Kết luận
Trích chương 11 trong :
Tác phẩm "LƯỢC
SỬ THỜI GIAN" (
Brief History of Time )
Nguyên tác :
Stephen Hawking
Dịch giả : Cao Chi và Phạm Văn
Thiều
_________________________________
_________________________________
Kết luận
Chúng ta ở trong một thế
giới đang làm chúng ta phải trầm tư suy nghĩ. Chúng ta muốn gán cho mọi vật
xung quanh chúng ta một ý nghĩa nào đó và tự hỏi bản chất của vũ trụ là gì?
Chúng ta đóng vai trò gì trong vũ trụ và chúng ta từ đâu tới? Tại sao vũ trụ lại
như thế này?
Để trả lời những câu hỏi
đó chúng ta hãy chọn một “bức tranh của vũ trụ”. Một bức tranh là hình ảnh của
vô số con rùa chở trên lưng một mặt đất phẳng, còn bức tranh khác có thể là lý
thuyết siêu dây.
Cả hai đều là những lý thuyết về vũ trụ, song lý thuyết thứ
hai toán học hơn và chính xác hơn.
Cả hai lý thuyết đều thiếu cơ sở thực
nghiệm: chưa ai thấy con rùa khổng lồ mang mặt đất trên lưng và cũng chưa ai
thấy được một siêu dây. Song lý thuyết rùa không thể đứng vững như một lý
thuyết khoa học vì theo thuyết này thì chúng ta có thể rơi từ vùng biên của thế
giới.
Điều này không phù hợp với thực nghiệm, nếu không hóa ra đó lại là cách
giải thích cho hiện tượng nhiều người được giả định là biến mất trong tam giác
Bermuda!
Nhiều lý thuyết trước
đây nhằm mô tả và giải thích vũ trụ gắn liền với ý tưởng cho rằng các sự cố và
hiện tượng thiên nhiên đều điều hành bởi thần linh, do đó mang sắc thái cảm
tính và không có khả năng tiên đoán.
Các thần linh sống giữa những vật thể như
sông, núi, kể cả các tinh cầu như mặt trăng, mặt trời. Con người phải cảm tạ và
cầu xin thần linh để đất đai được phì nhiêu, mưa gió thuận hòa. Song dần dần, người
ta nhận thấy được một số quy luật: mặt trời luôn mọc ở phương Đông và lặn ở
phương Tây bất kể là người ta có dâng vật hy sinh cho thần mặt trời hay không.
Hơn nữa, mặt trời, mặt trăng và các hành tinh khác luôn chuyển động theo những
quỹ đạo nhất định mà người ta có thể tính toán được trước với một độ chính xác
rất cao. Mặt trời và mặt trăng có thể vẫn là những thần linh, song những thần
linh này luôn tuân thủ những đinh luật rất nghiêm ngặt, không ngoại lệ, nếu
người ta tin vào những truyền thuyết như mặt trời đã dừng lại cho Joshua.
Ban đầu những hiện tượng
bình thường và những quy luật như thế chỉ quan sát được trong một số lĩnh vực
như thiên văn học và trong một số tình huống khác. Song lúc văn minh loài người
càng tiến hóa và đặc biệt trong 300 năm gần đây, nhiều định luật đã được phát
hiện. Sự thành công trong việc ứng dụng những định luật đó đã dẫn Laplace ở đầu
thế kỷ 19 thiết lập thuyết quyết định luận, với nội dung khẳng định rằng dựa trên
các định luật chúng ta có thể xác định được sự tiến triển của vũ trụ một cách
chính xác khi biết cấu hình của vũ trụ tại một thời điểm.
Quyết định luận của
Laplace không hoàn chỉnh ở hai điểm. Luận thuyết đó chưa nói rõ phải chọn các
định luật như thế nào và không xác định được cấu hình ban đầu của vũ trụ. Các
điểm đó thuộc phần của Chúa.
Chúa sẽ chọn vũ trụ bắt đầu như thế nào, những
định luật nào mà vũ trụ phải tuân theo, nhưng Chúa không can thiệp vào vũ trụ
nữa, một khi vũ trụ đã bắt đầu. Thực ra, Chúa chỉ giới hạn vào những lĩnh vực
mà khoa học thế kỷ 19 chưa hiểu được.
Hiện nay thì chúng ta đã
biết các niềm hy vọng về một quyết định luận của Laplace không thể là hiện thực
được, ít nhất là theo những quan điểm của ông. Nguyên lý bất định của cơ học
lượng tử buộc rằng một số cặp các đại lượng liên hợp, như vị trí và vận tốc của
một hạt, không thể tiên đoán đồng thời được.
Cơ học lượng tử giải
quyết tình huống này thông qua lý thuyết lượng tử trong đó hạt không thể đồng
thời có vị trí và vận tốc xác định, ở đây hạt được biểu diễn bởi một sóng,
những lý thuyết lượng tử là tất định với ý nghĩa rằng chúng đưa ra những định
luật xác định sự tiến triển của sóng theo thời gian. Như thế khi biết sóng tại
một thời điểm thì người ta có thể tính sóng ở bất cứ thời điểm nào.
Điều không
tiên đoán được và mang tính xác suất chỉ xuất hiện khi ta muốn đoán nhận sóng để
biết vị trí và vận tốc của hạt. Nhưng có lẽ đây là một sai lầm của chúng ta:
rất có thể không tồn tại vị trí, vận tốc của hạt mà chỉ tồn tại các sóng. Chẳng
qua là chúng ta muốn làm ứng sóng với các tiền niệm của chúng ta về vị trí và
vận tốc. Cho nên sự khó khăn trong việc đoán nhận nói trên là nguyên nhân của
tính không thể tiên đoán biểu kiến của lý thuyết lượng tử.
Quả vậy, chúng ta đã
định nghĩa lại nhiệm vụ của khoa học là phát kiến những định luật cho phép
chúng ta tiên đoán các sự kiện với độ chính xác quyết định bởi nguyên lý bất
định. Những câu hỏi còn lại là: các định luật và trạng thái ban đầu của vũ trụ
đã được chọn như thế nào và vì sao?
Trong quyển sách này,
tôi đã chú trọng đặc biệt đến các định luật điều hành hấp dẫn, bởi vì chính hấp
dẫn đã quyết định hình dáng các cấu trúc vĩ mô của vũ trụ, mặc dầu hấp dẫn là
tương tác yếu nhất trong bốn loại tương tác. Các định luật hấp dẫn không tương
thích với quan niệm phổ biến đến mãi gần đây là vũ trụ không thay đổi theo thời
gian: Lực hấp dẫn là lực hút, điều này buộc vũ trụ hoặc giãn nở hoặc co lại.
Theo lý thuyết tương đối rộng, tồn tại một trạng thái với mật độ vô cùng trong
quá khứ, vụ nổ lớn là điểm bắt đầu của thời gian.
Tương tự như vậy, nếu toàn bộ
vũ trụ co lại, phải tồn tại một trạng thái khác cũng với mật độ vô cùng trong
tương lai, vụ nổ lớn sẽ là chung cuộc của thời gian. Ngay cả trong trường hợp
toàn vũ trụ không co lại, thì cũng tồn tại những kỳ dị trong những vùng địa
phương dẫn đến sự co lại thành những lỗ đen. Các kỳ dị này sẽ là điểm kết thúc
của thời gian đối với ai rơi vào lỗ đen. Tại vụ nổ lớn hoặc các điểm kỳ dị
khác, mọi định luật khoa học không còn đúng nữa, và Chúa toàn quyền chọn cho vũ
trụ phải bắt đầu như thế nào.
Khi chúng ta tổng hợp cơ
học lượng tử với lý thuyết tương đối rộng, hình như tồn tại một khả năng mới,
chưa xuất hiện trước đây: không gian và thời gian có thể làm thành một không
gian hữu hạn bốn chiều không kỳ dị, không biên tựa như mặt đất song với số
chiều lớn hơn. Dường như ý tưởng đó có thể giải thích được nhiều điều trong vũ
trụ, ví như sự đồng nhất ở thang vĩ mô cũng như những nơi lệch khỏi sự đồng
nhất đó như thiên hà, các sao và thậm chí cả cơ thể như chúng ta.
Cũng phải
tính đến chiều của mũi tên thời gian mà chúng ta quan sát được. Nếu vũ trụ là
hoàn toàn tự thân, không kỳ dị, không biên và có thể mô tả hoàn toàn được bởi
một lý thuyết thống nhất, thì điều này sẽ đưa ra những ràng buộc sâu sắc cho
vai trò của Chúa như là Đấng sáng tạo.
Einstein đã một lần nêu
ra câu hỏi: “Chúa có bao nhiêu phương án khi xây dựng vũ trụ?”. Nếu quả giả
thiết không có biên là đúng, thì Chúa không còn tự do để chọn các điều kiện ban
đầu nữa. Lẽ dĩ nhiên Chúa còn có thể chọn các định luật mà vũ trụ phải tuân
theo.
Song sự lựa chọn cũng không được nhiều lắm, có thể chỉ một, hai hoặc một
số ít các lý thuyết thống nhất hoàn chỉnh, như thuyết dây hỗn hợp, là không
chứa mâu thuẫn và cho phép sự tồn tại những cấu trúc phức tạp như con người là những
sinh vật có khả năng nghiên cứu các định luật của vũ trụ và đặt ra câu hỏi về
bản chất của Chúa.
Cho dầu chỉ có một lý
thuyết thống nhất là khả dĩ, thì lý thuyết đó cũng gồm cả một tập hợp những quy
luật và phương trình. Điều gì đã thổi sức sống vào những phương trình đó và tạo
ra vũ trụ để chúng có thể mô tả được?
Cách tiếp cận của khoa học để xây dựng
một mô hình toán học không thể cung cấp câu trả lời vì sao tồn tại một vũ trụ
để có thể mô tả. Vì sao vũ trụ phải chịu trải qua mọi sự phiền hà của cuộc
sống? Lý thuyết thống nhất có phải vì quá hấp dẫn mà phải tồn tại không? Hoặc
vũ trụ cần một Đấng sáng tạo, và nếu quả như vậy, Đấng sáng tạo có tác dụng gì
khác đối với vũ trụ? Và ai sáng tạo ra Đấng sáng tạo?
Đến thời điểm này, đa số
các nhà khoa học quá bận rộn vào việc phát triển những lý thuyết để trả lời câu
hỏi như thế nào và chưa bận tâm tới câu hỏi vì sao? Mặt khác, những triết gia
là những người mà công việc là đặt ra câu hỏi vì sao, lại không đủ điều kiện để
thông tuệ được các lý thuyết hiện đại.Ở thế kỷ thứ 18, các nhà triết học xem
toàn bộ kiến thức của loài người trong đó có khoa học tự nhiên là thuộc lĩnh
vực của họ và nêu ra những câu hỏi như: vũ trụ có điểm ban đầu không?
Song đến
các thế kỷ 19 và 20, khoa học trở nên quá kỹ thuật và toán học hóa đối với
những nhà triết học nói riêng và nói chung là đối với nhiều người trừ một số
chuyên rất sâu. Các triết gia giới hạn các câu hỏi đến mức mà Wittgenstein, nhà
triết học danh tiếng nhất của thế kỷ này đã thốt lên: “Nhiệm vụ duy nhất còn
lại của triết học là phân tích ngôn ngữ”. Thật là một thoái trào lớn khởi
truyền thống lớn lao của triết học từ Aristotle đến Kant.
Song
nếu chúng ta phát kiến được một lý thuyết đầy đủ, thì lý thuyết đó cũng không
được hiểu ngay bởi đa số, ngoại trừ một số chuyên gia. Nhưng sau đó, tất cả
chúng ta, các nhà khoa học, các triết gia và cả mọi người bình thường sẽ hiểu
được và tham gia thảo luận câu hỏi vì sao vũ trụ và chúng ta tồn tại. Nếu chúng
ta tìm được câu trả lời, thì đó là sự thắng lợi cuối cùng của trí tuệ con người
- chúng ta sẽ biết được ý của Chúa .
Stephen Hawking
Stephen Hawking
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching