X

Sunday, December 25, 2016

Vũ khí kỹ thuật số : Cuộc đọ sức giữa Mỹ và Nga


Vũ khí kỹ thuật số : Cuộc đọ sức giữa Mỹ và Nga

mediaTổng thống Barack Obama trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ngày 16/12/2016, nói về vụ tấn công tin học trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống MỹREUTERS

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã làm thay đổi bản chất cuộc chiến tin học mà Hoa Kỳ và Nga đang đối chọi với nhau từ 20 năm nay. Các chuyên gia phản gián ở Washington cho rằng khi cố ý nhắm vào ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ, bà Hillary Clinton, cựu thù của chính Vladimir Putin, với ý đồ tạo lợi thế đắc cử cho Donald Trump ngày 08/11/2016, các tin tặc Nga và thủ lĩnh của họ ở điện Kremlin đã chuyển từ thu thập thông tin theo kiểu truyền thống sang hành động phá hoại mang tính chính trị. Kết luận này rất có thể làm dấy lên hàng loạt các biện pháp trả đũa có nguy cơ biến một cuộc cạnh tranh ảo thành một đối đầu công khai nghiêm trọng.

Báo Le Figaro số ra ngày 16/12/2016 cho hay, rất nhiều cơ quan tình báo, đặc biệt là CIA và NSA, dường như đã đề nghị những biện pháp trả đũa tổng thống Nga Vladimir Putin. Chẳng hạn như công bố những bí mật về cách thức ông Putin tích lũy một khối tài sản kếch sù ước tính trị giá khoảng 85 tỷ đô la trong 17 năm cầm quyền. Thế nhưng, một số nhà phân tích lại không tin rằng việc tố cáo tình trạng tham nhũng hoặc sự tàn bạo về chính trị có thể làm cho ông Putin bị mất uy tín. Các hành động trả đũa có thể là tấn công hệ thống internet của Nga…

Nếu như ông quyết định từ bỏ sự thận trọng mà trước đây bị đánh giá là không có hiệu quả, Barack Obama, trong hành động cuối cùng với tư cách là tổng thống, có thể khởi đầu một cuộc chiến tranh tin học gần như công khai với Matxcơva. Bởi vì hệ thống tin học của Nga không thiếu những biện pháp phản công trong trường hợp chiến tranh leo thang. Từ năm 1996, với các vụ tấn công nhắm vào Hải quân, Không quân, bộ Năng lượng hoặc cơ quan nghiên cứu không gian NASA và nhất là kể từ năm 2014 với các vụ xâm nhập vào các máy chủ của bộ Ngoại Giao, của Nhà Trắng và thậm chí Bộ Tham Mưu quân đội, các điệp viên của Matxcơva đã tích lũy được hàng đống tài liệu nhậy cảm mà họ vẫn còn lưu giữ. 

Trong các cuộc họp giữa các cơ quan tình báo, trong những tháng vừa qua tại Washington, giả thuyết nâng mức báo động lên « Defcon 4 », một thuật ngữ được sử dụng trong thời kỳ chiến tranh lạnh để đánh giá về nguy cơ đối đầu quân sự, đã được nêu ra – nhưng bị gạt đi, vì lo ngại bị lôi cuốn vào cuộc chơi mà Putin muốn.

Trong mọi trường hợp, các sự kiện xẩy ra trong suốt chiến dịch vận động tranh cử tổng thống đã khẳng định điều mà giới chuyên gia biết từ trước : Nga đi trước Mỹ trong lĩnh vực tình báo tin học. Sau khi cảnh cáo Putin trong cuộc đối thoại riêng bên lề thượng đỉnh G20, hồi đầu tháng Chín, tổng thống Mỹ đã khẳng định rằng Hoa Kỳ có « những khả năng cao hơn, về phòng thủ cũng như tấn công ». Thế nhưng, điều này còn phải chứng minh, do khả năng dễ bị tổn thương của các định chế cũng như sự yếu kém trong việc phản công của Hoa Kỳ, cho đến lúc này. Nhưng sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ dường như đã vượt qua lằn ranh đỏ và làm thay đổi cục diện.

Về mặt chiến lược, tin tặc và khai thác hành động này vào mục đích chính trị là một dạng « vũ khí lý tưởng » đối với Nga, bởi vì sự yếu kém về kinh tế hạn chế khả năng tiến hành các cuộc tấn công truyền thống, và theo như một cuộc điều tra trong một thời gian dài của nhật báo New York Times, thì tấn công tin học « rẻ tiền, sức phá hoại lớn, khó có thể dự đoán và khó xác định được vết tích ». Tờ báo cũng dựng lại kịch bản khó có thể tưởng tượng nổi các vụ thâm nhập vào các máy chủ tin học của Ủy ban lãnh đạo quốc gia đảng Dân Chủ (DNC), Ủy ban vận động tranh cử của các nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ (DCCC) và các cộng sự của bà Hillary Clinton.

Khi nhân viên đặc trách của Cục Điều tra Liên bang (FBI) Adiran Hawkins muốn báo động cho Ủy ban lãnh đạo quốc gia (DNC), hồi tháng 09/2015, ông ta đã không tới và không tìm cách liên lạc với các lãnh đạo của đảng này. Ông ta đã gọi điện thoại tới tổng đài và họ chuyển điện thoại cho một kỹ thuật viên và trong một thời gian dài, kỹ thuật viên này không nghĩ là mình đã làm việc với một nhân viên cảnh sát liên bang thực thụ và do vậy, quên không gọi lại… Phải mất tới 7 tháng thì DNC mới được bảo vệ một cách có hiệu quả và phải một năm sau thì các máy tính của tổ chức này mới quét sạch được các virus mang chữ ký tin tặc Nga, với tên gọi « Duke ». 

Vào tháng 03/2016, khi một loạt các thư điện tử bị cài virus được gửi tới hàng trăm cộng tác viên của đảng Dân Chủ (về mặt kỹ thuật thì gọi là hiện tượng Phishing), thì một chuyên gia lại bảo ông John Podesta, phụ trách chiến dịch tranh cử của bà Clinton rằng thư điện tử này « sạch », thay vì « bẩn » do lỗi đánh máy ! Hậu quả là 60 ngàn thư điện tử trao đổi trong vòng 10 năm đã bị tin tặc đánh cắp.

Các hoạt động khởi sự ban đầu của một cuộc điều tra tình báo thông thường dần dần biến thành một chiến dịch nhằm gây nghi ngờ đối với hệ thống bầu cử Mỹ và rồi có hại cho bà Hillary Clinton, có lợi cho ông Donald Trump. Các quan chức tình báo cho rằng việc tung lên mạng một cách nhỏ giọt các tài liệu đánh cắp được vào các thời điểm quan trọng trong chiến dịch tranh cử chỉ có thể được quyết định « ở cấp cao nhất » của điện Kremlin.

Mặc dù đã được các cơ quan tình báo « báo cáo tóm tắt » tình hình, vị tổng thống tương lai của nước Mỹ vẫn tiếp tục không thừa nhận là có sự can thiệp của Nga. Ông nói : « Thật là nực cười, bởi vì đó có thể là Trung Quốc hoặc một gã nào đó, ngồi trên giường ở New Jersey » tiến hành. Nếu Barack Obama đưa ra các biện pháp trả đũa, thì ông Trump có thể hủy bỏ các biện pháp này ngay khi ông nhậm chức vào ngày 20/01/2017. Thế nhưng, ông Trump cũng không được lợi lộc gì khi hủy bỏ các biện pháp trả đũa Nga, bất chấp là quyết định này trái với lập trường của Quốc Hội Hoa Kỳ, nơi mà ngay cả các dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa cũng đã quyết định là phải làm rõ vụ tấn công gây tổn hại cho an ninh quốc gia.

Một mặt, khi làm mất uy tín của các cơ quan tình báo Mỹ, ông Trump tự làm tổn hại uy tín của mình trong tương lai khi mà ông muốn huy động cộng đồng quốc tế chống lại một hiểm họa nào với các tài liệu do chính các cơ quan tình báo này cung cấp. Ví dụ như hiểm họa Bắc Triều Tiên có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân lên các tên lửa tầm xa có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ. Sẽ thật là ngây thơ nếu như Donald Trump nghĩ rằng ông sẽ không phải là mục tiêu sắp tới của tình báo Nga, khi xẩy ra các bất đồng ngoại giao hoặc kinh tế. 

Ông cũng rất dễ bị tấn công, tổn thương do có các dự án kinh doanh nằm rải rác trên thế giới. Các chuyên gia chống khủng bố đã thẩm định rằng các khách sạn mang thương hiệu của ông có nguy cơ là những mục tiêu mà quân thánh chiến ưu tiên lựa chọn tấn công.


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts