Chuyên gia Pháp:
Cách Mỹ chống bành trướng Trung Quốc trên Biển Đông
RFI
Tổng thống Mỹ Barack Obama
Trong bài phỏng vấn ngày 12/08/2016 dành cho nhà báo Alexis
Feertchak của tờ Le Figaro, giáo sư về chiến lược Renaud Girard thuộc Học Viện
Chính Trị Sciences Po Paris đã phân tích về chiến lược đã và đang được Mỹ áp
dụng để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo giáo sư Girard lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ là duy trì bằng mọi
giá quyền tự do lưu thông trên biển :
Renaud Girard : Hoa Kỳ đã thực hiện việc thay đổi chiến lược của
họ qua chính sách « Xoay trục qua châu Á - Pivot towards Asia », bớt hẳn mối
quan tâm về Trung Đông, thể hiện qua chủ trương gọi là « điều hành từ phía sau
- rule from behind » của tổng thống Obama ở vùng Cận Đông. Không phải là ngẫu
nhiên mà Mỹ ngày nay đang tìm thỏa hiệp với Nga ở Syria, và Matxcơva đã được
lợi thế.
Như chuyến công du của ông Obama ở Việt Nam (21-24/05/2016) và
tiếp theo là chuyến đi Nhật Bản (24-28/05) đã cho thấy, Mỹ tỏ mối quan tâm rõ
rệt đến vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Mục tiêu của Mỹ là duy trì với bất cứ giá
nào quyền tự do hàng hải. Trong khuôn khổ đó, Washington không thể chấp nhận
việc Trung Quốc chiếm đoạt Hoàng Sa và Trường Sa.
Chính sách xoay trục thể hiện rất rõ trên bình diện lực lượng Hải
Quân Mỹ : hơn 60% Hải quân Mỹ, lực lượng hùng hậu hàng đầu thế giới, hiên đang
ở trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sự hiện diện của Mỹ tương ứng với sự
phát triển theo cấp số nhân của Hải Quân Trung Quốc.
Một dấu hiệu đập mắt của sự chạy đua vũ khí hiện nay trong khu vực
này là nước Úc, một nước có quan điểm thực tế và không hiếu chiến : Úc sẽ không
bao giờ chi ra đến 34 tỷ euro để mua 12 tiềm thủy đỉnh của tập đoàn Pháp DCNS,
nếu họ không vô cùng lo ngại trước mối đe dọa Trung Quốc.
Le Figaro : Barack Obama đã đạt được một thế cân bằng với Bắc Kinh
như thế nào ? Thế cân bằng đó trong khu vực có thể bền lâu hay không ?
Renaud Girard : Phía Trung Quốc cho là Mỹ không có việc gì trong
khu vực cả. Họ không quên nhắc lại là hành động can thiệp của Mỹ vào khu vực
luôn dẫn đến thảm họa, dĩ nhiên là ám chỉ đến cuộc chiến tranh Việt Nam.
Thế nhưng ngày nay, ngay cả Việt Nam, nước nạn nhân chủ chốt của
những lệch lạc quá khứ của Mỹ, cũng đã thay đổi ý kiến. Chính Trung Quốc, với
sự vụng về của họ, đã khiến các nước Châu Á lánh xa họ, trong khi thoạt đầu họ
rất được trọng vọng trong vùng.
Việc Mỹ quay trở lại Việt Nam không xuất phát từ một chính sách
mang tính đế quốc, mà là do sự hoảng hốt của các quốc gia châu Á trước thái độ
của Trung Quốc. Tổng thống tiền nhiệm ở Philippines đã từng ví chủ tịch Trung
Quốc Tập Cận Bình với Hitler.
Chính sách Mỹ khá cân đối
Mỹ đã trở lại khu vực một cách mạnh mẽ, nhưng với ông Obama, thì
Hoa Kỳ đã có một chính sách khá cân đối. Về tranh chấp ở Biển Đông chẳng hạn,
Washington không can thiệp. Mỹ đã chấp nhận vế đầu của lập luận của Trung Quốc
theo đó Mỹ không có việc gì ở Châu Á. Mỹ không đứng trên quan điểm Châu Á, mà
chỉ đứng trên quan điểm của luật biển quốc tế mà họ bảo vệ và muốn mọi người
tôn trọng.
Mỹ không phân xử giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên vấn đề chủ quyền
quần đảo Senkaku, hay giữa Trung Quốc và Philippines về Trường Sa. Họ cũng
không lên tiếng về cách thức các quốc gia phân chia với nhau nguồn cá và tài
nguyên địa chất của Biển Đông.v.v… Ngược lại ông Obama nói rõ là chính các quốc
gia liên can phải tổ chức hội nghị đa phương để cùng nhau quản lý các nguồn tài
nguyên biển.
Dĩ nhiên chúng ta không thể nào chấp nhận chính sách sự đã rồi của
Bắc Kinh. Trung Quốc đang thực hiện ở Biển Đông một chính sách vũ lực không thể
chấp nhận được. Họ làm cho tất cả các cường quốc Châu Á, kể cả Úc, rất lo ngại.
Cho đến giờ, mọi việc đều trong tầm kiểm soát nhờ cuộc đối thoại chiến lược
hàng năm ở cấp cao nhất giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nền ngoại giao cũng có hiệu quả nhờ việc tổng thống Obama có thái
độ tôn trọng Trung Quốc nhưng vẫn cứng rắn trên quyền tự do hàng hải. Chính
trong khuôn khổ này mà tổng thống Mỹ thường ra lệnh cho khu trục hạm của Hải
Quân Mỹ đi dọc theo quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và cách bờ biển 2 hải lý
chứ không phải 12 hải lý và không xin phép Trung Quốc.
Chông gai đang chờ đợi Donald Trump hoặc Hillary Clinton
Trước mắt, Donald Trump vẫn chưa cho biết chính sách ngoại giao
của ông sẽ như thế nào. Nhưng việc ông thường hành động theo cảm hứng hơn là
suy nghĩ không phải là một dấu hiệu tốt.
Ngược lại, người ta có thể tin tưởng bà Hillary Clinton để đối phó
một cách cứng rắn chính sách bành trướng nguy hiểm của Trung Quốc trên biển.
Nhưng nếu ứng viên đảng Dân Chủ thắng cử, bà sẽ đứng trước một hồ sơ Trung Quốc
phức tạp hơn người tiền nhiệm Obama, vì Trung Quốc hiện nay hung hăng hơn là
nước đón Thế vận 2008.
Dẫu sao thì nguy cơ một cuộc chiến quy mô lớn, ngày mai hay ngày
kia, sẽ đến từ vùng này ở Châu Á vì đến giờ người ta chưa thấy ló dạng một giải
pháp toàn diện nào, trong lúc vòng luẩn quẩn của những liên minh, hay hành động
trả đũa sẽ rất nguy hiểm vào lúc tâm lý dân tộc chủ nghĩa cực đoan của dân
chúng Trung Quốc đang bị một chính quyền chuyên chế kích động, sau khi không
giữ yên được bằng cách cho tiêu thụ nhiều hơn.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching