X

Friday, November 8, 2013

Chiến tranh lạnh Trung –Nhật


Chiến tranh lạnh Trung –Nhật

 

Lực lượng phòng thủ Nhật Bản diễu binh tại căn cứ Asaka, ở Asaka, gần Tokyo,  27/10/2013

Lực lượng phòng thủ Nhật Bản diễu binh tại căn cứ Asaka, ở Asaka, gần Tokyo, 27/10/2013

REUTERS/Issei Kato

 

Tú Anh RFI

Trong bối cảnh đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị Hội nghị trung ương lần 3 vào cuối tuần, căng thẳng trong quan hệ Bắc Kinh -Tokyo lên cực điểm. Trung Quốc tố cáo Nhật Bản khiêu khích, trong khi Tokyo đe dọa bắn hạ máy bay dọ thám của Trung Quốc nếu xâm phạm không phận Senkaku. Chiến tranh lạnh kiểu mới đang bao trùm Đông Á.

Kỷ niệm Hiệp ước hòa bình và thân hữu Trung –Nhật 23/10 ký kết cách nay 35 năm đã trôi qua không kèn không trống. Ông Mike Green, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS tại Washington nhận định: Xung khắc giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại quần đảo Điếu Ngư / Senkaku đã làm quan hệ hai nước căng thẳng gần như tột cùng vào cuối tuần trước. Lần đầu tiên, Trung Quốc phô trương một số tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa tầm xa và tố cáo hải quân Nhật Bản « can thiệp » vào một cuộc tập trận bắn đạn thật của hải quân Trung Quốc nhưng Tokyo phủ nhận.

China Daily thuật lại tuyên bố này của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân đưa ra trong một cuộc họp báo, nhưng phóng viên quốc tế không được mời.

Trong khu vực Senkaku, nhịp độ tàu tuần duyên Trung Quốc xâm nhập có giảm đi « chỉ có 5 ngày » trong tháng kỷ niệm này so với từ « 20 ngày đến 24 ngày » trong những tháng trước. Trên không, từ tháng 4 cho đến tháng 9, chiến đấu cơ của Nhật thực hiện 149 phi vụ để « răn đe » máy bay Trung Quốc. Cuối tháng 10, chính phủ Nhật lần đầu tiên đe dọa « bắn hạ » máy bay dọ thám không người lái của Trung Quốc nếu không tuân thủ tín hiệu cảnh cáo...

Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng mạnh, cho rằng nếu Nhật Bản tấn công máy bay trinh sát của Trung Quốc thì đó là một hành động « gây chiến ».

Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc dồn dập phô trương sức mạnh tại Điếu Ngư / Senkaku gây căng thẳng với Nhật ? Đâu là nhân ? Đâu là quả ? Và liệu Trung Quốc có khả năng áp đảo hay không ?

Giáo sư Lưu Giang Lạc, một chuyên gia về chính trị Nhật Bản tại đại học Thanh Hoa, lập luận: Nhật Bản đang làm « chiến tranh tâm lý » và « chuẩn bị công luận để gây chiến ». Nhưng ông nêu nghi vấn, liệu Nhật Bản có dám ra tay trước đi ngược lại bản Hiến pháp chủ hòa ?.

Tuy nhiên, chuyên gia quan hệ quốc tế Nhật Chikako Ukei giải thích rằng Thủ tướng Shinzo Abe không hề có ý đe dọa Trung Quốc mà chỉ nhắc lại nguyên tắc đối phó khi không phận bị xâm phạm.

Theo giáo sư Jeff Kingston, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Á Châu, đại học Temple, Nhật Bản thì Thủ tướng Shinzo Abe tin rằng « một nước Nhật hùng cường sẽ ngăn chận tham vọng bành trướng của Bắc Kinh một cách hiệu quả hơn và làm an tâm các nước khác trong khu vực đang lo ngại thái độ ngập ngừng của Mỹ trong chính sách chuyển trục ».

Còn theo nhận định của giáo sư chính trị quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng, đại học George Mason, Hoa Kỳ, Trung Quốc « không có sức mạnh chế ngự, chỉ diễu võ dương oai để chứng tỏ mình không lùi bước sau khi chính phủ Nhật xác định chủ quyền bằng cách mua lại quần đảo Senkaku và tăng cường các biện pháp bảo vệ ». Trung Quốc cũng khai thác thời cơ Mỹ « bị tê liệt chính trị làm các quốc gia nghi ngờ chính sách chuyển trục ». Trung Quốc còn có thâm ý kích động « phong trào phản chiến ở Nhật trong tương lai ».

Từ Virginia, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng trả lời các câu hỏi của RFI :

« Nguyên nhân căng thẳng đầu tiên là Trung Quốc đưa ra cái đường « lưỡi bò » và đòi hỏi quá đáng. Thế rồi cái đồ hỏi đó được thi hành bằng những hành động quá khích, nhất là đối với biển Đông Nam Á. Hành động đó đã gây phản ứng bất thuận lợi, làm cho Mỹ can thiệp nhiều hơn. Khi Mỹ can thiệp nhiều hơn thì các nước liên can có thái độ đưa đến tình trạng như là chiến tranh lạnh, và Trung Quốc cho rằng mình bị bao vây.
 
Chúng ta thấy Úc đã đồng ý cho Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đóng ở căn cứ Darwin, rồi Nhật Bản cũng tăng cường chính sách quân sự và tăng cường quan hệ quốc phòng với những quốc gia khác, kể cả Việt Nam nữa. Không những Nhật quan tâm vấn đề biển Hoa Đông mà họ còn quân tâm đến vấn đề ở biển Đông Nam Á.
 
Thành ra, trước một loạt chính sách bất thuận lợi, Trung Quốc tìm cách phá cái vòng vây đó. Phá vòng vây bằng cách đối với các nước nhỏ ở Đông Nam Á thì Trung Quốc đấu dịu. Ngược lại, Trung Quốc liệt ra một số quốc gia mà họ cho là cứng rắn, cứng đầu không thể giải quyết được thì họ làm áp lực. Nhật Bản và Phi Luật Tân là hai nước bị áp lực nhiều nhất. Đây cũng là chính sách uyển chuyển phá vòng vây và chia để trị… »


 

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts