X

Thursday, February 26, 2015

Pháp: Bí ẩn máy bay không người lái



On Wednesday, 25 February 2015, 9:49, "Tran Ho  wrote:

Pháp: Bí ẩn máy bay không người lái

Thanh Phương
media
Thủ đô Paris.REUTERS
Trong đêm 23/02 rạng sáng 24/02/2015, ít nhất 5 máy bay không người lái đã được nhìn thấy bay bên trên Paris, tại các địa điểm cực kỳ nhạy cảm như đại sứ quán Mỹ, tháp Eiffel hay quảng trường Concorde. Cảnh sát Pháp không bắt được những người điều khiển.

Đây không phải là lần đầu tiên thủ đô Pháp được máy bay không người lái đến « tham quan », nhưng theo các nhà điều tra, chưa bao có nhiều máy bay không người lái bay cùng lúc như thế. Ấy là chưa kể những máy bay không người lái bí ẩn nói trên đã bay ngay bên trên những địa điểm nhạy cảm, trong khi Paris được được kiểm soát rất chặt chẽ, với lực lượng an ninh được tăng cường kể từ sau các vụ khủng bố của Hồi giáo cực đoan vào đầu năm.

 Máy bay không người lái đầu tiên đã được phát hiện khoảng sau nữa đêm đang bay bên trên đại sứ quán Mỹ, nằm gần điện Elysée ( phủ tổng thống Pháp ). Ngay lập tức cảnh sát Pháp đã cố theo dõi chiếc máy bay này cho đến khu Invalides thì bị mất dấu.
Bốn máy bay không người lái khác thì được được phát hiện trong khoảng từ 1 giờ đến 6 giờ sáng bay bên trên nhiều địa điểm ở Paris, như tháp Eiffel, tòa nhà chọc trời Montparnasse và quảng trường Concorde, nằm cuối đại lộ Champs-Elysées.

Trong suốt sáu tiếng đồng hồ, cảnh sát Pháp đã huy động lực lượng để truy tìm những người điều khiển các máy bay không người lái nói trên, nhưng không bắt được ai.

Câu hỏi được đặt ra mà các nhà điều tra chưa giải đáp được đó là mục tiêu của các máy bay không người lái bí ẩn đó là gì và đã có sự phối hợp nào đó giữa các máy bay này hay không ? 

Hiện giờ chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ này.

Thật ra đây không phải là lần đầu tiên nước Pháp đối phó với hiện tượng máy bay không người lái. Từ mấy tháng qua, đã có nhiều máy bay không người lái bay bên trên những địa điểm nhạy cảm khác, trong đó có nhiều nhà máy điện hạt nhân. Tổ chức bảo vệ môi sinh Greenpeace khẳng định họ không phải là sở hữu chủ những máy bay không người lái đó.

Một số máy bay không người lái được phát hiện bay cùng lúc ở cách nhau hàng trăm km, cho thấy có thể đã có sự phối hợp, nhưng đó chỉ mới là giả thuyết, vì cảnh sát cũng đã không bắt được những người điều khiển.

Đặc biệt, trong đêm 28/01 rạng sáng 29/01, một số máy bay không người lái đã được phát hiện ở Brest, nằm ở cực Tây nước Pháp, nơi trú đóng của 4 tàu ngầm hạt nhân, tức là khu vực quân sự được bảo vệ chặt chẽ nhất ở Pháp. Và chỉ mới cách đây khoảng hơn một tháng, một máy bay không người lái cũng đã bay bên trên điện Elysée.

Vấn đề là hiện nay, cảnh sát Pháp chưa biết làm cách nào để ngăn chận những máy bay không người lái bí ẩn nói trên, vì đây là một hiện tượng quá mới.
Gần đây, những radar di động, gắn trên xe, có thể phát hiện các vật thể bay nhỏ, đã được triển khai chung quanh một số địa điểm nhạy cảm. Ở một số nơi, lực lượng hiến binh được trang bị súng săn và đạn chì để bắn rơi các máy bay không người lái cở nhỏ, nhưng với điều kiện là phải nhìn thấy chúng và kịp thời gian nhắm bắn.

Đối phó với hiện tượng này càng khó vì hiện nay trên thị trường người ta có thể mua được những máy bay không người lái hầu như không thể bị phát hiện, với giá chỉ từ 350 đến 400 euro.

Vào tháng Giêng, tham mưu trưởng Không quân Pháp, tướng Denis Mercier cho biết họ xem đây là một mối đe dọa nghiêm trọng và họ đang nghiên cứu những biện pháp mới để bảo vệ nước Pháp trước mối đe dọa này. Và không chỉ có Pháp, nhiều nước khác, trong đó có Hoa Kỳ, cũng đang tìm cách đối phó với con số máy bay không người lái ngày càng gia tăng.

Rafale giúp Ai Cập bớt lệ thuộc vào Mỹ

Thanh Hà
media
Bộ trưởng Quốc phòng PhápJean-Yves Le Drian (trái) và tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi nhân lễ ký kết hợp đồng bán tiêm kích Rafale. Ảnh ngày 16/02/2015.Reuters

Ngày 16/02/2015 Ai Cập chính thức ký hợp đồng trị giá 5,2 tỷ euro mua 24 chiếc máy bay tiêm kích Rafale, tàu chiến và tên lửa của Pháp. Giới quan sát coi đây là tín hiệu cho thấy, Cairo muốn giảm bớt mức độ lệ thuộc vào đồng minh Hoa Kỳ. Từ những năm 970 Cairo luôn dựa vào các trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ bởi một lý do đơn giản : Mỹ là nguồn tài trợ, rót vào hàng năm 1,3 tỷ đô la choquân đội Ai Cập.

Một viên tướng về hưu Ai Cập, Mohamed Moujahid al Zayyat, khẳng định hợp đồng mua trang thiết bị quân sự của Pháp, chứng tỏ, Cairo « không chỉ trông cậy vào một nguồn cung cấp vũ khi duy nhất là Mỹ ».

Trong mắt chuyên gia nay, chính quyền hiện tại ở Cairo không muốn để bị Hoa Kỳ bắt bí trong quan hệ quân sự. Về phần mình, cưu chủ tịch ủy ban an ninh quốc gia tại Thượng Viện Ai Cập, Ahmed Abdel Halim cũng quan niệm « việc đa dạng hóa các nguồn cung cấp vũ khí nhằm ngăn chặn những quốc gia nào có ý đồ muốn áp đặt luật chơi với Ai Cập». Cựu chủ tịch ủy ban an ninh tại Thượng Viện Ai Cập cũng cho rằng đã đến lúc Cairo « không còn có thể tiếp tục để bị làm con tin » của Mỹ. Ông Abdel Halim muốn nói tới bất đồng sâu rộng giữa Cairo với Washington trên hồ sơ nhân quyền. Từ năm 2013 tới nay, Hoa Kỳ luôn chỉ trích Ai Cập truy bức các nhà đối lập.

Thêm vào đó, Washington luôn đòi chính quyền Cairo phải thực hiện tiến trình dân chủ hóa đất nước, đặc biệt là kể từ khi tổng thống dân cử đầu tiên sau cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập, Mohamed Morsi, bị quân đội truất phế. Hơn 1.400 người ủng hộ cựu tổng thống Morsi bị sát hại kể từ khi ông này bị truất phế vào tháng 7/2013 ; 15.000 người bị tống giam và hàng trăm người đã bị kết án tử hình trong những phiên tòa chớp nhoáng.

Trong những điều kiện đó nhiều chính khách tại Cairo đã đề nghị tổng thống Sissi không để tất cả trứng trong cùng một giỏ mà hãy đa dạng hóa các nguồn cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự. Bên cạnh nhà cung cấp Hoa Kỳ thì còn phải kể đến các tối tác khác như Pháp, Nga và kể cả Trung Quốc.

Bản tin của AFP nhắc lại, ở cương vị bộ trưởng Quốc phòng, ông Sissi đã từng viếng thăm Matxcơva hồi tháng 2/2014 và đã tiếp kiến tổng thống Nga, Vladimir Putin. Đôi bên đã đề cập đến hồ sơ quân sự. Tháng 9 năm ngoái, truyền thông Nga tiết lộ hai nước đã đồng ý về một thỏa thuận mua bán các hệ thống phòng không, trực thăng và chiến đấu cơ. Tổng trị giá hợp đồng lên tới 3,5 tỷ đô la. Gần như toàn bộ do Ả Rập Xê Út tài trợ. Từ đó tới nay, không có thêm thông tin về thỏa thuận giữa Nga với Ai Cập. Trong chuyến công du Ai Cập vừa qua, tổng thống Nga chủ yếu đề cập đến các chương trình hợp tác về năng lượng hạt nhân và đôi bên đồng ý « tiếp tục hợp tac quân sự ».

Tuy nhiên theo lời chuyên gia về địa chính trị ở khu vực Trung Đông, Mathieu Guidère, Ai Cập tuy muốn giảm bớt mức độ lệ thuộc vào trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ nhưng sẽ vẫn là một khách hàng mua vũ khí của Mỹ. Có điều là Cairo sẽ mở rộng các mối hợp tác, chẳng hạn như là với Nga để có được một « tư thế thoải mái hơn khi đàm phán với Washington ».

Ai Cập hiện đang phải đương đầu với sự bành trướng của các nhóm thánh chiến liên kết với tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở vùng Sinai, miền đông bắc. Ngoài ra Cairo đang lo ngại bất ổn ở Lybia lan rộng tới xứ sở của các vị vua Pharaon

Rafale : Hiệu ứng đô-mi-nô ?

Thanh Hà
media
Rafale của tập đoàn Dassault Aviation.Dassault Aviation

Ai Cập đã mua 24 chiếc Rafale, quốc gia nào sẽ là những khách hàng sắp tới của Pháp ? Paris đang kỳ vọng vào hợp đồng khổng lồ 15 tỷ euro với Ấn Độ, và nhiều thành quả tốt đẹp khác với Qatar, Tiểu Vương Quốc Ả Rập, thậm chí là cả với Malaysia.


Bắt đầu phục vụ cho quân đội Pháp từ năm 2004, nhưng mãi tới tháng 2/2015 Ai Cập mới là khách hàng đầu tiên mua máy bay tiêm kích Rafale của Dassault. Năm 2002, Hà Lan và Hàn Quốc, vào giờ chót, đã hủy dự án mua chiến đấu cơ của Pháp. Năm 2005 đến lượt Singapore bỏ cuộc sau nhiều đợt thương thảo. Tiếp theo đó là cả một chuỗi dài những thất bại với những đối tác như Maroc năm 2007, Thụy Sĩ bốn năm sau đó và gần đây nhất là với Brazil vào năm 2013.

Hai tháng trước khi thủ tướng Ấn Độ chính thức viếng thăm nước Pháp, và một tuần lễ sau khi đã chính thức ký hợp đồng với Ai Cập, bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Jean-Yves Le Drian tiếp tục nỗ lực thuyết phục New Delhi nhanh chóng quyết định về hồ sơ mua 126 chiếc Rafale, tổng trị giá hợp đồng lên tới 15 tỷ euro.

Theo một tờ báo tài chính Ấn Độ, máy bay tiêm kích Rafale của Pháp đắt hơn so với loại Typhoon của tập đoàn châu Âu Eurofighter. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Manohar Parrikar, không che giấu là ông còn đợi báo cáo về giá cả, chi phí tốn kém lâu dài trước khi lấy quyết định sau cùng. Báo cáo này sẽ được công bố vào đầu tháng 3/2015.

Một số nguồn tin cho rằng, trên thực tế chính quyền của thủ tướng Modi đang do dự giữa chiến đấu cơ Rafale của Pháp với Sukhoi của Nga. Nhưng trong cuộc họp báo nhân hội chợ hàng không quốc tế tổ chức tại Bangalore, Tư lệnh không quân Ấn Độ, tướng Arup Rahar, đã chính thức loại trừ khả năng tiếp tục mua thêm báy bay tiêm kích của Nga.

Viên tướng này còn cho rằng, Không quân Ấn cần hiện đại hóa các trang thiết phòng thủ, máy bay của Pháp và của Nga là những phương tiện « bổ sung » cho nhau. Từ năm 2007, Ấn Độ đã gọi thầu để mua máy bay tiêm kích và từ đầu năm 2012 New Delhi đã chọn tập đoàn Dassault là đối tác để độc quyền đàm phán. Ấn Độ bị đối tác Hoa Kỳ gây áp lực khi muốn mua máy bay của Pháp.

Sau Ấn Độ, bộ trưởng Quốc phòng Pháp tiếp tục đi trào hàng tại Qatar, một quốc gia đang hỗ trợ cả về phương diện tài chính lẫn quân sự phe nổi dậy chống tổng thống Syria Bachar al Assad. Tại đây ông sẽ tiếp kiến tiểu vương Tamim ben Hamad al-Thani và bộ trưởng Quốc phòng Hamid ben Ali al-Attiyah về hợp đồng mua 36 chiếc Rafale. Cũng trong khu vực vùng Vịnh, tập đoàn Dassault đang kỳ vọng sớm đúc kết các vòng đàm phán với Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất về một dự án mua vào đến 60 chiến đấu cơ của quốc gia này.
Theo tạp chí quốc phòng của Anh, Jane’s Defence Weekly, vì những yếu tố địa chính trị, nhu cầu trang bị quân sự của toàn khu vực Trung Đông cho năm nay ước tính lên tới 150 tỷ đô la

Ngoài ra, một quốc gia châu Á khác là Malaysia cũng là một khách hàng tiềm tàng của tập đoàn Dassault. Từ năm 2013 Kuala Lumpur đã thông báo nhu cầu thay thế 18 chiếc chiến đấu cơ Mig- 29 quá già nua của Nga. Lập tức tập đoàn Dassault của Pháp nhập cuộc. Hiện tại Malaysia vẫn còn do dự giữa các loại tiêm kích Typhoon của Eurofighter hay F-18 của Boeing và Saab Gripen của Thụy Điển.

Pháp : tiêm kích Rafale đã được thử thách qua tác chiến

Đức Tâm
media
Rafale cất cánh từ căn cứ quân sự Istres -miền nam nước Pháp.AFP PHOTO/ERIC PIERMONT

Biểu tượng của ngành công nghệ hàng không quân sự Pháp, tiêm kích Rafale của tập đoàn Dassault Avion là loại máy bay đa năng, đã được thử thách qua tác chiến và hiện đang tham gia các chiến dịch chống khủng bố tại Irak.

Ông Edward Hunt, chuyên gia cao cấp thuộc cơ quan tư vấn chiến lược quân sự Anh Quốc IHS Jane’s giải thích : « Rafale là tiêm kích thế hệ bốn, được đánh giá là một trong những loại máy bay đa năng hoàn thiện nhất hiện nay ». Máy bay này có lợi thế là được thiết kế, chế tạo bởi một đối tác, do vậy, được hoàn thiện nhanh so với các loại tiêm kích khác như Typhoon/Eurofighter, đặc biệt là khả năng tiếp nhận trang bị các loại các vũ khí mới.

Ngay từ lúc đầu, Rafale được thiết kế như một loại máy bay đa năng, tức là có thể thực hiện các nhiệm vụ khác nhau của không quân Pháp. Do vậy, tiêm kích này đã có ngay được khả năng tác chiến kể từ khi được đưa vào sử dụng, năm 2004.

Tiêm kích Rafale được huy động vào việc phòng không, ném bom chiến lược và hỗ trợ lực lượng mặt đất, chống tàu chiến và do thám.
Do có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ trong một chuyến bay, Rafale cũng là phương tiện nâng cao khả năng răn đe hạt nhân của Pháp.

Được triển khai ngay từ năm 2007 tại Afghanistan, Rafale là loại tiêm kích đầu tiên can thiệp vào Libya năm 2011, rồi Mali năm 2013 trong khuôn khổ chiến dịch Serval (Mèo rừng Châu Phi). Tại đây, Rafale đã tỏ rõ là tiêm kích ưu việt, thực hiện các đợt oanh kích xa căn cứ nhất trong lịch sử không quân Pháp : 9 giờ 35 phút bay, giữa căn cứ không quân Saint-Dizier (vùng Haute-Marne, Pháp) và N’Djamena ở Tchad.

Chín tiêm kích Rafale được huy động tham gia chiến dịch Chammal ở Irak, để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Theo giới chuyên gia, nhờ khả năng triển nhanh, tác chiến hiệu quả, Rafale đã chứng tỏ là phương tiện quân sự xác đáng trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, với các cuộc xung đột không đối xứng, chống lại các tổ chức khủng bố hoạt động tản mạn ở nhiều nơi.
Vẫn theo chuyên gia Edward Hunt, « việc máy bay tiến hành các hoạt động tác chiến thành công là điều cần thiết về mặt thương mại ». Một khách hàng tiềm tàng sẽ quan tâm đến các khả năng hoạt động của máy trong những đợt tác chiến.

Rafale, nặng 10 tấn, là tiêm kích duy nhất có thể chuyên trở một khối lượng vũ khí, xăng dầu nặng gấp rưỡi trọng lượng của máy bay, nhờ được trang bị 14 điểm cặm giữ.
Được vẽ theo mô hình chữ delta, có cánh liệng đặt trước cánh máy bay, Rafale được đánh giá là tương đối « tàng hình », phản hồi tín hiệu radar thấp do được chế tạo bằng các vật liệu composite.

Tiêm kích Rafale có thể đạt tốc độ Mach 1,8, tức 2200 km/giờ, cất cánh với đường băng dài 400 mét, tầm hoạt động 1850 km ở độ cao. Khoang lái một hoặc hai phi công, Rafale được thiết kế cho không quân và hải quân, có thể xuất kích từ hàng không mẫu hạm. Cũng nói thêm đây là loại tiêm kích nước ngoài duy nhất được phép xuất kích từ các hàng không mẫu hạm của Mỹ để tham gia tác chiến.

Rafale là sản phẩm của sự hợp tác giữa tập đoàn Dassault (nắm 60% tổng giá trị máy bay), tập đoàn Thales (22%) và tập đoàn sản xuất động cơ Snecma (18%) và được dùng làm tiêm kích của không quân Pháp cho đến năm 2040.

Theo kế hoạch của quân đội Pháp, trong thời gian tới, tiêm kích Rafale sẽ thay thế cho 690 máy bay đã hoạt động từ năm 1995.
Trong ngân sách quốc phòng Pháp, giá mỗi chiếc Rafale lên tới khoảng 100 triệu euro.

Chiến đấu cơ Rafale : Ấn Độ vẫn dè dặt

Mai Vân
media
Chưa có tin vui về hợp đồng bán Rafale cho Ấn ĐộREUTERS/Charles Platiau

Đến New Delhi từ tối ngày 23/02/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã có ngay một cuộc tiếp xúc với đồng nhiệm Ấn Độ Manohar Parrikar vào hôm nay, 24/02/2015. Trọng tâm cuộc gặp được cho là nhằm thúc đẩy trở lại các cuộc đàm phán về hợp đồng cực lớn : bán 126 chiến đấu cơ Rafale cho Ấn Độ.

Sau cuộc tiếp xúc, không bên nào đưa ra bất kỳ bình luận nào về nội dung thảo luận, nhưng trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã xác định rằng ông sẽ tập trung vào "tình hình quốc tế" và một số "vấn đề công nghiệp".

Theo giới quan sát, hai tháng trước chuyến công du nước Pháp của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Paris đang cố gắng thuyết phục New Delhi kết thúc cuôc đàm phán về thương vụ trị giá 12 tỷ đô la, bắt đầu ba năm trước đây nhưng đang có dấu hiệu bị đình trệ.
Lên nắm quyền lực từ tháng Năm, năm 2014, tân chính phủ Ấn của Thủ tướng Narendra Modi vẫn chưa quyết định dứt khoát về hợp đồng rất phức tạp liên quan đến việc đặt mua 18 chiến đấu cơ Rafale sản xuất tại Pháp và 108 chiếc khác sẽ do tập đoàn Ấn Độ HAL chế tạo ngay tại Ấn. 

Trở ngại vì giá Rafale quá đắt ? 
Nguyên nhân khiến Ấn Độ dè dặt có thể là giá cả quá đắt. Vào tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, một mặt tuyên bố muốn giải quyêt một cách "cấp tốc" các bế tắc trong đàm phán với Pháp, nhưng một mặt khác lại lần đầu tiên gợi lên khả năng thất bại khi cho rằng New Delhi hoàn toàn có thể mua máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga.
Khả năng đúc kết sớm các cuộc thương thảo với Pháp cũng đã bị phía Ấn Độ đẩy lùi khi ông Parrikar cho biết là ông muốn chờ đợi một báo cáo mới về vấn đề giá cả chiếc Rafale trước khi quyết định.

Hôm 18/02 vừa qua, nhân cuộc Triển lãm Hàng không và Quốc phòng mở ra tại Bangalore, miền Nam Ấn, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ xác nhận rằng bản báo cáo do Uỷ ban Đàm phán Hợp đồng của Ấn Độ thực hiện sẽ được hoàn tất ​​vào đầu tháng Ba, và sẽ "cho phép đưa ra quyết định về việc mua Rafale vì cơ quan này đang rà soát lại chi phí dài hạn" của các chiến đấu cơ Pháp.

Mới đây, theo nhật báo tài chính Ấn Độ Business Standard, Ủy ban đó đã kết luận rằng Rafale đã thực sự đắt hơn đối thủ cạnh tranh là loại phi cơ Typhoon của tập đoàn Châu Âu Eurofighter. Theo tờ báo hợp đồng với Pháp kể như đã "chết trong thực tế".

Pháp tịch thu hộ chiếu của công dân tham gia thánh chiến

Mai Vân
media
Tịch thu hộ chiếu và thẻ căn cước, vũ khí mới chống khủng bố.DR
Để chống lại hiện tượng công dân Pháp trốn sang Syria hay Irak tham gia thánh chiến, Paris bắt đầu dùng biện pháp mạnh : Tịch thụ hộ chiếu và thẻ căn cước. Vào hôm qua, 23/02/2015, 6 thanh niên Pháp đang chuẩn bị sang Syria đã phải chịu biện pháp này, lần đầu tiên được áp dụng.
Sáu thanh niên nói trên ở độ tuổi từ 23 đến 28 đã bị tịch thu cả hộ chiếu lẫn thẻ căn cước, trước mát trong thời hạn 6 tháng, nhưng có thể triển hạn đến hai năm. Những người này bị tình nghi sắp sửa lên đường qua Syria tham gia lực lượng thánh chiến.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Bernard Cazeneuve, một danh sách bao gồm khoảng 40 người khác bị cấm xuất cảnh cũng đang được chuẩn bị.
Trong thời gian gần đây, không chỉ riêng nước Pháp là áp dụng biện pháp tịch thu giấy tờ tùy thân của các công dân bị nghi ngờ muốn qua vùng Trung Cận Đông gia nhập hàng ngũ thánh chiến. Trước các vụ tấn công khủng bố đã gia tăng tại nhiều nước Phương Tây, kèm theo là hiện tượng ngày càng có nhiều người bị phong trào thánh chiến thu hút, nhiều nước phương Tây đã viện đến biện pháp cấm xuất cảnh.
Anh Quốc đã có luật cho phép tịch thu hộ chiếu trong vòng 30 ngày của những kẻ muốn qua Syrie hay Irak. Đạo luật gây tranh cãi này còn dự trù biện pháp tạm thời cấm trở về nước những người bị tình nghi có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Họ cũng có thể bị tước bỏ quốc tịch Anh.
Việc tước bỏ quốc tịch cũng được áp dụng tại Hà Lan, trong lúc ở Đức, biện pháp thu hồi hộ chiếu có thời hạn tối đa là ba năm.
Theo giới quan sát, trong việc chống lại hiện tượng công dân của mình tham gia thánh chiến Hồi giáo, luật lệ tai Anh được cho là nghiêm khắc nhất, chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Tại Canada, chính quyền cũng tỏ ra cứng rắn : Mọi công dân Canada đều có thể bị thu hồi giấy tờ tùy thân, trong lúc những người mang hai quốc tịch bị buộc tội khủng bố có thể bị tước bỏ quốc tịch Canada.

,___





__._,_.___

Posted by: =?UTF-8?B?TkdVWeG7hE4gVsOCTiBUw5lORw

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts