X

Friday, May 17, 2013

Nghề bán kem dạo


 

Nghề bán kem dạo

Huy Phương

Chuyện xa-chuyện gần

Ðối với di dân Mễ Tây Cơ trên đất Mỹ, bán kem dạo là một nghề mưu sinh, nhưng đối với người Việt, lái một chiếc xe đi bán kem, chỉ là một chuyện tạm thời những ngày chân ướt chân ráo mới đến định cư ở Mỹ, khi tiếng Anh không khá, không có sức khỏe để làm việc nặng, và nghèo, ít vốn liếng để nghĩ đến việc buôn bán.
bankem xeday
Một xe đẩy bán kem dạo ở thành phố Santa Ana, nơi có đông người Mễ cư ngụ.

Nghề bán kem dạo cũng là một nghề tự do, chẳng phải thức khua dậy sớm, chẳng cần bấm giờ, không có ai chỉ huy mình, và muốn làm, muốn nghỉ cũng chẳng cần xin phép ai. Giờ bán kem lý tưởng nhất là sau hai giờ chiều cho đến lúc trời chập choạng tối, đây là giờ của học sinh tiểu học trở về nhà. Bán kem dạo ngoài đường không phải là nghề làm giàu nhưng nhàn hạ, đã giúp nhiều gia đình anh em tù chính trị qua đây, vợ chồng phụ giúp nhau, nuôi được con ăn học nên người.

Nói là nghề tạm bợ, nhưng như cựu Thiếu Tá Hoàng Bình, H.O. 6 đến Mỹ năm 1992 cũng đã “hành nghề” bán xe kem dạo này hơn mười năm. Ông đem gia đình sang Cali, trong lúc đang khó khăn thì được một phụ nữ lối xóm cũ, gọi đi phụ lái xe bán kem. Xe gửi ở đại lý bán kem, khoảng một giờ trưa, ông ra phụ với bà chủ khiêng thùng lạnh chất đầy kem ra xe rồi lái vào những xóm lao động, thường gọi là xóm nghèo, ở Cali là những xóm có cư dân Mễ sinh sống, thường là những con đường nhỏ có nhiều khu apartment. Mỗi nơi xe bán kem đậu lại độ 5 phút, từ đằng xa, xe kem đã mở nhạc mở điệu nhạc quen thuộc để gợi sự chú ý của trẻ em, chỗ đắt thì bán được chừng mươi cây kem, chỗ ế chỉ năm ba, rồi xe kem lại được lái đi chỗ khác.

Việc bán kem thu tiền đã có bà chủ lo. Mỗi ngày ông được trả $30.00 tiền mặt với việc làm khoảng năm tiếng đồng hồ lái xe loanh quanh, cũng là một nghề nhàn nhã, không phải dễ kiếm.

Ðến một ngày, gần như bắt buộc, ông Bình phải vào nghề chính thức, vì bà chủ theo con đi tiểu bang xa, bà muốn sang lại xe kem này. Vì tình nghĩa ông nhận lời, cũng nghĩ là số phận đã đưa đẩy ông vào nghề, suốt ngày gặp toàn lũ trẻ em, chẳng phải vất vả đi xin việc, nhất là trong những năm đầu thập niên 90, khi có nhiều người cùng hoàn cảnh mới sang như ông, không tìm được việc làm.

Số vốn vào nghề

Ở vùng đông người Mễ Tây Cơ sinh sống như thành phố Santa Ana, Nam Cali, chúng ta thường trông thấy những người Mễ đẩy những chiếc xe kem nhỏ đi bán dạo, rất vất vả vì trời nắng, đường xa, nhưng chưa thấy ai là người Việt trong số này. Theo ông Bình, làm chủ một cái xe truck nhỏ bán kem, số vốn chỉ từ $1,500 đến $2,000. Khoảng $500 hay $1,000 là đã kiếm được một cái xe truck nhỏ và vốn liếng còn lại chỉ khoảng $500. Thu nhập mỗi ngày từ $50 đến $100, chi phí chỉ khoảng 1/3. Chi phí này là xăng nhớt, điện dùng cho freezer, và tiền tu bổ xe. Chỉ trừ những ngày mưa, và những ngày bận công việc nhà, thời gian còn lại, nếu chịu khó, tiền thu mỗi tháng đôi khi còn cao hơn là đi làm hãng xưởng.

Chúng tôi vẫn nghĩ là chuyện làm ăn, “rừng nào cọp ấy,” nên cứ nghĩ là chuyện bán kem dạo cũng không qua quy luật này, nghĩ là sắm xe kem là dễ, nhưng kiếm địa bàn hoạt động hẳn là khó. Ông Bình tâm sự: “Nghề bán kem dạo là nghề ‘mạt hạng’ rồi, nghề ‘kiếm bạc cắc’ nên không thấy có sự tranh chấp hay gây gổ giữa những người lái xe kem. Nghe tiếng nhạc là biết chỗ ấy đang có xe người khác đậu thì mình lái đi chỗ khác. Nếu có cạnh tranh là cạnh tranh về giá cả. Một cây kem trong vốn $0.50 nhưng có xe bán $1.00, cũng có xe bán $2.00. Lũ trẻ con cũng thuộc giá cả và biết xe nào bán rẻ hơn xe khác để bâu lại.” Lâu rồi, người bán cũng thuộc hết loại kem và giá cả, nào là Super Pop, Drum Stick, Snow Cone, Big Dipper, Squeeze Pouch, Fruiti Pop, Pop Side...

bankem xevan 1
Một xe kem đang “sạc” điện tại “depot”.

Loại xe kem bán dạo

Có lẽ ở các nước giàu có, xe truck bán kem ở các bãi biển, khu du lịch phải là loại xe đặc biệt, đời mới do các công ty sản xuất, nhưng như theo lời của người đã lăn lóc trong nghề bán kem dạo trên mười năm, nghề bán kem bánh, kem cây ở đây chỉ nhắm vào trẻ em trong những khu nhà nghèo, lợi tức ít, “càng nghèo càng hay ăn vặt!” Xe kem thường dùng là loại xe van, hay từ loại xe truck nhỏ, cũ, do các “auto body shop” cưa xẻ, cải tiến mà thành. Thường loại xe kem cải tiến có đời cũ từ hai ba mươi năm về trước nên rất dễ nằm đường. Suốt mấy giờ đồng hồ “hành nghề” xe phải luôn luôn để nổ máy, vì cứ năm bảy phút lại đổi đi địa điểm khác, nếu tắt máy rồi nổ máy lại, “starter” sẽ rất mau hư. Tài xế cũng phải rành nghề xe, vì nếu mỗi lúc, đều đem ra tiệm thì không chịu nổi chi phí.

Loại xe kem thông thường, tiện lợi nhất là những chiếc xe truck được sửa sang từ những chiếc xe đưa thư của bưu điện, hoặc xe van cũ, có thùng xe cao (một người có thể đứng thẳng) theo quy định của Sở Vệ Sinh thành phố hay quận, hạt.
Nghề bán kem dạo cần licence của thành phố và giấy phép của Sở Vệ Sinh kiểm tra các thiết bị của xe.

Kem được dựng trong “tủ đá”, xe nhỏ thì một cái, xe lớn thì hai cái. Theo luật của California, các loại xe bán kem dạo không được đậu trong khu dân cư mà phải tập trung ở các đại lý (depot) phân khối kem. Tại đây trong thời gian xe kem đậu, các tủ lạnh được tiếp điện, đủ độ lạnh cho một thời gian năm, bảy giờ đồng hồ khi rời nơi đây để đi bán kem ngoài đường. Tại các depot này, để tăng cường độ lạnh còn có một loại “nước đá khô (dry ice) hình thể gần bằng một viên gạch, có độ lạnh gấp 5 lần nước đá, để giữ độ lạnh cho thùng kem trong thời tiết mùa hè nóng nực”.

An toàn trên hết

Nghề bán kem dạo cần sự an toàn cho trẻ em, vì khi xe kem vào, nghe tiếng nhạc hay tiếng chuông, trẻ em thường túa ra đường, nên trên mỗi xe kem đều ghi hàng chữ “Caution: Children Crossing” để các xe qua lại lưu ý. An toàn của trẻ em mỗi khi có xe kem đỗ lại cũng quan trọng như khi một xe bus học sinh dừng, nhưng không được chính phủ quy định những luật lệ, nên đôi khi cũng đã xảy ra tai nạn chết người.

Cựu Thiếu Tá Bình kể lại, trong thời gian ông đi bán kem tại thành phố Anaheim, California, một ngày dừng lại bên đường, trong lúc trẻ em đang chạy ra mua kem, thì một chiếc xe cùng chiều chạy đến. Có lẽ đôi nam nữ trên xe đang mải hôn nhau, xe đụng phải một em bé gái đang chạy tới xe kem, chết liền tại chỗ. Chủ xe kiện cả tài xế đụng chết người và cả chủ xe kem đang đậu bên lề đường, nhưng cuối cùng, may mắn, tòa án chỉ quy trách nhiệm cho chiếc xe đụng người, còn ông H.O. bán kem đang đậu xe bên đường thì vô can. Tuy vậy, ông Bình cũng quá sợ hãi phải nghỉ lái xe kem cả tuần lễ.

bankem xevan 2
Mỗi nơi từng cây kem một, nhưng mỗi ngày xe này có thể bán hằng trăm cây kem.

Những nghề không ngờ!

Ông Nguyễn Thành ở Annandale, Virginia cho biết, ở vài tiểu bang như Virginia, Maryland, người bán kem dạo có thể đậu xe kem tại sân nhà mình như những loại xe khác. Ông theo vợ thuộc diện sở Mỹ đến định cư tại đây từ năm 1991, ngoài việc làm kiểm soát hành lý của hành khách tại phi trường Washington Dulles từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa, về nhà nghỉ một tiếng, lại tiếp tục lái xe kem rong ruổi kiếm “tiền lẻ”. Trừ những ngày tuyết rơi ngập đường, còn lại mưa nắng, ngày nào ông cũng chịu khó lái xe, rung hồi chuông quen thuộc để kêu gọi lũ trẻ.

Ở Saigon, trước khi lên máy bay qua Mỹ, ông Thành cũng không biết trong tương lai, mình sẽ làm nghề gì để mưu sinh, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ chọn nghề đi bán kem dạo ngoài đường.

Bây giờ đã tuổi hưu ngơi nghỉ, mỗi chiều nghe tiếng chuông của những chiếc xe bán “cà-rem” dạo vào xóm, ông Thành lại nhớ đến những ngày tháng cũ, và không ngờ là mình lại có thể siêng năng làm việc như thế trong suốt hơn 15 năm dài.

Bạn đọc mới đến Mỹ muốn kiếm một nghề tự do, thong dong, ít vốn, đây là một nghề “kiếm bạc cắc” nhưng cũng đủ sống qua ngày. Tạm thời thì làm một vài năm, nhưng biết đâu, chuyện đời đưa đẩy, bạn có thể đeo đuổi nghề này vài chục năm cũng chưa biết chừng.

 

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts