X

Sunday, April 15, 2018

Làm sao siêu keo có thể dính chặt?

 
Làm sao siêu keo có thể dính chặt?


  Hà Dương Cự

Siêu keo.
Siêu keo có sức dính hơn tất cả những thứ keo khác. Một inch vuông có thể chịu được sức kéo ra hơn một tấn.
Chất chính của siêu keo là chất hóa học cyanoacrylate, một loại chất dẻo a-cri-lic (acrylic resin). Chất này khi gặp i-ông hy-drô-xyn (hydroxyl ion) có trong nước thì tạo ra một phản ứng hóa học làm cho nó cứng lại và bám chặt vào những chỗ lồi lõm nhỏ xíu trên mặt vật chất mà nó chạm vào.
Siêu keo hoạt động ra sao 
Nhưng khi bạn dùng siêu keo thì đâu thấy phải dùng nước. Như vậy nước ở đâu? Những hạt nước nhỏ li ti có mặt hầu như khắp mọi nơi, trên bề mặt của phần lớn mọi vật và trong không khí. Vì cần nước nên siêu keo hoạt động tốt nhất ở một môi trường ẩm. Ở một môi trường khô, như ở sa mạc thì siêu keo không hoạt động tốt. Nhiều khi bạn phải lau lên mặt chỗ cần dính bằng một khăn ẩm. Có thể chỉ cần hà hơi vào chỗ cần dùng siêu keo là cũng đủ có hơi nước cho siêu keo đặc lại rồi.
Cũng vì lý do cần hơi nước nên bạn không nên để quá nhiều siêu keo. Thí dụ bạn để một viên tròn siêu keo lên mặt một vật thể thì bề ngoài của siêu keo sẽ gặp hơi nước trong không khí và cứng lại. Như vậy phần trong của siêu keo không có hơi nước và không bao giờ cứng lại được.
Ai sáng chế ra siêu keo 
Tiến Sĩ Harry Wesley Coover, Jr. , là một nhà khảo cứu về hóa học, đã tình cờ khám phá ra siêu keo. Trong Thế Chiến Thứ 2 ông Coover đang nghiên cứu về ống nhắm trên súng bằng chất dẻo cho quân đội Hoa Kỳ. Khi ông thử nghiệm với hóa chất cyanoacrylate thì thấy có một vấn đề: chất đó làm mọi thứ dính chặt với nhau.Vì lý do đó quân đội Hoa Kỳ bỏ dự án này.

Tiến Sĩ Harry Wesley Coover, Jr. (trái) được Tổng Thống Barack Obama trao mề đay. (Hình: wbur.org)

Tới năm 1951 khi ông làm khảo cứu cho công ty Eastman Kodak thì ông và một đồng nghiệp, ông Fred Joyner đã lại khám phá ra chất cyanoacrylate. Nhưng lần này thì ông Coover nhận ra tiềm năng thương mại của đặc tính dính như keo của chất này. Từ đó siêu keo có tên Eastman 910 ra đời, sau đó được đổi tên là Super Glue.
Vì phát minh ra siêu keo nên Tiến Sĩ Coover được chọn vào National Inventors Hall of Fame (hội trường quốc gia của những nhà phát minh danh tiếng) vào năm 2004 và ông cũng được Tổng Thống Barack Obama trao tặng mề đay National Medal of Technology and Innovation (Mề Đay Quốc Gia Về Kỹ Thuật và Sáng Tạo) vào năm 2010. Ông qua đời năm 2011, thọ 94 tuổi. Lúc đó ông có tất cả 460 bằng sáng chế.
Những công dụng của siêu keo 
Vì siêu keo có thể dính hầu như bất cứ vật liệu nào nên siêu keo có rất nhiều áp dụng. Áp dụng nhiều nhất là hàn gắn các vật dụng bị gãy hay long ra. Siêu keo cũng được dùng để sửa những sự hư hại nhỏ trên xe hơi thí dụ như những vết nứt ở đèn sau xe. Các nha sĩ cũng dùng một loại siêu keo không độc hại trong việc gắn dính răng giả.
Siêu keo tuy là chất keo dính đặc biệt nhưng dùng để dán hai vật thủy tinh nhẵn thín thì không tốt mấy. Bạn nên tránh để siêu keo chạm vào vải hay len. Một phản ứng hóa học sẽ xảy ra khi siêu keo trộn lẫn với vải hay len và có thể làm bốc cháy hay nếu chạm vào da có thể làm bỏng.
–Áp dụng siêu keo trong chiến trường: Trong thập niên 1960, công ty Eastman Kodak đã nghiên cứu việc dùng siêu keo để dán các mô (tissue) với nhau trong các cuộc giải phẫu. Eastman Kodak đã nộp đơn cho Cơ Quan Thực Phẩm và Thuốc (Food and Drug Administration, viết tắt là FDA) của Hoa Kỳ để được dùng siêu keo bịt kín các vết thương. Nhưng FDA không chấp nhận vì chất hóa học dùng lúc bấy giờ có tác dụng độc hại với con người.

Băng có chất keo cyanoacrylate. (Hình: en.wikipedia.org)

Nhưng quân đội Hoa Kỳ vẫn dùng nó để bịt kín vết thương. Theo chính ông Coover kể lại sau này là trong chiến tranh Việt Nam siêu keo được thử nghiệm ngay trên chiến trường và có kết quả rất tốt. Ông đã phát triển một loại siêu keo phun rất tiện dụng và đã cứu được rất nhiều người trong cuộc chiến.
Về sau các công ty dùng một loại hóa chất khác không độc hại và được FDA chấp thuận cho dùng siêu keo vào việc dán kín vết thương vào năm 1998.
–Siêu keo dùng để lấy dấu tay: Chất keo cyanoacrylate khi hâm nóng sẽ cho ra một luồng khói. Luồng khói này phản ứng với dấu tay trên những vật dụng và cho ra một chất po-li-me có màu trắng nhạt và làm dấu tay lộ ra.
–Làm sao cào bỏ siêu keo: Có nhiều trường hợp bị dính siêu keo hay siêu keo đổ ra ngoài thì làm sao cạo bỏ nó được.
+Nếu siêu keo dính hai ngón tay: Tại sao siêu keo lại dễ dính vào tay? Vì ngón tay có nhiều rãnh nhỏ để cho siêu keo bám chặt lấy và vì da con người luôn luôn có hơi ẩm để cho siêu keo cứng lại. Khi hai ngón tay bạn bị dính vào nhau do siêu keo gây ra, thì phải làm sao để gỡ ra?
Trước hết bạn cào bỏ siêu keo còn dư ở ngoài. Nhớ dùng một vật dụng như cái muỗng, đừng dùng giẻ vì vải gặp siêu keo sẽ gây ra một phản ứng hóa học có thể làm phỏng da. Sau đó nhúng tay vào một chậu nước ấm có xà bông trong khoảng một phút rồi từ từ kéo hai ngón tay ra, nhớ đừng kéo mạnh quá sẽ bị rách da.
Nếu dùng nước ấm không được thì nhỏ vài giọt a-cê-tôn vào chỗ da bị dính. A-cê-tôn thường có trong những thuốc chùi sơn móng tay. Sau đó cũng từ từ kéo hai ngón tay ra.
+Cào bỏ siêu keo trên các vật nhẵn: Trước hết lấy móng tay cào nhẹ xem siêu keo có bong ra không. Nếu không thì lấy một khăn có nhúng nước xà bông để lên chỗ bị dính siêu keo trong vài tiếng đồng hồ cho nó mềm ra, rồi cào nhẹ xem có ra hay không. Nếu không thì phải dùng a-cê-tôn quết lên chỗ bị dính siêu keo rồi cào đi. A-cê-tôn là chất làm mềm siêu keo nên thường là cào siêu keo ra được. Nhưng nó cũng có thể làm hư hại mặt đá hay kim loại.
Những loại keo mới đang được phát triển 
Một loại keo mới đang được nghiên cứu tại Đại Học Harvard. Loại keo này không độc và vẫn dính khi bị ướt, rất thích hợp trong y khoa. Theo Tiến Sĩ Jianyu Li, công việc được bắt nguồn từ một loại con sên có nhiều bên Âu Châu và Hoa Kỳ. Con sên này khi bị nguy hiểm thì tiết ra một chất làm nó dính chặt xuống đất không làm sao cạy lên được.
Con trai sống dưới biển có tiết ra một chất keo để bám dính vào đá. Các nhà khoa học ở Đại Học Purdue đang nghiên cứu để làm tổng hợp nhân tạo chất pô-li-me giống như chất keo của con trai. Chất này không độc hại cho các tế bào và có thể dùng chỗ nào có nước nên có nhiều áp dụng trong y khoa.
Bạn biết là những băng keo nếu bị bụi dính vào thì không dùng lại được. Nhưng chân con thạch sùng (hay tắc kè) có chất dính mà sau khi bị dơ vì đất cát vẫn dính như thường. Các nhà khoa học ở Đại Học Carnegie Mellon đang phát triển một loại băng keo dính có thể tự làm sạch và có thể dùng đi dùng lại như chân con tắc kè.
Hà Dương Cự
—————-
Nguồn tài liệu: www.supergluecorp.com, www.sciencedaily.com, https://home.howstuffworks.com, https://en.wikipedia.org

__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts