X

Monday, November 10, 2014

Angela Merkel: phá bỏ bức tường Berlin là một chiến thắng của nhân loại


Mikhail Gorbachev nói "Thế giới đang bên bờ một cuộc chiến tranh lạnh mới!"


Ông Mikhail Gorbachev
9/11/2014

Nhân kỷ niệm 25 năm ngày Bức Tường Bá Linh sụp đổ, chính phủ Đức Quốc nói chủ đề lễ kỷ niệm năm nay là để chào mừng một nước Đức thống nhất.

Một chuỗi 7 ngàn bong bóng trắng phát sáng được cắm trên một đoạn đường dài 15 cây số dọc theo biên giới cũ tượng trưng cho việc xoá bỏ Bức Tường.

Thủ Tướng Đức, bà Angela Merkel, chủ tọa một buổi lễ tưởng niệm những nạn nhân của chế độ cộng sản Đông Đức, và cũng đặt vòng hoa tưởng niệm tại phần còn lại của Bức Tường.

Khi trò chuyện với dân chúng, bà Merkel nói là cần phải nghĩ tới những người đã đau khổ vì Bức Tường, không riêng ỏ Đức mà ở khắp các quốc gia Đông Âu.

Trong buổi lẽ, có sự hiện diện của cựu lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết và trở thành Tổng Thống Ba Lan Lech Walesa, và cựu Lãnh Đạo Sô Viết là ông Mikhail Gorbachev.

Nhân dịp này, ông Gorbachev, năm nay 83 tuổi, đã có phát biểu là "Thế giới đang bên bờ một cuộc chiến tranh lạnh mới. Có người còn nói rằng nó đã bắt đầu rồi. Những cuộc đổ máu ở Âu Châu và Trung Đông và tình trạng mất đối thoại giữa các cường quốc là điều quan ngại to lớn!"

Hơn 1 triệu người đã đổ về thành phố Bá Linh trong cuối tuần này để tham dự các buổi lễ và sinh hoạt tưởng niệm, đặc biệt tại cổng Brandenburg Gate./.


Angela Merkel: phá bỏ bức tường Berlin là một chiến thắng của nhân loại

RFA-09-11-2014
Thủ tướng Đức bà Angela Merkel tuyên bố trước 100.000 người dự lễ 25 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ hôm 9 tháng, 2014 ở Đức
Thủ tướng Đức bà Angela Merkel đọc diễn văn trước 100.000 người dự lễ 25 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ hôm 9 tháng, 2014 ở Đức
AFP
Nước Đức hôm chủ nhật đánh dấu 25 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ, dẫn tới chấm dứt chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây. Thủ tướng Đức bà Angela Merkel tuyên bố trước 100.000 người dự lễ ở Berlin rằng, sự kiện phá đổ bức tường ô nhục cho thế giới thấy rằng: có thể biến mơ ước thành sự thật và điều này có thể tạo hy vọng cho những người dân bị áp bức dưới các chính thể chuyên chế ở bất kỳ nơi nào.
7.000 quả bong bóng bay lóng lánh được gắn ở những hàng cột cao 3,6 mét tức chiều cao của bức tường ô nhục Berlin. Bức tường ngăn cách Đông và Tây Đức dài 15 km được chính quyền Cộng sản xây dựng năm 1961 để ngăn cản người dân Đông Đức đi tìm tự do.
Angela Merkel  là một nhà khoa học trẻ sống dưới chế độ Cộng sản ở Đông Đức, ngày 9/11/1989 khi lần đầu tiên được hít thở bầu không khí tự do, bà đã phát biểu là sự phá bỏ bức tường ô nhục là thành quả của cuộc tranh đấu vĩ đại và phải được tưởng nhớ như là một chiến thắng của nhân loại.
Bà Angela Merkel hiện nay 60 tuổi đã đã lãnh đạo nước Đức thống nhất kể từ 2005.

Bước Nhảy Tự Do


Nguyệt Quỳnh

 

Chỉ có niềm khao khát mãnh liệt mới thôi thúc con người vượt lên trên chính họ, vượt qua nỗi sợ hãi, để bằng một hành động dũng cảm tự giải thoát chính mình. Người lính biên phòng Đông Đức, anh Conrad Schumann, khi ấy mới 19 tuổi. Conrad Schumann đã phóng qua hàng rào kẽm gai ngày 15/8/1961 để tìm tự do ở Tây Đức trong lúc bức tường Bá Linh mới bắt đầu được xây dựng. Người thanh niên can đảm này có thể bị bắn chết như khoảng 200 người khác trước và sau anh. Nhưng may mắn anh đã thoát được. Sau ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, trong ngày lễ kỷ niệm hai mươi năm, nước Đức đã dựng tượng đài của anh để diễn đạt nỗi khao khát tự do của con người.


Rất nhiều năm sau ngày đất nước đã thống nhất, người dân Đông Đức vẫn giữ trong trí nhớ mình cảm giác sợ hãi của những ngày tháng sống dưới sự kiểm soát của công an và mạng lưới mật vụ Stasi. Hồi tưởng mức độ căng thẳng tinh thần trong những năm tháng đó, Thủ tướng Đức, bà Agela Merkel đã bày tỏ: “Cần phải giữ làm sao để họ không buộc mình phát điên”. Một phụ nữ từng sống ở Đông Đức đã nói với cô con gái của chị rằng: suốt trong khoảng 10 năm, chị vẫn nằm mơ từng đêm thấy mình trở về Đông Đức, sinh sống tại đó. Nhưng may mắn thay, đó chỉ là một cơn ác mộng mà thôi!
Nhân kỷ niệm 25 năm ngày bức tuờng Bá Linh sụp đổ, nhiều người Việt cũng không khỏi bùi ngùi nhớ lại biến cố 30/4/75 trên đất nước mình. Nước Đức thống nhất không mất một giọt máu, chỉ có tiếng cười và nỗi hân hoan của người dân cả hai miền. Đêm 9/11/1989 dân Đức đua nhau trèo lên bức tường đã ngăn chia tổ quốc của họ suốt 28 năm. Họ đứng, họ ngồi, họ ca hát, họ vui đùa như những đứa trẻ, thỉnh thoảng người ta nghe thấy những tiếng thét to “Wir sind ein Volk!”, “Wir sind ein Volk!” (chúng ta cùng một dân tộc!).

Cộng sản Việt Nam đã bỏ lỡ mất cơ hội -- cơ hội hàn gắn dân tộc sau bao nhiêu năm chiến tranh để cùng nhau nỗ lực xây dựng lại đất nước. Ở hoàn cảnh hiện nay, có lẽ nhiều người Việt cả trong lẫn ngoài nước đều ước ao giá mà tình trạng hiện nay chỉ là một cơn ác mộng. Không ai có thể ngờ. Cả những người buộc phải bỏ nước ra đi và những người miền Bắc chiến thắng, đều không thể tưởng tượng được sau cái niềm vui thống nhất ngắn ngủi phù du đó, đất nước đã phải trả những cái giá quá đắt. Biển đảo và nhiều phần đất xương thịt của tổ quốc dọc theo biên giới đã mất đi chẳng biết bao giờ mới lấy lại được. Trong khi đó đất nước ngày càng kiệt quệ, gần như phụ thuộc hẳn vào người bạn láng giềng thâm độc và nham hiểm.

 

Nhưng điều đáng lo sợ hơn cả là dường như sống quá lâu dưới chế độ cộng sản, nỗi sợ hãi làm con người tê dại! Người ta trở nên ích kỷ, người ta gần như thờ ơ với tất cả mọi vấn đề của đất nước, gần như vô cảm trước mọi tai ương của dân tộc. Nhìn những cố gắng, những nỗ lực hết sức của các nhà dân chủ, của những người quan tâm hiện nay, phải đau lòng mà nói họ vẫn còn là thiểu số trong một đại đa số thụ động. Có nỗi kinh sợ nào bằng khi tổ quốc đi dần đến tình trạng diệt vong như Tân Cương, Tây Tạng mà dân tộc vẫn an vui từng ngày với số phận? Hôm nay khu kinh tế Formosa, Vũng Áng, Hà Tĩnh đã bắt đầu đòi tự trị. Đến hôm nào thì những khu vực nhạy cảm, những vùng đất chiến lược để bảo vệ tổ quốc cũng sẽ xếp hàng đòi tách riêng vì khác biệt văn hóa - đa số dân cư trong vùng nói tiếng Hoa?

 

Để giúp nhau vượt qua cơn ác mộng này, mỗi người Việt Nam phải góp mặt cho ước muốn của chính mình, góp mặt hiền hoà như dòng người Đông Đức 25 năm về trước. Đêm 9/11/1989 lính biên phòng Đông Đức đã tự động buông súng xuống để cho người dân vượt qua các cửa ngõ biên giới. Thành phố Berlin từ 9 giờ tối cho đến 2 giờ sáng đã chào đón khoảng 20.000 người vượt qua bức tường Bá Linh để tìm đến với tự do. Nước Đức đã có một đêm không ngủ, đây là một cuộc bỏ phiếu bằng chân lớn nhất trong lịch sử quốc gia này. Dòng người từ Đông Bá Linh như một khối nham thạch tuôn chảy, họ đi bộ thâu đêm suốt sáng, hàng hàng lớp lớp nối đuôi nhau tưởng chừng như không bao giờ dứt.

 

Nhưng Đông Đức một ngày trước đó không hề bình yên, suýt chút nữa đã xảy ra một cuộc tắm máu. Chính quyền đã huy động hơn 8000 binh lính gồm cả cảnh sát và mật vụ Stasi trong tư thế chuẩn bị cho một trận đàn áp. Nhưng cuối cùng, cuộc đàn áp đã không xảy ra như dự định, ước muốn mãnh liệt của người dân đã buộc chính quyền phải thay đổi. Ước muốn ấy đã xô đổ bức tường Bá Linh và làm cho quân đội Đông Đức phải buông súng. Nó cũng là nguyên nhân làm sụp đổ khối thành trì cộng sản kiên cố ở Đông Âu.

 

Tưởng cũng nên nhắc lại bối cảnh lúc đó: sau khi Công Đoàn Đoàn Kết thắng lớn tại BaLan, Hungary là quốc gia tiếp nối từ bỏ chế độ cộng sản. Quyết định mở cửa biên giới của Hungary đã giúp hơn 30.000 người Đông Đức di cư sang Tây Đức qua ngã biên giới của quốc gia này. Để ngăn chận làn sóng di cư, chính quyền Đông Đức liền ngưng ngay việc cấp giấy phép du lịch đến Hungary. Tiệp Khắc bỗng nhiên trở thành một nước láng giềng duy nhất mà người dân Đông Đức có thể thoát ra ngoài qua ngã du lịch. Dân Đông Đức đã không từ bỏ ước muốn được vượt biên đến Tây Đức, họ tìm mọi cách để xin trú ngụ ở các cơ sở ngoại giao của các thủ đô Đông Âu khác. Đặc biệt tại Đại sứ quán Prague, đã có hàng ngàn người Đông Đức đã cắm trại trong vườn toà Đại Sứ suốt từ tháng 8 cho đến tháng 11. Khi chính quyền Đông Đức ra lịnh đóng cửa biên giới với Tiệp Khắc, cửa ngõ cuối cùng để vượt thoát ra ngoài đã bị đóng lại, lúc này người dân Đông Đức bắt đầu cuộc biểu tình của mình.


Cuộc biểu tình ôn hoà tại thành phố Leipzig được tổ chức vào mỗi thứ hai, ban đầu chỉ có hơn 100 người tham dự, nhưng chỉ trong vòng một tháng con số đã lên đến gần 1 triệu người. Lực lượng cảnh sát gần như bó tay trước số lượng người biểu tình cứ tăng dần lên. Cuối cùng, chính quyền Đông Đức đã phải đầu hàng trước áp lực của công chúng, bằng cách cho phép các công dân Đông Đức được vào Tây Bá Linh và Tây Đức trực tiếp, thông qua các trạm biên giới. Một năm sau ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, nước Đức chính thức tuyên bố thống nhất tính từ ngày 3/10/1990. Với ước muốn được sống tự do, mỗi người dân Đông Đức đã vươn bàn tay nhỏ bé của mình đồng loạt góp sức xô đổ bức tường ô nhục để xây dựng lại đất nước của họ.

Tuy thống nhất về mặt địa lý và con người, gánh nặng của một nửa quốc gia suy sụp sau gần nửa thế kỷ theo đuổi mô hình kinh tế XHCN không hề nhỏ. Khi sáp nhập vào Tây Đức, GDP của Đông Đức chỉ góp được 7% của cả nước Đức so với 93% của Tây Đức dù cho họ chiếm khoảng 1/3 dân số cả nước. Người dân Tây Đức đã phải đóng góp rất nhiều để có một nước Đức cường thịnh và phát triển như ngày hôm nay. Mỗi người dân Tây Đức, đi làm phải đóng 7% tiền lương của mình vào một quỹ gọi là “quỹ xây dựng lại Đông Đức”. Về mặt tinh thần “quỹ xây dựng lại Đông Đức” mang tính dân tộc rất cao, nó thể hiện sự đùm bọc và chữa lành những vết thương chia cắt. Mặc dù phải cưu mang thêm 18 triệu người Đông Đức, hầu hết người dân Tây Đức đều hài lòng với các chính sách của chính phủ và cùng chia sẻ niềm hãnh diện vì một nước Đức thống nhất.

Không có một đất nước nào có thể đi lên dưới bóng chủ nghĩa và nhà nước mô hình Marx-Lênin. Sau 25 năm bức tường Bá Linh sụp đổ, với sự nỗ lực tái thiết và cưu mang của người dân Tây Đức, đến nay nền kinh tế của Đông Đức vẫn còn phải dựa vào Tây Đức. Nhìn như thế mới thấy mức bất hạnh lớn cỡ nào cho những quốc gia còn quằn quại trong tụt hậu dưới gót giày cộng sản.

Miến Điện cũng đã từng độc tài và từng lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, nhưng những cải tổ chính trị đột ngột vào năm 2011 đã mở ra một tương lai mới cho nhân dân Miến Điện. Dân tộc Việt Nam cần một bước nhảy vọt như dân tộc Miến Điện ra khỏi vòng kiềm tỏa của Bắc Kinh. Hãy dám phóng tới như bước nhảy tự do của Conrad Schumann ... trước khi quá trễ.

Chúng ta mong ước thiết tha cái ngày người Việt trên toàn thế giới cùng chia sẻ nỗi ấm áp và hân hoan tuyệt vời khi thành lập quỹ hỗ trợ tái thiết lại đất nước Việt Nam hậu độc tài.

Bao giờ ngày đó đến, bao giờ đất nước sẽ hồi sinh?

Nguyệt Quỳnh

Thông Tin Đức Quốc - http://www.ttdq.de/node/1883


Di sản Đông Đức 25 năm sau ngày thống nhất

Lê Vĩnh @S: -- FB/CTM

Hai mươi lăm năm sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, nước Đức Thống Nhất, cùng với ngân khoản khổng lồ để tái thiết những vùng trước kia ở bên kia bức màn sắt của nước Đức lên tới một ngàn năm trăm tỷ Euros, khoảng 2000 tỷ mỹ kim, hai miền của nước Đức nay vẫn còn nhiều khác biệt từ kinh tế đến con người. Một bản tin của AFP vào cuối tháng 10 vừa qua (1) cho biết như vậy. Ngân khoản to lớn vừa kể (ước tính cho đến nay) là khoản tiền thuế phụ trội 5.5% có tên gọi là thuế “đoàn kết” (solidarity tax) mà người dân Tây Đức phải đóng thêm từ năm 1991 cho đến năm 2019 để tái thiết lại Đông Đức sống dở chết dở sau bao nhiêu kế hoạch ngũ niên của nhà nước cộng sản Đông Đức.

Một bản tin khác của AFP tháng trước đó (2) thuật lại một số chi tiết trong bản báo cáo hàng năm, đánh giá về việc tái thiết Đông Đức để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 25 năm nước Đức thống nhất năm nay, tuy có đưa ra hình ảnh tích cực hơn của Đông Đức sau 25 năm nước Đức thống nhất, nhưng vẫn cho thấy những nét ảm đạm của “di sản Đông Đức”.

Bản báo cáo vừa kể của bà Iris Gleicke, đại diện của những tiểu bang “mới” cho biết, mặc dù việc tái thiết 5 tiểu bang thuộc Đông Đức cũ đã đạt được nhiều tiến triển và hài lòng về “bức tranh tổng thể”, cũng như đã thành công phần lớn trong việc hội nhập của người dân Đông Đức, nhưng vẫn còn một khoảng cách đáng kể giữa hai miền trong lãnh vực kinh tế và công ăn việc làm. Mặc dù lợi tức bình quân đầu người của người dân Đông Đức nay đã tăng gấp đôi so với lúc bức tường Bá Linh vừa sụp đổ vào năm 1990, nhưng lợi tức này nay vẫn chỉ bằng khoảng 2/3 lợi tức bình quân của người dân Tây Đức, trong khi đó thì sự thịnh vượng của Tây Đức gần gấp đôi Đông Đức. Bản báo cáo này còn cho biết, từ năm 1995 đến năm 2013 nền kinh tế ở Đông Đức tăng trưởng 20%, cùng thời gian đó kinh tế Tây Đức Tăng trưởng 27%.

Theo bản báo cáo thì con số ít ỏi các công ty lớn di chuyển sang Đông Đức là yếu tố quan trọng làm cho năng suất lao động của người dân vùng này thấp kém, điều này cũng khiến sự hội nhập của người dân Đông Đức trong mấy năm vừa qua chậm lại. Mặt khác, nền công kỹ nghệ ở Đông Đức sau năm 1990 chỉ gồm những công ty loại trung bình và nhỏ. Không có một công ty nào có tên niêm yết trên thị trường chứng khoán DAX của Đức đặt trụ sở của họ ở phía Đông Đức. Các công ty đa quốc gia đặt trụ sở ở phía Tây Đức vì điều kiện làm việc tốt hơn, họ cũng trả lương cao hơn, và nhờ thế họ mới giữ được lực lượng lao động có tay nghề và năng suất cao.

Theo các con số chính thức thì tỷ lệ thất nghiệp ở phần đất Đông Đức là 10.3%, dù rằng trong năm 2013 Đông Đức đã hạ được tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất kể từ khi nước Đức thống nhất đến nay; trong khi tỷ lệ đó ở Tây Đức chỉ khoảng 6%. Mười năm trước đây tỷ lệ thất nghiệp ở Đông Đức lên đến 18.4%, gấp đôi ở Tây Đức. Một báo cáo khác của viện nghiên cứu kinh tế Ifo công bố gần đây cũng cho thấy một hình ảnh tương tự.

Theo một cuộc thăm dò vào cuối tháng 9 thì có đến 75% “Ossis”, tức những người ở Đông Đức cũ như ở Đức vẫn gọi họ, thấy nước Đức thống nhất là sự kiện tích cực, trong khi đó chỉ có 48% "Wessis" (người ở phía Tây Đức) cảm nhận tương tự. Nhiều người dân Đông Đức thuộc thế hệ già cả vẫn nuối tiếc hệ thống y tế và giáo dục “bao cấp” thời cộng sản.

Nhìn chung thì ai cũng phải thừa nhận những nguyên nhân, sự khác biệt và yếu kém của nền kinh tế Đông Đức cũ dưới chế độ cộng sản. Nó để lại một di sản nặng nề và tồi tàn cho nước Đức sau khi thống nhất. “Việc tái thiết (Đông Đức) vẫn chưa xong, rõ ràng là như vậy. Tuy nhiên đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm”. Ông Michael Burda, kinh tế gia ở đại học Humboldt, Berlin, đã nhận xét như vậy khi nhìn lại chặng đường 1/4 thế kỷ bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất.

---

(1) Theo ước đoán của giáo sư Thomas Lenk, đại học tài chánh công Leipzig (public finance at Leipzig University), 25 years on, Germany's east-west divide still palpable (http://news.yahoo.com/25-years-germanys-east-west-divide-still-palpable-033659928.html)

(2) Eastern Germany still lags 25 years after Berlin Wall's fall, (http://news.yahoo.com/eastern-germany-still-lags-25-years-berlin-walls-202606037.html)

Nguồn: FB CTM

__._,_.___

Posted by: ly vanxuan

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts