X

Wednesday, May 21, 2014

Việt Nam phải có ngay một hiệp ước tương trợ quốc phòng với Hoa Kỳ

Việt Nam phải có ngay một hiệp ước tương trợ quốc phòng với Hoa Kỳ

Phượng Hoàng, Đài SBS, Australia, phỏng vấn tiến sĩ, nhà báo Phạm Chí Dũng
Chủ nhật tuần qua biến cố biểu tình lan rộng khắp nước chống Trung Quốc đưa giàn khoan vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã được dư luận quốc tế chú ý loan tin rộng rãi. Nhưng trên trạng mạng của báo chí lề trái, người ta thấy rõ bàn tay của nhà cầm quyền tổ chức một cuộc biểu tình “quốc doanh”, chủ ý định phỗng tay trên cướp đoạt cuộc biểu tình của người dân yêu nước để lèo lái theo ý muốn của đảng cầm quyền, nhưng bị thất bại vì bị vạch mặt.

Thế rồi sang ngày thứ Ba, một làn sóng biểu tình khác đã bùng nổ tại 22 tỉnh thành. Đặc điểm là các cuộc biểu tình này bạo động, diễn ra ở các công ty của người ngoại quốc, đa số là của Trung Quốc. Nhiều hãng xưởng đã bị đập phá, phóng hỏa, và bị một số người hôi của. Ngay ngày hôm ấy, công nhân tại các nơi này đã xác nhận những kẻ đến hô hào bạo động không phải là công nhân của nhà máy. Hàng trăm người bị bắt.


Nhạc sĩ Tuấn Khanh tại Việt Nam đã đi đến từng nhà máy trong khu công nghiệp Biên Hòa, Bình Dương và ghi nhận: nhóm biểu tình bạo động này rất hung hăng, đi từ nơi này sang nơi khác, trang bị gậy sắt, máy bộ đàm, có tổ chức chặt chẽ, dụ dỗ người đi biểu tình sẽ được trả tiền. Nhóm người này có cung cách hành xử rất côn đồ, đập phá có chủ đích và rất chuyên nghiệp.

Đặc biệt, tại tất cả những nơi bị đám người này tấn công, người ta thấy vắng bóng công an, cảnh sát; công ty bị phóng hỏa, công nhân gọi lực lượng cứu hỏa nhưng bị cúp máy. Tất cả cho thấy một sự “thả lỏng” kỳ lạ của nhà cầm quyền.
Trong khi đó, lời kêu gọi của thành phần thanh niên yêu nước - kêu gọi biểu tình ôn hòa, không bạo động, không cướp phá – bị lạc lõng trong cơn hỗn loạn.

Ai giật dây những kẻ gây ra bạo loạn? Phải chăng mục đích của họ là phá hoại phong trào chống hành động xâm lăng của Trung Quốc và phá hoại luôn cả kinh tế Việt Nam?
Như vậy phải chăng hiện nay có đến 3 thành phần, 3 khuynh hướng biểu tình tại Việt Nam? Chúng tôi đã đặt câu hỏi đó với tiến sĩ kinh tế – nhà báo tự do Phạm Chí Dũngtại Sài Gòn. Ông trả lời:
Phạm Chí Dũng: Phóng sự hai phần của nhạc sĩ Tuấn Khanh rất giá trị trong bối cảnh hiện thời, tại thời điểm hiện thời và trong những điều kiện gọi là tình hình hỗn mang ở Việt Nam, bởi vì phóng sự đó nêu ra những câu hỏi, những tín hiệu không thể không làm cho dư luận phải nghi ngờ về vai trò của công an và sự biến mất của công an trong những ngày diễn ra những cuộc biểu tình bạo động ở Bình Dương, Đồng Nai và kể cả Hà Tĩnh. Riêng Hà Tĩnh thì đã có chết người và đó là một hậu quả rất trầm trọng.

Bài phóng sự đó tôi cho là mô tả tổng quát và đã đặt ra những câu hỏi – không chỉ là câu hỏi mà có thể dẫn tới kết luận nữa. Ngày hôm nay báo chí Nhà nước xác nhận là tất cả những kẻ bị bắt, những kẻ côn đồ đập phá tại Bình Dương, Đồng Nai không phải là công nhân. Rõ ràng như vậy. Mà không phải là công nhân thì là ai? Được giật dây bởi ai? Ai đứng đằng sau những kẻ côn đồ như vậy? Làm sao xuất hiện một nhóm côn đồ như vậy và có thể xách động cả một cuộc biểu tình đi đập phá thay vì biểu tình ôn hòa và biểu tình có văn hóa?

Chúng ta nhìn lại tổng quát thì thấy thế này: trong thời gian vừa qua thì có bốn luồng biểu tình – bốn khuynh hướng biểu tình. Khuynh hướng lớn nhất chính là nhân dân mà tôi cho là phát xuất từ tình cảm dân tộc. Người ta muốn phản kháng sự can thiệp của Trung Quốc tại lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông. Khuynh hướng thứ hai là biểu tình quốc doanh, hoặc là “biểu tình cuội”, hoặc dùng một từ chuyên môn hơn của Nhà nước, gọi là “phản biểu tình” hoặc “chống biểu tình”. Đó là cái phương án đã được tập dượt từ lâu và đưa cả vào phương án B2 là phòng chống bạo loạn biểu tình. Khuynh hướng thứ ba là khuynh hướng biểu tình hơi có tính chất “cải lương” của một số trí thức nhân sĩ mang khuynh hướng phản biện trung thành với Nhà nước. Khuynh hướng này trong thời gian vừa rồi đã nhận được sự hồi đáp gần như là sự lăng mạ từ phía chính quyền, không gần gũi hơn được với chính quyền và có thể nói thẳng đó là một sự thất bại.

Và khuynh hướng thứ tư đặc biệt nghiêm trọng mà chúng ta vừa đề cập tới, là khuynh hướng biểu tình bạo động và có thể dẫn tới bạo loạn. Đó là những phần tử quá khích hôi của và mượn hơi cuộc biểu tình để thực hiện những động cơ riêng của họ.

Tại sao lại có những người đi biểu tình cầm theo cả máy bộ đàm? Tại sao trong những ngày biểu tình, toàn bộ lực lượng cảnh sát giao thông – vốn trước đó tràn ngập và bị coi là “hung thần” ở tỉnh Bình Dương và Đồng Nai – lại biến mất? Kể cả cảnh sát cơ động cũng không thấy tăm hơi đâu! 

Quân đội thì hoàn toàn không thấy! Và tại sao những kẻ côn đồ biểu tình đập phá tới nay lại được xác nhận không phải là công nhân? Như vậy là một nhóm nhỏ hay là một nhóm lớn? Và những luồng thông tin đặt ra là liệu có bàn tay của tình báo Hoa Nam, Trung Quốc, trong những cuộc biểu tình bạo động như vậy hay không? Và đặc biệt nghiêm trọng là chúng ta thấy là ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, là nơi có ít nhất 7.000 công nhân Trung quốc làm việc, nơi có giá trị đến hàng tỉ đô la Trung Quốc đầu tư vào và đã gây dậy sóng dư luận trong báo chí Việt Nam trong thời gian vừa qua về việc Trung Quốc tọa ngự ngay trên mặt đất Việt Nam và đó là kế sách định cư lâu dài của người Trung Quốc ở Việt Nam, thì đã xảy ra những cái chết . Và những cái chết đó không phải là số ít. Theo tin Reuters, có ít nhất 20 người. Tôi còn nghe những thông tin có thể con số cao hơn. Và tình hình rất nghiêm trọng ở đó. Chính ông Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã phải xác nhận là tình hình rất nghiêm trọng và ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Như vậy tất cả nhưng hiện tượng biểu tình trong thời gian vừa qua xứng đáng để tất cả chúng ta, những người quan sát đau đáu với hiện tình đất nước Việt Nam trước giàn khoan HD 981 của Trung Quốc ngự trị trong lãnh hải Việt Nam, đặt ra những câu hỏi hết sức bức xúc rằng: với tất cả những hiện tượng nhốn nháo như hiện nay thì mọi chuyện sẽ dẫn tới đâu?

SBS : Mọi chuyện sẽ dẫn tới đâu anh ? Dù là phe nào đi nữa thì vấn đề đặt ra là: ai chịu trách nhiệm? Nhà Nước Việt Nam nói chung vẫn là người phải đứng ra gánh trách nhiệm chứ đâu có đổ cho nhóm nào, côn đồ hay ai được? Người chịu trách nhiệm tối hậu là Nhà Nước, phải không ạ?

Phạm Chí Dũng: Tất nhiên là Nhà Nước phải chịu trách nhiệm. Chỉ có điều đó là trách nhiệm cuối cùng, chứ không phải là trách nhiệm đầu tiên. Bởi vì đầu tiên phải thể hiện vào lúc mà hậu quả bắt đầu sinh ra. Nhưng mà khi hậu quả bắt đầu sinh ra thì không thấy bóng dáng chính quyền, Nhà nước, công an ở đâu cả! Và chỉ khi mọi thứ đã tan hoang, khoảng vài chục – có con số lên tới gần một trăm doanh nghiệp đã bị đập phá, trong đó có doanh nghiệp của Trung Quốc, Đài Loan và kể cả của Singapore nữa- lúc đó công an mới vào cuộc, mới bắt người. Lúc đó mọi chuyện đã quá muộn rồi! Cuối cùng vẫn là trách nhiệm của Nhà nước. Tôi đồng ý với quan niệm này.

SBSVà khi mình nói đến trách nhiệm, có vấn đề bồi thường? Có bồi thường không? Ai sẽ bồi thường đây?
Phạm Chí Dũng: Trung Quốc đang nêu vấn đề bồi thường với Việt Nam. Nhà nước Trung Quốc sau vụ biểu tình ở Vũng Áng, Bình Dương, Đồng Nai và sau những hậu quả trầm trọng như vừa qua thì bắt đầu lên tiếng: “Việt Nam phải có trách nhiệm để xử lý nghiêm những kẻ gây rối, những kẻ côn đồ và phải bồi thường cho các doanh nghiệp”.
Tôi không biết thực ra vấn đề bồi thường này Trung quốc dựa trên điều luật quốc tế nào, bởi vì ngay những quy tắc ứng xử ở Biển Đông (DOC) và các quy ước quốc tế (UNCLOS) Trung Quốc đã không tuân thủ nghiêm túc thì làm sao Trung Quốc có thể đòi Nhà nước Việt Nam bồi thường về vấn đề này? Và trước khi nói tới vấn đề bồi thường thì Trung Quốc sẽ trả lời Việt nam thế nào nếu như Nhà nước Việt Nam làm được như là Nhà nước Philippines, có nghĩa là đệ đơn kiện Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam ra tòa án quốc tế? Đó là một vấn đề.

Vấn đề thứ hai là việc bồi thường cho các doanh nghiệp Trung Quốc, nếu chỉ xét ở nội tình Việt Nam, tôi cho là Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phải bồi thường, trong đó có trách nhiệm đã không quản lý trị an thực sự đúng pháp luật và để xảy ra những sự việc như vậy – nhưng mà không phải do yêu cầu của Trung Quốc mà Nhà nước Việt Nam tự thân phải có trách nhiệm về vấn đề đó.
Bây giờ có một vấn đề đặt ra là : chưa thấy bất kỳ một doanh nghiệp nào nêu ra một sự thiệt hại tính bằng giá trị nào…

SBS: Họ chưa có thì giờ, họ chưa kịp thôi!

Phạm Chí Dũng : Có lẽ có tâm lý như thế này nữa: là họ đang ngán ngại, đang sợ hãi vì cái làn sóng chống Trung Quốc ở Việt Nam, và họ sợ là khi họ công bố những con số như vậy lại càng đổ dầu vào lửa và làm cho sự phẫn uất của người Việt Nam đối với Trung Quốc tăng cao hơn nên họ chưa công bố, chứ tôi nghĩ là họ đã có con số thống kê, có ước tính sơ bộ về thiệt hại như thế nào rồi.
SBS : Nhưng không phải chỉ riêng các công ty Trung Quốc họ đang sợ hãi mà chạy sang các nước khác, lo bỏ của chạy lấy người. Có cả những công ty của Singapore, của Đài Loan, họ cũng giơ hai tay lên, họ nói: chúng tôi không có dính líu gì tới TrungQuốc hết, chúng tôi ủng hộ Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam v.v.. Nói chung là bầu không khí đầu tư làm ăn ở Việt Nam đang sụp đổ. Làm thế nào để gây lại lòng tin tưởng nơi giới đầu tư bây giờ anh?

Phạm Chí Dũng: Nhà nước Việt Nam phải đứng ra xin lỗi giới đầu tư nước ngoài, chính thức phải có trách nhiệm bồi thường một phần cho giới đầu tư nước ngoài. Không thể khác hơn được. Chính Nhà nước Việt Nam và ngân sách Việt Nam phải đứng ra làm chuyện đó. Chỉ có điều ngân sách Nhà nước Việt Nam cũng lấy từ tiền thuế của dân thôi, mà tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay cực kỳ khó khăn. Tôi không biết Nhà nước Việt Nam sẽ lấy tiền ở đâu ra. Nhưng chắc chắn sẽ phải xin lỗi người ta, tại vì vụ vừa qua không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế đối với nước ngoài, mà những cuộc biểu tình bạo động bạo loạn làm tôi nhớ tới tình hình Indonesia cách nay 15, 16 năm và tới tình hình Ukraine như thời gian vừa qua. Và nó thực sự là nỗi nhục quốc thể đối với Việt Nam, tại vì nó đẩy nền văn hóa biểu tình, nền văn hóa biểu thị của dân chúng xuống tới tận cùng. Người ta nhìn vào cái hiện tượng này, quy về cái bản chất của nó. Nếu chỉ nhìn vào hiện tượng thì sẽ thấy là biểu tình chỉ là để đập phá và giết người. Và như thế là tận cùng của văn hóa biểu thị và hoàn toàn không phù hợp chút nào với các công ước, quy ước quốc tế trong Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc mà Nhà nước Việt Nam đã tham gia.

SBSCó ý kiến cho rằng biểu tình và bày tỏ sự phẫn nộ như vậy không phải từ nguyên nhân duy nhất là chống Trung Quốc, có phải vậy không ạ?

Phạm Chí Dũng: Hoàn toàn đúng. Tôi là người Việt Nam, tôi hoàn toàn sống trong bầu không khí phẫn nộ và kích nổ ở Việt Nam nên tôi hiểu vấn đề. Và tôi cũng nghe rất nhiều dư luận về thực trạng xã hội Việt Nam trong những năm vừa qua; đặc biệt là từ năm 2013 tới giờ xảy ra quá nhiều chuyện. Và giới công nhân là giới bị áp bức nhiều nhất, áp bức về chế độ lương, về chế độ lao động, về chế độ an sinh xã hội, về mối quan hệ chủ thợ. Họ luôn luôn sống trong cảnh nơm nớp bị đuổi việc.
Từ năm 2011 đến nay, mặt bằng giá cả, chỉ số lạm phát thực tế ở Việt Nam đã tăng từ 2,5 đến 3 lần. Trong khi đó, mặt bằng lương cuả công nhân ở các khu chế xuất công nghiệp giảm từ 25 đến 30%. Như vậy thì giá cả tăng, mà lương lại giảm thì làm sao công nhân có thể tồn tại được ? Mà mức lương đó vốn trước đây đã được coi là khó sống. Trả lương như vậy mà kéo dài thời gian làm việc; thậm chí đi toilet cũng phải xin phép, phải làm đơn, như vậy thì làm sao công nhân có thể chịu đựng được? Mà lại có hiện tượng những công ty Trung Quốc và Đài Loan là những công ty đối xử với công nhân Việt Nam thiếu văn hóa, tàn tệ nhất. Chính điều đó đã gây ra một mối xung khắc tích tụ lâu năm giữa công nhân Việt Nam với chủ nhân Trung Quốc và Đài Loan. Cho nên không ngạc nhiên là trong làn sóng bạo động vừa qua, các doanh nghiệp bị nhắm tới là Trung Quốc và Đài Loan chứ không phải là ai khác.

Vấn đề giàn khoan HD 981 chỉ là phát pháo lệnh, một đốm lửa để bùng cháy lên, lan ra cả một vùng lửa lớn; trong đó có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chính là bức xúc và phẫn uất xã hội dẫn tới phản kháng xã hội; chưa kể là sự phản kháng của công nhân đối với các chính sách của Nhà nước và các vấn đề khác của xã hội. Họ nhân vụ này để ra đường gào, thét, la và làm mọi thứ để có thể giải tỏa nỗi bức xúc đã bị kìm nén lâu ngày. Đó là nguyên nhân chính. Còn về vấn đề Trung Quốc, tôi cho là họ có tinh thần dân tộc, nhưng nó không là nguyên nhân quyết định trong vụ việc để kéo cả một đám đông trong suốt mấy ngày đi từ tỉnh này sang tỉnh kia, thậm chí là diễn ra hành động đập phá như vừa qua. Đó là một hiện tượng rất đáng lý giải về góc độ xã hội học và tâm lý học.
SBS: Trong khi tình hình diễn ra như vậy thì anh nghĩ gì khi Hội nghị Trung ương đảng né tránh chuyện Biển Đông, lo đi bàn về văn hóa? Bên trong thì như vậy, còn bên ngoài thì Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng xin gặp Tập Cận Bình nhưng bị từ chối ?

Phạm Chí Dũng: Đó cũng là một sự thất vọng kép! Hai sự thất vọng đến cùng một lúc! Hội nghị Trung ương hoàn toàn không đề cập đến vấn đề Trung Quốc. Chỉ bài diễn văn cuối cùng mới đề cập đến vấn đề biển Đông. Dùng từ “biển Đông” nhưng không có một từ “Trung Quốc” nào cả! Có lẽ không cần giải thích quý vị cũng hiểu tại sao như vậy. Tại vì tất cả đều dẫn dắt từ một chu trình khép kín thôi – nhân nào thì quả đó. Và chính sách Việt Nam là hữu nghị thắm thiết, tình bạn môi hở răng lạnh với Trung Quốc đã phải trả giá như thế nào. Và hầu hết cho tới nay thì dường như giới chính khách đều ngậm bồ hòn. Họ không thể nói hơn được nữa. Đó là một chuyện.

Câu chuyện thứ hai chị vừa đề cập là chuyện tờ The New York Times, tờ báo uy tín lớn nhất của Hoa Kỳ đã tiết lộ tin này, chứ không phải báo chí trong nước. Việc ông Nguyễn Phú Trọng đã bị từ chối thẳng thừng bởi văn phòng của ông Tập Cận Bình là vì ông Nguyễn Phú Trọng đề cập chuyện có thể qua Bắc Kinh để bàn những biện pháp “giải tỏa”. Thực sự đó là một lời cầu xin. Nhưng ngay cả lời cầu xin đó cũng bị thẳng thừng từ chối. Tôi cho đó là một nỗi nhục tiếp theo nỗi nhục một nước nhỏ quá quỵ lụy nước lớn đến không thể chấp nhận được!

Tình hình đó cho thấy là tình hình ở biển Đông bế tắc, bế tắc tới mức mà nay người ta cho rằng Việt Nam không còn lựa chọn nào khác. Chỉ là một trong hai, chứ không còn là cả hai. Không còn là lúc so đo tính toán, đi dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nữa, mà chỉ có thể là lựa chọn một trong hai: hoặc là Trung Quốc, hoặc là Hoa Kỳ. Cho nên tín hiệu mà Tư lệnh hạm đội 7 Hoa Kỳ bắn tin trên Reuters về việc hợp tác quân sự Biển Đông giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong vài ngày qua, đó là tín hiệu tôi cho là nếu Việt Nam mà bỏ qua cơ hội này thì sẽ khó còn cơ hội nào khác.

SBS: Thưa, báo chí trong nước loan những tin như là “quốc tế phẫn nộ”, như là “dư luận các nước, các chính khách, các học giả lên án Trung Quốc”… nhưng mà trong những ngày đầu, Mỹ còn nhẩn nha nói là Mỹ “đang nghiên cứu”. Còn về phía Nga là nước đã bán tàu ngầm cho Việt Nam, thì Nga bận tập trận với Tàu. Có ý kiến là mình chớ có tin Mỹ, tin Nga mà có ngày bán thóc giống mà ăn. Thế thì, cái lựa chọn nào còn lại cho Việt Nam? Liệu bây giờ nhà cầm quyền Hà nội có nghĩ tới chuyện kiện Trung quốc ra tòa án quốc tế như Phi Luật Tân hay không? Hay là chuyện đó bây giờ trễ quá rồi?

Phạm Chí Dũng: Tôi cho rằng người Nga họ đang bận với việc trưng cầu dân ý ở Crimea và bận đối phó với những luồng thông tin bất lợi cho họ về vụ Crimea. Người Pháp – tôi nghĩ là họ quan tâm tới vấn đề văn hóa được đặt ra trong hội nghị Trung ương 9 của đảng Cộng sản Việt Nam hơn là chuyện ở biển Đông. Còn người Mỹ, thì có vài thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ lên tiếng, không phải là đại diện cho Quốc Hội Mỹ, càng không phải là đại diện cho chính phủ Mỹ! Càng không có một tiếng nói nào của Tổng thống Mỹ.
Tôi cho là, hơn ai hết, người Mỹ họ hiểu Việt Nam. Họ đang đóng vai trò một người đứng trên núi nhìn xuống, nhìn hai con cá quẫy dưới biển và xem con cá nào thắng. Họ không bao giờ dại gì mà lao vào một cuộc chiến ở biển Đông mà trong đó cái phần thất thiệt sẽ ảnh hưởng đến lực lượng và uy tín của họ.

Báo chí Việt Nam, theo lối thông tin một chiều từ trước tới giờ – tất nhiên phải nói là “những tiếng nói phẫn nộ trên trường quốc tế”. Nhưng mà những tiếng nói nào, trong khi không hề có một tiếng nói chính thức nào trên một diễn đàn chính thức nào ủng hộ Việt Nam? Chỉ có một số người, trong đó cộng đồng người Việt là chủ yếu, chứ còn trong giới học giả thì rất ít.

Đồng minh lớn nhất của Việt Nam hiện nay, đối tác chiến lược toàn diện, chính là Trung Quốc. Nhưng mà tình bạn môi hở răng lạnh như vậy đã đối xử với Việt Nam như vậy, thì thử hỏi những người bạn khác đối xử với Việt Nam như thế nào? Thực tế Việt Nam không còn một đồng minh nào khác. Nhà nước Việt Nam hiện nay hoàn toàn cô đơn trên trường quốc tế.

SBS: Câu hỏi đặt ra là bây giờ liệu Việt Nam có nên cùng với Phi Luật Tân đứng ra kiện Trung quốc nhân chuyện giàn khoan này, hay la chuyện đó quá trễ rồi?
Phạm Chí Dũng: Tôi cho là chuyện đó có thể để sau. Không nhất thiết phải làm trong thời điểm này. Việt Nam vẫn còn mười năm nữa để đòi lại Trường Sa và vẫn còn thời gian khá dài để làm rõ cái đường lưỡi bò là như thế nào.
Nhưng việc nên làm trước mắt là bài học của người Philippines đã đạt được trong chuyến công du của Tổng thống Hoa kỳ Barack Obama tại Philippines. Đó là giữa Philippines và Hoa Kỳ đã có được một hiệp ước về quốc phòng.

Hiệp ước tương trợ về quốc phòng đó rất giá trị, có nghĩa là bảo đảm lãnh hải của Philippines khó bị Trung Quốc xâm lấn. Cho nên vừa rồi, bất chấp những lời tuyên bố hung hăng hiếu chiến của Trung Quốc, phía Trung Quốc đã không dám làm một cái gì trong hành động chiếm bất kỳ một đảo nhỏ nào của Philippines. 
Philippines đầy chủ quyền, đầy tự tin để có thể bắt bất cứ tàu cá nào của Trung quốc xâm nhập lãnh hải của Philippines.

Đó, vấn đề là như vậy. Cho nên khi Hoa Kỳ đã chìa tay ra từ tháng Tư năm 2013, đã có những hợp tác giao lưu quân sự với Đà Nẵng của Việt Nam thì đúng ra Việt Nam phải bắt được tín hiệu đó; nhưng mà rất tiếc đã không làm được gì từ đó đến nay và không có nổi một cái điều gọi là “chiến lược lá chắn” của Hoa Kỳ ở biển Đông của Việt Nam. Như vậy thì hậu quả Việt Nam phải trả giá đến ngày hôm nay là điều chắc chắn.

Điều đầu tiên, nhu cầu đầu tiên Việt Nam phải làm là phải có ngay được một hiệp ước tương trợ quốc phòng với Hoa Kỳ, và chính hạm đội 7 sẽ đóng vai trò đó. Khi hạm đội 7 xuất hiện ở biển Đông thì tôi cho rằng không chỉ giàn khoan HD 981, mà kể cả hàng trăm tàu chiến và hải cảnh của Trung Quốc đang quần thảo ở vùng lãnh hải này sẽ phải rút đi. Và mối họa trước mắt cũng như trong trung hạn của Trung Quốc đối với Việt Nam sẽ bị giảm thiểu.
SBS: Dạ vâng. Cảm ơn anh Phạm Chí Dũng.
TS Phạm Chí Dũng gửi BVN

Giàn khoan HD 981 trên bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung-Nga

Nguyễn Nghĩa 650 (Danlambao) - Nếu chỉ nhìn vào hành động đem giàn khoan HD 981 vào lãnh hải Việt Nam cùng đoàn thuyền chiến hùng hậu gần 100 chiếc, ngay sau chuyến thăm Châu Á của Tổng thống Hoa Kỳ Obama thì giải mã chuyện này không khó.

Hiển nhiên thông điệp của Trung cộng là dù Mỹ có cố gắng xây dựng liên minh với Nhật, Hàn, Phi thì Trung cộng cũng không sợ. Các liên minh này không chế ngự được Trung cộng. Trong khi Mỹ, Nhật, Hàn, Phi củng cố liên minh tự vệ trước Trung cộng, thì quả đấm của Trung cộng được đấm vào chỗ khác: Việt Nam.

Việt Nam là khâu yếu nhất, nếu ta cũng coi Việt Nam nằm trong vành đai kềm hãm bành trướng Trung cộng tại Châu Á Thái Bình Dương của Mỹ. Điểm yếu của Việt Nam nằm ở ĐCS Việt Nam, đảng đang nắm quyền lực tại Việt Nam. Tổng bí thư đảng này đã vì lợi ích của ĐCS Việt Nam, vì lợi ích cá nhân " bí thư" của riêng mình, đã "đứng trên tầm cao quan hệ" bán đứng Biển Đảo Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam trong thông cáo chung với Trung cộng ngày 15/11/2011.

Mượn truyền thông Việt Nam, Trung cộng gửi đến Mỹ, đến cả thế giới rằng: Trung cộng cứ khai thác dầu hỏa ở Biển Đông, Trung cộng cứ thực thi luật ai mạnh thì luật do người đó chế định.

Thế nhưng, ngoài thông điệp rõ ràng trên, vị trí của gian khoan 981 gợi ý cho ta 1 suy nghĩ: đặt giàn khoan 981 vào hải phận của Việt Nam, vào một nơi mà, theo đánh giá của giới chuyên môn: ít có khả năng có dầu hỏa ở đây.

Rõ ràng mục tiêu chính trị là chủ đạo, mục tiêu kinh tế chỉ là cớ che đậy bề ngoài.

Vậy chúng ta hãy đặt sự kiện giàn khoan 981 lên bàn cờ chiến lược toàn cầu Mỹ Nga Trung mà xem xét.

Tại Châu Âu, Ukraina đang chuyển mình ngả sang Tây Âu sau sự kiện Tổng thống thân Nga của nước này chạy trốn sang Nga. Vị trí chiến lược đặc biệt của Ukraina và chiếc cảng Sevastopol trên bán đảo Crime, là căn cứ của hạm đội Biển Đen của Nga, đã buộc Tổng thống Nga Putin chơi 1 ván bài nhằm thu lợi về lãnh thổ (chiếm Crimea...), thu lợi về an ninh (làm yếu Ukraina), nhưng chịu thiệt hại về kinh tế do chế tài của Mỹ và Châu Âu.

Nước Mỹ đã lúng túng trước chiến lược dùng “thường phục” xâm lược đất đai của Ukraina mà Putin áp dụng. Nắm bắt điểm yếu này của Mỹ, Trung cộng mở mặt trận thứ 2 làm nước Mỹ thêm lúng túng: điểm nóng ở Biển Đông, sự kiện giàn khoan 981.

Quay trục sang Châu Á-Thai Bình Dương, tiếp tục di chuyển 10% không lực và hải lực sang Châu Á, hay giữ nguyên trạng quân đội Hoa Kỳ tại Châu Âu để bảo vệ các đồng minh chiến lược, chung thủy với Mỹ, là bài toán khó đặt ra lúc này cho Obama. Đây chính là một mục đích của Trung cộng khi gây ra căng thẳng tại Biển Đông.

Là thủ phạm gây ra căng thẳng, tất nhiên Trung cộng đã tính kỹ từng bước. Hôm nay, ghép lại các mảnh sự kiện, ta thấy ngay bàn tay Trung cộng phía sau. Thật vậy, Trung cộng đã đoán trước rằng phía Việt Nam, cụ thể là phe Nguyễn Tấn Dũng sẽ phản đối trên truyền thông. 

Sự chuẩn bị của Trung cộng chính là lợi dụng tinh thần chống Trung cộng tại Việt Nam, chính là dựng nên những cuộc biểu tình phá phách tại Bình Dương và biểu tình có người chết tại Hà Tĩnh. Đội ngũ khiêu khích kêu gọi biểu tình đã dùng bộ đàm để liên lạc với nhau, đã chuẩn bị hàng nghìn chiếc áo phông và cờ, đã chuẩn bị sẵn những câu kích động như " 1 người Việt Nam bị công nhân Trung cộng đánh chết"... để làm mồi, kích động tâm lý đám đông trong biểu tình tự phát tại Hà Tĩnh, Bình Dương.

Rõ ràng một cuộc biểu tình tự phát phản đối Trung cộng đặt giàn khoan trong lãnh hải Việt Nam sẽ không thể có những biểu hiện này. Rõ ràng đây là hoạt động của những chuyên gia có nghiệp vụ, có tổ chức, có kinh phí, có chuẩn bị sẵn theo một lệnh. Đây là công việc của Hoa Nam tình báo sở. Đây là công việc của Tổng cục 2. Đây là công việc của những con chó săn gián điệp Trung cộng theo lệnh Bắc Kinh.

Những hành động này, có sự phối hợp nhịp nhàng của chính phủ Trung cộng qua những tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung cộng. Những hành động này có sự phối hợp nhịp nhàng của mạng lưới truyền thông quốc tế bôi nhọ Việt Nam, liên hệ các cuộc biểu tình với nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam.

Những ngày hôm nay, chính phủ Trung cộng đang cho tàu đến Hà Tĩnh đón những người Trung cộng bị thương trở về lục địa. Thật là một chính phủ quan tâm đến người lao động, điều này trái ngược với bản chất coi mạng người là cỏ rác của Mao. Hôm nay mạng người được Trung cộng đem làm lá bài chính trị.

Mục đích Trung cộng gây ra sự kiện giàn khoan 981 là gì? Để trả lời câu hỏi này, ta thử trả lời câu hỏi: Tại sao có chiến tranh Việt Trung 1979?

Năm tháng qua đi, mục đích của chiến tranh Việt-Trung 1979 do Trung cộng tiến hành đã lòi ra. Trung cộng tiến hành "chiến tranh dậy cho Việt Nam một bài học" là nhằm nhiều mục đích, trong đó các mục đích chính là:

1. Lấy lòng tin chiến lược của Hoa Kỳ.

Tiến hành chiến tranh với Việt Nam cộng sản, Trung cộng đã ngầm bảo với Hoa Kỳ rằng Trung cộng không cộng sản. Nếu như Hoa Kỳ thắc mắc Trung cộng đã ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh Việt- Mỹ, thì lý do chính chỉ là vì Hoa Kỳ đã tiến quá gần đến biên giới Trung cộng mà thôi.

Nước Mỹ là kẻ thù của lý thuyết cộng sản. Kỷ cương Xã hội Mỹ, sức mạnh văn minh Mỹ, sự giàu có của nước Mỹ... tất cả là xây dựng trên tư hữu.

2. Làm Việt Nam suy yếu kinh tế. Đánh gục lòng kiêu hãnh của tiểu bá Việt Nam, tiêu hao khí phách Việt Nam sau chiến thắng 1975.

Trung cộng trở thành nền kinh tế có GDP thứ 2 thế giới, chính là nhờ mối liên hệ chiến lược với Hoa Kỳ. Điều đó cũng có nghĩa là trận chiến biên giới với Việt Nam 1979 đã giúp Trung cộng chiếm được lòng tin chiến lược của Hoa Kỳ.

Như vậy hôm nay kéo giàn khoan vào Biển Đông, Trung cộng đang lặp lại chiến thuật lấy lòng người: lấy lòng Putin, lấy lòng nước Nga.

Trung cộng, bằng sự kiện giàn khoan, đã nói với Putin: Tôi đã chia lửa giúp anh, tôi đã gây khó khăn cho Hoa Kỳ khi phương Tây đang muốn cấm vận anh. Chúng ta, hai nước Nga, Trung có thể xây dựng quan hệ đồng minh. Trung cộng cần dầu hỏa, còn Nga đang cần tiền để phát triển kinh tế. Cùng đồng minh hợp tác, Nga và Trung cộng sẽ chống cự được chèn ép của Hoa Kỳ, phương Tây.

Một mục đích rất quan trọng nữa của Trung cộng là làm Việt Nam rối loạn. Đây là mục đích Trung cộng theo đuổi từ khi nước Trung cộng do Mao thành lập đến bây giờ.

Sự bất lực của Nguyễn Phú Trọng trước Nguyễn Tấn Dũng đã khiến Trung cộng quyết định chơi nước cờ dẫn xe HD 981 đâm thọc nhằm giúp đỡ Phú Trọng. Sự bất ổn của xã hội Việt Nam sẽ tạo tình thế nước đục và ngư ông Trung cộng sẽ được lợi. Trung cộng muốn thu được sau nước cờ này là Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, đảng trưởng vẫn là Nguyễn Phú Trọng.

Như vậy, khi đã nhìn thấu âm mưu của Trung cộng hôm nay, ta không thể coi sự cố rơi máy bay chở 4 ủy viên Bộ chính trị Lào là sự cố tình cờ. Nên để nó vào trong âm mưu của Trung cộng. Nếu đã như vậy, rõ ràng Trung cộng cũng đã tính tới tình huống chiến tranh với Việt Nam.

Lúc này Việt Nam là yếu nhất. Việt Nam lại không có hiệp ước đồng minh quân sự với Hoa Kỳ hay với Nga. Nếu Trung cộng tiến hành chiến tranh hôm nay, Việt Nam sẽ nằm trong thế gọng kìm từ 4 phía: Lào, Campuchia, Trung cộng và từ Biển Đông. Nước Việt Nam đang trong tình huống tiền chiến tranh, tứ bề thọ địch.

Làm rối nội tình Việt Nam, làm yếu kinh tế Việt Nam... trước khi gây chiến tranh sẽ là những bước đi sắp tới của Trung cộng. Không loại trừ việc Trung cộng sẽ sử dụng lá bài đội quân thứ 5: hoa kiều, như đã từng sử dụng trước chiến tranh tháng 2/1979. Kéo giàn khoan 981 vào lãnh hải Việt Nam, Trung cộng đã có tính toán kỹ lưỡng từng bước. Tuy vậy không phải kết quả nào cũng chiều theo ý muốn của họ.

Trung cộng muốn làm rối loạn chính trị Việt Nam, muốn đẩy Việt Nam vào bất ổn chính trị để Hoàng Trung Hải trở thành thủ tướng, Nguyễn Chí Vịnh bộ trưởng Bộ quốc phòng... chưa thành công. Vụ việc đập phá các nhà máy thuộc đầu tư nước ngoài đã được dàn xếp. Thế nhưng tình huống tứ bề thọ địch của Việt Nam chưa được hóa giải.

Trước hết Việt Nam phải vô hiệu hóa gián điệp của Trung cộng trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam cũng phải tính đến sự phản trắc đi đến từ Lào, Campuchia như các sự kiện trước chiến tranh với Trung cộng năm 1979.

Trong quá khứ, Việt Nam luôn đương đầu với Trung cộng không có viện trợ, ủng hộ từ bất kỳ nước nào. Thậm chí gọng kìm Toa Đô và Thoát Hoan cũng không làm thất bại được Việt Nam. Trong bối cảnh hiện đại, không có đồng minh chiến lược đồng nghĩa với hàng triệu thanh niên Việt Nam sẽ phải hy sinh vô ích.

Cần gấp rút xây dựng khối đại đoàn kết Việt Nam và đồng minh với Hoa Kỳ.





No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts