X

Tuesday, August 18, 2015

Đa số học sinh VN đều ‘sợ’ học tiếng Anh. Vì đâu nên nỗi?!!!


Đa số học sinh VN đều ‘sợ’ học tiếng Anh.
Vì đâu nên nỗi?!!!
***********
So với ngôn ngữ của một số nước châu Á, như Thái Lan, Lào, Campuchia, Hàn Hoa, Nhật…thì chỉ có tiếng Việt( chữ quốc ngữ) hình thành nền tảng trên các mẫu tự La tinh giống như tiếng Pháp và tiếng Anh. Người có công sáng lập chữ quốc ngữ là một vị giám mục người Pháp Alexandre de Rhodes... 

Vì vậy , đáng lẽ người  Việt Nam phải giỏi tiếng Anh hơn đa số dân tộc châu Á khác, nhất là các nước kể trên. Thế nhưng thực tế thì du học sinh Việt nam lại bị đánh giá là  kém Anh văn(đặc biệt là kỹ năng nghe và nói) và tiếng Anh vẫn luôn là trở ngại lớn nhất cho du học sinh Việt nam (khoảng hơn hai thập niên trở lại). Và gần đây nhất, sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2014,kết quả khảo sát cho thấy đa số học sinh sợ học tiếng Anh! Vì đâu nên nỗi?
Tại chương trình học kém chất lượng hay tại phương pháp dạy không đạt yêu cầu?

Sáu năm nay tôi được mời dạy Anh văn căn bản cho sinh viên trung cấp ở một trường Cao dẳng ở thành phố HCM. Thú thật, khi dạy những khóa học đầu, tôi hoàn toàn bị sốc vì trỉnh độ tiếng Anh của sinh viên. Hơn 2/3 lớp (ngành học nào cũng thế) mất căn bản, và điều nổi cộm là gần như 100% sinh viên phát âm sai trầm trọng.Trong số này thậm chí có sinh viên không biết gì cả, ngay cả phát âm đúng A,B,C…Các sinh viên học ở đây đến từ mọi miền đất nước. Có nhiều sinh viên chưa hề được học tiếng Anh hoặc rất ít (theo lời sinh viên). Vì vậy việc mất căn bản của các sinh viên này có thể chấp nhận được. Nhưng điều đáng buồn là trong số này có khá nhiều sinh viên  học trung học ở Tp HCM!

Tuy nhiên tôi vừa dạy vừa hi vọng những khóa sau sinh viên sẽ khá hơn . Thế nhưng tôi hoàn toàn thất vọng và không hiểu tạo sao chất lượng sinh viên năm sau vẫn kém như năm trước, nhất là phần phát âm, thật khó chấp nhận, dù rằng chương trình tiếng Anh trung học đã cải cách hơn 10 năm rồi!

Tôi đã có dịp tìm hiểu sách giáo khoa của chương trình cải cách tiếng Anh bắt đầu vào năm 2000. Chương trình được soạn khá công phu và hoàn toàn phù hợp với trình độ của học sinh. Các bài học cung cấp số lượng từ vựng khá dồi dào và nội dung sát với đời sống thực tế. Cuối sách có phần từ vựng được xếp theo từng bài ở phía trước và mỗi từ đều có phần phiên âm quốc tế kèm theo. Thêm vào đó mỗi trình độ học đều có băng ghi âm kèm theo với giọng đọc của người bản xứ cùng với sự dẫn giải kèm theo của giáo viên Việt nam. Theo tôi, một chương trình giáo khoa như thế khá hoàn hảo. Nếu học sinh học đầy đủ nghiêm túc theo chương trình này thì sau khi tốt nghiệp phổ thông các em đã có nền tảng tiếng Anh vững vàng.

Còn việc giảng dạy của giáo viên thế nào? Tôi cũng tình cờ xem được giáo án của  giáo viên ở một số trường phổ thông không chuyên cũng không phải là trường nổi tiếng. Thế nhưng các giáo viên soạn bài khá chu đáo, nhất là để chuẩn bị cho các kỳ thi.


Nội dung sách giáo khoa tốt, giáo viên tận tâm. Vậy thực trạng đáng buồn của học sinh hiện nay là do chính các em? Lười học, ham chơi game hơn là học tiếng Anh?.Thái độ lơ là của học sinh đối với môn tiếng Anh cũng dễ hiểu: tiếng Anh quá khó, học không hiểu gì cả và không là môn học bắt buộc trong các kỳ thi tốt nghiệp.Không hiểu sao tiếng Anh đã trở thành tiếng quốc tế hơn nửa thế kỷ rồi (tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc duy nhất trong các buổi hội thảo quốc tế) mà ở Việt nam cho đến nay nó chỉ là môn học phụ!!!

Theo tôi con đường phát triển bền vững nhất là giáo dục. Và phương pháp giáo dục đúng đắn nhất là hướng dẫn người học biết cách tự học để tự phát triển và sáng tạo chứ không phải lệ thuộc vào người dạy.

Thế mà cách truyền đạt môn tiếng Anh hiện nay ở các trường phổ thông vô tình đã làm cho học sinh phải hoàn toàn lệ thuộc vào giáo viên. Và cách dạy này đã dẫn đến bao điều không mong đợi như hiện nay.

Muốn giao tiếp tốt bằng tiếng Anh thì điều kiện tiên quyết là phải phát âm tốt (tức là đúng chuẩn của phiên âm quốc tế),vì phát âm tốt thì nghe mới giỏi.

Bên cạnh việc phát âm đúng, còn phải nhấn trọng âm (stress cho đúng, vì nếu sai thì người nghe sẽ không hiểu gì cả. Đặc biệt đối với một số từ vựng tiếng Anh có phần phiên âm quốc tế giống hệt nhau nhưng do vị trí nhấn trọng âm khác mà có nghĩa hoàn toàn khác.

Kể từ năm 1975 đến nay, phần “phiên âm quốc tế” (p.a.q.t.) trong chương trình giảng dạy tiếng Anh ở bậc trung học không hề được quan tâm đúng mức, cho dù sau khi cải cách! Học sinh trung học không hề được học p.a.q.t,(hoặc nếu có thì cũng qua loa, sơ sài), thậm chí các em không biết đó là gì và dùng để làm gì mỗi khi các em tra tự điển.Thật đáng tiếc!

Như tôi đã trình bày ở trên về nguồn gốc chữ quốc ngữ (tiếng Việt ngày nay) có mẫu tự La tinh giống tiếng Anh và Pháp. Tuy nhiên cách phát âm gần với tiếng Pháp hơn vì chữ Pháp viết sao đọc vậy, mỗi chữ cái có một cách đọc  gần như cố định cho dù nó kết hợp với các chữ khác nhau. Chẳng hạn chữ ‘a’ thì hầu như luôn luôn được đọc là ‘a’. Nhưng tiếng Anh lại rắc rối hơn nhiều. Có thể nói tiếng Anh viết một đàng, đọc một nẻo, và không hề có qui luật nào để người học biết cách phát âm đúng một từ vựng nào đó ngoại trừ phải tra tự điển để xem phần p.a.q.t. (bao gồm cả phấn nhấn trọng âm) . Chẳng hạn chữ ‘a’, có khi đọc là ‘a’ như trong chữ ‘car’, đôi khi lại đọc là ‘ơ’ như trong chữ ‘amuse’, đôi lúc lại đọc là ‘ê’ như trong chữ ‘way’.


Vì vậy , thông thạo các kí hiệu p.a.q.t. là một việc hết sức quan trọng trong việc học phát âm tiếng Anh. Bởi vì nếu học sinh phát âm sai, các em sẽ nghe sai và khi giao tiếp các em cũng không hiểu được điều người ta nói(vì người ta phát âm đúng). Và nếu học sinh không phát âm đúng một từ vựng nào đó, thì các em sẽ học rất lâu mới có thể nhớ được và lại rất dễ quên.


Việc nhấn trọng âm (stress)  trong mỗi chữ của sinh viên càng thê thảm hơn, vì làm sao các em thuộc lòng cả ngàn từ!

Còn thêm một điều đáng buồn nữa là hiếm có học sinh biết sử dụng hết chức năng của tự điển vì không được ai hướng dẫn cả.Có lẽ giáo viên cho rằng đây là việc đương nhiên các em phải biết? Cũng có rất nhiều học sinh không hề sử dụng tự điển trong suốt thời gian học trung học. Tệ hơn nữa, có không ít học sinh không biết tra tự điển vì không thuộc thứ tự các chữ cái!Các em không thể phát âm đúng một từ vựng nào cả nếu không được nghe giáo viên đọc.Tuy nhiên các em chỉ biết lập lại và hậu quả tất nhiên là các em không thể nhớ hết tất cả từ vựng được theo cách học thuộc lòng đó. Và khi quên cách phát âm các em không thể nhờ ai và cũng không biết làm sao vì không biết sử dụng p.a.q.t.có trong tự điển tiếng Anh! Do đó các em phát âm bừa giống như đọc tiếng Việt vì tiếng Anh có mẫu tự giống tiếng Việt.


Nhưng nếu các em được học p.a.q.t có hệ thống đàng hoàng  và được hướng dẫn để biết sử dụng hết chức năng của tự điển thì các em có thể tự học tiếng Anh.(Về ngữ pháp thì có sách dịch rất nhiều và rất có chất lượng, học sinh có thể mua về tham khảo thêm dễ dàng). Nếu các em biết phát âm đúng một từ vựng thì các em sẽ học nghĩa của nó nhanh hơn , dễ dàng hơn nhiều. Các em sẽ thấy tiến bộ và hứng thú hơn chứ không chán nản vì tiếng Anh như mớ bòng bong và không biết gỡ rối từ đâu!

Sự hiểu biết về p.a.q.t. giống như chất xúc tác trong phản ứng hóa học. Ai cũng biết chất xúc tác cần với số lượng thật nhỏ nhưng nếu không có thì phản ứng hóa học không thể xảy ra.Cũng giống như vậy, nếu học sinh trung học được trang bị kiến thức đầy đủ về p.a.q.t. thì việc học tiếng Anh sẽ bớt nặng nề hơn nhiều vì các em sẽ không bối rối  lúng túng, thậm chí chán nản vì không biết phát âm cho đúng mà không có giáo viên trợ giúp. Tôi dùng chữ “xúc tác” vì việc dạy “p.a.q.t” chỉ chiếm một phần thời lượng rất khiêm tốn trong toàn bộ chương trình dạy tiếng Anh   Đành rằng hiện nay có rất nhiều băng đĩa kèm theo nhưng các dụng cụ này chỉ đóng vai trò hỗ trợ thôi,tức là chỉ giúp các em kiểm chứng lại cách phát âm của mình và để làm quen với giọng nói của người bản xứ.

Kí hiệu p.a.q.t. cũng giống như  các kí hiệu hóa học. Không thể học hóa học mà không hiểu các kí hiệu của các nguyên tố.Không thể phát âm tốt tiếng Anh mà không biết đọc các kí hiệu p.a.q.t.

Chương trình giảng dạy tiếng Anh từ sau 1975 cho đến nay không hề chú trọng đến chất xúc tác này, dù rằng sách giáo khoa cải cách trình bày rất đầy đủ. Vì vậy khi tra tự điển các em chỉ xem nghĩa tiếng Việt thôi.Tôi biết có nhiều sinh viên học rất chăm nhưng vì mất căn bản nên càng học càng rối và đành buông xuôi. Nếu thi lần 1 không đạt yêu cầu, sinh viên phải dự thi lần 2 ( cách lần 1 khoảng vài tháng). Thường thì kết quả cũng chẳng khá hơn vì trong thời gian chờ thi lại các em chẳng những không tiến bộ hơn, thậm chí còn thụt lùi vì không tự học được nên không tự ôn bài được. Kết quả thường là phải học lại, phải đóng tiền như một môn học mới!!!. có nhiều sinh viên phải học lại đến hai lần , kết quả vẫn không đạt!!

Phiên âm quốc tế phải được dạy ngay khi học sinh bắt đầu học tiếng Anh

Dạy p.a.q.t. trong chương trình học tiếng Anh cũng giống như dạy phát âm  các vần a,ă,â trong tiếng Việt. Vì vậy nó phải được dạy ngay từ năm học tiếng Anh đầu tiên, và phải được củng cố thường xuyên ở những năm sau đó.
Tôi nhớ ngày xưa lúc còn ở trung học(khoảng thập niên 60 ở Sài gòn), học sinh chúng tôi phải học 2 sinh ngữ: Anh và Pháp văn. Học sinh được ưu tiên chọn một trong hai làm sinh ngữ 1( có nghĩa là phải học từ lớp 6). Đến lớp 10, học sinh phải học thêm sinh ngữ 2. Và tôi chọn Pháp văn là sinh ngữ 1 nên đến lớp 10(ngày xưa là lớp đệ tam), lớp chúng mới bắt đầu học tiếng Anh.

 Đối với các học sinh chọn Pháp văn làm sinh ngữ 1 như lớp chúng tôi thì khi bắt đầu học tiếng Anh,điều chúng tôi sợ nhất là cách phát âm!(khó quá so với tiếng Pháp). Còn phần văn phạm thì quá đơn giản so với tiếng Pháp nên không có gì lo lắng cả.Nhưng có lẽ nhờ phương pháp dạy khá hay của các giáo viên, mặc dù trường của chúng tôi chỉ là một trường trung học bình thường ở ngoại ô , nên chúng tôi có một căn bản khá vững chắc về sau này vì biết cách tự trau giồi thêm.Tôi xin chia sẻ ngắn gọn  về cách truyền đạt ngày xưa  của các giáo viên dạy tiếng Anh.Học sinh chúng tôi được học p.a.q.t ngay từ lúc bắt đầu học tiếng Anh(nghĩa là ở lớp 6 đối với sinh ngữ 1 và lớp 10 đối với sinh ngữ 2). Và chỉ sau năm học đầu tiên(dù là sinh ngữ 1 hoặc 2), học sinh đã nắm vững hệ thống p.a.q.t.

Dạy p.a.q.t. như thế nào để đạt hiệu quả?

 Chúng tôi được ôn bài vào đầu mỗi buổi học: giáo viên gọi  từ 3 đến 5 học sinh lên bảng, mỗi lần một học sinh. Giáo viên sẽ lần lượt đọc một số từ tiếng Anh (đã được học) , học sinh sẽ viết các từ đó lên bảng kèm theo phần phiên âm quốc tế của chúng. Sau đó, học sinh sẽ phát âm lại các từ đã viết lên bảng cho cả lớp nghe và cho biết nghĩa tiếng Việt của chúng.Nếu có sai sót, giáo viên sẽ gọi học sinh khác lên  sửa  và giáo viên sẽ giảng lại kỹ hơn nếu không học sinh nào phát hiện ra lỗi của bạn mình . Theo cách này , bắt buộc cả lớp phải theo dõi và cùng học chứ không chỉ có học sinh lên bảng làm việc mà thôi., và học sinh được kiểm tra 4 kĩ năng cùng lúc:nghe, viết,đọc,hiểu.

Nhờ được khảo bài thường xuyên kĩ càng  nên học sinh chúng tôi phát âm rất chuẩn,và điều quí giá hơn cả là chúng tôi dần dần tự học rất dễ dàng.Mỗi khi gặp một từ mới, chúng tôi chỉ việc tra tự điển để biết cách phát âm và không cần thiết phải hỏi ai cả.Ngoài ra, giáo viên cũng hướng dẫn chúng tôi sử dụng tự điển cho thành thạo :học sinh phải đọc trôi chảy (xuôi cũng như ngược) các mẫu tự cái, và chúng tôi cũng được thực hành tại lớp cho nhuần nhuyễn dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Có thể nói sau khi đã dạy cho học sinh thông thạo phần p.a.q.t.và sử dụng tự điển, giáo viên đã xây cho các emmột nền tảng  vững chắc để có thể tiếp tục nâng cao và tự phát triển khả năng tiếng Anh của mình.
Từ năm học thứ 2, học sinh được xem như đã hoàn tất phần p.a.q.t.Thay vào đó chúng tôi có phần dictation(viết chính tả bằng tiếng Anh) để luyện khả năng nghe và viết đúng chính tả. Ngoài ra chúng tôi còn được dạy cách dịch những đoạn văn ngắn từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại.Dù ở trình độ nào, giáo viên vẫn luôn chú trọng phần phát âm của học sinh.

Dạy tiếng Anh còn là phương tiện truyền bá văn hóa hữu hiệu.

Thật ra, dù rằng Anh văn là một ngoại ngữ đối với người Việt nhưng theo tôi muốn giỏi tiếng Anh dễ hơn giỏi tiêng Việt( nếu được chuẩn bị tốt) bởi vì tiếng Việt rất phong phú và rất diễn cảm. Không biết có phải vì sự hiểu biết về tiếng Anh của tôi còn nhiều hạn chế nên tôi chưa thấy hết cái hay của Anh ngữ chăng? Tôi vẫn thường so sánh tiếng Việt và tiếng Anh  trong cách sử dụng từ ngữ để sinh viên thấy tính độc đáo của tiêng Việt. Quả thật tiếng Việt “hay quá trời”, càng phân tích càng thấy hay dù rằng tôi không phải là nhà ngôn ngữ học. Và lạ một điều, càng dạy tiếng Anh tôi càng khám phá ra cái hay của tiếng Việt và càng yêu tiếng Việt hơn. 

Chưa bao giờ tôi cảm thấy thấm thía câu hát của Phạm Duy như lúc này: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi. Tiếng mẹ ru  từ lúc nằm nôi…”. Ước gì bác Phạm Duy còn sống tôi sẽ gặp bác để xin bác chỉ thêm cho tôi thêm những cái tuyệt vời của tiếng Việt khiến bác sáng tác bản nhạc để lại xúc  cảm sâu đậm trong lòng tôi đến thế.
Ước gì tôi trẻ lại để học ngôn ngữ học , chuyên ngành tiếng Việt để có điều kiện phân tích những sắc màu rực rỡ  ẩn chứa trong tiếng mẹ đẻ của tôi.

Không hiểu sao cứ mỗi lần đi công tác nước ngoài về(dù rằng chỉ đi dự hội nghị hoặc tập huấn chỉ độ một tuần hay mươi ngày), tôi cảm thấy lòng nôn nao khi nhìn qua cửa sổ, thấy thành phố hiện ra ngày càng rõ. Nhớ nhà thì ít mà nhớ tiếng Việt thì nhiều(vì trong thời gian ở nước ngoài không được sử dụng tiếng Việt). Tôi cảm thấy vui mừng, háo hức vì sắp được nói tiếng Việt tha hồ và cảm giác thật bình an khi xung quanh tôi ai cũng nói cùng một thứ tiếng tôi được nghe từ lúc nằm nôi.

Tôi vẫn thường nói với sinh viên, muốn giỏi tiếng Anh  không cần phải thông minh hay có khiếu đặc biệt gì cả, chỉ cần được hướng dẫn đúng phương pháp và chuyên cần. Vì vậy không có gì đáng tự hào khi bạn nói tiếng Anh giỏi nhưng bạn lại sử dụng tiếng Việt không hoàn hảo. Tiếng Anh chỉ là phương tiện để chúng ta giao tiếp, hôi nhập với thế giới, chứ đừng bao giờ dùng tiếng Anh thay thế tiếng mẹ đẻ của mình, bởi vì “hồn của một dân tộc nằm trong ngôn ngữ của dân tộc đó”. Đánh mất ngôn ngữ của dân tộc cũng đồng nghĩa với đánh mất chính mình và dân tộc mình.
Một điều đáng buồn là đa số sinh viên sử dụng tiếng Việt rất kém. Các em không có khả năng diễn đạt tư tưởng bằng tiếng Việt vì nghèo nàn từ vựng , có lẽ do đọc sách quá ít. May mà các sinh viên này bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 6, chứ không phải lớp 2.

Học Anh văn ở độ tuối nào là phù hợp nhất?
Gần đây, có lẽ các nhà giáo dục đã nhận thấy thực trạng sinh viên Việt nam ngày càng kém tiếng Anh cho dù chương trình học đã cải cách khá lâu rồi. Để đối phó với thực trạng đáng buồn này,Bộ giáo dục đề nghị dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 2 hoặc 3 vì nghĩ rằng tuổi này các em tiếp thu ngoại ngữ tốt hơn và như thế sẽ cải thiện dần trình độ tiếng Anh của học sinh.

Điếu này có nên thực hiện không?

Chúng ta hãy nhìn Philippines,người Phi nói tiếng Anh thật giỏi. Có thể nói, nếu bạn thấy một người Á châu nói tiếng Anh như một người Mỹ, có thể đoán không sai anh ta là người Phi . Thật ra Philippines có ngôn ngữ riêng của họ là tiếng Tagalog, nhưng hiện nay tiếng này đang  mai một dần vì số  người sử dụng nó ngày càng ít. Nước Phi giống như một nước Mỹ thu nhỏ vì người Phi chỉ thích sử dụng tiếng Anh cả trong giao tiếp hàng ngày giữa họ với nhau. 

Chương trình học ở Phi được giảng dạy bằng tiếng Anh ngay từ Mẫu giáo. Nhờ giỏi tiếng Anh nên người Phi dễ có cơ hội đi lao động ở nước ngoài. Hàng năm, số tiền của người Phi lao động ở nước ngoài chiếm 2/3 tổng thu nhập quốc gia. Tuy nhiên , kèm theo sự phát đạt, người Phi phải trả giá khá đắt. Thế hệ trẻ của Phi không biết nói tiếng Tagalog ngày càng nhiều và thế hệ già và thế hệ trẻ ngày càng xa cách nhau vì người trẻ không hiểu tiếng Tagalog mà người già nói với họ. Còn người già thì không hiểu tiếng Anh của bọn trẻ.

Khoảng ba thập niên trở lại đây có một số nhà trí thức người Phi nhận ra điều đau lòng này và họ đang cố gắng phục hồi tiếng Tagalog bởi họ ý thức mạnh mẽ rằng hồn của dân tộc Phi nằm trong tiếng mẹ đẻ của họ (chứ không phải trong tiếng Anh) đang biến mất dần.Nhưng xem ra “lực bất tòng tâm” vì sức mạnh của đồng đô la Mỹ . Và cho dù quốc gia họ có giàu đến đâu họ cũng sẽ có nguy cơ trở thành một dân tộc không hồn! Vậy giàu để làm gì?

Tôi đề cập đến chuyện của Philippines để ‘trông người mà ngẫm đến ta” hầu tránh chuyện dở khóc dở cười như nước Phi hiện nay.

Theo tôi cho học sinh học Anh văn từ lớp 6 là hợp lý nhất và nên tăng thêm số tiết học(khoảng 2 tiết mỗi tuần). Tuy nhiên điều quan trọng là chúng ta phải thay đổi cách dạy cho có hiệu quả hơn. Nếu như Anh văn được dạy từ lớp 2 thay vì lớp 6 , e rằng sau này chúng ta sẽ có những công dân Việt nhưng nói tiếng Việt không rành,và nói tiếng Anh chưa chắc đã giỏi, “nạc không ra nạc, mỡ không ra mỡ”!!! Bởi vì sau khi học xong lớp 5, các em đã có cơ bản tiếng Việt khá vững  để diễn đạt tư duy của mình, và nền tảng này khá vững chắc để một ngôn ngữ khác không thể xâm lấn được mà chỉ đứng bên cạnh để cùng phát triển thôi.

Gần đây cũng có dự tính mời hàng trăm giáo viên nước ngoài đến Việt nam để dạy tiếng Anh. Có lẽ điều này đã được thực hiện rồi! Tôi thấy việc làm này chỉ phung phí tiền vô ích. Người Việt nghèo nhưng  lại  thích xài sang! Tại sao lại phải mời giáo viên nước ngoài? Giáo viên Việt nam thiếu gì người giỏi? Nếu học với người Việt các em sẽ được giải đáp thắc mắc bằng tiếng Việt có phải tốt hơn không?.Và theo tôi nên cố gắng cho học sinh cảm nhận cái hay, cái độc đáo của tiếng Việt qua bài học tiếng Anh. Giáo viên bản xứ chác chắn  không thể làm dược điều này.

Nên truyền đạt tiếng Anh bằng phương pháp nào để mang lại hiệu quả?
Giáo viên nên truyền tải kiến thức tiếng Anh bằng cách so sánh với tiếng Việt, nhất là những điểm khác nhau giữa hai ngôn ngữ trong cấu trúc câu văn, trong cách phát âm…Tuy nhiên cũng cần tìm ra chỗ giống nhau giữa 2 ngôn ngữ để các em thấy tiếng Anh không quá xa lạ. Thí dụ như  có rất nhiều ký hiệu trong p.a.q.t được phát âm giống hệt một số âm trong tiếng Việt.Và một điều khá thú vị là có những âm giống hệt cách phát âm của người miền Bắc mà ở miền nam không có, và ngược lại.Học sinh sẽ rất thích thú khi biết điều này và thấy việc phát âm tiếng Anh không còn là vấn đề đáng ngại nữa.

Dạy tiếng Anh bằng cách so sánh với tiếng Việt sẽ giúp học sinh tiếp thu nhanh và hiệu quả hơn. Phương pháp này cũng giúp giáo viên truyền đạt cái hay của tiếng Việt qua bài học tiếng Anh. Càng học tiếng Anh  các em càng thấy yêu tiếng Việt hơn,sẽ giữ gìn và phát huy nó, chứ không sợ nó bị tiếng Anh lấn át hay làm mai một đi.Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh do đó cũng gần gũi thân thiết hơn.Và phương pháp dạy bằng cách so sánh này chắc chắn các giáo viên nước ngoài không thể thực hiện tốt hơn giáo viên Việt nam. Vì vậy, ở bậc trung học, nên hạn chế việc mời giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh.Nếu có, chỉ nên thực hiện vào năm cuối của chương trình trung học mà thôi.

Giáo viên cần đặt mình vào vị trí của học sinh để thông cảm, hiểu tâm trạng, suy nghĩ của các em khi học một ngôn ngữ xa lạ(nhất là năm học đầu tiên).
Lời  nhận xét của Bộ trưởng giáo dục trước quốc hội về tình trạng yếu kém của học sinh ngày 11/6/2014 mới đây đã gây sốc cho nhiều giáo viên dạy tiếng Anh.Câu nói của Bộ trưởng quả là khá phũ phàng ! Tuy nhiên, công tâm mà xét thì nhận định này của bộ trưởng hoàn toàn chính xác.Nhưng đổ lỗi cho giáo viên thì thật không công bình vì đa số giáo viêngiảng dạy rất nhiệt tình, và họ chỉ dạy theo yêu cầu của cấp trên.Vì vậy,thực trạng đáng buồn hôm nay là do sự định hướng mục tiêu dạy tiếng Anh không đúng của những người có trách nhiệm(do chính sách) chứ không phải do giáo viên. Mới đây đã có thay đổi đáng mừng trong chính sách: tiếng Anh sẽ là môn bắt buộc trong các kỳ thi.
Tuy nhiên,đó sẽ chì sự thay đổi ngoài da, và e rằng tình hình sẽ tệ hại hơn nếu không thay đổi phương pháp dạy.Do đó, điều quan trọng cần làm ngay là chúng ta phải thay đổi tư duy về phương pháp truyền đạt tiếng Anh chứ không phải sửa đổi hay biên soạn sách giáo khoa nữa vì chương trình cải cách đã quá đầy đủ rồi.Đặc biệt là việc dạy phiên âm quốc tế phải được quan tâm tương xứng với tầm quan trọng của nó.

Cần cung cấp cho học sinh một số kiến thức cơ bản làm nền tảng vững chắc để các em có thể tự học để tiến xa hơn.

Ngoài ra cần định hướng và đặt mục tiêu rõ ràng , khả thi cho mỗi trình độ học. Cuối mỗi năm học nên có một cuộc lượng giá nhỏ để kịp thời điều chỉnh cách dạy, nếu cần .Và một điều quan trọng cần phải lưu ý là giáo viên là những người trực tiếp giảng dạy vì vậy giáo viên phải được quyền đóng góp ý kiến vào mọi sửa đổi, định hướng mục tiêu của chương trìnhchứ không phải chỉ là người thừa hành một cách thụ động.

Trên đây là những kinh nghiệm thực tế của cá nhân tôi. Thành thật mà nói tôi đã nhận thấy tình trạng đáng buồn này từ lâu nhưng không dám lên tiếng vì e “múa rìu qua mắt thợ chăng” vì tôi cũng không có thẩm quyền gì trong việc soạn thảo hay góp ý về việc dạy và học tiếng Anh cả. Nhưng mới đây nghe kết quả đánh giá về tình hình sa sút báo động của học sinh đối với môn tiếng Anh,nhất là những tuyên bố bức xúc của Bộ trưởng giáo dục, tôi quyết định gởi những lời tâm huyết này đến các vị có trách nhiệm với thành tâm  góp phần xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà .

Hi vọng trong tương lai không còn học sinh sợ tiếng Anh nữa.
T.B.
Tất cả những giải pháp đề nghi tôi đã đề cập trong bài viết này đã được tôi thử nghiệm và kết quả rất khả quan chứ không phải chỉ là lý luận suông theo cảm tính. Vì vậy tôi mới mạnh dạn trình bày để quí vị có trách nhiệm nghiên cứu và tùy nghi sử dụng.

Q.P.( T.S. Nhan Hoc)



__._,_.___

Posted by: <vneagle_1

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts