Facebook
và năm đại công ty
Ngày 10 và 11 Tháng Tư, 2018, Mark Zuckerberg, tổng giám đốc công ty Facebook, ra trước Quốc Hội điều trần về xì căng đan công ty Cambridge Analytica đã sử dụng những dữ liệu cá nhân của hơn 87 triệu người dùng Facebook, công ty với Steve Bannon (cựu chiến thuật gia Tòa Bạch Ốc của Tổng Thống Donald Trump) làm phó chủ tịch, công ty cũng nhận tài trợ của Robert Mercer đại gia đứng sau lưng ông Trump.
Hai tỷ người dùng Facebook mỗi tháng bỗng nhiên rung động khi biết Facebook sử dụng dữ liệu cá nhân không được xin phép. Trung bình một người lên xem Facebook 50 phút mỗi ngày nay rút khỏi Facebook, đa số là giới trẻ còn người già không thấy bị ảnh hưởng vẫn trung thành với Facebook.
Người Mỹ đôi khi hơi buồn cười, lên Facebook phải biết đời tư đã thành đời công nhưng vẫn ngạc nhiên khi đời tư đã bị tiết lộ. Facebook với những kỹ thuật tiến bộ thế kỷ 21 không khác nào “chợ chồm hổm” của các bà đi chợ trong mấy ngàn năm, xách giỏ đi chợ, ngồi xuống trao đổi tin tức gia đình hàng xóm, loan truyền tin vịt, tin đồn nhảm, cho đến khi xem đồng hồ giật mình phải đi chợ gấp để về làm cơm cho chồng con!
Năm đại công ty Microsoft, Apple, Facebook, Amazon và Google với những kỹ thuật điện tử tối tân cuối thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21 đã thay đổi thế giới từ lối sống đến truyền thông. Các nhà tỷ phú trẻ tuổi năng động với lối ăn mặc giản dị, áo thun, áo polo đi làm, nhân viên vì vậy chú trọng đến năng suất không để ý đến y phục như những thập niên trước, Mark Zuckerberg, tỷ phú mất hơn $100 tỷ qua trị giá công ty, đã tự đặt ra sứ mạng khi thành lập công ty Facebook: thay đổi thế giới để thế giới trở nên cởi mở, khi thế giới cởi mở thì thế giới sẽ tốt hơn.
Năm 2017, tuyên ngôn của Zuckerberg: “Facebook giúp nhân loại với nền nhân bản tiến đến thành lập hạ tầng xã hội cho cộng đồng thế giới.” Qua các máy điện toán ở nhà, Facebook lập ra mạng xã hội có tham vọng thành biên thùy mới của thông minh nhân tạo (A.I.). Bà Hillary Clinton khi còn là ngoại trưởng đã xem Facebook là diễn đàn tự do, khuyến khích Facebook đến các nước độc tài để dân có diễn đàn tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền. Mục đích của Facebook vĩ đại nhưng Facebook cũng chỉ là phương tiện, một con dao hai lưỡi, các nước Cộng Sản cũng biết dùng Facebook để truyền đạt bạo lực, thù hận và đàn áp. Tù đày bắt bớ vẫn là phương pháp hữu hiệu để đàn áp đối lập.
Trong những ngày đầu của Facebook Zuckerberg được hỏi: “Tại sao mọi người đã đưa hết tất cả dữ liệu cá nhân cho Facebook?” Nhà tỷ phú trẻ tuổi đã trả lời kiêu ngạo “vì họ đã tin tôi, đồ ngu!” nay với xì căng đan Cambridge Analytica Zuckerberg phải sửa đổi để lấy lại niềm tin cho công ty.
Chủ tịch công ty Cambridge Analytica, Alexander Nix đã thú nhận là cái não vận động bầu cử của Tổng Thống Trump gồm 40,000 cử tri Michigan, Wisconsin và Pensylvania đã thay đổi ý kiến trong ngày bầu cử 8 Tháng Mười Một, 2016, bầu cho Donald Trump nhờ quảng cáo, thông điệp lấy từ dữ liệu cá nhân của cử tri. Bà Hillary Clinton gọi công ty Cambridge Analytica là cơ quan tuyên truyền quên đi trong chính trị Facebook chỉ là phương tiện người nào biết sử dụng kẻ ấy thắng.
Xì căng đan đã cho thấy bộ máy vận động tranh cử của Donald Trump lấy được dữ liệu của 50 triệu người trên Facebook mà không cần phải xin phép. Đây là bài học cho những người có đời sống qua mạng lưới điện tử với dữ liệu cá nhân chia sẻ với bạn bè. Alexander Kogan, tâm lý gia, đã làm ra App để lấy dữ liệu trên 270,000 người bán cho Cambridge Analytica để Steve Bannon sử dụng trong kỳ tranh cử. Luật bảo vệ dữ kiện cá nhân bị vi phạm, theo luật mỗi người phải được biết trước khi họ đồng ý chia sẻ.
Xì căng đan của Facebook đặt vấn đề mạng lưới điện tử, khác với tuyên ngôn của Zuckerberg, thập niên 1990 mạng điện tử bị xem là đe dọa cho tư bản chứ không phải là đe dọa cho các quốc gia độc tài Cộng Sản. Công ty Napster là một đe dọa, bị xem như là phương tiện theo dõi hữu hiệu rẻ tiền, các người sử dụng dễ bị theo dõi. Các công ty lúc đầu lỗ lã như công ty Uber nhưng dụ dỗ mọi người bằng các App càng dùng các công ty càng có những dữ liệu cá nhân để sử dụng vào các kinh doanh thương mại. Dữ liệu cá nhân cũng như dầu dưới mặt đất. Các công ty dầu đào mỏ dầu, các công ty mạng điện tử đào dữ kiện cá nhân. Các công ty như Uber đào dữ kiện qua mỗi lần hành khách đi xe, các dữ kiện cá nhân, ngày giờ, thái độ hành xử khi hành khách lên xe xuống xe được phân tích qua các máy quay phim phân tích nét mặt giọng nói…
Năm 2010, tờ Wall Street Journal đã cho biết các App của Facebook đã thu nhặt dữ kiện cá nhân của các người sử dụng cung cấp cho các công ty quảng cáo hay các công ty thu thập tin tức khác mà không hề có sự chấp thuận. Qua sự điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller, Facebook đã bán hàng trăm ngàn đô la quảng cáo cho các công ty “Dư luận viên” Nga. Hơn 126 triệu người Mỹ đã bị Nga sử dụng dữ kiện cá nhân để làm tin vịt trong kỳ bầu cử tổng thống từ 2015 đến 2016.
Ngoài Facebook, công ty Google cũng giống như “anh cả” trong truyện George Orwell, Google biết bạn đã đi đâu, ở đâu, làm gì, vào lúc nào qua các App. Google giữ lại vị trí của bạn mỗi lần mở máy điện thoại di động, thời khóa biểu khi dùng Google, giữ tất cả lịch sử truy lùng tìm kiếm, xóa bỏ trên máy. Amazon dùng tất cả dữ liệu cá nhân để quảng cáo, làm thương mại. Ngoài YouTube các máy ảnh trên mạng thu thập tất cả tin tức, buổi họp& Dữ liệu cá nhân là dầu của các công ty điện tử, dầu là nguyên liệu thiên nhiên đem lợi tức đến các công ty dầu còn dữ liệu cá nhân là tư liệu đem lợi tức cho các công ty điện tử. Người Mỹ nay có câu: “Các nhà bảo vệ môi sinh không phá hoại thiên nhiên bằng cách để dầu dưới mặt đất không khai thác còn các công ty điện tử Silicon Valley không để đầu bạn yên, họ đào óc bạn để khai thác dữ liệu!”
Mạng lưới điện tử bắt nguồn từ DARPA (Cơ Quan Nghiên Cứu Các Chương Trình Quốc Phòng) cơ quan này có trách nhiệm thành lập và phát triển các kỹ thuật quốc phòng mới. Được gọi là “Free Internet” các mạng lưới điện tử hiện tại được dùng được kiểm soát bởi các công ty tư tuy nhiên kỹ thuật tân tiến như nhận diện, nói, thông minh nhân tạo của các điện thoại thông minh đều là thương mại hóa của phát minh quốc phòng.
DARPA lúc đầu cấp quỹ cho nghiên cứu quốc phòng và giáo dục nhưng tương quan giữa Silicon Valley và an ninh quốc gia lẫn lộn, các kỹ thuật của Silicon Valley cần thiết cho quốc phòng như thông minh nhân tạo (A.I.) cần cho máy bay không người lái (drone). Chính quyền Hoa Kỳ đã cung cấp ngân quỹ cho các đại công ty điện tử qua cơ quan nghiên cứu sáng tạo cho các thương mại nhỏ (SBIR) lên đến $2.5 tỷ mỗi năm theo sách của Linda Weiss. Silicon Valley cũng được ngân quỹ từ các cơ quan CIA, quốc phòng, hải quân, NASA, NGIA (cơ quan tình báo không gian) và Bộ Nội An trợ giúp. Mục đích chính của ngân quỹ này là tạo ra những phát minh kỹ thuật cho quốc phòng trong khi bảo đảm các kỹ thuật này sẽ đi vào kỹ thuật dân sự để nhắm đến tiến bộ kỹ thuật chung cho quốc gia và tư nhân.
Chính quyền Hoa Kỳ đã ủng hộ sự độc quyền của năm đại công ty điện tử để Hoa Kỳ sử dụng “sức mạnh mềm” đi chung với bộ máy chiến tranh. Nói đến soft power “sức mạnh mềm” từ thời chính quyền Bush và Obama đến nay là nói đến sức mạnh của các công ty điện tử chứ không phải là sức mạnh của đồng tiền như thời chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Xô Viết.
Sau khi xong nghiên cứu, chính quyền không giữ bằng sáng chế, các công ty tư làm giàu nhờ các sáng chế này. Các công ty có quyền bán phát minh cho bất cứ người nào, bất cứ nước nào, lợi tức không bắt buộc phải chia cho chính phủ, kết quả như Intel mấy tháng trước báo cho chính quyền Trung Quốc về con “chip” hư có thể hại đến an ninh quốc gia Trung Quốc trước khi báo động chính quyền Hoa Kỳ.
Tiền thuế dân Mỹ đóng vì vậy làm lợi cho năm đại công ty (Tổng Thống Trump không chú ý điều này chỉ đánh Amazon về tội sử dụng bưu điện). Năm đại công ty vừa kinh doanh hàng trăm tỷ đô la vừa làm chủ dữ liệu của quốc gia và tư nhân. Một phần vì phụ thuộc vào kỹ thuật của các công ty điện tử, chính quyền Hoa Kỳ đã nhắm mắt cho khế ước các công ty như Booz Allen Hamilton, Boeing Analytx, Paluatir, SCL và công ty Cambridge Analytica có phần hùn với SCL.
Chính quyền Hoa Kỳ xem năm đại công ty Silicon Valley là sự cần thiết cho an ninh quốc gia. Quyền này phần lớn nằm trong tay Mark Zuckerberg công ty Facebook và Larry Page cùng Sergey Brin công ty Google vì họ kiểm soát các công ty này với hơn 50% số phiếu công ty. Mục đích lúc đầu là giữ cân bằng giữa an ninh quốc gia và kỹ thuật tư nhân nay đã nghiêng về quyền lợi vì chính quyền không kiểm soát các công ty cho đến khi xảy ra xì căng đan Cambridge Analytica.
Từ lâu, trong nước các phương tiện trên mạng được sử dụng cho vận động bầu cử, báo chí cảnh cáo nhưng chính quyền không chú ý. Cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều sử dụng dữ liệu cá nhân trên mạng để nhắm đến cử tri. Anh em nhà Koch với công ty dữ liệu i 360 lấy được dữ liệu 250 triệu cử tri Mỹ, ảnh hưởng bầu cử qua các text trên điện thoại di động. Google Double click và Facebook, được liệt kê trên i 360 là phương tiện hữu hiệu để quảng cáo tranh cử. Google, Facebook, Twitter đều bị tin tặc do dư luận viên và người máy Nga dùng tên giả (trolls và bots) để ảnh hưởng lên bầu cử 2016 (Tổng Thống Trump do dự nhưng cuối cùng cũng đi bước đầu trừng phạt Nga).
Dân chúng bắt đầu đặt câu hỏi: An ninh quốc gia có bị xâm nhập với các trolls, bots của Nga? Tấn công lớn nhất là vào Tháng Mười, 2016, Mirai Bonet đã phá công ty Dyn (quản trị một phần hạ từng mạng lưới) làm ngưng hoạt động phần lớn mạng lưới điện tử từ giao thông, máy điện, hồ sơ y khoa…
Facebook đã ước lượng hơn 11 triệu người Mỹ xem quảng cáo của Nga để làm cuộc bầu cử nghiêng về cho Tổng Thống Trump. Google cũng cho biết con số kể cả trên YouTube và Gmail, có khoảng hơn 126 triệu người đã bị nhóm Nga lấy dữ liệu.
Năm 1983, Tổng Thống Ronald Reagan đọc diễn văn đã xem Xô Viết là đế quốc quỷ, mối thù này V. Putin không quên, nay chiến tranh trên mạng lưới Cyberware được Putin sử dụng cũng như chính công ty Nga Kapersky Lalo đã khám phá vi khuẩn Stuxnet của Hoa Kỳ và Do Thái dùng ngăn chặn chương trình nguyên tử của Iran và sẽ lan đi trên mạng lưới toàn cầu. Chương trình của vi khuẩn này của NSA, cơ quan an ninh quốc gia năm 2009 thời chính quyền Obama nhằm cảnh cáo các nước là Hoa Kỳ sử dụng mạng lưới trong mục đích tấn công.
Tỷ phú Mark Zuckerberg đã nhũn nhặn hơn sau xì căng đan Cambridge Analytica, hứa dùng mọi cách để sửa chữa lỗi lầm một phần có lẽ vì phản ứng của đa số dân chúng đã đề nghị chính quyền Hoa Kỳ một nước dân chủ phải có chính sách trong sáng hơn về mạng lưới hay một đề nghị khác là dùng luật chống độc quyền để phá vỡ năm đại công ty thành các công ty nhỏ hơn.
Việt Nguyên
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching