2030 ? Chưa gì mà có người đã hãnh diện cho Việt Nam, sẽ được xếp vào
hàng thứ 15 trong số 33 nước có ĐHN trên thế giới !
Đầu tư khổng lồ, kết quả
mờ mịt
Trên nguyên tắc, với 500
triệu đôla, ta có thể cấp ít nhất 50.000 học bổng cho các kỹ sư đã tốt nghiệp,
du học ở ngoại quốc, khỏi cần xây cất Trung tâm này. Tuy nhiên, nếu làm 14 lò
với tham vọng xây dựng nền tảng cho một công nghiệp hạt nhân, thì sẽ cần thêm
hàng chục tỷ đô la để đầu tư vào nhiều cơ sở nghiên cứu khác, một Trung tâm có
nghĩa lý gì ?
Diện tích đất trong dự
án (Đà Lạt) lên đến 107 ha, tha hồ mà xây cất. Càng nhiều Trung tâm như vậy,
giá điện càng tăng nhanh !
Nên biết rằng trước khi
EDF (Electricité de France – Công ty điện lực quốc gia Pháp) bắt đầu xây cất
các nhà máy ĐHN vào năm 1957, Pháp đã có lò Zoe – EL1 (1948), EL2 (1952). Sau
đó, liên tiếp từ 1956 trở đi đến 1978, Pháp không ngừng xây cất gần 30 lò
nghiên cứu và đào tạo, rải rác ở nhiều Trung tâm của CEA. Hiện nay chỉ 15 lò
nghiên cứu còn hoạt động.
Như thế có nghĩa là, nếu
ta quyết tâm chọn con đường hạt nhân, đầy chông gai hiểm trở, theo tôi, hoàn toàn
bế tắt, thì ta sẽ phung phí hàng chục, rồi hàng trăm tỷ đôla của dân còn nghèo khổ.
Nó sẽ thu hút tất cả nguồn sinh lực và tài chính quốc gia, không cho phép ta
đầu tư vào những lĩnh vực then chốt khác : Năng lượng tái tạo, tiết kiệm và tăng
gia hiệu suất năng lượng, chưa kể các lĩnh vực ưu tiên, như giáo dục, nghiên
cứu, y tế, xã hội...Và ta sẽ càng khó đuổi kịp các nước biết nhìn xa ngó rộng,
biết đầu tư đúng nhịp tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày nay.
Chương trình ĐHN Pháp
quá mạnh, nay cũng bị kẹt ! Pháp muốn khai thác nhanh Năng lượng tái tạo như
Đức mà không đủ điều kiện, nhất là về tài chính. Đức rất khôn ngoan, đã tiên
phong đầu tư vào lĩnh vực tái tạo từ hơn 20 năm nay !
Pháp : Cường quốc hạt
nhân dần chuyển sang năng lượng xanh
Để có một ý niệm về tầm
quan trọng của lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân, tôi xin phép vắn tắt giới thiệu
Trung tâm hạt nhân của Pháp nêu trên : CEA (Commisariat à l'Energie Atomique et
aux Energies Alternatives). Hai chữ Energies Alternatives (các năng lượng mới)
mới thêm vào cách đây vài năm, chứng tỏ sự chuyển hướng của Pháp trong lĩnh vực
năng lượng. CEA, nỗi tiếng trên thế giới, có cả thảy 5 cơ sở dân sự (Saclay,
Fontenay- aux- Roses, Grenoble, Marcoule và Cadarache) và 5 cơ sở quân sự. Với
một ngân sách lên đến 4,7 tỷ euros và 16.000 nhân viên có trình độ rất cao,
phục vụ ở 53 đơn vị, CEA hợp tác chặt chẽ với 500 xí nghiệp.
Riêng về CEA Grenoble,
trước kia gọi là CENG (Centre d'Etudes Nucléaires Grenoble), được GS Louis
Néel, Nobel Vật lý, thành lập năm 1956, tôi được biết rõ hơn cả vì đã tu nghiệp
hạt nhân ở nơi đây.
CENG có cả thảy 12 phòng
thí nghiệm, dành cho nghiên cứu vật lý cơ bản, vật lý chất rắn, nhiễu xạ
nơtron, nhiệt độ thấp, cộng hưởng từ, máy gia tốc. Các phòng thí nghiệm khác
đảm trách vật lý hạt nhân, truyền nhiệt, đặc tính hóa học của chất rắn và luyện
kim, đặc tính hóa học dưới bức xạ, ứng dụng chất phóng xạ và điện tử. Cộng với
3 lò hạt nhân : Mélusine, Siloé, Siloette, CENG đã đào tạo hàng ngàn kỹ sư cho
EDF.
Từ 2002 đến 2012, CEA
Grenoble đã phá gỡ 3 lò nêu trên. Vì thế hiện nay, CEA Grenoble hoàn toàn phi
hạt nhân và 4 hướng nghiên cứu chính là công nghệ micro-nano, năng lượng mới,
công nghệ sinh học và nghiên cứu cơ bản.
Quá trình diễn biến khoa
học và kỹ thuật của CENG cho phép tôi nói rằng : Việt Nam đi lùi hơn nửa thế kỉ
mà không biết !
Vì cớ gì, người ta đi
tới, mình đi lùi, người ta đi ra, mình đi vào ?
Lúc bắt đầu chương trình
ĐHN, Pháp đã có một nền tảng công nghiệp cơ điện vững chắc, ngoài EDF và CEA.
Lực lượng nguyên tử của họ ngày nay có thêm Areva, một xí nghiệp hùng mạnh, bao
sân toàn bộ chu kỳ hạt nhân, từ mỏ uranium đến khâu xử lý chất thải phóng xạ.
Nên biết rằng từ 1957 đến 2010, Pháp đã đầu tư cả thảy khoảng 300 tỷ đô la vào
lĩnh vực hạt nhân dân sự.
Liệu ta có đủ nhân lực
và tài chính để ồ ạt xung phong vào một công nghiệp đang xuống dốc mạnh không ?
Dù sao, theo tôi, xây
dựng Trung tâm hạt nhân Đà Lạt bây giờ thì cũng quá muộn rồi, so với lịch trình
của một chương trình ĐHN quá tham vọng của ta, sang năm đã khởi công.
Nếu nâng cao hiệu suất sử dụng điện, không cần ĐHN
Giáo sư Phạm Duy Hiển : Hiện nay có một mâu
thuẫn như thế này : Chúng ta nói là Việt Nam thiếu điện. Tất nhiên hai năm
nay, thì đỡ hơn rất nhiều, vì có một số tổ máy vào, không đến nỗi bị cúp điện
như cách đây 3, 4 năm. Nhưng mà tôi vẫn giữ một quan điểm là Việt Nam rất
lãng phí điện. Chúng tôi có những công trình nghiên cứu nói rõ những cái đó.
Việt Nam lãng phí vào loại nhất thế giới. Nói ra điều này ít ai tin được, bởi
vì một nước nghèo như Việt Nam, làm sao lại lãng phí đến mức như vậy ?!
Nhưng mà hãy hỏi các nhà nghiên cứu có tìm hiểu kỹ về vấn
đề này, thì so sánh theo những tiêu chí nhất định, thì đúng như vậy. Hệ số
đàn hồi của Việt Nam là luôn luôn lớn hơn 2, mà các nước xung quanh chỉ hơn
1. Như vậy đề làm được một đô la hay một euro, chúng ta phải tiêu thụ lượng
điện gấp đôi các nước xung quanh. 5% tăng trưởng GDP hàng năm, thì tiêu thụ
điện tăng tới 12%. Như thế hệ số đàn hồi lớn hơn 2. Hiện nay chưa giải được
bài toán đó. Thực ra những người có thẩm quyền cũng biết việc này và cũng đặt
kế hoạch đến 2020, làm sao Hệ số đàn hồi chỉ còn 1 thôi.
Cho nên quyết sách rất quan trọng. Nếu giải quyết được vấn
đề nâng cao hiệu quả sử dụng điện… Cứ làm đúng như các nước xung quanh, thì
mức tiêu thụ năm 2020 không phải là con số dự kiến như khi đưa ra Quốc hội,
lúc đề nghị duyệt chương trình ĐHN. Nếu Việt Nam đề cao hơn nữa hiệu quả sử
dụng điện năng, thì theo tôi chưa cần phải làm ĐHN. Cứ đẩy lùi chương trình
này lại.
Cái này chứng minh không khó và không phải ít người thấy.
Nhưng mà tại sao không thể làm được ? Thì thực ra tôi thấy cũng rất là khó
hiểu ?!
|
Dân các nước dân chủ
thường phản đối cơ sở hạt nhân gần dân cư
RFI :
Hiện nay tỉnh Lâm Đồng không đồng ý về việc xây cất Trung tâm ở Đà Lạt, do sợ
hạt nhân và có đề nghị nên tìm một địa điểm khác cách xa Đà Lạt 30 km. Xin Giáo
sư cho biết suy nghĩ của Giáo sư về vấn đề này ?
GS Nguyễn Khắc Nhẫn
: Tỉnh Lâm Đồng không đồng ý thì cũng có lý, tuy mức độ nguy hiểm của Trung tâm
thấp hơn nhiều so với lò ĐHN.
Muốn so sánh, lấy ví dụ
lò nghiên cứu Triga Đà Lạt 250 kW nhiệt của Mỹ viện trợ năm 1963. Sau đó vào
năm 1984, hợp tác với Nga, công suất nhiệt đã được nâng lên 500 kW. Công suất
điện lò Ninh Thuận là 1000 MW, tức gần 3000 MW nhiệt !
Rủi ro về ô nhiễm phóng
xạ phần lớn là do sự cẩu thả hay sai lầm của nhân viên khai thác. Còn lạ gì về
những nhược điểm của ta : Thiếu tác phong công nghiệp, tác phong xã hội, văn
hóa an toàn. Thảm họa Tchernobyl hay Fukushima là do ở con người chứ không phải
ở thiết bị.
Ngày nay ở các nước dân
chủ, nhất là ở Âu Châu, phần đông các thành phố, làng, xã nhỏ hay lớn đều tìm
mọi cách để từ chối việc cấp đất để xây cất nhà máy Điện hay cơ sở hạt nhân, dù
có mua chuộc họ với tiền bạc đi nữa.
Cũng vì lẽ ấy mà các công
ty điện lực như EDF, đề nghị kéo dài thời gian vận hành các lò từ 30 đến 40, 50
hay 60 năm ! Theo tôi, gia hạn như thế rất tốn kém và nguy hiểm.
Sở dĩ ngày xưa, các
phòng thí nghiệm hạt nhân được xây dựng ở trung tâm thành phố, phần lớn cũng vì
các chuyên gia thiếu kinh nghiệm và coi thường mức độ nguy hiểm của phóng xạ.
Dân chúng thì không có thông tin chính xác để chống đối mạnh như ngày nay.
Ngay ở CENG tại thành
phố Grenoble, ngày 7-11-1967, một thanh nhiên liệu đă bị nóng chảy ở lò nghiên
cứu Siloé làm thoát ra 55.000 curies trong hồ nước và 2.000 curies trên khí
quyển. Cũng ở Grenoble, tại lò RHF (Réacteur à Haut Flux) của Viện
Laue-Langevin, ngày 19-7-1974, 2500 curies Antimoine 124 bị rò rỉ trong hồ
nước, gây ô nhiễm ở lớp nước giếng.
Trưng cầu dân ý về ĐHN
Việt Nam
RFI
: Giáo sư có thêm ý kiến gì vấn đề này ?
GS Nguyễn Khắc Nhẫn :
Theo tôi, cần phải có cuộc trưng cầu dân ý về chương trình ĐHN của Việt Nam.
Như thế mới là dân chủ !
Timothy Mitchell, Giáo
sư Đại học Columbia (New York), trong cuốn sách « Carbon Democracy »
(Năng lượng và nền Dân chủ) vừa xuất bản, đã chứng minh sự liên hệ mật thiết
giữa dân chủ và năng lượng. Qua các thế kỉ 18, 19 và 20, ta thấy các tập đoàn,
xí nghiệp, lobby, giàu mạnh trên thế giới, đã lợi dụng đồng tiền, uy tín và
quyền lực của họ, gây áp lực và ảnh hưởng lớn trong cơ cấu chính quyền, các tổ
chức xã hội, nghiệp đoàn, để khai thác và phát triển công nghiệp than, dầu,
khí, rồi ĐHN.
Sau thảm họa Fukushima,
họ thừa biết rằng thời kỳ oanh liệt của hạt nhân đã qua rồi (60 năm tròn, như
chu kỳ dài hạn của nhà kinh tế Nga Kondratieff), nên đã mạnh dạn chuyển hướng
đầu tư sang Năng lượng tái tạo.
Những nước không muốn
trưng cầu dân ý, che đậy thông tin chính xác về ĐHN, sẽ làm mất giá trị và ý
nghĩa của hai chữ dân chủ. Ở Pháp, nhờ sự tranh đấu vững mạnh của các tổ chức
phi chính phủ (ONG), giai đoạn xấu xí này đã chấm dứt từ lâu.
Bài học đi trước thời
đại của nước Áo
Nước Áo đã cho thế giới
một bài học dân chủ có một không hai trong lĩnh vưc ĐHN, mà ít người biết đến.
Từ 1972 đến 1977, nước này xây cất xong nhà máy ĐHN Zwentendorf (lò nước sôi
BWR 730 MW), cách thủ đô Vienne 60 km, cạnh bờ sông Danube. Ngay sau đó, trong
cuộc trưng cầu dân ý năm 1978 (tức trước sự cố Three Miles Island ở Mỹ năm
1979), số phiếu chống ĐHN thắng với tỷ số eo hẹp 50,5% ! Tuy vậy, chính phủ vẫn
ra lệnh tuyệt đối cấm không cho nhà máy này vận hành ! Nó đã trở thành một Viện
bảo tàng và cũng là một địa điểm đang sản xuất điện mặt trời ! Đáng phục hơn
nữa là năm 1999, luật ghi rõ trong hiến pháp - Nước Áo không hạt nhân - được
quốc hội đồng thanh biểu quyết.
Sau thảm họa Fukushima,
tỷ lệ số dân Áo chống ĐHN vọt lên 80% và người cầm đầu nước này, Werner
Faymann, đã long trọng đề nghị Cộng đồng Âu Châu nên từ bỏ ĐHN và đầu tư mạnh
vào Năng lượng tái tạo.
Theo tôi, chỉ có Năng
lượng tái tạo (không tốn tiền nhiên liệu, đừng bao giờ quên !) mới đem lại độc
lập, hòa bình và dân chủ cho thế giới.
Mỗi lò hạt nhân sẽ làm
ta kẹt ít nhất 50 năm để khai thác và 50 năm để tháo gỡ. Đó là chưa kể phải
tiếp tục quản lý chất thải phóng xạ suốt hàng trăm thế kỉ liên tiếp!
Nếu một tai nạn lớn như
thảm họa Tchernobyl hay Fukushima, xẩy ra trong số 14 lò, sẽ được xây cất ở các
tỉnh Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh, thì lãnh thổ ta sẽ
lâm nguy và bị cắt làm đôi, do phóng xạ bao trùm cả miền Trung. Dân chúng sẽ di
tản ở đâu ? Chất thải phóng xạ giết đồng bào ngàn năm vẫn còn đó.
Ta đừng vội quên
Fukushima. Chất độc phóng xạ tiếp tục tung hoành cả khu vực rộng lớn xấu số
này. Hiện nay, Tepco đang gặp cơn khủng hoảng hết sức trầm trọng. Mỗi ngày
Tepco tiếp tục đổ ra Thái Bình dương trên 300 tấn nước bị ô nhiễm ! Chính phủ
Nhật đang hoang mang, vì những thùng chứa 200.000 tấn nước nhiễm phóng xạ đe
dọa bị nứt. Vừa qua, 300 tấn nước rất độc hại đã thoát khỏi một thùng nước bị
hỏng. Sự cố đã được nâng lên
cấp số 3 trên thang INES (International Nuclear Event Scale). Tepco cũng như
Rosatom của Nga đã nhiều lần bị chỉ trích về sự thiếu nghiêm túc và nói láo, ta
cứ tin tưởng ở hai chữ an toàn của họ thì có ngày sẽ thất vọng và hối tiếc.
Nước Áo vô cùng sáng suốt đã hỏi ý kiến dân trước khi xẩy ra 3 biến cố khủng
khiếp nhất : Three Miles Island, Tchernobyl và Fukushima.
Vì vận mệnh thiêng liêng của tổ quốc và sự sống còn của đồng bào, một
lần nữa, tôi thiết tha đề nghị Chính phủ Việt Nam tổ chức gấp một cuộc trưng
cầu dân ý, trước khi khởi công. Nếu không, những ai lấy quyết định hôm nay,
ngày mai đâu còn đó mà chịu trách nhiệm với non sông ? ».
An toàn là đòi hỏi số một
Trở lại với chủ trương xây dựng một trung tâm hạt nhân
tại Đà Lạt. Ngoài các mục tiêu nghiên cứu cơ bản và sản xuất các đồng vị phóng
xạ phục vụ cho y tế và một số ngành kinh tế, dự án Trung tâm Khoa học và Công
nghệ hạt nhân Đà Lạt nằm trong chương trình đào tạo nhân lực cho kế hoạch phát
triển ĐHN tại Việt Nam, trước mắt với việc xây dựng hai nhà máy hạt nhân tại
tỉnh Ninh Thuận, với công nghệ và tín dụng của Nga và Nhật Bản, dự kiến sẽ bắt
đầu cung cấp điện từ năm 2020. Việc khởi sự một trung tâm đào tạo nhân lực hạt
nhân vào thời điểm sắp khởi công xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên (năm 2014)
cho thấy Việt Nam đang lúng túng trong chủ trương phát triển năng lượng hạt
nhân, mà việc đào tạo vốn có những đòi hỏi rất cao. Một số nhà quản lý và
chuyên gia trong nước cảnh báo, một mặt, Việt Nam chưa xây dựng xong chương
trình đào tạo ở bậc đại học cho các ngành nghề trong lĩnh vực năng lượng nguyên
tử - với ước tính cần khoảng hơn 4.000 kỹ sư, chuyên viên… từ sau năm 2020 -,
mặt khác, các ngành học này khó thu hút được sinh viên, đặc biệt các sinh viên
có năng lực khá, giỏi.
Bên cạnh những ý kiến phê phán triệt để chủ trương
phát triển ĐHN như của Giáo sự Nguyễn Khắc Nhân trong phần trình bày phía trên,
tại Việt Nam, sau khi chương trình hạt nhân chính thức được thông qua, một số
chuyên gia trước có quan điểm phản đối, nay chấp nhận chủ trương chính thức của
Nhà nước, nhưng tiếp tục bảo vệ quan điểm : Để ĐHN không trở thành một tai họa,
điều tiên quyết số một là phải đào tạo được một đội ngũ nhân lực đủ để tham gia
xây dựng, vận hành và bảo đảm an toàn các nhà máy trong tương lai.
Chúng tôi xin giới thiệu với quý vị tiếng nói của Giáo
sư Phạm Duy Hiển, nguyên viện phó Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, viện
trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, hiện là chủ tịch hội đồng khoa học cục
Kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân Việt Nam.
|
Giáo sư Phạm Duy Hiển
: « Sau tai nạn Fukushima, thì trên thế giới có tổng kết lại là tại sao nó xẩy
ra. Thì người ta rút ra mấy cái kết luận như thế này : Cái an toàn của ĐHN nó
không phải là tự trong máy móc thiết bị đã được cài sẵn, mà vấn đề là cái an
toàn đó nó được thể hiện qua đội ngũ về chuyên môn cũng như về quản lý. Do đó
cho nên, Việt Nam muốn làm ĐHN, thì như chúng tôi đã nói rất nhiều lần là cái
công tác đào tạo con người là việc hết sức quan trọng. Mà tôi nghĩ rằng Nhà
nước cũng đã quan tâm đến chuyện đó. Do đó cho nên, việc xây dựng cái trung tâm
nghiên cứu hạt nhân, với Trung tâm nghiên cứu hạt nhân cái lò phản ứng công
suất hơn 10 MW là nằm trong chủ trương ấy.
Hiện nay, Nhà nước, Quốc
hội rất muốn là có ĐHN sau 2020, nhưng mà trên thực tế tiến độ đó là khó thực
hiện được, bởi vì ngay đến bây giờ phía Việt Nam vẫn chưa nhận được những tài
liệu thiết kế cần thiết, thậm chí những tài liệu kỹ thuật, luận chứng của các
đối tác cũng chưa có. Là bởi vì, như tôi nói nhiều năm trước, việc làm ĐHN
không đơn giản như thế, như khi ta quyết định xây dựng một nhà máy đóng giày…
Đặc biệt sau vụ Fukushima, mọi người đều thấy rằng an toàn ĐHN là vấn đề rất
lớn.
Nhân lực có trình độ cao
không chỉ trong kỹ thuật mà cả trong quản lý
GS Phạm Duy Hiển
: Cho nên không thể làm mà đốt cháy giai đoạn được. Thực chất vấn đề này chúng
tôi đã dự đoán trước từ nhiều năm, thậm chí từ cách đây 10 năm. Thế và cũng căn
cứ vào tình hình chung ở rất nhiều nước trên thế giới, nói chung trong thời
gian những năm gần đây, có lẽ loại trừ Trung Quốc là một nước có lẽ cũng đặc
biệt, còn tất cả các nước khác làm ĐHN đều trễ tiến độ, so với lại dự kiến ban
đầu, thậm chí trễ rất nhiều. Tất cả đều là do chuyện con người bây giờ, người
ta lo cho chuyện an toàn, không thể chấp nhận, không thể bỏ qua bất cứ sai sót
nào. Và cái đó nó cũng đặt ra một thách thức cho Việt Nam. Là muốn làm được như
vậy, thì phải có đội ngũ, phải có những người am hiểu, chứ không phải lúc nào
cũng thuê nước ngoài được cả.
Thế thì trở lại vấn đề
nhân lực cho Việt Nam. Nhân lực có trình độ cao không phải chỉ trong lĩnh vực
học thuật, chuyên môn, kỹ thuật, mà còn cả về quản lý, lo lắng cho công tác an
toàn. Và việc chỉ đạo, lãnh đạo từ phía cấp cao của Nhà nước. Chúng ta thấy, như
vụ Fukushima hiện nay. Ngay vụ rò rỉ phóng xạ, Thủ tướng chính phủ phải đứng ra
giải quyết.
Đội ngũ nhân lực chưa
sẵn sàng thì chưa thể xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN
GS Phạm Duy Hiển
: Bây giờ gần đây nói thêm, cũng có chuyện là trong nước cũng có chính sách là
tuyên truyền cho người dân biết về ĐHN. Nhưng mà các nước người ta tổng kết về
tuyên truyền như thế này : Anh tuyên truyền cho ĐHN, thì anh không thể nói được
là ĐHN là an toàn, vì nó không đúng nữa rồi. Khắp nơi nó xẩy ra chuyện này,
chuyện khác, nhất là vụ Fukushima. Tuyên truyền (thực chất) cho ĐHN thì phải
nói như thế này : ''Bà con hãy tin tưởng vào chúng tôi ! Chúng tôi sẽ cố
gắng làm cho ĐHN an toàn đến mức có thể được''. Đấy là câu tổng kết mà tôi
cho là rất có giá trị.
Như vậy có nghĩa là,
thực chất mọi người phải làm thế nào để cho nó an toàn, và tuyên truyền có
nghĩa là thể hiện cho đồng bào, nhân dân thấy là chúng tôi đã cố gắng hết sức
để làm cho nó an toàn. Đó là tình hình của Việt Nam ta hiện nay, khi đã có
quyết định là làm ĐHN, thì có lẽ cách tốt nhất là phải nói như vậy.
Mà nói như vậy có nghĩa
là phải có hành động. Có hành động là mọi biện pháp để có được đội ngũ bảo đảm
an toàn cho ĐHN. Tôi nói với tư cách của một người được giao nhiệm vụ làm ngành
hạt nhân này từ 35 năm nay ở trong nước. Trước đây tôi không có nhất trí với
việc làm sớm và làm ồ ạt ĐHN, nhưng bây giờ một khi chính phủ đã quyết, thì
chúng tôi phải nói rất mạnh đến vấn đề là nhân lực của ta chưa thật sẵn sàng và
phải hết sức tập trung vào đào tạo được nhân lực đó. Và chừng nào đội ngũ nhân
lực đó mà chưa sẵn sàng, thì chưa có thể làm, chưa có thể cho vận hành, xây
dựng nhà máy ĐHN được.
----
Trong nhiều năm, trước
khi được Quốc hội thông qua, chương trình ĐHN của Việt Nam bị nhiều ý kiến phê
phán dữ dội của các chuyên gia trong và ngoài nước, về mặt nguyên tắc. Sau khi
đã trở thành một chủ trương chính thức tại Việt Nam vào năm 2009, chương trình
phát triển ĐHN tiếp tục bị chỉ trích trong vận hành cụ thể, đặc biệt sau khi
giới chuyên gia thu nhận được rất nhiều bài học đắt giá về những sai lầm của
con người trong việc quản lý phóng xạ sau thảm họa Fukushima. Sự lúng túng của
chính phủ trong việc thực hiện chương trình phát triển ĐHN như dự kiến là một
dịp để đặt lại vấn đề : Trong bối cảnh tổng mức tiêu thụ điện toàn quốc thấp
hơn nhiều so với dự kiến, liệu việc phát triển cấp tốc năng lượng hạt nhân có
cần thiết ? Bên cạnh đó, nếu tổ chức được việc tiết kiệm điện thực sự hiệu quả
và kiên quyết phát triển mạnh các loại năng lượng tái tạo, liệu Việt Nam có thể
thu hẹp quy mô của ĐHN ?
Để có cơ sở đưa ra được
những câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề kể trên, nhiều nhà khoa học cho
rằng cần phải có những tính toán về dự báo tiêu thụ điện và phương hướng tiết
kiệm điện, phát triển các năng lượng xanh mang tính minh bạch và khách quan hơn
hiện nay.
Các bài liên quan
Về chủ trương làm đường điện 750 kV tại Ninh Thuận
GS Nguyễn Khắc Nhẫn : Tôi không rõ ai đề xướng điện áp
750 kV (con số tiêu chuẩn là 765 kV). Thật hết sức vô lý !
Trên lý thuyết, khi đường dây dài quá 700 km hay 800 km,
dùng điện siêu áp (ultra haute tension) 750 kV hay điện một chiều (courant
continu) cao thế là phải.
Đường dây Bắc Nam của ta dài gần 1.500 km, xây dựng vào
năm 1992, dùng điện xoay chiều 500 kV. Sở dĩ không dùng điện một chiều là vì
dọc đường phải cung cấp điện cho nhiều thành phố, qua các trạm biến thế. Lúc
bấy giờ ta không dùng 750 kV vì điện áp cao nhất của lưới điện quốc gia là
220 kV. Từ con số này vọt ngay lên 750 kV thì rất bất tiện cho việc khai
thác.
Từ các nhà máy điện hạt nhân ở miền Trung truyền tải đến
lưới điện quốc gia (220 kV hay 500 kV) khoảng cách chẳng là bao, đâu cần phải
dùng siêu điện áp 750 kV làm gì, tốn kém vô ích.
Không phải muốn tăng mức điện áp lúc nào cũng được ! Nhiều
người tưởng lầm rằng điện áp hay điện thế (U) tăng cùng tỷ lệ với công suất
điện (P), vì thế khi có nhiều nhà máy điện với công suất lớn, thì phải tăng
mức điện thế theo ngay. Nhưng trên thực tế, điện thế U tỷ lệ với √ P chứ
không phải với P, tức là mức tăng điện áp chậm hơn rất nhiều so với mức tăng
công suất.
Nga đã sử dụng điện áp 750 kV từ lâu vì đất rộng và nhu
cầu điện mênh mông. Hay có chuyên gia ngoại quốc nào đây quảng cáo láo để bán
trang thiết bị cho ta ?
Điều này cũng dễ hiểu thôi vì thị trường hạt nhân đang
xuống dốc mạnh. Nhiều nước, đã lỡ đặt lò, sau Fukushima, rút lui có trật tự.
Chương trình khuếch trương điện lực của Nhật cũng có dự kiến sẽ xây cất thêm
14 lò trước thảm họa. Tội gì mà không bán hàng tồn kho cho Việt Nam ?
Lúc xưa, tôi phải tranh đấu mạnh với công ty Nippon Koei
nên họ mới chịu trang bị đường dây Danhim Sàigòn dài 257 km, với điện áp 220
kV thay vì 154 kV. Lý do là họ không làm đúng kỹ thuật và tôi cũng nghĩ rằng
họ muốn bán thiết bị tồn kho, vì điện áp 154 kV đã lỗi thời !
Đầu những năm 1970, các kỹ sư EDF vì quá lạc quan, cũng đã
có sai lầm trong dự báo chiến lược như ta. Họ đã tuyên bố rằng đến năm 2000
điện áp cao nhất của lưới điện EDF là 750 kV và tổng sản lượng điện của Pháp
là 1.000 TWh !
Sau cơn khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên năm 1973, nhờ kế hoạch
tiết kiệm năng lượng, mức tiêu thụ đã hạ thấp nhanh. Từ nhiều năm nay, tổng
sản lượng điện của Pháp vẫn giữ con số 500 TWh và điện áp cao nhất 400 kV vẫn
không thay đổi.
Có kịch bản khuyến khích khai thác triệt để Năng lượng tái
tạo, tiết kiệm và tăng gia hiệu quả năng lượng để hạ tổng sản lượng điện Pháp
xuống 400 TWh !
Ta nên hết sức thận trọng, cần phải nghiên cứu, phân tích
tỉ mỉ, không nên tung ra những con số thiếu chính xác, gây ra những lỗi lầm
đáng tiếc trong việc kiến thiết quốc gia.
|
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching