X

Tuesday, August 23, 2016

Ấn Độ : Người khổng lồ dân số, chú lùn thế vận



Ấn Độ : Người khổng lồ dân số, chú lùn thế vận
 Một màn trình diễn của các nghệ sĩ trong lễ bế mạc

Cũng liên quan đến châu Á nhưng trên lãnh vực thể thao, Le Monde nhận định « Ấn Độ : Người khổng lồ dân số, chú lùn Olympic ». Đất nước có dân số đông thứ nhì thế giới từ năm 1900 đến nay chỉ giành được có 28 huy chương thế vận, trong đó có 2 huy chương tại Rio lần này.

Tại Ấn Độ, người ta chỉ chú ý đến các vận động viên khi nào họ lọt vào vòng bán kết hay chung kết. Giáo dục được đặt lên trên hết, thể thao chỉ là thứ yếu, trong lúc hãy còn nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng. Môn thể thao được yêu thích nhất tại Ấn Độ là cricket thì từ một thế kỷ qua đã biến mất khỏi chương trình thi đấu thế vận.

Trong hơn 100 năm tham gia Olympic, tổng số huy chương mang về chỉ vỏn vẹn có 9 vàng, 7 bạc và 12 đồng. Để gia tăng cơ may, lần này Ấn Độ gởi sang Rio de Janeiro đến 123 vận động viên, nhưng tất cả đều bằng vé hạng tiết kiệm.

Người Anh đã « mua huy chương vàng » như thế nào ?
... họ có Mo Farah không có đối thủ trên đường chạy 5.000m và 10.000m nam


Nhìn sang Luân Đôn, Le Monde giải thích « Người Anh đã mua ‘vàng’ như thế nào ». Quốc gia đứng thứ nhì trong bảng tổng sắp huy chương đã tăng gấp năm lần ngân sách dành cho thể thao.

Bí mật thành công made in Britain là gì ? « Rất đơn giản, đó là tiền » - Steve Haake, giám đốc Advanced Wellbeing Research Centre của trường đại học Sheffield Hallam trả lời ngay. Từ hai chục năm qua, Anh quốc ồ ạt đầu tư vào thể thao đỉnh cao : 274 triệu bảng Anh (316 triệu euro) chỉ trong vòng bốn năm nay.

Để rửa nỗi nhục xếp tận hạng 37 trong Thế vận hội Atlanta 1996 chỉ với một huy chương, thủ tướng lúc đó là John Major ra lệnh dành một số lớn tiền từ National Lottery (xổ số quốc gia) đầu tư cho thể thao. Kết quả thấy ngay : Anh ngoi lên hạng 10 trong Thế vận hội Sydney 2000.

Khi Luân Đôn được chọn làm thành phố thế vận năm 2012, tốc độ đã được đẩy nhanh hơn ngay từ năm 2007. Tài chính bỗng chốc được tăng lên gấp ba, nhưng không dành cho nghiệp dư mà tập trung cho chuyên nghiệp, mỗi bộ môn được ấn định chỉ tiêu cụ thể.Thế là Anh quốc leo lên hàng thứ 4 tại Olympic Bắc Kinh 2008 và bốn năm sau đó trên sân nhà đã đạt kỷ lục 65 huy chương.

Với Olympic Rio 2016, trái với nhiều nước đã buông tay sau khi Thế vận hội được tổ chức tại nước mình đã trôi qua, Anh vẫn tăng 3% hỗ trợ tài chính, nhưng tập trung vào mục tiêu : chỉ có 20 bộ môn nhiều hy vọng nhất là nhận được. Tiền được tuôn như nước giúp các vận động viên đỉnh cao chuyên tâm vào tập luyện. Những người xuất sắc nhất được lãnh đến 28.000 bảng Anh (32.000 euro) một năm, chưa kể số tiền liên đoàn nhận được để chi cho huấn luyện viên và thiết bị.


__._,_.___

Posted by: truc nguyen

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts