TRUNG QUỐC - PHILIPPINES -
Bài đăng : Thứ tư 05 Tháng Hai 2014 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 05 Tháng Hai 2014
Philippines so sánh
Trung Quốc với Đức quốc xã
Tổng thống Philippines
Benigno Aquino trả lời phỏng vấn báo chí -
REUTERS /Cheryl Ravelo
Trọng
Nghĩa RFI
Trong một bài phỏng vấn dài dành cho nhật báo Mỹ The New York Times - được công bố hôm nay, 05/02/2014 - Tổng thống Philippines đã không ngần ngại so sánh các cố gắng của Bắc Kinh nhằm áp đặt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên các vùng tranh chấp, với các hành động của Đức quốc xã thời trước Đệ nhị Thế chiến. Ông Aquino đồng thời kêu gọi giới lãnh đạo thế giới là không nên phạm phải cùng một sai lầm là nhượng bộ để cầu hòa.
Đối với Tổng thống Philippines cộng đồng thế giới phải nỗ lực hơn trong việc giúp đỡ nước ông chống lại các yêu sách của Trung Quốc đòi chủ quyền trên các vùng biển gần Philippines. Ông nhắc nhở các nước trên thế giới là phải rút kinh nghiệm từ việc phương Tây trước đây đã không dám ủng hộ Tiệp Khắc chống lại các đòi hỏi lãnh thổ của Hitler vào năm 1938.
Theo ông Benigno Aquino, tương tự như Tiệp Khắc trước đây, Philippines đang phải đối mặt với các đòi hỏi lãnh thổ đến từ một nước hùng mạnh hơn mình rất nhiều, do đó quốc tế cần phải hậu thuẫn mạnh mẽ cho Philippines để bảo vệ sự tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trả lời báo New York
Times ngày hôm qua, 04/02 tại Manila, Tổng thống Philippines đã nói nguyên văn như sau : « Khi nào
thì quý vị mới nói « Thế là đủ rồi ? ». Đối với tôi, Thế giới phải nói lên điều đó. Hãy nhớ lại là vùng đất Sudetenland đã từng được nhượng cho Hitler nhằm ngăn ngừa Thế chiến Thứ hai ». Sudeteland
là vùng lãnh thổ phía Tây của Tiệp Khắc mà châu Âu đã để yên cho nước Đức quốc xã của Hitler xâm chiếm vào năm 1938.
Ngay sau khi bài phỏng vấn trên đây được báo New York
Times công bố, hãng tin Pháp AFP đã đề nghị phủ Tổng thống Philippines có
lời bình luận, nhưng chưa thấy trả lời.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc thường xuyên bị tố cáo về các hành động ngày càng hung
hăng nhằm buộc các láng giềng chấp nhận đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông. Trong số các quốc gia bị Trung Quốc chèn ép, Philippines là nước có phản ứng mạnh nhất và Tổng thống Aquino được cho là luôn quan
ngại trước khả năng nước ông không thể một mình chống lại người láng giềng hùng mạnh hơn.
Trên Biển Hoa Đông, Bắc Kinh cũng tăng cường sức ép đòi Nhật Bản phải « trao trả » cho Trung Quốc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang do Tokyo quản lý.
BIỂN ĐÔNG -
Bài đăng : Thứ tư 05 Tháng Hai 2014 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 05 Tháng Hai 2014
Mỹ lại cảnh báo Trung Quốc về vùng phòng không
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel (www.state.gov)
Trọng
Nghĩa RFI
Một nhà ngoại giao Mỹ cao cấp vào hôm qua, 04/02/2014 đã lại chỉ trích Bắc Kinh về các động thái quyết đoán nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển lân cận. Ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Châu Á Thái Bình Dương đặc biệt lên tiếng phản đối ý tưởng của giới quân sự Trung Quốc, muốn thiết lập một vùng nhận dạng phòng không
trên Biển Đông.
Nhân một cuộc họp báo tại Washington, ông
Daniel Russel cho biết là chính phủ Mỹ rất quan ngại trước các hành động áp đặt các đòi hỏi chủ quyền mang tính chất khiêu khích và «
một cách phi pháp và phi ngoại giao ».
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã nhắc tới việc Trung Quốc gần đây đã áp đặt một số quy định buộc tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép khi vào
hoạt động trong vùng Biển Đông mà Bắc Kinh tự nhận chủ quyền. Ông Russel một lần nữa lên tiếng thúc giục Trung Quốc xác định rõ các yêu sách
lãnh thổ trong tinh thần phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ xác nhận trở lại là Washington không hề công nhận khu vực nhận dạng phòng không mà
Trung Quốc đơn phương thiết lập vào tháng 11 năm ngoái 2013 trên Biển Hoa Đông, trực tiếp đối đầu với Nhật Bản.
Ông Russel cũng nhắc lại rằng Hoa Kỳ từng kêu gọi Trung Quốc không nên thiết lập một vùng phòng không tương tự ở những nơi nhậy cảm khác « bao gồm và đặc biệt là ở Biển Đông ».
Đối với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, việc lập ra các vùng nhận dạng phòng không chỉ làm cho khu vực trở nên bất ổn, gây thêm căng
thẳng, cản trở sự lưu thông trên các
vùng không phận quốc tế.
Ông Daniel Russell thậm chí còn cho rằng « hành động (lập vùng phòng không) có thể dẫn tới những tính toán sai lầm, làm cho xung đột bùng lên ».
Ngoài việc cảnh báo Trung Quốc về tác hại tiềm tàng của việc thành lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á còn
kêu gọi các nước trong khu vực phát huy quan hệ láng giềng tốt, ý muốn nói đến quan hệ căng thẳng gần đây giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Theo ông Russel, cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc đều là đồng minh của Mỹ và đều chia sẻ những giá trị có khả năng giúp hai nước tin cậy lẫn nhau trong một thời gian dài. Còn
Trung Quốc và Nhật Bản đều là hai nền kinh tế lớn nhất của châu Á, do đó phải hợp tác với nhau vì lợi ích của chính công dân mỗi nước.
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching