Pháp tiêu hủy một
triệu sản phẩm hàng hiệu giả
Bộ trưởng Ngoại thương
Pháp Nicole Bricq gặp các nhân viên hải quan tại sân bay Orly (@commerce-exterieur.gouv.fr)
Thụy My
Một triệu món hàng giả bị hải quan tịch thu
trong những tháng gần đây đã bị cho nghiền nát trên khắp nước Pháp hôm qua thứ
Ba 11/06/2013, để đấu tranh chống loại « tội phạm kinh tế » đã gây thiệt hại 6
tỉ euro mỗi năm. Hôm qua Bộ trưởng Ngoại thương Pháp, bà Nicole Bricq đã cho khởi
động Ngày quốc gia tiêu hủy hàng giả.
Bộ trưởng Ngoại thương Pháp Nicole Bricq tuyên bố : « Hàng giả không phải là một sự vi phạm vô hại, mà là tội phạm kinh tế làm ảnh hưởng đến tất cả mọi lãnh vực, tiêu hủy công ăn việc làm và đe dọa người tiêu dùng của chúng ta ». Bà kêu gọi tinh thần trách nhiệm của công chúng khi mua hàng.
Nếu năm 1994, hải quan phát hiện được 200.000 món hàng giả thì con số này năm 1998 lên đến 2,3 triệu sản phẩm, và đến năm 2011 tăng vọt lên 8,6 triệu sản phẩm. Nhưng năm ngoái số hàng giả bị tịch thu bỗng sụt mất phân nửa, còn 4,6 triệu sản phẩm có trị giá 287 triệu euro. Theo Bộ trưởng Ngoại thương Pháp, đó là do một quyết định của châu Âu cấm hải quan kiểm soát các kiện hàng quá cảnh.
Hôm qua Nghị viện châu Âu đã thông qua quy định tăng cường quyền lực cho hải quan, được phép chặn giữ và tiêu hủy các món hàng giả được nhập vào hoặc quá cảnh qua châu Âu.
Trong những năm gần đây, hàng giả trở nên hết sức đa dạng. Quần áo vẫn là những sản phẩm thường bị làm giả nhất, tiếp đến là giày dép, đồ chơi, nữ trang, nước hoa, điện thoại và dược phẩm.
Một nhân viên hải quan tại trung tâm xử lý bưu kiện Chilly-Mazarin, nơi mỗi ngày phải xử lý có 13.000 kiện hàng quá cảnh, cho AFP biết để nhận diện hàng giả, hải quan có sự hợp tác của các nhãn hiệu. Mỗi nhãn hàng hiệu đều có những tiêu chí riêng của mình, họ hướng dẫn cho hải quan cách nhận biết hàng nhái.
Tại Marseille hôm qua, đã có 36.000 món hàng giả các nhãn hiệu Dolce et Gabbana, Rolex, Levi’s, Adidas, Nike, Lacoste… bị tiêu hủy. Tại Vertou đã cho nghiền nát 3.000 áo sơ mi Burberry và vỏ bao iPhone giả, tại Rouen là hơn 30.000 đôi giày Converse và Miu Miu giả hiệu. Lyon thì cho thiêu hủy hầu hết trong số 49.000 món hàng giả tịch thu được ở sân bay. Còn ở Bègles, 22.000 đồng hồ, áo thun… giả hiệu đã được đưa đến lò thiêu.
Hàng giả không chỉ làm các doanh nghiệp Pháp thiệt hại 6 tỉ euro mỗi năm, mà còn có thể gây nguy hiểm cho người tiêu dùng. Son giả nhãn hiệu Dior phát hiện hôm 17/5 là có chì và nickel ; 1,2 triệu gói thuốc aspirine giả từ Trung Quốc cũng bị tịch thu ở Havre.
Với gần 70% số món hàng bị tịch thu, châu Á là xuất xứ hàng đầu của hàng giả, trong khi 30% số hàng giả là từ internet.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching