Bầu cử Đài Loan: Đảng đòi độc
lập trước ngưỡng cửa chiến thắng
Nền dân chủ non trẻ Đài Loan, với 23 triệu dân cư, sắp trải qua
một sự kiện quan trọng : bầu cử Tổng thống và Nghị viện ngày thứ Bảy,
16/01/2016. Phẫn nộ với đường lối thân Bắc Kinh, không minh bạch, của chính phủ
Quốc Dân Đảng mãn nhiệm, cử tri Đài Loan có thể sẽ dồn phiếu cho đối lập. Nếu
đảng Dân Tiến chủ trương « độc lập » với Trung Quốc
giành thắng lợi, nhiều biến đổi bất ngờ sẽ xảy ra, Bắc Kinh có thể phản ứng rất
cứng rắn, khiến hòa bình giữa hai bờ eo biển Đài Loan bị đe dọa nghiêm trọng.
Mọi cặp mắt hướng vào ứng cử viên tổng thống đảng Dân Tiến, bà
Thái Anh Văn/Tsai Ing-wen, người được coi như cầm chắc thắng lợi. Nhiều thăm dò
dư luận trong suốt nửa năm qua cho thấy bà luôn vượt trước đối thủ Chu Lập Luân
(tức Eric Chu) khoảng 20 điểm. Lãnh đạo đảng Dân Tiến có quan điểm như thế nào
về quan hệ tương lai giữa Đài Loan và Trung Quốc ? Cử tri Đài Loan suy nghĩ gì
về tương lai của hòn đảo, và mong muốn gửi gắm gì qua cuộc bầu cử này ?
Chương trình Địa chính trị của RFI có cuộc tọa đàm ngày Chủ nhật,
11/01, về các chủ đề này với các khách mời : ông Emmanuel Dubois (từ Đài Loan),
nhà nghiên cứu được mời làm việc tại Viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học chính
trị quốc gia Đài Loan, bà Françoise Mengin, giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm
nghiên cứu quốc tế CERI – Viện khoa học chính trị Paris (Sciences Po), và bà Alice
Ekman, nhà nghiên cứu chuyên về Trung Quốc thuộc Viện quan hệ quốc tế Pháp
IFRI.
Về
với Trung Quốc, tuyên bố độc lập hay « giữ nguyên trạng » ?
Về lập trường của các ứng viên trong vấn đề thái độ của Đài Loan
với Trung Quốc, ông Emmanuel Dubois cho biết :
« Trung Quốc chắc chắn là một vấn đề
quan trọng. Có hai đối thủ trong cuộc tranh cử này. Thứ nhất là ứng viên Quốc
Dân đảng, người tiếp tục đường lối của tiền nhiệm Mã Anh Cửu (Ma Ying-jiu), đó
là sáp gần với Bắc Kinh, cho dù ông có tỏ ra khác biệt với Tổng thống mãn nhiệm
Mã Anh Cửu, trong quá trình tranh cử, bởi uy tín của ông Mã xuống quá thấp.
Ứng
cử viên thứ hai là lãnh đạo đảng đối lập Dân Tiến, bà Thái Anh Văn, đại diện
cho quan điểm giữ khoảng cách với Trung Quốc, khẳng định muốn giữ nguyên trạng
quan hệ với Trung Quốc. Tình hình này đặt ra nhiều câu hỏi về việc, Bắc Kinh sẽ
có thái độ như thế nào với lãnh đạo đảng Dân Tiến, nếu bà thắng cử, vì quan
điểm của đảng đối lập Dân Tiến là muốn cắt đứt với lập trường sáp lại gần Trung
Quốc của Quốc Dân Đảng, kéo dài từ 8 năm nay ».
Lịch sử Đài Loan rất phức tạp. Từ năm 1949 đến năm 1971, Đài Loan
được quốc tế công nhận là đại diện cho nhà nước Trung Quốc duy nhất hợp pháp.
Nhưng kể từ đó đến nay, nước Trung Hoa cộng sản thế vào vị trí này tại Liên
Hiệp Quốc. Hệ quả là Đài Loan gần như không còn được mấy nước trên thế giới
công nhận, ngoài khoảng 20 tiểu quốc, trong đó có Vatican. Đài Bắc rất bị cô
lập về chính trị và ngoại giao.
Hòn đảo này cũng bị loại ra khỏi nhiều tổ chức quốc tế. Sở dĩ Đài
Loan vẫn còn tồn tại yên ổn đến giờ là do được Hoa Kỳ cam kết bảo vệ, cho dù Washington
chỉ công nhận một nước Trung Quốc, và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc,
sau khi thiết lập quan hệ chính thức với Bắc Kinh. Duy trì hòa bình và ổn định
tại eo biển Đài Loan là trách nhiệm mà Hoa Kỳ nhận lĩnh.
Cho đến nay, Đài Loan tồn tại như một nhà nước độc lập, với Nghị
viện, hệ thống tư pháp, đồng tiền và Hiến pháp riêng. Nhưng, với áp lực đòi
phải thống nhất của Bắc Kinh – đang ngày càng bành trướng ảnh hưởng, và mối quan
hệ kinh tế mật thiết với Hoa Lục, theo nhiều nhà quan sát, Đài Loan đang có xu
thế rơi hẳn vào quỹ đạo của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây,
trong dân chúng Đài Loan, cũng nổi lên nhiều phong trào phản đối mạnh mẽ thái
độ thân Bắc Kinh mờ ám của chính quyền Quốc Dân Đảng. Đảng Dân Tiến, của cựu
Tổng thống Trần Thủy Biển, với lập trường đòi «
độc lập », đã thu hút được rất nhiều ủng hộ của cử tri.
Nhưng thế nào là « độc lập », theo quan
niệm của cử tri Đài Loan ? Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Françoise Mengin nhận
xét :
« Tôi cho rằng, cần phải nói rõ với
thính giả về hàm nghĩa của từ chủ trương ‘‘độc lập’’ ở Đài Loan. Từ này có
nhiều nghĩa. Có những người chủ trương độc lập cứng rắn. Họ ủng hộ việc tuyên
bố độc lập triệt để, công khai cho Đài Loan.
Tuy
nhiên, đa số những người có quan điểm độc lập biết rằng mong muốn này không thể
trở thành hiện thực. Điều đó có nghĩa là chủ trương độc lập cho Đài Loan đồng
nghĩa với duy trì nguyên trạng, và với một quan hệ chủ động hơn với Trung Quốc.
Nếu bà Thái đắc cử, nếu bà có được đa số trong Nghị viện, Bà Thái sẽ không lật ngược
lại 23 thỏa thuận đã ký với Trung Quốc. Tân tổng thống Đài Loan sẽ nỗ lực tiếp
tục thương lượng với Trung Quốc, một cách minh bạch hơn, đây là điều mà chính
quyền Mã Anh Cửu đã hoàn toàn không thực hiện trong suốt 8 năm cầm quyền ».
Nhà nghiên cứu Alice Ekman cho biết rõ hơn không khí tại chỗ :
« Hiện tại Đài Loan ở trong một tình trạng mập mờ. Một
mặt Đài Loan không tuyên bố độc lập, nhưng mặt khác, Đài Loan xích gần lại với
Trung Quốc với thỏa thuận 2010. Vấn đề đối với Đài Loan giờ đây là làm thế nào
để không quá bị phụ thuộc vào Trung Quốc, mặt khác, có thể khôi phục lại kinh
tế….
Nếu
tham dự các cuộc tập hợp chính trị hiện nay tại Đài Loan, có thể thấy Trung Quốc
là chủ đề ngầm ẩn, nhưng trung tâm các thảo luận vẫn là các vấn đề kinh tế, xã
hội liên quan đến đời sống hàng ngày như lương bổng, việc làm của thanh niên có
bằng cấp, giá bất động sản…
Ứng
cử viên tổng thống Thái Anh Văn rất thận trọng trong việc đưa ra quan điểm về
Trung Quốc, bởi đây là một vấn đề gây phân hóa rất lớn, không chỉ trong xã hội
Đài Loan nói chung, mà còn trong chính đảng Dân Tiến của bà.
Bà
Thái Anh Văn tranh cử trong bối cảnh được tỉ lệ cử tri ủng hộ cao hơn nhiều so
với đối thủ. Bà Thái biết rằng, nếu cứ tiếp tục đà này bà sẽ thắng cử. Không
nêu rõ quan điểm về các chủ đề nhạy cảm như quan hệ với Trung Quốc là sự lựa
chọn của ứng cử viên đảng Dân Tiến.
Bên
cạnh đó, đảng Dân Tiến cũng tranh cử trong liên minh với một đảng mới nổi lên,
đang thu hút ngày càng nhiều sự ủng hộ của cử tri. Đó là đảng Quyền lực mới
(tên tiếng Anh là « New Power Party »), nổi lên từ phong trào sinh viên Hoa
Hướng Dương, phản đối thỏa thuận tự do mậu dịch của chính quyền Mã Anh Cửu với
Bắc Kinh, phản đối cách thức tiến hành thương lượng. Tham gia đảng này có nhiều
lãnh đạo thanh niên, sinh viên, giảng viên đại học, trong đó có những gương mặt
rất thu hút, như nghệ sĩ rock Lâm Sưởng Tá/Lin Changzuo (tức Freddy Lim) ».
Nền
dân chủ, sức mạnh của bản sắc Đài Loan
Để hiểu sâu hơn thái độ của người dân Đài Loan về quan hệ với
Trung Quốc, kết quả thăm dò dư luận sau đây cung cấp một chìa khóa. Theo một
nghiên cứu mới đây của Trung tâm nghiên cứu xã hội, thuộc Viện hàn lâm khoa học
Đài Loan, 46% người Đài Loan muốn độc lập, 37% muốn một giải pháp trung dung,
tức là duy trì nguyên trạng, chỉ có 7% muốn thống nhất với Trung Quốc. Tuy
nhiên, vẫn theo cuộc điều tra này, khi hỏi về tương lai của Đài Loan, thì lại
có đến 49,7% tiên đoán rốt cuộc Đài Loan sẽ thống nhất với Trung Quốc, và chỉ
có 35% nghĩ rằng Đài Loan sẽ độc lập. Tại sao lại có sự khác biệt lớn như vậy ?
Nhà nghiên cứu Emmanuel Dubois giải thích :
« Có một mâu thuẫn như vậy. Đây là
điều mà một số nhà nghiên cứu đã nêu lên : Mâu thuẫn giữa mong muốn riêng tư và
việc dự báo khả năng sẽ xảy ra. Trong xã hội Đài Loan, đây đó có một cảm nhận
khá bi quan về tương lai của Đài Loan : Nhiều người cho rằng Trung Quốc rồi sẽ
thực hiện được các mục tiêu của họ.
Trong
khi đó, về mặt quan niệm riêng của mỗi người, cảm nhận về ‘‘bản sắc’’ Đài Loan
– nếu chúng ta có thể nói như vậy – đang ngày càng trở nên mạnh mẽ. Mâu thuẫn
này khiến cho các thách thức với bà Thái Anh Văn trở nên phức tạp hơn.
Bà
Thái Anh Văn ngày càng đứng ở vị trí trung tâm của bàn cờ chính trị Đài Loan.
Một bên của bà là những người muốn sáp gần lại với Trung Quốc hơn nữa, họ có
thể có những vận động chính trị mới. Ở bên kia là những hoạt động đấu tranh
chính trị mới cho một Đài Loan độc lập đang hình thành, hiện đang được kết tinh
trong uy tín đang lên của đảng New Power. Một phong trào chính trị chịu ảnh
hưởng nhiều của phong trào Podemos, Tây Ban Nha, như chính nhà lãnh đạo phong
trào này khẳng định. Phong trào này có thái độ ngờ vực đối với giới chính trị,
và điều này sẽ có hại cả cho đảng Dân Tiến, vốn là đồng minh của đảng Quyền lực
mới. Đây là một liên minh rất khó khăn cho Dân Tiến, nếu đảng này không giành
được đa số tuyệt đối trong Nghị viện mới ».
Nói đến chủ trương sáp gần, hay cải thiện quan hệ giữa Đài Loan và
Trung Quốc, của chính quyền Quốc Dân Đảng, nhà nghiên cứu Françoise Mengin muốn
đối chiếu với thực tế kinh tế, và cụ thể là những đối tượng được hưởng lợi từ
chính sách này.
« Cần phải làm rõ việc ‘‘cải thiện
quan hệ’’ với Trung Quốc có nghĩa cụ thể như thế nào ? Trên thực tế, mọi quan
hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan, hoàn toàn bị cắt đứt, bị cấm trong thời gian
trước khi dân chủ hóa, tức cuối thập niên 80 và đầu 90. Vào thời điểm đó, có
một làn sóng di chuyển một phần quan trọng công nghiệp Đài Loan sang Trung
Quốc, trong lúc mà giữa Bắc Kinh và Đài Bắc hoàn toàn không có đối thoại.
Một
khi làn sóng dịch chuyển này được hoàn tất, Quốc Dân Đảng trở lại nắm quyền vào
năm 2008, vào thời điểm đó, Tổng thống Mã Anh Cửu đã ký kết với Trung Quốc tổng
cộng 23 thỏa thuận, trong khoảng thời gian 6 năm, 7 năm. Chúng ta có thể đặt
câu hỏi về ý nghĩa của các thỏa thuận nói trên vào thời điểm mà các doanh
nghiệp Đài Loan đã chấm dứt hoạt động chuyển dịch sang Trung Quốc, và ngay vào
lúc mà các điều kiện đầu tư vào Trung Quốc đã trở nên kém đi….
Khi
nói đến chính sách cải thiện quan hệ với Trung Quốc, cần phải nhấn mạnh đến
việc, các thế lực được hưởng lợi từ quan hệ này chủ yếu là các tập đoàn lớn.
Đây là điều khiến ông Mã Anh Cửu bị mất uy tín mạnh. Đại đa số người Đài Loan,
đặc biệt là tầng lớp trung lưu, không được hưởng lợi gì từ quan hệ với Trung
Quốc trong hai nhiệm kỳ của ông Mã Anh Cửu ».
Cho dù tác động hết sức thiên lệch của chính sách thân Bắc Kinh,
cũng phải ghi nhận rằng, trong thời gian qua việc đi lại giữa hai bờ eo biển
Đài Loan đã gia tăng mạnh mẽ, với hiện tại hơn 800 chuyến bay mỗi tuần, trong
khi trước đó 10 năm, không hề có chuyến bay nào. Bên cạnh đó, Trung Quốc thu
hút đến 39% lượng hàng xuất khẩu của Đài Loan, với tổng số 130 tỷ đô la trao
đổi thương mại song phương trong năm 2014. Cùng với du lịch là sự phát triển của
các hoạt động giao lưu, trao đổi, trong giới nghiên cứu, đại học.
Chuyên gia về Trung Quốc Alice Ekman ghi nhận một thực trạng khá
mâu thuẫn. Đó là « một mặt giới trẻ Đài Loan cảm thấy
xa rời với Trung Quốc, mặt khác, cơ hội làm ăn với Trung Quốc cũng là điều hấp
dẫn họ ». Tuy nhiên « về mặt bản sắc, thế hệ trẻ hiện nay
khẳng định là người Đài Loan, khác hẳn với cha mẹ họ », vốn là
những người di cư từ Trung Quốc.
Nhưng vẫn theo chuyên gia Alice Ekman, những thay đổi của giới trẻ
không đủ để mang lại ngay những thay đổi trong các quyết định chính trị, «
bởi giới tinh hoa xã hội Đài Loan hiện nay vẫn mang tính đẳng cấp rất cao,
những người nắm quyền đều ở lứa tuổi khá cao. Rất nhiều người thuộc giới tinh
hoa chính trị, kinh tế, đại học sinh tại Trung Quốc, cảm nhận mình là người
Trung Quốc. Không phải tất cả những người này đều ủng hộ quan điểm xích gần lại
với Trung Quốc, nhưng họ đều có quan hệ riêng tư với Trung Quốc ».
Dù sao thì giới trẻ Đài Loan hiện đang hướng đến một chủ nghĩa
quốc gia mới mang tính công dân (new civic nationalism), theo
nhận xét của Michael Turton, một blogger chuyên về chính trị Đài Loan. Và trong
khi sự gắn bó về văn hóa với Trung Quốc là quan trọng, thì đối với lớp trẻ « hệ
thống dân chủ của hòn đảo là bản sắc chính của họ » (bài «Quốc
Dân Đảng đánh mất thế hệ trẻ», của Ellis Liang,
The
Wall Street Journal, ngày 11/01/2015).
Theo một thăm dò dư luận
tháng 12/2015, 59% thanh niên tuổi từ 20-29 ủng hộ đảng Dân Tiến, chỉ có 11%
theo Quốc Dân Đảng.
Đài
Loan không phải là khủng hoảng số một của Bắc Kinh
Về triển vọng quan hệ của Đài Loan hậu bầu cử, chuyên gia Emmanuel
Dubois nhận xét :
« Có một điều chắc chắn là bà Thái Anh Văn không hề giấu
giếm ý định tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, đặc biệt là các nước
Đông Nam Á. Tôi cũng cho rằng quan hệ với Nhật Bản hy vọng sẽ được cải thiện
hơn dưới thời Tổng thống Mã Anh Cửu, cho dù thời kỳ này cũng đã tốt.
Quan
hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan cũng chắc sẽ không bị cuộc bầu cử này ảnh hưởng, vì
khác với bầu cử năm 2012, Hoa Kỳ đã hết sức thận trọng, không thể hiện bất cứ
thiên vị nào đối với ứng cử viên hai đảng lớn. Washington đã dành cho hai ứng
cử viên một sự tiếp đón như nhau, có thể gọi là ‘‘về mặt ngoại giao’’. (…)
Có
một điểm đáng chú ý là khoảng thời gian từ cuộc bầu cử này đến khi tân tổng
thống chính thức nhậm chức, ngày 20/05/2016, là khá dài. Từ đây đến đó, chúng ta
chắc chắn sẽ có dịp để theo dõi các phản ứng của Trung Quốc về cuộc bầu cử này.
Nhưng
điểm đặc biệt là bài diễn văn nhậm chức của tân tổng thống Thái Anh Văn ngày
20/05. Tân Tổng thống sẽ thể hiện thái độ như thế nào với Trung Quốc, điều mà
cho đến nay bà tỏ ra không rõ ràng ».
Về phần mình, nhà nghiên cứu về Trung Quốc Alice Ekman dự đoán
căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ gia tăng, nhưng chỉ là tương đối, vì
một số lý do sau :
« Thứ nhất là, lập trường của đảng Dân
Tiến hiện nay sẽ khác với đảng Dân Tiến trước đây, trước hết vì lý do tính cách
của nhà lãnh đạo. So với cựu Tổng thống Trần Thủy Biển, bà Thái Anh Văn là
người ôn hòa hơn, lạnh hơn trong các phát biểu. Tôi không muốn đưa ra một đánh
giá, nhưng theo tôi, bà Thái chắc sẽ là người thận trọng hơn trong quan hệ với
Trung Quốc.
Lý
do thứ hai là, Trung Quốc trong vòng 8 năm nay đã xây dựng nhiều quan hệ không
chính thức với giới tinh hoa Đài Loan, về phía Quốc Dân Đảng, cũng như đảng Dân
Tiến. Nhiều kênh liên lạc được thiết lập, cho dù không được nêu ra công khai,
cả về phía Bắc Kinh, cũng như về phía đảng Dân Tiến.
Lý
do thứ ba là, cho dù Trung Quốc hiện nay đứng đầu là một lãnh đạo đầy quyền
lực, có quan điểm rõ ràng là sẽ thống nhất Đài Loan về dài hạn, Bắc Kinh hiện
nay phải đối mặt với rất nhiều khủng hoảng hoặc trong nước, hoặc trong khu vực.
Người ta nói đến Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng, các tranh chấp tại Biển Đông
và Hoa Đông, những khủng hoảng về môi trường, v .v. Danh sách thật dài !
Có
thể Đài Loan sẽ không phải là ưu tiên số một trong các khủng hoảng mà Trung
Quốc phải tìm cách giải quyết ».
***
Bà Thái Anh Văn, thủ lĩnh đảng Dân Tiến, đang trên đường trở thành
một nữ lãnh đạo quan trọng đầu tiên của thế giới Trung Hoa thời hiện đại, nếu không
có các diễn biến đảo lộn bất ngờ. Song song với bầu cử tổng thống là cuộc bầu
cử Nghị viện Đài Loan, diễn ra cùng ngày. Nếu Nghị viện thuộc quyền kiểm soát
của đảng Dân Tiến, đây sẽ là một bước ngoặt lịch sử đối với Đài Loan kể từ năm
1949. Việc nắm được cả nghị viện sẽ giúp cho các quyết định của lãnh đạo đảng
Dân Tiến không bị ngăn chặn như trong thời gian 8 năm ông Trần Thủy Biển làm
tổng thống.
Trong giới quan sát, rất nhiều người lo ngại tương lai Đài Loan sẽ
rơi vào bất định, với chiến thắng của đảng Dân Tiến chủ trương độc lập, nhưng
cũng không ít người tin tưởng vào khả năng chèo lái của nữ lãnh đạo. Nền dân chủ
non trẻ Đài Loan đang bước vào độ tuổi trưởng thành, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều
tác động tích cực tới người láng giềng bên kia eo biển, cùng chia sẻ một nền
văn hóa Trung Hoa.
Năm nay, chính quyền Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ long trọng kỷ niệm
150 năm ngày sinh lãnh tụ Tôn Dật Tiên, nhà cách mạng dân chủ, người khai sinh
Trung Hoa Dân Quốc, tức nước Cộng hòa Trung Hoa, cha đẻ của chủ nghĩa Tam Dân
(Dân tộc Độc lập, Dân quyền Tự do, Dân sinh Hạnh phúc). Liệu đây sẽ là một sự
tôn vinh thật sự, một cơ hội để chính quyền Trung Quốc thúc đẩy dân chủ hóa
trong hòa bình, trong hòa giải với người anh em bên kia eo biển, hay vẫn chỉ là
một thứ bánh vẽ mê hoặc dân chúng?
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching