Thượng Nghị sĩ John McCain: Người Nga đáng có được một
tổng thống tốt hơn Putin
Đây là bài "bút chiến" của Thượng Nghị sĩ Mỹ, John McCain, đăng trên báo Pravda của Nga. Gần một tuần trước, ông John McCain nói đùa rằng ông muốn viết bài bình luận đăng trên báo Pravda, thì ông John Hudson, phóng viên tạp chí Foreign Policy đã làm môi giới, liên lạc với báo Pravda, hỏi báo này có dám đăng bài của ông John McCain hay không. Báo này đồng ý và đây là bài viết của John McCain trên báo Pravda.
Khởi sự từ bài báo gây tranh cãi của TT Putin, đăng trên báo New York Times hôm 11/9, có tựa đề: "A Plea for Caution From Russia". Trong bài này, ông Putin đã phản đối Mỹ đưa quân đánh Syria, câu cuối cùng Putin đã mang đã mang Chúa ra để 'dạy' Mỹ: "Chúng ta khác nhau, nhưng khi chúng ta cầu Chúa ban phước lành, chúng ta đừng quên rằng Chúa sinh ra chúng ta đều bình đẳng như nhau". Nguyên văn: "We are all different, but when we ask for the Lord’s blessings, we must not forget that God created us equal."
Liệu có một nhà báo nào đó ở VN dám đứng ra làm môi giới để ông John McCain hoặc một chính trị gia ở Mỹ như Jim Web hay Chris Smith... viết một bài tương tự để đăng trên báo Nhân Dân? Có thể báo Nhân Dân sẽ dám đăng vì báo này đã từng đăng bài của mấy ông "Việt kiều" ở Mỹ như Amari TX, John Lee... Không lẽ bài viết của các chính trị gia như John McCain hay Jim Web không đáng để đăng trên báo Nhân Dân bằng mấy bài của các ông "Việt kiều" kia?
---------
Thượng Nghị sĩ John McCain: Người Nga đáng có được một tổng thống tốt hơn Putin
Ngọc Thu dịch
19-09-2013
Khi ông Dmitry Sudakov – biên tập viên báo Pravda.ru – đề nghị công bố bài bình luận của tôi, ông ấy đã gọi tôi là “một chính khách năng nổ chống Nga trong nhiều năm qua”. Và tôi tin chắc rằng đây không phải là lần đầu tiên người Nga được nghe người ta mô tả về tôi như một đối thủ. Do mục đích bài viết này của tôi là để xóa tan sự xuyên tạc mà những người cầm quyền ở Nga đã sử dụng để duy trì quyền lực và biện hộ cho sự thối nát, tôi xin được bắt đầu nói về quan điểm sai sự thật này. Tôi không phải là người chống lại người Nga, mà tôi là một người ủng hộ người Nga, tôi ủng hộ người Nga hơn cả chế độ đang cai trị các bạn một cách kém cỏi hiện nay.
Tôi nói điều này bởi vì tôi tôn trọng phẩm giá và quyền tự quyết của các bạn. Tôi tin rằng, các bạn phải được sống đúng theo tiếng gọi của lương tâm, chứ không phải sống theo ý muốn của chính phủ các bạn. Tôi tin rằng các bạn đáng có được cơ hội để cải thiện đời sống của mình, trong một đất nước có nền kinh tế bền vững và mang lại lợi ích cho nhiều người, thay vì chỉ mang lại quyền lợi cho vài nhóm có quyền hành. Quý vị phải được sống trong một nhà nước pháp quyền, có luật pháp rõ ràng, luật pháp công bằng và phải được thực thi một cách nhất quán và không thiên vị. Tôi nói điều này bởi vì tôi tin rằng người Nga, cũng như người Mỹ, đã được Đấng Tạo Hóa ban cho những quyền căn bản, đó là quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Người dân Nga không thể đưa ra lời tuyên bố tương tự như tôi vừa nói. Tổng thống Putin và các cộng sự của ông ta không tin vào những giá trị này. Họ không tôn trọng phẩm giá của các bạn và họ cũng không chấp nhận các bạn có quyền hành gì đối với họ. Họ trừng phạt những người bất đồng chính kiến và bỏ tù những người đối lập. Họ gian lận trong các cuộc bầu cử của các bạn. Họ kiểm soát truyền thông. Họ sách nhiễu, đe dọa, và ngăn cấm các tổ chức bảo vệ quyền tự quản của các bạn. Để duy trì quyền lực, họ khuyến khích tham nhũng tràn lan trong các phiên tòa và trong nền kinh tế, khủng bố và thậm chí ám sát các nhà báo, những người tìm cách tố cáo sự thối tha của họ.
Họ soạn luật để hệ thống hóa việc phân biệt đối xử chống lại khuynh hướng tính dục những người mà họ kết tội. Họ tống các thành viên của ban nhạc punk rock vào tù về tội khiêu khích, thô tục và cả gan dám phản đối sự cai trị của Tổng thống Putin.
Sergei Magnitsky không phải là là một nhà hoạt động nhân quyền. Ông ấy là kế toán của một công ty luật ở Moscow. Ông ấy là một người Nga bình thường đã làm được một việc phi thường. Ông đã vạch trần một trong những vụ trộm cắp tài sản nhà nước lớn nhất trong lịch sử nước Nga. Ông ấy quan tâm tới nhà nước pháp quyền và tin rằng không ai có thể đứng trên luật pháp. Vì sự tin tưởng đó và lòng dũng cảm của ông, nên ông đã bị bắt giam ở nhà tù Butyrskaya mà không qua xét xử. Nơi đó ông đã bị đánh đập, bệnh tật rồi qua đời. Sau khi chết, ông bị đưa ra xét xử trong một phiên tòa trình diễn [công lý], làm cho người ta nhớ tới những phiên tòa dưới thời Stalin, và dĩ nhiên là phiên tòa tìm thấy ông có tội. Đó là tội ác không phải chỉ chống lại ông Magnitsky, là còn là tội ác chống lại người dân Nga và quyền của các bạn có được một chính phủ trung thực, một chính phủ mà ông Sergei Magnitsky và các bạn đáng được hưởng.
Tổng thống Putin tuyên bố, mục đích của ông ta là khôi phục lại sự vĩ đại của nước Nga trong mắt của người dân Nga và các nước trên thế giới. Nhưng ông ta đã khôi phục sự vĩ đại của các bạn bằng cách nào? Ông ta đã cho các bạn một nền kinh tế gần như dựa vào toàn bộ một ít nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ tăng trưởng và suy thoái cùng với những mặc hàng của nó. Sự thịnh vượng của nền kinh tế sẽ không bền vững. Và trong khi nền kinh tế còn phát triển thì của cải hầu hết nằm trong tay một số ít kẻ tham nhũng đang cầm quyền. Tiền bạc đang rời khỏi nước Nga, một nền kinh tế trên diện rộng và thiếu luật lệ được xem như quá rủi ro để đầu tư và kinh doanh. Ông ta đã cho các bạn một hệ thống chính trị được duy trì bởi sự tham nhũng, đàn áp và không đủ mạnh để chấp nhận sự bất đồng quan điểm.
Ông ta đã củng cố vị thế quốc tế nước Nga trên trường quốc tế như thế nào? Bằng cách liên minh với các nước độc tài chuyên chế và hiếu hiếu chiến nhất trên thế giới. Bằng cách ủng hộ chế độ Syria đã giết chết hàng chục ngàn người dân của mình để nắm giữ quyền lực và ngăn cản Liên Hiệp quốc lên án các hành động tàn bạo đó. Bằng cách từ chối xem việc tàn sát những người dân vô tội, hoàn cảnh khốn khổ của hàng triệu người tị nạn, viễn cảnh một tai họa lớn đang gia tăng đó nhấn chìm các nước khác trong những ngọn lửa, là chủ đề thích hợp để thế giới quan tâm. Ông ta không làm cho uy tín nước Nga tăng lên trên toàn cầu mà ông ta đã hủy hoại nó. Ông ta đã biến nước Nga thành bạn của những tên bạo chúa và là kẻ thù của các dân tộc bị áp bức và không tin tưởng, các dân tộc đang tìm cách xây dựng một thế giới an toàn hơn, hòa bình và thịnh vượng hơn.
Tổng thống Putin không tin vào những giá trị này vì ông ta không tin các bạn. Ông ta không tin rằng bản chất con người tự do có thể vượt qua những yếu điểm và xây dựng một xã hội công bằng, hòa bình và thịnh vượng. Hoặc ít nhất, ông ta không tin người Nga có thể làm được điều đó. Cho nên ông ta cai trị bằng cách sử dụng những điểm yếu đó, bằng sự thối nát, đàn áp và bạo lực. Ông ta cai trị [như thế] cho chính bản thân ông ta, không phải cho các bạn.
Tôi tin tưởng các bạn. Tôi tin vào khả năng tự quản của các bạn và khao khát có được công lý và cơ hội. Tôi tin vào sự vĩ đại của người dân Nga, đã chịu quá nhiều đau khổ và đã tranh đấu dũng cảm chống lại những nỗi bất hạnh khủng khiếp để cứu lấy đất nước mình. Tôi tin các bạn có quyền [xây dựng] một nước văn minh, xứng đáng với những ước mơ và sự hy sinh của các bạn. Khi tôi chỉ trích chính phủ của các bạn, không phải tôi chống người Nga. Tôi chỉ trích chính phủ Nga là vì tôi tin rằng các bạn đáng có được một chính phủ tin tưởng vào các bạn và đáp ứng nguyện vọng của các bạn. Tôi mong đến ngày các bạn có được một chính phủ như thế.
Senator John McCain: Russians deserve better than Putin:
http://english.pravda.ru/opinion/19-09-2013/125705-McCain_for_pravda_ru-0/
Tablet, mobile tăng động lực đòi quyền tự do ngôn luận
By James Hookway, WSJ. - Việt-Long dịch thuật
2013-09-20
2013-09-20
Blogger nổi tiếng nhất và bị đàn áp khốc liệt nhất:
Điếu Cày Nguyễn Văn Hải
Photo courtesy of danluan.cog
Là nơi có cuộc chiến tranh được truyền hình đầu tiên
trên thế giới, Việt Nam ngày nay là một trong những điểm nóng của đà gia tăng
sử dụng Internet di động. Doanh số những hệ điều hành I của Apple và Android
của Google trong điện thoại và tablet tăng gấp hơn ba lần trong năm ngoái, theo
số liệu của công ty phân tích Flurry, trụ sở ở San Francisco. Đà tăng trưởng
như vậy chiếm hạng nhì toàn thế giới, chỉ sau Colombia.
Những quán café bên lề đường quanh Hà Nội đông chật
những khách hàng vừa nhâm nhi ly cà phê vừa lướt ngón tay trên màn hình điện
thoại, tablet. Vậy mà Việt Nam lại là nơi nguy hiểm nhất thế giới cho những
người sử dụng Internet.
Phóng viên Không biên giới cho biết có đến 35 blogger
và người sử dụng Web ở Việt Nam đang bị giam tù về tội "Tuyên truyền
những luận điệu chiến tranh tâm lý chống chính phủ"Nhiều
người chịu án tới 13 năm tù vì đăng blog và bài vở. Số người bị bắt giam chỉ
kém Trung Quốc. Gần đây nhất, giới lãnh đạo Việt Nam nói họ đang thực hiện
những biện pháp điều hành kiểm soát sự tăng vọt của hiện tượng sử dụng những
dịch vụ tin nhắn Internet như Viber, WhatsApp và Line.
Một số blogger Việt Nam đang gắng phản ứng bằng cách
vận động ngăn trở Hà Nội ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong
năm nay. Cụ thể, họ chống điều 258 trong bộ luật hình sự mà họ cho là nhằm kết
tội "gieo rắc tuyên truyền chống Nhà nước" hoặc "sách động chống
lại dân chủ" (ghi chú của người dịch (LND): Điều 258: 1. Người nào
lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo,
tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà
nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải
tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba
năm. 2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai
năm đến bảy năm.)
Nhiều điều hạn chế Internet khác cũng được áp dụng, kể
cả điều cấm chia sẻ những bản tin tức và bình luận chính trị trên các blog, có
hiệu lực từ ngày 1 tháng 9, 2013.
" Chúng tôi không vi phạm điều luật nào. Chúng
tôi chỉ muốn có cuộc thảo luận về Internet, không làm gì hơn thế," một
trong những blogger trong mạng lưới, Trịnh Anh Tuấn 25 tuổi, nói. "Nhưng
điều 258 ngăn ngừa chúng tôi làm như vậy"
Internet phổ biến nhanh chóng, nhất là qua điện thoại
và tablet, đang gây nhiều lo âu trong giới lãnh đạo của nhiều quốc gia châu Á.
Trung Quốc từ lâu vẫn đầu tư mạnh vào kỹ thuật lọc chặn Internet được nước ngoài gọi là "Hoả
Đại trường thành Trung Quốc" . Nay Bắc Kinh lại gia tăng nỗ lực ngăn
chặn phổ biến tin đồn chính trị. Thái Lan dùng đạo luật gọi là "tội phạm
computer" để truy tố những ai chỉ trích hay đăng những tài liệu thẳng
thắn, không tâng bốc chế độ quân chủ được tôn kính và có nhiều ảnh hưởng chính
trị ở Thái Lan. Tháng 6, Singapore bắt đầu áp đặt luật lệ mới cho các web mới
ra, buộc hệ thống Yahoo Singapore và hai công ty truyền thông địa phương theo
lệnh của chính quyền, tháo gỡ những nội dung "gai chướng" trong vòng
24 giờ, lại còn cung cấp 39 ngàn đô la tiền công trái để bảo đảm họ thi hành
điều đó.
Tuy nhiên, riêng Việt Nam tỏ ra đặc biệt lo ngại.
Chính quyền Việt Nam nói những hạn chế Web của nhà
nước nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và giới hạn sự lan tràn của những điều mà
họ coi là nội dung gây hại. Giới chủ nhân công nghệ thông tin cho là sự lo âu
về những ứng dụng giao tế xã hội như "chat" có thể liên quan nhiều hơn
đến việc chúng thu hút mất lợi tức của các công ty
truyền thông của nhà nước. Một phát ngôn viên chính phủ khi được hỏi đã từ chối
trả lời.
Tuy nhiên sự phổ biến Web tại Việt Nam đã bùng nổ vào
giữa thời kỳ nóng bỏng khi Việt Nam gắng kéo nền kinh tế trở lại con đường phát
triển sau khi cả thập niên bong bóng tín dụng nổ bùng vào năm 2009. Hậu quả bầm
dập đưa đến một chuỗi hiện tượng mất giá tiền tệ và lạm phát với tỉ lệ hai con
số, cùng với giai đoạn tranh chấp nội bộ kéo dài giữa những cấp lãnh đạo cao
nhất của đảng Cộng sản, khiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh đàn áp những
người hoạt động chính trị trên mạng.
Dù vậy, đến nay trên 100 bloggers đã ký tên trong bản tuyên bố chống lại
điều 258. Họ nhắm sử dụng việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên
Hiệp Quốc trong cuộc bầu cử tháng 11 này làm đòn bẩy để Bộ chính trị Đảng ở Hà
Nội nới lỏng những cấm đoán trên Internet.
"Chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ cân nhắc việc
bãi bỏ điều 258 để biểu tỏ quyết tâm và sự đóng góp trong việc cổ võ và bảo vệ
nhân quyền" bản tuyên bố của Mạng lưới blogger này có đoạn ghi như
vậy.
Ông Tuấn và các thành viên khác của mạng lưới nói họ
nhìn nhận là họ có thể không tiến được xa lắm trong chiến dịch vận động này.
Một lẽ là thành tích kém về nhân quyền ít khi cản trở việc được bầu vào Hội
động nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Trong số ứng viên năm nay có Nga và Trung Quốc.
Trong số các thành viên đương nhiệm còn có Libya, Kazakhstan và Congo.
Đó cũng là một thông điệp nguy hiểm để (cho người) phổ
biến. Hai blogger đã bị cảnh sát bắt giam sau khi phổ biến nội dung Bản tuyên
bố nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên vẫn có dấu hiệu chính phủ có thể sẵn lòng hạ
giảm cường độ khốc liệt của chiến dịch chống những nhà bất đồng chính kiến trên
mạng, khi chính quyền cảm nhận rõ hơn hình ảnh của mình ơ nước ngoài. Hoa Kỳ và
nhiều chính quyền khác đã mạnh mẽ chỉ trích những quy định hạn chế Internet của
Việt Nam, trong khi những nhà cung cấp Internet chính yếu như Google và
Facebook lo ngại rằng việc nhà cầm quyền gia tăng nhiều biện pháp giới hạn có
thể cản trở đà tăng trưởng của các doanh nghiệp dựa trên website.
Blogger cựu chiến binh Ngô Hảo - RFA photo
Tháng trước Việt Nam trả tự do cho một người bất đồng
chính kiến đã bị kết án, giảm hạn tù cho một người khác, theo lời GS Carl
Thayer, giáo sư danh dự của Học viện quốc phòng Australia, cũng là một chuyên
gia về Việt Nam. Ông cho rằng động thái ấy có thể giúp Hà Nội bảo đảm được vị
trí trong Hội đồng của Liên Hiệp Quốc mà họ mong muốn, đồng thời giảm nhẹ căng
thẳng với Hoa Kỳ, một đối tác thương mại chính yếu.
GS Thayer nói :"Nhân quyền có thể là yếu huyệt ("gót
chân Achille") của Việt Nam, nhất là trong mối quan hệ với Hoa Kỳ"
Mối nguy cơ là giới lãnh đạo quốc gia sẽ tiếp tục nặng
tay đàn áp các hoạt động Internet khi họ cảm thấy địa vị bị đe doạ. Hôm 11
tháng chín, một cựu chiến binh Việt Nam 65 tuổi trở thành blogger gần đây nhất
phải nhận lãnh khổ nạn. Ông Ngô Hảo bị kết án 15 năm tù về tội vi p hạm một
điều luật hình sự của Việt Nam, "thực hiện hành động nhằm lật đổ chính
quyền nhân dân"
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching