Thấy gì từ cuộc chiến
của Mỹ đối với Huawei ?
Tác giả : Jeffrey D. Sachs
Phiên dịch : Nguyễn Tuấn Anh
Hiệu đính : Lê Hồng Hiệp
Jeffrey D. Sachs, giáo sư về Phát triển Bền
vững và giáo sư về Chính sách và Quản lý Y tế, là giám đốc Trung tâm Phát triển
Bền vững tại Đại học Columbia và giám đốc Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền
vững của Liên Hợp Quốc.
Ông là tác giả của các
cuốn sách The End of Poverty, Common Wealth, The Age of Sustainable
Development, và gần đây nhất là Building the New American Economy.
Việc bắt giữ CFO của Huawei Mạnh Vãn
Chu (Meng Wanzhou) là một động thái nguy hiểm của chính quyền Tổng thống Mỹ
Donald Trump trong cuộc xung đột ngày càng căng thẳng với Trung Quốc. Như Mark
Twain từng có phát ngôn nổi tiếng, lịch sử thường gieo vần, thời đại của chúng
ta ngày càng trở nên giống giai đoạn trước năm 1914. Giống như các cường quốc
châu Âu hồi đó, Hoa Kỳ, được lãnh đạo bởi một chính quyền muốn khẳng định sự áp
đảo của Mỹ đối với Trung Quốc, đang đẩy thế giới về phía thảm họa.
Bối cảnh của vụ bắt giữ rất quan
trọng. Hoa Kỳ yêu cầu Canada bắt giữ bà Mạnh tại sân bay Vancouver trên đường
đến Mexico từ Hồng Kông, và sau đó dẫn độ bà sang Mỹ. Một động thái như vậy gần
như là một lời tuyên chiến của Hoa Kỳ đối với cộng đồng doanh nghiệp Trung
Quốc. Gần như chưa từng có tiền lệ, điều này khiến các doanh nhân Mỹ đi ra nước
ngoài gặp rủi ro cao hơn nhiều trước các hành xử tương tự của các nước khác.
Hoa Kỳ hiếm khi bắt giữ các doanh
nhân cao cấp, dù là người Hoa Kỳ hay nước ngoài, vì các cáo buộc phạm tội do công
ty của họ thực hiện.
Các nhà quản lý doanh nghiệp thường
bị bắt vì các cáo buộc phạm tội cá nhân (như tham ô, hối lộ hoặc bạo lực) hơn
là do cáo buộc đối với các hành vi sai trái của công ty họ. Đúng là các nhà
quản lý doanh nghiệp nên phải chịu trách nhiệm cho sự sai trái của công ty họ,
và bao gồm các cáo buộc hình sự; nhưng việc khởi xướng điều này với một doanh
nhân hàng đầu Trung Quốc chứ không phải là hàng chục CEO và CFO nổi tiếng của
Hoa Kỳ, là một sự khiêu khích đáng kinh ngạc đối với chính phủ, cộng đồng doanh
nghiệp và công chúng Trung Quốc.
Mạnh bị buộc tội vi phạm các lệnh
trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Tuy nhiên, hãy xem xét việc bà bị bắt giữ trong
bối cảnh có một số lượng lớn các công ty, bao gồm cả công ty Hoa Kỳ và công ty
nước khác, đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và các quốc gia khác.
Ví dụ, hồi năm 2011, JP Morgan Chase
đã phải trả 88,3 triệu đô la tiền phạt vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối
với Cuba, Iran và Sudan. Nhưng, Jamie Dimon đã không bị tóm lôi ra khỏi máy bay
và bị tống giam.
Và JP Morgan Chase không phải là
trường hợp duy nhất vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Từ năm 2010, các tổ chức tài chính
lớn sau đây đã phải trả tiền phạt vì vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ : Banco
do Brasil, Bank
of America, Bank of Guam, Bank of Moscow, Bank of
Tokyo-Mitsubishi, Barclays,
BNP
Paribas, Clearstream
Bank, Commerzbank,
Compass,
Crédit Agricole, Deutsche Bank, HSBC, ING, Intesa Sanpaolo, JP Morgan
Chase, Ngân hàng Quốc gia Abu Dhabi, Ngân hàng Quốc gia
Pakistan, PayPal, RBS (ABN Amro), Société Générale, Ngân hàng
Toronto-Dominion, Ngân
hàng Quốc gia xuyên Thái Bình Dương (nay được gọi là Ngân hàng Kinh doanh
Beacon), Standard
Chartered và Wells Fargo.
Không ai trong số các CEO hoặc CFO
của các ngân hàng bị trừng phạt này bị bắt và giam giữ vì những vi phạm này.
Trong tất cả các trường hợp này, công
ty – chứ không phải là cá nhân nhà quản lý – phải chịu trách nhiệm.
Theo một cuộc tổng kết gần đây, họ
cũng không phải chịu trách nhiệm cho những vi phạm pháp luật phổ biến trong
thời gian trước hoặc sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, mà trong đó các
ngân hàng đã phải trả khoản tiền phạt khổng lồ là 243 tỷ đô la. Trong bối cảnh
đó, vụ bắt giữ bà Mạnh là một sự thay đổi thông lệ gây sốc. Đúng là nên buộc
các CEO và CFO chịu trách nhiệm, nhưng điều đó nên bắt đầu ở trong nước để
tránh bị coi là đạo đức giả, lợi ích cá nhân được ngụy trang thành nguyên tắc
cao thượng, cũng như nguy cơ gây ra một cuộc xung đột toàn cầu mới.
Khá rõ ràng là hành động của Mỹ đối
với bà Mạnh thực sự là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của chính quyền Trump
nhằm làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc bằng cách áp thuế, đóng cửa thị trường
phương Tây đối với hàng xuất khẩu công nghệ cao của Trung Quốc và ngăn chặn Trung
Quốc mua lại các công ty công nghệ châu Âu và Mỹ.
Người ta có thể nói không ngoa rằng
đây là một phần của một cuộc chiến kinh tế đối với Trung Quốc, và là một cuộc
chiến liều lĩnh lúc này.
Huawei là một trong những công ty
công nghệ quan trọng nhất của Trung Quốc, và do đó, mục tiêu hàng đầu của chính
quyền Trump là nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn Trung Quốc tiến vào một số lĩnh vực
công nghệ cao.
Động cơ của Mỹ trong cuộc chiến kinh
tế này một phần là vì thương mại – để bảo vệ và ủng hộ các công ty Mỹ chậm tiến
– và một phần thuộc về địa chính trị.
Các động cơ của Mỹ không liên quan gì
tới việc thượng tôn pháp quyền quốc tế.
Hoa Kỳ đang đặc biệt nhắm đến Huawei
là vì thành công của công ty này trong việc tiếp thị các công nghệ 5G tiên tiến
trên toàn cầu.
Mỹ tuyên bố rằng công ty gây nên một
rủi ro bảo mật cụ thể nào đó thông qua khả năng giám sát ẩn trong phần cứng và
phần mềm.
Tuy
nhiên, chính phủ Hoa Kỳ đã không cung cấp bằng chứng nào cho tuyên bố này.
Một bài chỉ trích gần đây chống lại
Huawei trên tờ Financial Times đã tiết lộ nhiều điều về vấn đề này. Sau khi
thừa nhận rằng “ bạn không thể có bằng chứng cụ thể về sự can thiệp vào Công
nghệ Thông tin và Truyền thông, trừ khi bạn đủ may mắn để mò thấy cây kim dưới
đáy biển,” thì tác giả chỉ đơn giản khẳng định rằng “ bạn không thể nhận lấy
rủi ro bằng cách trao an ninh của mình vào tay một đối thủ tiềm năng ”. Nói
cách khác, dù chúng ta thực sự không thể chỉ ra hành vi sai trái của Huawei thì
chúng ta vẫn nên đưa công ty vào danh sách đen.
Khi các quy tắc thương mại toàn cầu
cản trở các chiến thuật kiểu “ xã hội đen ” của Trump, thì các quy tắc này phải
đội nón ra đi. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo thừa nhận điều này trong tuần
trước tại Brussels. “ Chính
quyền của chúng tôi ,” ông nói, “ đã rút khỏi một cách
hợp pháp hoặc đàm phán lại các hiệp ước, các hiệp định thương mại đã lỗi thời
hoặc gây hại, và các dàn xếp quốc tế khác không phục vụ lợi ích quốc gia của
chúng tôi, hoặc lợi ích của các đồng minh của chúng tôi.”
Nhưng trước khi rút khỏi các hiệp định này, chính quyền Mỹ
đã xem chúng là vô giá trị thông qua các hành động liều lĩnh và đơn phương.
Vụ bắt giữ bà Mạnh chưa
từng có tiền lệ thậm chí còn khiêu khích hơn vì nó dựa trên các biện pháp trừng
phạt có ảnh hưởng bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ, nghĩa là tuyên bố của Hoa Kỳ rằng
họ có thể ra lệnh cho các nước khác ngừng giao dịch với các bên thứ ba như Cuba
hoặc Iran. Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không tha thứ cho Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia
nào khác nếu họ ra lệnh cho các công ty Mỹ được hoặc không được giao thương với
ai đó.
Các lệnh trừng phạt liên quan đến các
chủ thể phi nhà nước (như lệnh trừng phạt của Mỹ đối với một doanh nghiệp Trung
Quốc) không nên được cưỡng chế thực thi bởi riêng một quốc gia nào đó, mà nên
theo các thỏa thuận đạt được trong phạm vi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Về vấn đề này, Nghị quyết
2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã kêu gọi tất cả các nước bãi bỏ các
lệnh trừng phạt đối với Iran như một phần của thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ – và chỉ Hoa Kỳ –
hiện bác bỏ vai trò của Hội đồng Bảo an trong các vấn đề như vậy. Chính quyền
Trump, chứ không phải Huawei hay Trung Quốc, ngày nay mới là mối đe dọa lớn
nhất đối với pháp quyền quốc tế, và do đó đối với hòa bình toàn cầu.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching