X

Saturday, June 29, 2013

Dạy phát âm tiếng Việt cho sinh viên Úc


 

Phương pháp giảng dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai

   Dạy phát âm tiếng Việt cho sinh viên Úc

GS. Phan Văn Giưỡng


 


 

(Teaching Vietnamese pronunciation to Australian students (adult speakers of English)*

A. Tình hình giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ

1. Tiếng Việt và việc giảng dạy tiếng Việt
Tiếng Việt là hệ thống tiếng nói và chữ viết của gần 90 triệu người Việt ở Việt Nam và hơn 3 triệu người Việt sinh sống và làm việc ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, Canada, Úc, Pháp, Nga, Đức. Mặc dù có một vài khác biệt về cách phát âm và từ vựng của nhiều địa phương Bắc, Trung, Nam; Nhưng sự khác biệt nầy không đáng kể, vì người dân khắp các miền đất nước Việt Nam đều có thể tiếp xúc, giao dịch hiểu nhau không mấy trở ngại. Một ví dụ khác biệt về từ vựng Bắc-Nam, người Việt đã biết dung hoà kết hợp hai từ khác biệt Bắc-Nam thành một từ với ý nghĩa không thay đổi và tổng quát hơn: chén-bát, hình-ảnh, đường-phố, thóc-lúa, chậm-trể. . .
Hiện nay, dựa trên dân số, tiếng Việt là một trong 10 ngôn ngữ thông dụng nhất trên thế giới (sau Trung Quốc, Ấn-Độ, Nam-Dương, Mỹ, Nga, Nhật, Mễ Tây Cơ, Việt Nam).
Do những lợi ích về giáo dục, văn hoá, kinh tế, chính trị, thương mại, ngoại giao, nghề nghiệp. . .tiếng Việt và văn hoá Việt Nam đã và đang được giảng dạy trong nhiều đại học ở các quốc gia trên thế giới như Trung quốc, Nga, Mỹ, Nhật, Pháp, Anh, Úc, Nam Hàn, Tân Gia Ba . . .Mọi người đồng ý rằng ” có tiếp xúc, giao dịch với nhau, mới hiểu được nhau. Có hiểu được nhau mới làm việc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau”. Vậy ngôn ngữ là chìa khoá cho việc tiếp xúc và giao dịch giữa các dân tộc với nhau.
Tiếng Việt được giảng dạy như một ngoại ngữ cho người nước ngoài đã có cách đây hơn 100 năm. Cụ Trương Vĩnh Ký là người có công lớn đầu tiên trong việc soạn chương trình, tài liệu và phụ trách giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ trong chương trình giáo dục Pháp tại Việt Nam.


2. Phương pháp và tài liệu giảng dạy tiếng Việt
Hơn một trăm năm qua, việc dạy và học tiếng Việt như một ngoại ngữ đã trải qua những bước thăng trầm, khó khăn vất vả về mọi mặt: giáo viên, tài liệu, phương pháp . . .
Mặc dầu vậy, những giáo sư tiếng Việt được cử đi dạy các nước với thành tâm và thiện chí đã cố gắng đào tạo được đội ngũ chuyên gia Việt học thông thạo tiếng Việt và cũng chính nhờ những chuyên gia nầy đã có những nổ lực trau dồi tiếng Việt không ngừng: Đến nay, có thể nói nước nào cũng đã có chuyên gia thông thạo tiếng Việt.
Tuy vậy, do phương pháp và tài liệu giảng dạy chưa được cập nhật, một số người học tiếng Việt sau một thời gian năm bảy tháng hay vài năm học tiếng Việt nhưng không hiểu được gì khi nghe người Việt nói.
Để giải quyết vấn đề, tìm ra phương cách cải tiến việc dạy và học, trước hết chúng ta tìm hiểu nguyên nhân tại sao lại như vậy?
Sau đây, chúng tôi xin trích dẫn một số ý kiến của những nhà Việt học, ngôn ngữ học nổi tiếng về vấn đề dạy tiếng Việt.
1. ” Nói khái quát hơn, chưa bao giờ ta dạy nghĩa của các kết cấu ngữ pháp cho học sinh Việt Nam cũng như ngoại quốc. Sách chỉ dạy cách đặt tên cho các đơn vị và các kết cấu ngữ pháp, không dạy nghĩa và cách dùng của nó trong các văn cảnh và tình huống khác nhau “. Từ đó đưa đến hệ luận :” họ (học viên) than phiền rằng khi người Việt Nam nói với nhau, họ không hiểu gì hết” (Cao Xuân Hạo, 1995).
2. Trong một bài tham luận về “Phương pháp hệ thống hoá các tri thức ngôn ngữ”, Giáo Sư Nguyễn Anh Quế có nhận xét như sau: “Thực tế giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài trong mấy chục năm qua đã chứng minh rằng phương pháp đó là không hiệu quả, là nhàm chán” (Nguyễn Anh Quế, 1995).
3. Theo Giáo sư Hiroki Tahara, Giáo sư tiếng Việt, viện Đại học Tokyo, cho biết: “Theo giáo trình hiện nay thì học mãi tiếng Anh mà không nói được gì cả. Câu nói nầy có nghĩa là phương pháp giảng dạy ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng, không còn phù hợp với thực tế, không đáp ứng được yêu cầu của người học và xã hội, tức là dạy học không hiệu quả!” (Hiroki Tahara, 1997).
Qua những nhận định trên, chúng ta có thể kết luận việc sinh viên học tiếng Việt mà không hiểu, không nói được tiếng Việt với người Việt là do:
a. Phương pháp giảng dạy không thích hợp.
b. Tiếng Việt dùng để giảng dạy thiếu thực dụng, chưa đáp ứng nhu cầu của sinh viên.
Nhận định về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, Giáo Sư Nguyễn Đức Dân cho biết “Hiện nay có khá nhiều người đang thực hành dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, nhưng chưa quan tâm đúng mức đến vai trò của các phương pháp giảng dạy. Khi dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ, để đạt kết quả cao nhất, không thể không có một phương pháp giảng dạy đúng đắn” (Nguyễn Đưc Dân, 1994).
Ngay cả phương pháp dạy tiếng Việt cho học sinh, sinh viên Việt Nam, mãi cho tới năm 1984, mới có quyết định chính thức của Bộ Giáo Dục và Đào tạo đưa môn phương pháp dạy tiếng Việt vào chương trình đào tạo giáo viên trong các trường cao đẳng và đại học sư phạm. Và mãi cho đến mười năm sau mới có vài cuốn sách viết về phương pháp dạy tiếng Việt ra đời như “Phương pháp dạy tiếng Việt ở tiểu học” của Lê Phương Nga và Nguyễn Trí (1997), “Phương Pháp dạy học tiếng Việt” của Lê A, Nguyễn Quang Ninh và Bùi Minh Toán (1999).
Riêng ở Úc, tiếng Việt được giảng dạy đầu tiên tại Trung tâm Ngôn Ngữ thuộc Bộ Quốc phòng Úc (RAAF Language School) từ năm 1965.
Nhờ có chính sách ngôn ngữ quốc gia, tiếng Việt là một trong 12 ngôn ngữ ưu tiên được khuyến khích giảng dạy trong hệ thống giáo dục Úc từ mẫu giáo cho đến đại học từ năm 1987. Dựa vào chính sách và bộ sách hướng dẫn việc biên soạn chương trình và giảng dạy ngôn ngữ khác tiếng Anh (Australian Language Levels (All) Guidelines, Languages other Than English, LOTE), chúng tôi đã soạn chương trình tiếng Việt từ mẫu giáo đến lớp 12 (Curriculum Standards and Frame Work K-10 Vietnamese, và Vietnamese Study Design 11 &12) và mở khoá huấn luyện giáo viên giảng dạy tiếng Việt đầu tiên năm 1991. Có thể nói, đây là khoá sư phạm đầu tiên đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ trong lịch sử giảng dạy tiêáng Việt, lại do một Viện Đại học ngoài Việt Nam đảm trách. Cho đến nay đã có hơn 30 khoá đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt. Hầu hết giáo viên đang dạy tiếng Việt ở Victoria đều đã qua khoá huấn luyện nầy.
Vào năm 1994, chúng tôi được mời thuyết trình việc áp dụng phương pháp giao tiếp (Communicative Language Teaching Approach) để dạy tiếng Việt tại hội nghị quốc tế về giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại Đại học Quốc gia, thành phố Hồ Chí Minh. Qua hội nghị nầy, trường tiếng Việt cho người nước ngoài thuộc Viện Khoa học Xã hội, đã tiếp xúc với chúng tôi để mở một khoá huấn luyện giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài trong thời gian một tháng trong năm 1995. Trong vài năm sau, trường tiếng Việt và trường Đại học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh mở thêm vài khoá cấp tốc và ngắn hạn nữa.
Qua những tài liệu giảng dạy tiếng Việt, việc dạy phát âm, dạy vần hay ngữ pháp vẫn còn áp dụng ” đường xưa lối cũ”. Nghĩa là vẫn dạy học sinh phân tích, nhận diện và làm bài tập (exercises) là chính yếu.
Điểm qua một vài nét như trên để chúng ta thấy được tình trạng đào tạo giáo viện giảng dạy tiếng Việt và phương pháp dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ như hế nào.
Với chủ đề của hội nghị là ” Tôi không hiểu: Improving Students’ Speaking Success in Vietnamese”, chúng tôi nghĩ là làm thế nào giúp sinh viên giao tiếng trực tiếp (tức là luyện hai kĩ năng nghe hiểu và nói). Do yêu cầu của hội nghị là chú trọng đến ” dạy phát âm tiếng Việt cho sinh viên nói tiếng Anh” cho nên với kinh nghiệm thô thiển của tôi về giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ cho sinh viên Úc cũng như kinh nghiệm phụ trách các khoá đào tạo giáo viên trong gần 20 năm qua, tôi xin trình bày “Dạy phát âm tiếng Việt theo tiến trình giao tiếp cho sinh viên Úc (adult speakers of English) “.


B. Thuận lợi và khó khăn trong việc dạy phát âm tiếng Việt cho sinh viên nói tiếng Anh
Khi dạy tiếng Việt nói chung và dạy phát âm tiếng Việt nói riêng, trước hết người dạy phải có kiến thức ngữ học (ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng học. . .) và phương pháp giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ. Đồng thời, cho sinh viên biết về những ưu điểm và khó khăn của sinh viên nói tiếng Anh khi học tiếng Việt.
1. Những thuận lợi cho sinh viên nói tiếng Anh:
a.) Thuận lợi trước tiên là hệ thống chữ viết tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh, hệ thống mẫu tự abc phần lớn tương đương với tiếng Anh. Do đó, sinh viên có thể đọc tiếng Việt trong một thời gian ngắn. Khi dạy phát âm/nói cần chú trọng vào sự khác biệt nầy, như d với đ, n với ng. v.v .
b.) Cấu trúc âm tiết, từ, câu đơn giản: Trong lời nói hay được viết ra thành câu, mỗi âm tiết hay từ có ranh giới rõ ràng, có cấu trúc chặt chẻ và có thanh điệu (6 thanh điệu): ví dụ như cấu trúc từ ghép: áo quần, cha mẹ, anh em; thợ may/điện/máy.
c.) Từ không thay đổi hình thức (số ít/số nhiều; giống đực/giống cái; thì) nằm trong cấu trúc câu: ví dụ: một người Việt – nhiều người Việt; Hôm nay, tôi đi làm việc. Ngày mai, tôi đi làm việc.
d.) Trật tự từ trong câu rất quan trọng: Thay đổi vị trí từ thì ý nghĩa câu thay đổi: ví dụ: sai đâu sửa đấy, sai đấy sửa đâu, sửa đâu sai đấy.
e.) Ý nghĩa của từ thể hiện qua âm thanh và cách phát âm: như ngoằn nghèo, khúc khuỷu; về cách phát âm như im, đóng, mở, ra, vô. . .
2. Những khó khăn cho sinh viên nói tiếng Anh:
a.) một số âm (âm vị) không có trong tiếng Anh, do đó khi nói hay viết sẽ gặp khó khăn: như âm â, ư, ng
b.) sinh viên gặp khó khăn lớn khi nói hay viết đúng thanh điệu: không dấu, sắc, huyền, nặng, hỏi, ngã.


C. Áp dụng phương pháp giao tiếp để dạy phát âm tiếng Việt cho sinh viên Úc
Trong thập niên qua, việc áp dụng phương pháp giao tiếp (the communicative language teaching approach) dạy ngôn ngữ rất thịnh hành khắp nơi trên thế giới, kể cả dạy tiếng Anh. Khi áp dụng phương pháp giao tiếp, người ta đã dựa trên ít nhất ba cứ điểm quan trọng sau đây:
a.) Quan điểm giáo dục: Quan điểm giáo dục ngày nay là quan điểm giáo dục truyền động (trans-action) khác với quan điểm giáo dục cổ điển là giáo dục truyền thụ (trans-mission): Do quan điểm nầy mà có phương pháp “học viên là trung tâm” (learner- centered).
b.) Quan điểm về mục đích của việc học ngôn ngữ: Mục đích của việc học ngôn ngữ là dùng để giao tiếp và mục đích dạy ngôn ngữ là phát triển kỹ năng giao tiếp. Trong đó có bốn mục tiêu phụ hổ trợ cho mục đích giao tiếp là học văn hoá, đặc điểm ngôn ngữ đó, kiến thức tổng quát và cách học.
c.) Quan điểm về ngôn ngữ: Quan điểm chung cho ngôn ngữ là một phương tiện giao tiếp, do đó:
• ngôn ngữ là một hệ thống diễn tả ý nghĩa.
• chức năng căn bản của ngôn ngữ là dùng để giao tiếp.
• cấu trúc ngôn ngữ phản ánh trong chức năng và cách dùng giao tiếp.
• đơn vị cơ bản của ngôn ngữ không phải chỉ là những yếu tố cấu trúc và ngữ pháp, mà còn tuỳ thuộc vào ý nghĩa được diễn tả trong các thể loại ngôn ngữ (ngữ thể/văn bản/ngôn bản: genre, text-type, discourse-form) (Widdowson, 1978).
Dựa vào đặc điểm ngữ âm, ngữ pháp tiếng Việt và áp dụng phương pháp giao tiếp vào việc dạy phát âm tiếng Việt, chúng tôi theo những tiến trình sau đây:
1. Trước hết tạo hoạt động cho sinh viên dùng tiếng Việt bằng cách nghe và nói (luyện kỹ năng giao tiếp trực tiếp) các từ hoặc câu trong ngữ cảnh/tình huống ý nghĩa rõ ràng. Bài học đầu tiên, chúng tôi cho sinh viên tập nghe và nói:
-A! anh Nam. Chào anh. Anh khoẻ không?
– Dạ, khoẻ. Cảm ơn.
Sau khi sinh viên chào hỏi, giới thiệu mình với các bạn, sinh viên chép lại những gì vừa nghe và nói. Từ những từ và câu nầy, chúng tôi bắt đầu giới thiệu hệ thống phát âm và chữ viết tiếng Việt.
Ví dụ muốn dạy phát âm a, chúng tôi lấy từ A!, anh, dạ. . .
Hệ thống âm và vần tiếng Việt cho chúng ta trình tự dạy từ dễ đến khó, từ thông dụng đến ít thông dụng (chú trọng đến nhu cầu của người học). Hai nguyên tắc dễ và thông dụng cho chúng ta lựa chọn âm/vần nào dạy trước và âm/vần nào dạy sau.
Đến luyện các thanh điệu (dấu) cũng vậy, mỗi từ/câu phải có ý nghĩa thực dụng và chỉ luyện một hoặc hai dấu một lần, chứ không dạy một lúc sáu dấu. Đặc biệt cho sinh viên luyện từng cặp hai dấu như không dấu với dấu sắc (dưa- dừa), dấu sắc với dấu huyền (dừa-dứa) với những hình ảnh và câu có nghĩa thực dụng.
Ví du: Bạn tôi ăn dưa. Tôi uống nước dừa v.v.
Sự nói đúng dấu hỏi, dấu ngã đối với người nói giọng Bắc rất dễ nhận biết. Do đó, chúng tôi cho sinh viên nghe những đàm thoại, đối thoại và bài đọc giọng Bắc. Tuy có một số luật về viết đúng dấu hỏi và dấu ngã, nhưng cũng rất phức tạp và thường có quá nhiều ngoại lệ.
Những ví dụ các từ/câu có vần và thanh điệu là lấy từ thể loại ngôn ngữ dùng hàng ngày theo nhu cầu của sinh viên, nhất là đàm thoại, đối thoại.
2. Thứ hai, sinh viên viết xuống chữ có âm/vần/âm tiết, chúng tôi hướng dẫn sinh viên phân tích, nhận diện âm/vần/âm tiết trong từ/câu muốn dạy.
3. Thứ ba, sinh viên tập phát âm, làm bài tập (exercise) và đồng thời cho sinh viên đọc một vài từ có những âm/vần vừa phân tích/nhận diện với hình ảnh và ý nghĩa rõ ràng: Ví dụ như vần “ười” trong từ “mười”. Khi sinh viên đã đọc được âm “ười”, họ có thể đọc các từ cười, lười, người… không có gì khó khăn phải trở lại cách “đánh vần”.
Đối với đặc điểm nối vần tiếng Việt, việc đọc vần rất thuận lợi.
Ví dụ: a-i= ai; ô-i= ôi; ươi=ư-ơ-i=ươi v.v.. .
Việc làm bài tập không nên kéo quá dài thời gian (theo phương pháp cũ, việc làm bài tập là chủ yếu) vì dễ gây nhàm chán và không thực dụng.
Sự phân tách riêng dấu như cách đọc vần đang phổ biến hiện nay, có phần không hợp lý: sắc, huyền, nặng, hỏi, ngã là tên gọi thanh điệu chứ không thể phát âm được. Dấu đánh trên vần mới thành âm và thay đổi ý
nghĩa của từ. Lối đọc vần hiện nay là ba bước: Bà= bờ a= ba, huyền bà. Chúng tôi áp dụng cách đọc hai bước: Bà= bờ à=bà. Với cách nầy, sinh viên có thể đọc hàng chục từ khác mà không cần trở lại đọc vần như cách ba bước vừa kể.
4. Từ những ví dụ từ/câu có âm/vần vừa nhận diện, phân tích và làm bài tập, cho sinh viên tham gia vào các hoạt động giao tiếp dùng những từ có âm/vần vừa tập phát âm ở giai đoạn (2).
Ví dụ: -Đây là ba tôi.
-Đây là An, bạn tôi.
Những hoạt động dùng tiếng Việt nầy mới là trọng tâm của bài học, bao gồm nghe, nói, đọc và viết (luyện 4 kỹ năng).
5. Ở trình độ cao hơn, chúng ta cho sinh viên nghe và nói những thể loại dùng tiếng Việt khác nhau như đối thoại, đàm thoại, nghe phát thanh v.v. Đặc biệt là dùng máy vi tính và mạng vi tính toàn cầu (internet) để có các thể loại tiếng Việt đa dạng.

D. Kết luận

Tiếng Việt là một sinh ngữ giống các sinh ngữ khác, nghĩa là từ khi có tiếng Việt và đặc biệt từ khi có chữ quốc ngữ đến nay, tiếng Việt phát triển không ngừng về mọi phương diện ngữ âm, ngữ pháp và ngữ thể.
Các phương pháp dạy ngôn ngữ từ xưa đến nay đã thay đổi rất nhiều theo thời gian, theo thay đổi xã hội, tâm lý con người. Như vậy việc dạy tiếng Việt, dạy ngữ âm, ngữ pháp cần phải được cập nhật, thay đổi.
Từ bỏ một thói quen lâu đời quả thật là khó, nhưng không phải là dễ tiếp cận một phương thức mới. Cả hai sự việc dễ và khó không còn là vấn đề nếu người dạy thấy được kết quả và hiệu năng của việc giảng dạy thì cần mạnh dạn thay đổi, cập nhật phương pháp giảng dạy của mình. Giảng dạy tiếng Việt sinh viên nói tiếng Anh là để giúp họ dùng tiếng Việt theo nhu cầu của họ chứ không phải dạy cho họ kiến thức về cấu trúc tiếng Việt mà trong thực tế họ không dùng được.
__________________________________________________________________________________
*Bài tham luân đã đươc trình bày tai Hôi nghi quốc tế “Tôi không hiểu: Improving Students’ Speaking Success in Vietnamese” tai Viên Ngoai vu, Bô Ngoai giao Hoa Ky và Viên Đai hoc Maryland, Washington DC.
*Giáo Sư Phan Văn Giưỡng, nguyên trưởng Bô môn Ngôn ngữ, Văn hoá và Văn chương Viêt Nam tai Viên Đai hoc Victoria; Điều hợp viên tông quát trường Ngôn ngữ Victoria, Melbourne; Chu bút tuân báo Viêt Nam Thời Báo, chu nhiêm tap chí Viêt (Úc).
Hiên là chu nhiêm chương trình Ngôn ngữ và Văn chương Viêt Nam, International Baccalaureate, UK.
Tài Liệu Tham Khảo
1. Brumfit,C.J. and K. Johnson(1979). The Communicative Approach to Language Teaching. Oxford University Press.
2. Lê A & Nguyễn Quang Ninh, Bùi Minh Toán (1997). Phương Pháp Dạy Học Tiếng Việt. NXB Giáo Dục, VN.
3. Lê Phương Nga (2001). Dạy Học Ngữ Pháp ở Tiểu học. NXB Giáo Dục, VN.
4. Lê Phương Nga& Nguyễn Trí(1999). Phương Pháp Dạy Học Tiếng Việt ở
Tiểu Học. NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội, VN.
5. Victorian Curriculum & Assessment Authority, (2004). Vietnamese VCE STUDY DESIGN. VCAA, Melbourne.
6. Victorian Curriculum & Assessment Authority,(2001) Languages Other Than English/ Curriculum and Standards Framework II- Vietnamese
Supplement. CVAA, Melbourne.
7. Widdowson,H.G.(1978). Teaching Language as Communication. Oxford University Press.
8. Wilkins, D.A.(1976). Notional Syllabuses. Oxford University Press.
9. VCAA (2004) Vietnamese VCE Study Design. VCAA, Melbourne.
10. Littlewood, W. (1994). Communicative Language Teaching.
Cambridge University Press.
11. Richards, C.J. & Rodgers T.S.( 1998). Approaches and Methods in Language Teaching. Cambridge University Press.
12. Brown,H.D.(1980). Principles of Language Learning and Teaching.
New Jersey: Prentice Hall.


 

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts