From: bac775
Sent: Sunday, August 28, 2016 11:50 PM
To: bac775
Subject: NHỮNG HÌNH ẢNH ĐÁNG NHỚ VỀ THẾ VẬN HỘI RIO
Sent: Sunday, August 28, 2016 11:50 PM
To: bac775
Subject: NHỮNG HÌNH ẢNH ĐÁNG NHỚ VỀ THẾ VẬN HỘI RIO
Gui quy vi va cac ban mot bai viet doc
choi vao cuoi tuan. (xem file attached de nhin thay cac hinh).
Tuan
Câu chuyện thời sự
NHỮNG HÌNH ẢNH ĐÁNG NHỚ VỀ THẾ VẬN HỘI RIO
Thế Vận Hội mùa Hè tại Rio de Janeiro của Ba Tây (Brazil) đã vừa kết thúc sau 17 ngày tranh
tài cùng với hai buổi lễ khai mạc và bế mạc hết sức tốt đẹp và hào hứng. Trước khi mọi người chờ đợi những màn tranh tài sôi nổi và bất ngờ nhất có thể diễn ra vào kỳ Thế Vận Hội sắp tới trong 4 năm nữa (2020) tại thủ đô Đông Kinh (Tokyo) của Nhật Bản, chúng ta thử nhìn lại một số những diễn biến và hình ảnh đáng nhớ nhất của kỳ tranh tài thể thao này. Đúng ra thì trước đó 2 năm cũng sẽ có một kỳ tranh tài quy mô khác, đó là Thế Vận Hội mùa Đông sẽ diễn ra tại thành phố Pyeonchang của Nam Hàn vào năm 2018.
Nếu đi ngược dòng lịch sử, chúng ta sẽ thấy là Thế Vận Hội bắt nguồn từ gần 3000 năm trước, tức là vào năm 776 trước Tây lịch, tại cứ địa của vị thần Zeus ở thành phố Olympia của Hy Lạp, từ đó mới dẫn đến từ ngữ Olympics để nói đến một đại hội thể thao quy mô nhất trên hoàn vũ, được tổ chức mỗi 4 năm một lần. Truyền thống của đại hội thể thao này diễn ra liên tục trong suốt gần 1200 năm và chấm dứt vào năm 393 sau Tây
lịch.
Mãi
đến năm 1894 thì nhờ công của Bá tước Pierre de Coubertin
của Pháp thì Thế Vận Hội này mới được khai sinh trở lại qua việc thành lập một Uỷ Hội Thế Vận Quốc Tế (International
Olympic Committee, IOC) để đứng ra tổ chức cũng theo chu kỳ 4 năm một lần nhưng được thực hiện tại nhiều thành phố khác nhau trên khắp thế giới. Kỳ Thế Vận Hội theo thể thức tân thời (Modern
Olympics) lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Athens của Hy Lạp vào năm 1896 và từ đó đến nay đã diễn ra tại hàng chục thành phố lớn trên khắp năm châu.
Với khẩu hiệu tiêu biểu là “Citius, Altius, Fortius”
(tạm dịch là Nhanh Hơn, Cao Hơn, Khoẻ Hơn), đây là một đại hội tranh tài thể thao to lớn và hào hứng nhất nhằm đề cao tinh thần tranh đua một cách cao đẹp, mã thượng và ngay thẳng, đồng thời cũng là dịp để trao đổi văn hoá cũng như kết chặt tình thân giữa mọi sắc dân trên thế giới. Sự tiến triển của Thế Vận Hội trải qua hai thế kỷ 20 và 21 đã dẫn đến nhiều thay đổi quan trọng, trong đó đáng kể nhất là việc thành lập Thế Vận Hội mùa Đông để tổ chức các trận tranh tài thể thao trên băng tuyết, Thế Vận Hội Paralympics
cho những lực sĩ bị khuyết tật, và Thế Vận Hội Thiếu Niên giành cho các lực sĩ trẻ tuổi.
Trải qua bao năm dài, Thế Vận Hội cũng chịu chung số phận thăng trầm trong lịch sử khi nó bị đình chỉ bởi những cuộc đại chiến thế giới vào các năm 1916, 1940 và 1944. Đến thời kỳ Chiến Tranh Lạnh giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Liên Sô, nó cũng bị ảnh hưởng bởi quyết định tẩy chay bởi một số lớn các quốc gia, như vào năm 1980 khi Hoa Kỳ dẫn đầu một số nước tự do để phản đối việc Liên Sô xâm chiếm A Phú Hãn
(Afghanistan), và dẫn đến việc Liên Sô và nhiều nước đàn em cũng trả đũa bằng cách tẩy chay Thế Vận Hội năm 1984 tại Los Angeles.
Sự lớn mạnh của Thế Vận Hội, đặc biệt là sự phát triển của các hệ thống truyền thông rộng lớn để truyền tải trực tiếp những hình ảnh tranh tài thể thao sôi động và đầy hào hứng trên khắp hoàn vũ, đã dẫn đến việc thương mại hoá một cách rầm rộ với sự bảo trợ tài chính to lớn của các đại công ty khiến cho tổ chức IOC có được một ngân sách khổng lồ để có thể thực hiện được một đại hội thể thao hết sức quy mô và hoành tráng. Thông thường, mỗi kỳ Thế Vận Hội quy tụ khoảng hơn 10,000 lực sĩ từ khắp nơi về tham dự để tranh tài cao thấp trong hơn 30 bộ môn thể thao với khoảng gần 400 tiết mục với những người về đầu được trao huy chương vàng (hạng nhất), bạc (nhì) và đồng (ba).
Thế Vận Hội đã phát triển quá rộng lớn để rồi ngày nay gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đều gửi phái đoàn lực sĩ đến tham dự, kể cả những tiểu quốc nhỏ bé mới được thành lập. Sự lớn mạnh này cũng dẫn đến nhiều thử thách cho ban tổ chức là Uỷ Hội Thế Vận IOC cùng quốc gia đứng ra tổ chức, cũng như lôi kéo theo nhiều vấn đề tranh cãi tai tiếng như việc tẩy chay (đã kể ở trên), vấn đề trợ lực phi pháp (doping) mà thủ phạm thường là các nước dưới bức màn che của các nhà cầm quyền độc tài cộng sản như Đông Âu, Liên Sô và Trung Cộng, vấn đề hối lộ và tham nhũng của các viên chức trong việc ban bố quyết định tổ chức cho một thành phố nào đó, và cũng có lúc bị lôi kéo vào một vụ tấn công của bọn khủng bố (như đã xảy ra vào năm 1972 tại thành phố Munich bởi tổ chức PLO đòi tranh đấu cho người dân Palestine).
Cứ mỗi kỳ đại hội thể thao to lớn như vậy diễn ra, với sự trợ giúp của các hệ thống truyền hình và báo giới tường thuật một cách trực tiếp và chi tiết về những diễn biến đang xảy ra trên thao trường hoặc các nơi tranh tài, hàng tỷ người trên thế giới có thể được dịp chứng kiến những lực sĩ gần như trước đó không ai biết tiếng có thể bỗng chốc trở thành những tên tuổi nổi bật nhất trên trường quốc tế hoặc tại quốc gia riêng của mình khi họ giành được những chiến thắng vinh quang và rực rỡ nhất.
Phải công nhận rằng nhờ kỹ thuật thông tin thông tin mau lẹ của các cơ quan truyền thông, đặc biệt là các trận tranh tài được trực tiếp truyền hình khắp nơi mà Thế Vận Hội đã trở thành một biến cố thời sự được nhiều người theo dõi nhất. Các trận tranh tài thể thao, cũng như các cơn tai biến to lớn như sóng thần, động đất, hoặc là những biến cố thời sự như đảo chính, bầu cử tổng thống v.v. từ hơn cả trăm năm trước đều được tường thuật khá đầy đủ bởi các tờ báo đầu tiên được có mặt vào lúc đó. Nhưng phải chờ đến sự ra đời của các đài phát thanh, và sau đó là các đài truyền hình để trình chiếu trực tiếp các diễn biến này thì tầm quan trọng của nó mới được nâng cao và tạo sự chú ý to lớn và quan trọng như ngày nay.
Thế Vận Hội cũng là cơ hội tốt nhất để cho thành phố chủ nhà và quốc gia tổ chức được dịp biểu dương hình ảnh tốt đẹp và tích cực nhất của mình cho cả thế giới được biết đến. Chẳng hạn như vào năm 1964, Thế Vận Hội tổ chức tại thủ đô Đông Kinh (Tokyo) là dịp để cho nước Nhật chứng tỏ sự vươn mình lớn mạnh của mình để góp mặt với cộng đồng thế giới sau khi đã bị tiêu diệt và thảm bại trong kỳ Đệ Nhị Thế Chiến.
Thế Vận Hội tại thủ đô Hán Thành (Seoul) vào năm 1988 cũng là dịp để cho Nam Hàn chứng tỏ mình là một con rồng Á Châu thứ hai lớn mạnh khác sau Nhật Bản để cùng góp mặt với các cường quốc khác trên trường quốc tế. Đúng 20 năm sau đó, đến phiên Trung Cộng cũng được dịp rửa mặt với thế giới sau hơn 100 năm bị khuất chìm sau biến cố Chiến Tranh Nha Phiến khiến Trung Hoa bị đô hộ bởi các cường quốc Âu Mỹ, đó là khi thủ đô Bắc Kinh (Beijing) đứng ra tổ chức Thế Vận Hội với lễ khai mạc được cử hành vào đúng 8 giờ 8 phút 8 giây ngày 8 tháng 8 năm 2008, một chi tiết tiêu biểu nói lên tinh thần mê tín dị đoan của dân Tầu chính gốc!
Thế Vận Hội kỳ này tại thành phố Rio de Janeiro cũng là lần đầu tiên một quốc gia tại vùng Nam Mỹ (nhưng nói tiếng Bồ-đào-nha) được trao quyền tổ chức sau hơn 100 năm luân lưu diễn ra tại nhiều quốc gia khác. Và quốc gia chủ nhà cũng được dịp chứng tỏ khả năng của mình để phô trương những hình ảnh tích cực và tốt đẹp nhất cho dù đang trải qua những khó khăn to lớn trên chính trường (khi đương kim tổng thống là bà Dilma Rousseff phải tạm thời từ chức khi bị điều tra), cũng như trễ nãi trong công việc xây dựng những hạ tầng cơ sở cần thiết cho việc tổ chức.
Có
thể nói là từ trước tới nay chưa có thành phố chủ nhà nào như Rio de Janeiro đã gặp nhiều tai tiếng và những lời nghi ngại nhiều nhất từ khắp nơi đã lên tiếng báo động hoặc chỉ trích từ nhiều ngày tháng trước khi diễn ra đại hội. Thế nhưng cuối cùng thì mọi sự đã diễn ra tốt đẹp ngoài sự mong đợi của mọi người, đã không có một lực sĩ hay khán giả nào đã bị lây nhiễm bởi dịch bệnh Zika (như nhiều lực sĩ đã lo sợ và quyết định tẩy chay), không có những cảnh kẹt xe ứ đọng như nhiều người lo sợ, không có những vụ tấn công khủng bố (trong bối cảnh bọn khủng bố ISIS đã thực hiện những vụ tấn công mới nhất tại nhiều nơi ở Âu Châu).
Điều trớ trêu là một vụ tai tiếng về tình trạng mất an ninh (khi một lực sĩ bơi lội nổi tiếng của Mỹ là anh Ryan Locte và một vài đồng đội đã báo cáo rằng việc họ đã bị kẻ cướp dùng súng uy hiếp) cuối cùng lại không ảnh hưởng đến uy tín của ban tổ chức cũng như chính quyền địa phương, bởi lẽ đơn giản là điều đó không hoàn toàn xảy ra mà là do chính các lực sĩ của Mỹ đã hành xử sai trái khi đi tiểu bậy sau khi đi chơi say xỉn, để rồi bị nhân viên an ninh cảnh cáo, nhưng sau đó họ đã phản ứng một cách thiếu khôn ngoan và báo cáo láo!
NHỮNG THÀNH QUẢ TỐT ĐẸP
Nếu nói một cách ngắn gọn, có thể nói là quốc gia chủ nhà lần này cũng đã thành công rất lớn và người dân Ba Tây cũng rất vui mừng, nhất là khi đội túc cầu của Ba Tây đã thành công giành được huy chương vàng lần này. Dù Ba Tây được xem như là một cường quốc về môn túc cầu (bóng tròn, đá banh hoặc bóng đá như cách gọi ở trong nước sau này) và đã đoạt cúp Vô Địch Thế Giới đến 5 lần nhưng họ chưa bao giờ thành công ở các trận tranh tài của Thế Vận Hội. Và phải đợi đến năm nay thì đội banh nam của Ba Tây mới đạt được chiến thắng quang vinh và to lớn này. Đây quả tình là một thắng lợi đem lại niềm vui to lớn cho gần 200 triệu người dân tại Ba Tây, nhất là sau khi họ đã thảm bại trong Giải Vô Địch Thế Giới cách đây 2 năm cũng tại chính quốc gia của họ.
Một quốc gia cũng thành công rất to lớn lần này là phái đoàn của Hoa Kỳ, thắng lớn khi về đầu và bỏ xa các nước còn lại. Hoa Kỳ đã giành được tổng cộng 121 huy chương trong đó cũng dẫn đầu luôn về số 46 huy chương vàng. Quốc gia về nhì hơi bất ngờ là Vương Quốc Anh giành được 27 huy chương vàng, trên Trung Cộng đạt được 26 huy chương vàng dù rằng nước Tầu giành được tổng cộng 70 huy chương đủ loại, trên nước Anh chỉ có 67 huy chương. Về hạng tư là Nga sô, giành được 19 huy chương vàng và hạng 5 là nước Đức, từ trước tới nay vẫn thường được xem là một cường quốc thể thao.
Chúng
ta nhớ lại là từ trước tới nay, cả 2 nước Nga và Mỹ đều luôn thay nhau thống lĩnh làng thể thao thế giới trong các trận tranh tài TVH. Sau khi Liên
Sô bị tan rã, họ không còn nắm giữ vị thế hàng đầu như trước đây, và Trung Cộng bắt đầu ngoi lên dù rằng Trung Cộng chỉ mới thực sự giành được huy chương vàng tại Thế Vận Hội Los Angeles vào năm 1984, và chỉ mới nổi tiếng gần đây.
Nhưng đến khi TVH được tổ chức tại Bắc Kinh vào năm 2008 thì Trung Cộng mới thực sự vươn mình lớn mạnh hơn nhiều. Mặc dù vào lúc đó, Hoa Kỳ giành được tổng cộng 110 huy chương, tức là cao hơn 100 huy chương mà Trung Cộng giành được, nhưng nhà nước và giới truyền thông ở Tầu chỉ luôn chú ý tới chi tiết là trong số các huy chương này, nước Tầu giành được 51 huy chương vàng so với nước Mỹ chỉ có 36 huy chương vàng, và do đó họ thường nói rằng Trung Cộng là nước về đầu trong kỳ TVH tại Bắc Kinh (trong khi thực tế thì không hoàn toàn đúng hẳn như vậy). Chi tiết này cho thấy là nhà cầm quyền Bắc Kinh cũng như dân Tầu thường hay có mặc cảm một cách nhỏ nhen để tìm cách khai thác các vấn đề theo chiều hướng có lợi cho họ.
NHỮNG TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG
Khi
nhìn lại những diễn biến sôi nổi và hào hứng diễn ra một cách ồ ạt trong suốt hơn 17 ngày qua, có lẽ phần đông mọi người thường giữ lại những hình ảnh đáng nhớ nhất, điển hình là tài chạy đua thần tốc của Usain Bolt của Jamaica khi chứng tỏ khả năng vượt trội của anh ở môn chạy tốc lực 100 thước, và 200 thước, cũng như chạy tiếp sức 4 lần 100 thước cùng với các đồng đội khác. Usain Bolt trở thành lực sĩ điền kinh lần đầu tiên giành được cả 3 huy chương vàng ở 3 bộ môn này trong 3 kỳ Thế Vận Hội liên tiếp từ 2008 đến 2012 và 2016.
Nụ cười của Usain Bolt khi chạy về đến đích cũng đủ chứng tỏ tài năng không đối thủ của anh
Khán
giả cũng được dịp chứng kiến tài năng vượt trội của Simone Biles ở môn thể dục (gymnastics)
khi cô giành được 4 huy chương vàng cùng một lúc (được xem như là một kỷ lục vì chưa có người nào giành được thành tích này, kể cả những tên tuổi nổi bật nhất như Mary Lou Retton của Hoa Kỳ vào năm 1984 hoặc Nadia Comaneci của Lỗ Ma Ni vào năm 1976), cùng với tài năng siêu việc của cô bé Katie Ledecky khi bỏ xa các đối thủ khác ở trên hồ bơi trong các môn bơi trường lực 200 thước, 400 thước và 800 thước và tự phá những kỷ lục thế giới của chính cô đã tạo được trước đó.
Simone Biles (hàng đầu góc trái) cùng với các kiều nữ của Hoa Kỳ giành Huy chương Vàng ở môn thể dục
Dĩ
nhiên, khán giả của bộ môn bơi lội cũng không thể nào quên những hình ảnh sáng chói của “kình ngư” Michael Phelps, trước đó đã được xem như là lực sĩ bơi lội tài ba nhất trong lịch sử bơi lội, và có thể được đánh giá như là lực sĩ nổi tiếng và tài ba nhất trong lịch sử của Thế Vận Hội. Thật vậy, bắt đầu tham dự Thế Vận Hội tại Sydney vào năm 2000 khi mới có 15 tuổi, Michael Phelps đã chứng tỏ tài năng xuất sắc của mình tại Thế Vận Hội ở Athens vào năm 2004 trước những đối thủ tài ba khác của Úc Đại Lợi như Ian Thorpe; để rồi đến kỳ Thế Vận Hội ở Bắc Kinh năm 2008 thì tài năng của Phelps mới toả sáng kinh hồn khi phá kỷ lục là người đạt được 8 huy chương vàng. Đến kỳ Thế Vận Hội năm 2012 tại Luân Đôn, ở cuối thời kỳ vàng son của sự nghiệp bơi lội của mình, Michael Phelps tiếp tục khống chế trên hồ bơi để giành thêm nhiều huy chương vàng tiếp theo. Sau đó, Michael Phelps bị mang tai tiếng trong một vụ lái xe say xỉn và phê thuốc phiện, được xem như là những dấu hiệu tiêu biểu của một kẻ đang thừa hưởng những thú vui xác thịt một cách thiếu khôn ngoan.
Ấy vậy mà Michael Phelps tiếp tục tập luyện trở lại thay vì nghỉ hưu như đa số các lực sĩ khác khi đã qua giai đoạn hoàng kim của mình để trở lại hồ bơi, và lần này ở cái tuổi tưởng chừng như đã về chiều đối với những lực sĩ thể thao ở mức cao nhất, Michael Phelps tiếp tục đè bẹp hầu hết các đối thủ đáng ngại khác để giành thêm 5 huy chương vàng và 1 huy chương vàng. Với tổng cộng 28 huy chương trong đó có 23 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 2 huy chương đồng, có thể nói là sẽ khó có một lực sĩ nào khác trong tương lai đạt được thành tích tương đương như vậy, dù rằng chúng ta thường nghe câu nói quen thuộc là kỷ lục được lập ra là để chờ ngày sẽ bị vượt phá bởi một người khác.
Một chi tiết đáng nói là hình ảnh Michael Phelps với bộ mặt cau có khi chăm chú trên hồ bơi trước giờ thi tài môn bơi bướm 200 thước để bầy tỏ sự bực tức trước một trò hề phá rối của đối thủ Chad le Clos của Nam Phi (khi anh này chưa phục tài của Phelps) được nhiều khán giả ái mộ phát tán rộng rãi nhất, và chứng tỏ tinh thần yêu chuộng thể thao tuyệt vời của người lực sĩ tài ba này, dù đang ở trên đỉnh cao vinh quang chói lọi nhất, nhưng lúc nào cũng không tỏ ra ngạo mạn, và sẵn sàng dồn mọi nỗ lực để chú ý vào mục đích kế tiếp là giành lấy chiến thắng sau cùng. Dĩ nhiên, sau đó Michael Phelps đã về đầu ở bộ môn này để chứng tỏ tài năng vượt trội của mình không có đối thủ ngang tầm.
Michael Phelps với bộ mặt cau có khi chăm chú trên hồ bơi trước giờ tranh tài
Dĩ
nhiên tất cả những lực sĩ tranh tài đều mang tham vọng hay ước vọng đạt được một thành tích sáng chói nào đó, nhưng cuối cùng thì dĩ nhiên
chỉ có một vài cá nhân xuất sắc nổi trội nhất mới được “lưu danh thiên cổ” khi chiếm được những huy chương đầu tiên mà trước đó chưa có một người nào trong nước họ đã đạt được. Do đó, chúng ta có thể kể một số những thành quả nổi bật nhất mà những lực sĩ này đã đạt được trong kỳ Thế Vận Hội vừa qua, mà trước đó hầu như mọi người không hề nghĩ rằng họ có thể đạt được.
Ở bộ môn bơi lội, một nữ lực sĩ khác của Hoa Kỳ cũng tạo được thành tích ly kỳ tuy không nổi tiếng bằng Katie Ledecky hoặc Michael Phelps. Đó là cô Simone Manuel, người da đen, đã đạt được huy chương vàng ở môn bơi 100 thước tự do. Đây là lần đầu tiên có một nữ lực sĩ Mỹ đen giành được chiến thắng vẻ vang này, nhất là trong môn bơi lội năm nay, ngoại trừ Katie Ledecky ra, các nữ lực sĩ của Hoa Kỳ không đạt được thành tích nổi trội và vẻ vang nhất như các nam lực sĩ. Thành tích nổi bật của Simone Manuel này đáng được nể trọng khi chúng ta nhớ rằng chỉ cách nay vài thập niên, tinh thần kỳ thị sắc tộc đối với dân da đen tại nước Mỹ vẫn còn tràn lan khiến cho khi một phụ nữ da đen bước xuống hồ bơi của người da trắng, cả hồ bơi này sẽ phải xả nước đi để thay bằng nước khác vì họ cho rằng nó đã ô uế và không hề muốn dính líu đến dân da đen thấp kém này!
Simone Manuel của Hoa Kỳ giành được huy chương vàng ở môn bơi 100 thước tự do
Tương tự như vậy, ở bộ môn điền kinh, ba nữ lực sĩ da đen khác của Hoa Kỳ cũng tạo được một thành tích kỷ lục đầu tiên khác: đó là Brianna Rollins, Nia Ali và Kristi
Castlin đã về đầu để giành được cả 3 huy chương vàng, bạc và đồng trong bộ môn chạy 100 thước có nhảy rào. Đây cũng là thành tích chưa bao giờ có cả 3 lực sĩ của một quốc gia cùng về đầu trong một bộ môn tranh tài.
Cả 3 cô Brianna Rollins, Nia
Ali và Kristi Castlin về đầu ở bộ môn chạy 100 thước có nhảy rào.
Ở một bộ môn tranh tài điền kinh khác, có 3 nữ lực sĩ khác cũng tạo được một thành tích đáng kể, dù rằng nó không nổi bật và sáng chói bằng. Đó là cả 3 chị em song sinh là Lily, Liina và Leila Luik của nước Estonia đã cùng tham dự trong cuộc chạy đua trường lực marathon, một thành tích cũng chưa bao giờ xảy ra tại một kỳ Thế Vận Hội.
Cả 3 chị em song sinh của nước Estonia là Lily, Liina, and
Leila Luik cùng dự thi trong cuộc chạy đua marathon.
Ngoài
ra, một biến cố trọng đại khác cũng đáng nói tới, và lần này lại liên quan đến người Việt chúng ta, đó là Hoàng Xuân Vinh của Việt Nam cũng tạo một bất ngờ và một thành tích hi hữu khi đạt được huy chương vàng ở bộ môn bắn súng lục xa 10 thước. Do ngẫu nhiên của lịch sử, đây là môn thi đua đầu tiên trong kỳ Thế Vận Hội lần này, và do đó đây cũng là chiếc huy chương vàng đầu tiên được trao tặng, và nhờ đó mà sự kiện này cũng được nhắc nhở hoặc tường thuật nhiều hơn bình thường. Và vì thế mà tên tuổi của anh Hoàng Xuân Vinh cũng được ghi lại khá nhiều trên các diễn đàn truyền thông.
Sau
đó vài ngày, tay thiện xạ cừ khôi này cũng giành thêm huy chương bạc ở một môn bắn súng 50 thước. Hoàng Xuân Vinh, 41 tuổi, cũng là một đại tá trong quân đội Việt Cộng, nhưng trước đó cũng chưa tạo được một thành tích sáng chói hoặc nổi tiếng nào đáng kể. Phải chăng vì vậy mà chiến thắng của anh ta, đáng lý ra phải là một biến cố chấn động hi hữu trong lịch sử thể thao của một nhược tiểu như Việt Nam, lại không được chờ đợi hoặc nghênh đón một cách long trọng đúng mức của nó. Các trận tranh tài của Thế Vận Hội cũng được chiếu mỗi ngày bởi một số các đài truyền hình như VTV3, VTV6 nhưng chỉ trong một số giờ giấc giới hạn, nhưng phần lớn các đài truyền hình khác ở trong nước lại thi nhau chiếu các trận đá banh của Âu Châu (nhất là của nước Anh), phản ảnh tâm lý mê cá độ của rất đông tầng lớp quần chúng ở VN ngày nay. Mãi đến mấy ngày sau đó thì đảng và nhà nước mới bắt đầu nhập cuộc để khai thác thành quả vẻ vang này của Hoàng Xuân Vinh.
Trước đây, đã có một nữ lực sĩ của Việt Nam giành được huy chương bạc ở môn thái-cực-đạo, nhưng đây là lần đầu tiên có một lực sĩ người Việt giành được huy chương vàng, dù rằng có lẽ rất nhiều người Việt ở hải ngoại không cảm thấy thoải mái và hãnh diện cho lắm khi thấy lá cờ đỏ sao vàng cùng với quốc ca của nhà nước Việt Cộng được cất cao trong buổi lễ trao tặng huy chương.
Hoàng Xuân Vinh
giành được huy chương vàng đầu tiên của Việt Nam ở bộ môn thiện xạ.
Và
sau cùng cũng nói đến một sự kiện đáng chú ý khác là hai nữ lực sĩ điền kinh tuy không đạt được thành tích nổi trội, khi họ về sau cùng, nhưng sau đó cũng đã được ban tổ chức trao tặng một huy chương đặc biệt về thành tích thi đua thể thao một cách mã thượng và tuyệt vời nhất. Đó là Abbey D’gostino của Hoa Kỳ và Nikki Hamblin của Tân Tây Lan, trong lúc chạy đua đã bị té ngã trên trường đua trong bộ môn chạy 5000 thước khi vô tình chạm phải chân một lực sĩ khác. Cô Abbey đã liền dừng lại để nâng đỡ cô Nikki cùng đứng dậy để tiếp tục chạy về đến đích. Abbey không biết rằng chính cô đã bị chấn thương nặng và sau đó cũng bị té ngã lần nữa. Lần này thì đến phiên Nikki đã ngừng lại để nâng đỡ người bạn mới quen của mình trong một nghĩa cử san sẻ đầy cảm động để cả hai cùng chạy về đích, tuy đứng hạng cuối nhưng đã gây xúc động cho mọi người. Để rồi sau đó, Uỷ Hội Thế Vận đã trao tặng huy chương Pierre de Coubertin cho hai nữ lực sĩ này để tưởng thưởng hình ảnh cảm động và đáng ngưỡng phục tuyệt vời trong lúc thi đua.
Abbey D’Agostino của Hoa Kỳ đang được nâng đỡ bởi Nikki Hamblin của Tân Tây Lan.
MAI LOAN
Houston, Texas ngày 22/08/2016
TB: Được xem các trận tranh tài và sau đó viết bài tường thuật và phê bình quả thật là niềm hạnh phúc rất lớn cho người viết bài này trong lúc đang đi nghỉ hè tại quê nhà, dù rằng không được đầy đủ như trên hệ thống của đài truyền hình NBC. Chỉ có điều đáng buồn và cũng có hơi bực mình cho kẻ này là cứ nghe những bình luận viên trong nước ra rả cách đọc “vận động viên” để nói đến các lực sĩ, rồi đến “Olympic” thay vì “Thế Vận Hội”, và sau cùng quê mùa và dốt nát hơn hết khi gọi các tiết mục hay bộ môn là các “nội dung” thi đấu. Chẳng hạn như họ gọi thi đua môn bơi lội có các nội dung bơi 100 thước tự do, bơi ếh, bơi ngửa, bơi bướm v.v. Trong khi đó, trước đây chúng ta vẫn thường hay quen gọi là các bộ môn thi đua thì trong sáng, nhẹ nhàng và rõ nghĩa hơn nhiều. Chẳng hiểu những nhà ngữ học ở trong nước không ai lại thắc mắc rằng “nội dung” thường là để phân biệt với “hình thức”, chứ không hề bao giờ có chuyện “nội dung” được dùng để chỉ từng tiết mục riêng biệt trong một bộ môn nào đó. Đáng buồn thay cho việc sử dụng chữ nghĩa ở trong nước ngày nay là vậy.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching