Khoa
học xã hội ở ta là thế, làm sao khác được!
Vương
Trí Nhàn
Như tiêu đề của nó đã nêu rõ, bài viết Vụ Luận văn về Mở Miệng: còn cơ hội nào cho ngành Khoa học xã hội
& nhân văn? [Bauxite Việt Nam
7-10-13] không chỉ xới lại một hiện tượng nổi cộm thời gian gần đây, mà còn
động chạm tới tình trạng của khoa học xã hội ở Việt Nam nói chung.
Tại sao lớp trẻ Việt
Nam ngao ngán KHXH đang dạy ở nhà trường và những đầu óc ưu tú nhất trong thế
hệ các em chối từ đến cùng các ngành Sử, Triết…?
Tại sao những người cầm chịch KHXH hiện nay không ngớt kêu gào đưa
trình độ của ngành lên tầm quốc tế, và càng kêu thì họ càng thấy tuyệt vọng?
Bài viết của Nguyễn Thị Từ Huy, suy cho cùng, có liên quan tới các
hiện tượng đó.
Đọc xong bài này tự nhiên trong đầu óc một người như tôi nẩy sinh
nhu cầu phải trở lại với các câu hỏi “nguyên thủy”, chẳng hạn quá trình hình
thành KHXH ở ta là thế nào, thực chất quan niệm của xã hội về những người làm
KHXH ở ta ra sao…
Có hiểu những nguyên nhân xa, thì mới lý giải được tình hình trong
giới gần đây. Họ là những người như thế, được đào tạo như thế, thì sẽ ứng xử
với nhau như thế, làm ra những sản phẩm như thế, có gì là lạ.
Để nghiên cứu về tình hình giới KHXH ở VN, tôi có thói quen mò mẫm
vào hậu trường của giới nghiên cứu Liên Xô trước đây, để tìm sự tương đồng. Ở
thư viện của Viện thông tin khoa học xã hội 26 Lý Thường Kiệt Hà Nội, tôi bắt
gặp một số tài liệu có khả năng gợi mở rất cao, nghĩa là cứ y như họ viết về
Việt Nam vậy.
Thí dụ như bài viết dưới đây của tác giả N. Kozlova, in trên tạp
chí Khoa học xã hội ngày nay (ONS) số 2-1991.
Đọc xong, tôi thấy yên tâm. Khoa học xã hội ở ta là thế, làm sao
khác được!
Bài viết sau đây không phải bản dịch đầy đủ mà chỉ là một bản lược
thuật, được làm để dùng riêng, nhưng tôi tin là đã truyền đạt chính xác các ý
tưởng của tác giả.
CHÍNH HỆ TƯ TƯỞNG HÓA KHOA HỌC ĐÃ LÀM NGHÈO VĂN HÓA
Trong xã hội Xô viết, xuất hiện một tình thế quái đản: “Khoa học giữ chức năng
hệ tư tưởng, còn hệ tư tưởng thì khoác cái trang phục của khoa học”.
Vấn đề này có cơ sở xã hội của nó.
Trong chủ nghĩa xã hội, tồn tại một kiểu trí thức. Nhờ đáp
ứng được nhu cầu cấp bách của cách mạng, họ đóng một vai trò đáng kể trong quá trình
lật đổ cái cũ cũng như xây dựng cái mới.
Trong tiếng Pháp có một danh từ les parvenus de la sciene –
tức là những kẻ mới phất lên trong khoa học.
Đó là những kẻ không có học hành cơ bản nhưng ham hiểu biết và tin
vào tương lai.
Ở họ, lòng ham hiểu biết và ý hướng muốn thay đổi thế
giới nhập làm một.
Họ không chỉ quan tâm đến tri thức như là những chân lý vĩnh hằng,
mà còn ý thức được sức mạnh tri thức khoa học ngay trong hoàn cảnh hiện tại.
Ham hiểu biết, nhưng do nhạy bén với nhu cầu trước mắt của cách
mạng, đồng thời họ đi vào chống tri thức (nhất là các tri thức bậc cao, tri thức
trừu tượng), và cũng luôn thể phủ nhận cả giới trí thức.
Đây chính là cách mà họ tìm ra trên con đường lập nghiệp.
Với họ, trí thức thường là một thứ ông lớn nhút nhát, hèn yếu khi
gặp nguy hiểm, xa lạ với quần chúng, không đáng gọi là người.
Nhận thức này được những người cách mạng nhiệt liệt chào đón.
Những người xuất thân từ nhân dân khi nắm quyến lực cảm thấy trí
thức chân chính không đi với họ.
Thế là giai cấp thống trị mới coi những nhà trí thức chân chính ấy
là ích kỷ, xấu xa. Đám quý tộc về mặt tinh thần, – vốn hình thành từ xã hội
cũ , – bị thù ghét coi như rác rưởi (1).
Một khoảng trống được mở ra và đám trí thức tự học (2) sẽ
tìm cách lấp đầy nó.
Đám trí thức tự học này:
– Là đám tự đào tạo; là những nhà phát minh
không thành đạt, những nhà thơ không ai thừa nhận.
– Họ là những người không được học đến nơi đến chốn,
nhưng lại thừa khát vọng muốn đứng ở hàng đầu.
– Họ đối xử với kiến thức một
cách thực dụng. Thay cho việc đối chiếu hiểu biết của mình với chân lý vĩnh
cửu, họ lại thích đối chiếu kiến thức đó với thực tế và xem khả năng ứng dụng
của kiến thức là tất cả.
– Họ thích tiếp xúc với
đám công chúng ít học – chữ mà ta gọi là quần chúng cơ bản.
– Họ thích làm lại khoa
học – biến trường đại học thành chỗ ai vào cũng được, thành những cuộc mít tinh
chính trị công cộng.
Từ đầu thế kỉ XX, ở nước Nga, người ta đã thường bàn về dân chủ
hóa khoa học. A. Bogdanov muốn gạt bỏ tôn giáo, xóa bỏ tính trừu tượng ban đầu
của nhận thức, và bằng cách đó làm lại khoa học. Lúc này khoa học trở nên dễ
hiểu với quẩn chúng, và tính dễ hiểu được coi như là tiêu chuẩn chủ yếu của
khoa học chân chính.
Thế là những nhiệm vụ cơ bản của khoa học bị từ bỏ, quyền tự trị
của khoa học bị coi như nhu cầu không thể chấp nhận được, nếu không nói là phi
lý và giả tạo.
Người ta hướng khoa học vào việc giáo dục quần chúng, mà trong
việc này thì lớp trí thức cũ, nhất là những trí thức hàng đầu, không được việc
gì cả.
Từ đây trong xã hội mới, khoa học là vũ khí đấu tranh cách mạng,
là phương tiện để tổ chức sản xuất và gắn kết xã hội.
Những ngành khoa học nào không làm được việc đó có thể và cần phải
xóa bỏ.
“Chân lý cũng phải đỏ” đó là khẩu hiệu dành cho khoa học
mới.
Tư tưởng về sự ưu thắng của hành động so với nhận thức cũng rất
phổ biến và được coi là một tiêu chuẩn để đánh giá đâu là thứ khoa học cần thiết
và có giá trị.
Tri thức [được hình thành trong xã hội sau cách mạng] là một thứ
tín điều mới. Nhưng đó là một tri thức nửa vời, tri thức bị giản lược.
Quá trình giáo dục cũng bị giản lược.
Quá trình này được hình thành đồng thời với sự quảng canh
văn hóa, đưa văn hóa về với đám đông. Và quá trình này sở dĩ được kiên trì theo
đuổi đến cùng vì nó được xem như một phương thức đạt tới công bằng xã hội là
điều mà cách mạng hứa hẹn và đám đông đòi hỏi – ngoài ra thì họ không cần biết
rằng đó là văn hóa thế nào cả.
Việc thanh toán nạn mù chữ có một mục đích cụ thể là đưa mọi người
tham gia vào khoa học.
Điều quan trọng nhất là sau quá trình này, người ta thấy ẩn chứa
một nguyên tắc lớn là không
có chân lý chung chung, chân lý cũng có tính giai cấp, nó cũng được ấn định một
cách chủ quan.
Đảng độc quyền chân lý, và đảng không thể đồng ý với kẻ thù bất cứ
điều gì, kể cả những chân lý sơ giản.
—–
(1) Riêng ở Việt Nam thì có hiện tượng lợi dụng
trí thức cũ để thu hút quần chúng và chỉ khi đám trí thức đó không nghe lời mới
vứt bỏ không thương tiếc. Nhưng đó là một việc khác (VTN).
(2) Về sau, đám trí thức mới phất này đã tự phong cho mình đủ thứ danh hiệu – kể cả giáo sư, tiến sĩ và cả viện sĩ nữa, – tuy các học hàm học vị này không được nước nào công nhận (VTN).
(2) Về sau, đám trí thức mới phất này đã tự phong cho mình đủ thứ danh hiệu – kể cả giáo sư, tiến sĩ và cả viện sĩ nữa, – tuy các học hàm học vị này không được nước nào công nhận (VTN).
14-10-2013
V.T.N.
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching