NHẬT BẢN - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - QUÂN SỰ -
Bài đăng : Thứ hai 05 Tháng Năm 2014 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 05 Tháng Năm
2014
Nhật Bản tìm cách tăng cường hợp tác an ninh và
quân sự với Châu Âu
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Pháp François
Hollande trong buổi họp báo tại điện Elysée ngày
05/05/2014.
REUTERS/Philippe Wojazer
Đức Tâm
Từ ngày 29/04 đến 07/05/2014, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe công du Châu Âu, bao gồm nhiều nước như Đức, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ. Bên cạnh mục tiêu kinh tế, thương mại, lãnh đạo chính phủ bảo thủ Nhật muốn tăng cường hợp tác an ninh và quân sự với Châu Âu. Tại Bruxelles,
ông Abe dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhật-Châu Âu, đồng thời còn gặp cả lãnh đạo Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO.
Theo giới quan sát, chuyến đi này cho thấy Tokyo không chỉ quan tâm đến hợp tác kinh tế, mà còn rất chú trọng đến hợp tác về an ninh và quân sự với Châu Âu. Một quan chức Nhật Bản, xin giấu tên, cho AFP biết, trong lĩnh vực an ninh, không
phải là Tokyo giờ đây mới tìm đến Châu Âu, mà đúng ra là tìm lại vai trò của châu lục này.
Phía Nhật cho biết, trong chuyến đi thăm này, bất kỳ ở đâu, Luân Đôn, Berlin, hay Paris, Thủ tướng Abe đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các vấn đề an ninh trong
quan hệ Nhật-Châu Âu, tại Châu Á hay trên
phạm vi quốc tế. Một quan chức cấp cao Châu Âu cũng
khẳng định là vấn đề đối thoại về an ninh nằm trong chương trình nghị sự của chuyến đi lần này của Thủ tướng Nhật.
Sự nhạy cảm của Tokyo trong hồ sơ này ngày càng rõ
nét trong một môi trường an ninh bất ổn hơn, nhất là sau hai sự kiện : Vụ khủng bố Hồi giáo cực đoan tấn công tổ hợp khí đốt In Aménas của Algeri, hồi tháng Giêng 2013, làm 10 người Nhật thiệt mạng và quan hệ căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh trong tranh
chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Đầu tháng Tư vừa qua, ông
Takehiro Kano, Vụ trưởng Vụ chính sách An ninh Quốc gia, thuộc Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản, tuyên bố tại Bruxelles : « Đương nhiên, Hoa Kỳ
đã và vẫn là đối tác quan trọng nhất đối với an ninh trên thế giới, nhưng Châu Âu và Nhật Bản cũng có thể và phải có vai trò trong
lĩnh vực này ». Vẫn theo quan chức này, Nhật Bản « mong muốn Châu Âu có vai
trò lớn hơn tại Châu Á trong địa hạt an ninh, cũng như Nhật Bản muốn cùng với Châu Âu đóng một vai trò lớn hơn, ở bên ngoài vùng Châu Á ».
Xu hướng này có thể dẫn đến việc tăng cường hợp tác về thiết bị quân sự, nhất là sau khi Nhật Bản, vào đầu tháng Tư vừa qua, đã quyết định bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí mà Tokyo
tự áp dụng trong gần nửa thế kỷ. Nhờ vậy, Nhật Bản có thể phát triển nhiều chương trình hợp tác quân sự với các đối tác khác ngoài
Hoa Kỳ.
Tokyo đã ký một thỏa thuận hợp tác với Luân Đôn về việc tổ chức các cuộc thảo luận về vũ khí hạt nhân, hóa học và vi trùng. Hồ sơ này cũng được đề cập đến trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật và Tổng thống Pháp, ngày hôm nay (05/05), tại Paris.
Hồi tháng Giêng, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp
Jean-Yves Le Drian thông báo việc thành lập hai cơ chế đối thoại Pháp-Nhật, về hợp tác nghiên cứu công nghệ nano, người máy, tin học quốc phòng và hợp tác công nghiệp như chế tạo trực thăng thế hệ mới, tàu ngầm không người lái, động cơ tàu ngầm.
Từ sáu tháng nay, các cuộc thảo luận đã được tiến hành giữa tập đoàn điện tử, quốc phòng Thales của Pháp và hai tập đoàn MHI, FHI của Nhật Bản. Đối với ngành công nghiệp quân sự Châu Âu, Nhật Bản có thể trở thành một thị trường tiềm tàng, mặc dù cho đến nay, xứ hoa anh đào vẫn gần như là sân sau của các tập đoàn chế tạo vũ khí Hoa Kỳ.
Trong năm tài khóa 2014-2015, chi phí quốc phòng của Nhật Bản tăng 2,8%. Theo chuyên gia Vincent Boulanin, thuộc Viện nghiên cứu Hòa bình Stockholm – Sipri – « chính phủ dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản có xu hướng quân sự hóa. Trong mọi trường hợp, đó là quyết tâm tái vũ
trang. Nhật Bản chủ yếu tìm cách phát
triển khả năng hải quân. Hiện có nhiều hợp đồng đang được đàm phán cho năm
tới, đặt biệt trong đó có trực thăng Osprey, xe lội nước, máy bay tuần tra và máy bay
không người lái ».
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching