Đọc sách “Thiền Tập Trong Đời
Thường” của Nguyên Giác
Nguyên Giác Phan Tấn Hải hiện là chủ
bút của tờ Việt Báo ở Nam California và trang tin vietbao.com. Anh đã xuất bản
cả thảy 8 cuốn sách về Phật Giáo và Thiền. Đây là cuốn sách thứ 9. Sách dày 275
trang, ấn loát rất mỹ thuật theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, do Ananda Viet Foundation xuất bản
và Amazon phát hành. Sách đã
được cư sĩ Tâm Diệu thuộc Thư Viện Hoa Sen giới thiệu như sau:
“Giá trị của cuốn sách Thiền Tập Trong Đời Thường là
khi đọc ai cũng có thể hiểu được vì tác giả đã dùng ngôn ngữ đời thường và ai
cũng có thể thực hành được dù đang làm việc, đang ăn uống, đang đi, đang đứng ở
khắp mọi nơi, mọi lúc. May mắn
thay, tác giả cho chúng ta biết pháp Thiền này được phổ biến và thực hành như thế
nào tại các nước Tây Phương như Hoa Kỳ và Canada.”
Theo tôi, sách có thể có một cái tên khác như “Thiền Trong Đời Sống Hằng Ngày”
hoặc “Thiền Cho Cuộc Sống Ngày Hôm Nay”. Thế nhưng có người sẽ hỏi: Trong cuộc
sống quá lo âu, mệt mỏi, vất vả, chán chường, quá nhiều căng thẳng …hầu như
cuốn hút, hối hả từng giờ, từng phút thì làm sao chúng tôi có thể rảnh rang để
mà “Thiền” đây? Thế nhưng có người lại nói rằng chính vì những bất an của cuộc
sống khiến căng thẳng thần kinh, có thể đi tới khủng hoảng, chán đời, hủy hoại
cho nên cần phải Thiền, cần phải tìm đến Thiền. Chưa biết ai đúng ai sai. Nhưng
có một thực tế là ngày hôm nay Thiền không còn bó rọ trong các quốc gia Phật
Giáo như Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Miên, Lào, Thái Lan, Miến Điện và Tích
Lan mà lan tỏa ra toàn thế giới. Thiền đang trở thành một “toa thuốc” được ưa
chuộng để giúp con người có được những giây phút bình an giữa cuộc sống bất an,
khiến con người trở nên hiền lành giữa thế giới bạo lực, khiến con người
trở nên bao dung, mở rộng vòng tay giữa xã hội có truyền thống kỳ thị. Thiền đã
đi vào cuộc sống thường nhật, cuộc sống của thế tục chứ không còn là pháp tu
tối thượng của hàng hàng Bồ Tát, cư sĩ mưu cầu giải thoát. Chúng ta sẽ lần lượt
tìm hiểu xem trong sách này, tác giả đã cho chúng ta thấy Thiền đã đi vào đời
thường (thế tục) như thế nào.
1)Thiền Tập và Nhan Sắc
Tác giả dẫn chứng cuốn sách “Beautiful
Skin: Every Woman’s Guide to Looking Her Best at Any Age” của Bác Sĩ chuyên
về thẩm mỹ và da đã nói rằng, “Căng thẳng thần kinh (stress) là một tên trộm
nhan sắc (beauty burglar). Bởi vì khi lo nghĩ quá độ, làn da ít chất dưỡng khí
và như thế các hội chứng như mụn trứng cá, viêm da, mặt sần sùi có thể xuất
hiện trở lại.” Rồi một bài báo của tờ Telegraph năm 2012 kể rằng, “Anh Quốc có
8 triệu người có bệnh về da mà một số phương pháp không cần thuốc trong đó có
pháp Thiền thư giãn và pháp môn trị liệu Cognitive Behaviour Therapy. Tác giả
nói rằng “Nhan sắc, trước tiên phải là một làn da đẹp. Đó cũng là lý do nhiều
nữ diễn viên Hoa Kỳ rủ nhau Thiền tập, không chỉ để giảm căng thẳng mà cũng là
phương pháp giữ gìn nhan sắc.” Trong chương này, tác giả cũng còn nhắc nhở
những người tập Thiền là nếu mê đắm, hoặc ngưỡng mộ giọng đọc, giọng tụng kinh
của một vị sư hay ni cô nào thì…chưa thoát cái sợi giây ràng buộc này đã chui
vào một cái rọ khác. Thiền là xả bỏ. Thả bỏ thì Tâm-Ý nhẹ nhàng bây giờ
gọi là thư giãn.
2) Thiền Tập Cho Cảnh Sát:
Cảnh sát là nghề căng thẳng hơn rất nhiều nghề khác khiến: Cảnh sát Mỹ, mức độ
tự sát gấp 1.5 đời thường, mắc bệnh mập phì, tuổi thọ trung bình 68 tuổi, trong
khi tuổi thọ dân thường là 78 tuổi. Trong tình hình như thế, một số sở cảnh sát
đã chọn giải pháp tập Thiền. Nữ Thiền sư nổi tiếng nhất trong giới cảnh sát Hoa
Kỳ là Ni Sư Cheri Maples. Còn cẩm nang Cảnh Sát Úc Đại Lợi ghi 5 điều như sau: Không
suy nghĩ mà chỉ ghi nhận. Giữ gìn hơi thở điều hòa. Nhận biết mình đang làm gì
và ở đâu. Thấy không làm được việc trước mắt thì tìm việc khác. Và cuối cùng là
sống với Thiền tập.
3) Thiền Tập Chữa Bệnh Chậm Trí:
Mấy năm gần đây, pháp Thiền đã trở thành cách chữa trị các em bị hội chứng ADHD
bao gồm xao xuyến, không thể tập trung (autism), lo buồn, căng thẳng, ưa giận
giữ. Rồi phương pháp Thiền tập dưới bàn chân để giúp người giảm bớt tính
hung hăng.
4) Thiền Như Pháp Giảm Đau:
Theo thống kê của Viện Y Khoa Quốc Gia (Institute of the National Academies)
thì nước Mỹ có khoảng 100 triệu người đang bị chứng đau nhức kinh niên. Làm thế
nào để bớt đau là nan đề của giới y khoa. Thông thường là cho bệnh nhân uống
thuốc giảm thống bao gồm chất opioids,
kể cả bạch phiến heroin…thế
nhưng trong năm 2015 các loại thuốc này đã giết chết khoảng 33,000 người. Cho
nên ngày nay người ta đang tìm cách chữa bệnh đau nhức mà không cần
thuốc, trong đó có các phương pháp như: Đọc sách chung (shared reading), làm thơ đó là
trường hợp của cô bé Maya Angelou bị hãm hiếp lúc 7 tuổi, nhờ làm thơ mà quên
được cơn ác mộng và trở thành một nhà thơ lớn của Hoa Kỳ. Rồi tập thể dục,Yoga
cũng giảm bớt đau mà không cần thuốc. Sau rốt là Thiền tập. Nhưng làm thế
nào để hướng dẫn tập Thiền giảm đau thì xin quý vị mua sách đọc sẽ rõ.
5) Cà-phê và Thiền:
Tác giả nói rằng theo chiều dài của lịch sử thì Thiền gắn liền với Trà cho nên
có hai chữ Thiền-Trà. Tại sao giờ đây có Thiền-Cà-phê? Tác giả nhớ lại ngày xưa
cà-phê là một phần đời của Sài Gòn. Chỗ nào cũng có quán cà-phê. Uống cà-phê dù
là bác phu xích-lô hay dân thầy, dân thợ đều có phong thái tà tà, không vội vã.
Mà không vội vã chính là Thiền vậy. Một hôm, do tình cờ theo dõi giải Oscar trên
Đài ABC, tác giả “lạc” vào một trang tin giới thiệu quán cà-phê Thiền ở Hà Nội
trên tường có hình Đức Phật, trên bàn có vườn Thiền bằng cát thu nhỏ kiểu Nhật
Bản. Chắc chắn những người đến đây là muốn tìm chút an tĩnh tâm hồn giữa thế kỷ
hội nhập toàn cầu quá chóng mặt.
6) Ăn Chay Để Cứu Địa Cầu:
Ngoài số lượng vũ khí nguyên tử đang tàng trữ, một tai nạn lớn là thán khí đang
hâm nóng địa cầu với hậu quả vô cùng thảm khốc. Theo các nhà nghiên cứu, muốn
sản xuất một cân thịt bò phải cần một năng lượng tương đương với một ngọn đèn
100 watt thắp trong 20 ngày. Ngoài ra, hầu hết các loại mễ cốc như gạo, bắp,
đậu… được dùng để nuôi heo, bò. Nếu số lượng người ăn chay tăng lên, số lương
thực đó có thể dành để cứu đói và giảm lượng khí thải phóng lên bầu trời. Đó là
một giải pháp để cứu trái đất này. Về khối người ăn chay, tác giả phân ra vegetarian là không ăn thịt
động vật. Còn vegan là không ăn thịt thú
vật và không sử dụng phó sản của thú vật như áo lông thú, trứng, sữa, mật
ong…Hiện nay tại Trung Hoa, Phật tử rủ nhau ăn chay, mỗi năm giảm được khoảng
40 triệu tấn khí thải. Con số này tương đương 9.2% tổng số lượng khí thải của
Pháp quốc. Tại Sydney của Úc Châu, con số ăn chay là 14.4% dân số. Tại
Melbourne là 12.7%.
7) Hội Sinh Viên Phật Tử Delta Beta Tau:
Chương này nói về một nhóm sinh viên Hoa Kỳ tại San Diego State University (Nam California) thành lập một
câu lạc bộ, một nhóm thân hữu hay anh chị em Phật tử có tên là Delta Beta Tau (Chữ Hy Lạp) cùng nhau tu tập
Thiền định và hoằng dương chính pháp. Hiện họ đang gây quỹ để mua lại một ngôi
nhà thờ Swedenborg để thành lập ngôi chùa có tên Dharma Bum Temple.
8) Thiền Tông Tại Cuba:
Trong chương này tác giả viết, “Cộng đồng Phật Giáo chỉ là một thiểu số tại
Cuba. Dù vậy họ vẫn đang có những bước đi lặng lẽ thơ mộng và trang nghiêm tại
đảo quốc xinh đẹp này. Và cũng thật kỳ lạ, Omaru Perez- một nhà thơ và là một
nhạc sĩ nổi tiếng ở Cuba, vốn là con trai của lãnh tụ du kích nổi tiếng Che
Guevara nay trở thành một tu sĩ Thiền Tông.” Năm 1992, hiến pháp Cuba cắt bỏ
câu “nhà nước vô thần” và trở
thành một quốc gia đa tôn giáo. Bây giờ chính sách tôn giáo của Cuba khá cởi
mở. Dòng Thiền theo truyền thống Nhật Bản của Thiền Sư Deshimaru đã chính thức
mở Thiền đường tại Thủ Đô Havana.
9) Một Góc Vắng Lặng:
Hiện nay các thành phố lớn, đặc biệt như Nữu Ước đang phải đối đầu với nạn “ô nhiễm tiếng ồn” (noise polution). Tác giả viết,
“Chúng ta đang sống trong một xã hội hỗn loạn và ồn ào.” Tiếng động quá mức làm
suy giảm thính lực, tăng áp huyết và dễ có thái độ chống đối lại xã hội. Thế
nhưng người ta không thể di chuyển tới một thành phố khác hoặc làm giảm bớt
tiếng động mà chỉ còn cách “đối đầu” với tiếng động. Chính vì thế mà một số
Phật tử tại Nữu Ước đã quyết địn đưa Thiền ra đường phố, tới các trạm xe điện
ngầm, vừa hoằng pháp, vừa tự vệ và giúp nhau giữ gìn sức khỏe cho thân tâm. Cô
Maselli nói rằng, “Nhập thất trên đường phố mới đầu như một chuyện vui đùa.
Nhưng rồi có nhiều phản ứng tích cực. Dân chúng nhận ra rằng họ có thể tập
Thiền ở bất cứ nơi nào.” Nhóm Buddhist Insights đang trở thành những góc rất an
bình và vắng lặng giữa một thành phố ồn ào kinh khủng như Nữu Ước với 8 triệu
550 ngàn dân.
10) Tập Thiền Chạy Bộ:
Ngày xưa chỉ nói tới “tọa thiền” nhưng ngày nay Thiền đã đi vào “chạy bộ”. Theo
sự nghiên cứu của y khoa, hễ chạy được là tốt. Thế nhưng chạy không phải chỉ là
chạy. Nếu giữ được chánh niệm trong lúc chạy thì lại càng tốt hơn Tạp chí
Chatelaine ngày 30/10/2012 trong một cuộc phỏng vấn Đại Sư Sakyong Mipham
Rinpoche- một lực sĩ chạy đường trường (marathon) đã nói rằng ban đầu
chỉ nghĩ chạy để giữ sức khỏe, nhưng dần dà trở thành niềm vui lớn và là cuộc
thư giãn (bớt căng thẳng), một
cách để nối kết thân-tâm và thiên nhiên chung quanh cùng một lúc.
11) Thiền Tông và Thi Ca:
Chương này tác giả nhắc lại những kỷ niệm khi ra mắt Thiền Ca Hoa Bay Khắp Trời
của nhạc sĩ Trần Chí Phúc phổ 10 bài thơ Thiền và một bài đạo ca của tác giả.
Tác giả viết, “Một trong những khoảng khắc tuyệt vời trong đời tôi là nhạc sĩ
Trần Chí Phúc một đêm điện thoại và hỏi rằng Hải có bài thơ nào để cúng Phật
Đản không? Đó là khởi đầu nhân duyên để hình thành đĩa nhạc Thiền Ca Hoa Bay
Khắp Trời.”
Hiện nay phong trào sáng tác Thiền
Ca nở rộ ở hải ngoại. Tuy nhiên sáng tác Thiền Ca không phải dễ. Nó không phải
là Nhạc Đạo mà cũng không phải Tình Ca kiểu “nhạc than, nhạc khóc, nhạc tình,
nhạc lim rim để hưởng thú đau thương” mà là nhạc của tỉnh thức, nhạc của
nội tâm, nhạc của sự an vui tâm hồn, nhạc của giải thoát và sau hết đó là Nhạc
Trời. Người Mỹ không biết có Thiền Ca hay không nhưng họ có một loại nhạc êm
đềm, thanh thản, không lời gọi là Serenity
Music.
Trong chương này tác giả đã nhắc lại
chuyện tiền kiếp của Đức Phật vốn là nhạc sĩ tài danh Guttila của thành
Ba-la-nại (Benares) nhận lời tranh tài nhạc với học trò là Musila trong Kinh Tứ
Thập Nhị Chương (Kinh 42 Chương).
Tác giả đã kết thúc chương này bằng lời của bản nhạc Phật Giáo Việt Nam Lên
Đường như sau:
“Con về đây từ núi cao,
từ biển xa với hồn thiêng Rồng Tiên ngàn năm quê hương Việt Nam.
Con về đây nghe tiếng
chuông chùa, lời mẹ ru, giữ đời đời, nguyện quy y Phật-Pháp-Tăng.
Con lên đường, tới
Trường Sơn, tới Biển Đông giữ quê hương một tấc đất không lui.
Con lên đường, lấy tình
thương, bảo vệ dân, vững ngàn năm, hộ trì Phật Giáo Việt Nam.”
12) Nói Gì Với Giới Trẻ Về Phật Giáo?
Vì Phật Giáo không phải là tôn giáo ép buộc, dù đã có thời Phật Giáo trở thành
Quốc Giáo. Nhưng phần lớn các em, dù gia đình truyền thống là Phật Giáo
nhưng chỉ đến chùa khi có tang sự và bây giờ là đám cưới. Vậy đối với các em
nhỏ 14, 15 tuổi phải dạy các em những gì tối cần thiết trong rừng kinh điển của
Phật Giáo? Trong khi một số các bậc đại sư lại dạy các em Bát Chánh Đạo còn
theo tác giả, nên chỉ cho các em thấy:
-Luật Nhân-Quả
-Lý Vô Thường tức vạn pháp, muôn vật
không có gì vĩnh cửu cả.
-Trí tuệ là tối thắng vì Đạo Phật
xây dựng trên trụ cột Trí Tuệ.
13) Thiền Tập Và Bạo Lực:
Dường như ngày hôm nay bạo lực (thô
bạo và dùng sức mạnh) giống như một “món ăn để sống” của con người. Bạo lực
làn tràn, ở đâu cũng có bạo lực, “Bạo lực hiện ra ngay trên truyền hình, trên
các trang báo, trên mạng xã hội. Nhiều khi bạo lực hiện ra trong ngôn ngữ góp ý
qua các bản tin trên báo điện tử hằng ngày, đôi khi cả các bài viết về tôn
giáo. Đạo Phật chưa từng dẫn tới thánh chiến, đã nhìn về hay ứng phó về bạo lực
thời này ra sao?”
Trong chương này tác giả nói về cuộc đời của một phụ nữ Da Đen đồng tính luyến
ái, sinh ra và lớn lên từ thành phố Oakland, California là một trong 10 thành
phố bạo lực nhất nước Mỹ mà người ta gọi là “Unfriendliest Cities” và bà cũng
là nạn nhân của bạo lực. Thế nhưng nay bà đã trở thành vị ni sư có pháp danh
Zenju tức Bi Mẫn hay Dịu Dàng, Tử Tế triệt để. Một sự chuyển hóa thật tuyệt
vời. Điều khai ngộ cho bà không phải kinh điển Phật Giáo mà chính là khi quan
sát hai vị Thiền Sư nói chuyện với nhau, bà hốt nhiên đại ngộ và nhận ra thấy
cần phải tu tập ngay trên Thân mình (body practice) biểu hiện qua đi,
đứng, nằm, ngồi, nói năng cử chỉ. Kiểm soát được Thân cũng là kiểm soát được
Tâm mình. Rõ ràng, không thể có vị thiền sư nào mà cử chỉ, dáng vẻ hấp tấp, vội
vàng, sơ sót, mà rất an nhiên, dịu dàng, từ tốn. Mà khi đã dịu dàng, từ tốn thì
không thể có bạo lực.
14) Thế Vận Và Thiền Tập:
Ngày nay sự tranh tài tại các Thế Vận Hội vô cùng căng thẳng do đó một số đông lực
sĩ đã phải dùng thuốc kích thích (doping)
thế nhưng các lực sĩ Úc đã dùng Thiền để giúp các lực sĩ bớt căng thẳng và giữ được
tâm lý điều hòa lúc tranh tài. Một số đoàn tham dự Thế Vận Hội khác lại dùng
phương thức cầu nguyện hay tham dự thánh lễ.
15) Vài Ý Nghĩ Rời Về Hoằng Pháp:
Trong chương này tác già bày tỏ ưu tư là làm cách nào đem Phật Giáo tới cho
tuổi trẻ. Còn quý thầy trong nước nên thiết lập hay hỗ trợ cho một nhóm cư sĩ
chuyên phiên dịch các vấn đề Phật Giáo hay xã hội, cách đối phó với những vấn
đề xã hội mới ra sao, về tâm lý thanh-thiếu-niên, về tình hình phát triển của
các tôn giáo khác, hay về tương quan giữa khoa học và Phật Giáo. Hiện nay một
số đông quý thầy chọn cách hoằng pháp bẳng các buổi thuyết giảng trên Youtube.
Thế nhưng tác giả đề nghị quý thầy nên soạn bài thật kỹ lưỡng, chớ có cương ẩu,
lạc đề khiến đối chọi với kinh điển vì nếu không có bài vở sẽ nói qua trí nhớ
hoặc ngẫu hứng. Ngoài ra tác giả cũng mong các chùa nên gắn bó với làng xóm,
chùa giàu giúp chùa nghèo trong tinh thần “lá lành đùm lá rách. Trong khi không
khí tu học trong nước thật sôi nổi thì hải ngoại người đi lễ chùa tóc bạc nhiều
hơn tóc xanh, thật đáng lo.
16) Phật Học Và Nghệ Thuật:
Hiện nay một số không nhỏ quý thầy đã đàn ca, xướng hát, làm người dẫn chương
trình ca nhạc, khôi hài, múa may quay cuồng trên sân khấu và ngụy biện rằng
“nhập thế” “phá chấp” hoặc “đem đạo vào đời”. Tác giả trích dẫn lời Hòa Thượng
Thích Trí Thủ trong Bát Quan Trai Giới dạy rằng, “Như chư Phật suốt đời không ca múa
xướng hát và không đi xem hoặc nghe….Chúng con nguyện một ngày không ca múa
xướng hát và đi xem hoặc nghe…” Tác giả phân biệt cho chúng ta thấy nghe
nhạc thế gian và chính mình hát nhạc thế gian và làm nhạc thế gian… hai chuyện
đó hoàn toàn khác nhau. Trong một cuộc tranh luận về vấn đề âm nhạc, khi một
đại lão hòa thượng nghe một bản nhạc do một Phật tử hát cúng dường, tác giả đã
có quan điểm như sau: “Khi chư
Thiên hát bản tình ca, Đức Phật cũng hoan hỉ vì ngài ở trong cảnh giới đại định
(không bị tác động). Giới luật là để gìn giữ sáu căn chứ không phải bảo vệ lỗ
tai” tức nghe cũng chẳng sao, nghe mà chẳng nghe. Thế nhưng theo tôi, mình
đã ở vào cảnh giới đại định chưa? Mình đã là Phật, Bồ Tát, A La Hán chưa? Đang
ngụp lặn trong biển ái dục, sợ quá phải xuất gia đầu Phật để xa lìa ái-dục. Nay
lại nhảy vào cái “biển ái nguồn ân”đó thì xuất gia để làm gì? Tại sao không ở
ngoài đời để học nghề ca sĩ, MC kiếm tiền có phải sướng không và chẳng ai dị
nghị? Một ni cô tối ngày nghe băng Thúy -Nga Paris, chắc chắn tâm hồn còn bất
định, lãng mạn, làm sao có thể an trụ tâm? Một vị sư hát “Mười Năm Tình Cũ” thì là sư giả
chứ không phải là sư thật. Mọi giải thích chỉ là ngụy biện. Còn Phật tử nghe
răng cười nghe theo- là Phật tử vô tình phá đạo hay hạ thấp giá trị của
Phật Giáo vốn là đạo thanh tịnh.
17) Hội Họa Và Thiền Tập:
Trong chương này tác giả nói có lúc đã vẽ 42 bức chân dung Đức Đạt Lai Lạt Ma
để mừng sinh nhật thứ 75 của ngài (Tác giả có gửi tặng tôi một số chân dung
này). Thế nhưng tác giả nghiệm ra rằng, “Hội họa cũng như mọi hành vi nghệ
thuật khác như viết truyện, làm thơ, sáng tác nhạc, hát ca…tự thân không có tác
dụng Thiền tập. Vì rất nhiều nghệ sĩ mà tác giả quen biết, thân cận…đều không
quan tâm đến chuyện tu học. Và sáng tác nghệ thuật tuy là hành vi văn hóa nhưng
thường làm cho cái Ngã sâu dày hơn. Nghĩa là người ta có thể Thiền-hóa nghệ
thuật nhưng không thể nghệ-thuật-hóa Thiền (tức không thể biến Thiền thành một
thứ nghệ thuật). Với tâm Thiền, mọi nghệ thuật chỉ là phương tiện.”
18) Phật Giáo Thái Lan Nhìn Lại 50 Năm:
Trong chương này tác giả ca ngợi dòng Thiền Thái Lan qua các đại sư như Ngài
Ajahn Sumedho, Ngài Ajahn Chah, “ Đó
là ngôn ngữ Thiền Lâm Truyền Thái Lan, cũng là ngôn ngữ Thiền Tông Đông Độ,
không thể khác hơn. Đó là Bát Nhã Tâm Kinh là Kim Cương Kinh…và tôi là Phật tử Thái Lan chính
hiệu Thái Forest Tradition.”
19) Tu Học: Nói, Nghe, Đọc, Viết:
Tác giả trình bày một số cảm nghiệm của bản thân mình như:
-Thích đọc kinh, đọc sách hơn là
nghe băng giảng. Băng giảng rất tiện lợi cho người lười đọc, tốt cho người
không thể ngồi (vì bệnh chẳng hạn) nhưng khi trích dẫn thì không thể trích dẫn
lời trên băng giảng.
-Khi nghe băng giảng, có người thích
giọng Bắc, giọng Nam, giọng Huế. Còn chữ viết thì không có phân biệt.
-Tác giả có một ước mơ là tăng/ni trong
và ngoài nước nên rèn luyện khả năng viết. Khi nói thì phải vận dụng trí nhớ và
có thể nhầm lẫn. Còn khi viết thì phải đắn đo, tra cứu. Văn viết ít lỗi hơn nói
và nói có khi dư thừa.
20) Tự Thiêu Và Giới Sát:
Về trường hợp các tu sĩ Tây Tạng tự thiêu để đòi hỏi quyền tự do tôn giáo và
giữ gìn bản sắc dân tộc có phạm giới sát sinh hay không? Đức Đạt Lai Lạt Ma-
người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1989, nói chuyện trước 150 dân biểu
Nhật Bản tại Tokyo đã nói rằng, “Sự kiện tự thiêu đó là rất buồn và rằng là để
đối kháng với những gian nan quá lớn mà họ đối diện. Những vị này sẵn sàng hy
sinh thân mạng của họ không phải vì họ say rượu hay bất mãn chuyện gia đình.”
Tác giả cũng còn trích dẫn tác phẩm Phật Giáo Chánh Tín của Pháp Sư Thánh
Nghiêm- người sáng lập Viện Nghiên Cứu Phật Học Trung Quốc ở Đài Loan năm 1985
nói rằng, “Phật Giáo không phải là tôn giáo khuyến khích vị kỷ. Người Phật tử
vì sự nghiệp độ sanh trong trường hợp cần thiết cũng sẵn sàng xả thân để bảo vệ
tín ngưỡng thần thánh của mình. Có những Phật tử đã tuẫn tiết. Một người hành
Bồ Tát đạo chân chính có thể xả bỏ cả tay chân, thịt, mắt cho đến cái đầu của
mình.” Như thế quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng phù hợp với Kinh Pháp Hoa
và Tạp A Hàm. Đức Đạt Lai Lạt Ma kêu gọi chính phủ Trung Quốc điều tra xem tại
sao có quá nhiều cư sĩ Tây Tạng chọn con đường tự thiêu như vậy.
Lời Kết:
Với học Phật uyên thâm, do làm báo
phải theo dõi tin tức thế giới từng giờ, trình độ Anh Ngữ thông thạo và tâm hồn
rất nghệ sĩ, Nguyên Giác Phan Tấn Hải đã bỏ công tìm tòi những tài liệu
quý giá về sinh hoạt Thiền và Phật Giáo trên toàn thế giới hầu như viết bằng
tiếng Anh. Và anh đã đúc kết lại thành cuốn sách ngày hôm nay với một số bình
giảng và trích dẫn kinh giáo. Với lời giới thiệu chỉ vỏn vẹn có vài trang, tôi
không thể nói hết những dữ kiện thú vị , có giá trị mà anh đã thu thập được và
đóng góp thêm phần trí tuệ - mà quý vị chỉ còn cách tìm đọc. Muốn mua sách “Thiền Tập Trong Đời
Thường” xin vào www.Amazon.com và đánh chữ:
“thien tap trong doi thuong” quý vị sẽ có một cuốn sách quý để đọc.
Trân trọng giới thiệu,
Đào Văn Bình
(California ngày 21/5/2017)
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching