BIỂN ĐÔNG - ASEAN -
Bài đăng : Thứ bảy 18 Tháng Giêng
2014 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 18 Tháng Giêng
2014
Việt Nam và Philippines nêu tranh chấp Biển Đông tại Hội nghị ASEAN
Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN tại Bagan, Miến Điện -Reuters / Pool
Trọng
Nghĩa RFI
Đúng như dự kiến, sau quyết định bị đánh giá là phi
pháp của tỉnh Hải Nam, đòi tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép Trung Quốc khi vào Biển Đông, hồ sơ Biển Đông đã được hai nước Việt Nam và Philippines nêu bật tại Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN, nhóm họp vào hôm qua, 17/01/2014, tại thành phố Bagan ở Miến Điện. Và cũng đúng như dự kiến, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã phản ứng rất thận trọng trước vấn đề được đánh giá là nhạy cảm này.
Bản thông cáo báo chí công bố sau cuộc họp của Ngoại trưởng 10 thành viên ASEAN đã xác nhận rằng vấn đề Biển Đông đã được đề cập đến khi cho biết : « Các Ngoại trưởng (ASEAN) bày tỏ thái độ quan ngại về những diễn biến gần đây trên Biển Đông, và kêu gọi tất cả các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. »
Theo bản thông cáo, các Ngoại trưởng Đông Nam Á « tiếp tục tái khẳng định nguyên tắc sáu điểm của ASEAN về Biển Đông và tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình
và ổn định, an ninh hàng hải, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông ».
Bản thông cáo không cho biết chi tiết cuộc họp, nhưng một số nguồn tin ngoại giao từ khối ASEAN đã xác định với hãng tin Nhật Bản Kyodo rằng ngoài việc nêu lên vấn đề Biển Đông, hai nước Việt Nam và Philippines cũng đã đề cập đến các động thái gần đây của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh cũng đang
tranh chấp với Tokyo vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Một cách cụ thể, đại diện Việt Nam và
Philippines đã bày tỏ thái độ quan ngại trước việc Trung Quốc gần đây đã áp đặt một vùng nhận dạng phòng không trên một khu vực rộng lớn tại Biển Hoa Đông, và trước các dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có kế hoạch làm như vậy ở Biển Đông.
Theo báo chí Việt Nam, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh đến trách nhiệm chung về « bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an
toàn và tự do hàng hải ở biển Đông, nghiêm túc
tuân thủ luật pháp quốc tế… trong đó có việc thực hiện kiềm chế, không có hành động áp đặt làm phức tạp thêm tình hình ». Ngoại trưởng Việt Nam cũng cho rằng khu vực cần phải nỗ lực đi vào thương lượng thực chất để sớm đạt được một bộ Quy tắc Ứng xử về Biển Đông.
Về phần mình, Ngoại trưởng Philippines đã
có phát biểu mạnh mẽ hơn. Theo hãng tin Anh Reuters, ông Albert del
Rosario đã xác định rằng, quy định mới của Trung Quốc về ngư nghiệp trên Biển Đông, kèm theo với việc nước này tuyên bố thành lập khu nhận dạng phòng không
trên Biển Hoa Đông vào cuối năm ngoái đã khiến tình hình thêm
căng thẳng.
Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Philippines cho
rằng : « Rõ ràng là cộng thêm vào các biện pháp đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng và đe dọa sự ổn định của khu vực, những chuyển biến mới nhất (từ phía Trung Quốc) đã vi phạm quyền chính đáng trong khuôn khổ luật quốc tế của các quốc gia ven biển và các quốc gia khác… và một cách cụ thể hơn, đã vi phạm các nguyên tắc về tự do hàng hải và tự do bay qua không
phận. »
Đối với ông del Rosario,
những diễn biến kể trên có nguy cơ phá hoại nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử COC.
Lẽ dĩ nhiên, hội nghị Ngoại trưởng đầu tiên của ASEAN dưới quyền chủ tịch của Miến Điện, không chỉ bàn về Biển Đông. Trọng tâm cuộc họp được gói trọn trong chủ đề chung « Đoàn kết hướng tới một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng ».
BIỂN ĐÔNG -
Bài đăng : Thứ bảy 18 Tháng Giêng
2014 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 18 Tháng Giêng
2014
Philippines tố cáo Trung Quốc thôn tính Biển Đông bằng luật đánh cá
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao
Philippines, Raul Hernandez (Reuters)
Trọng
Nghĩa RFI
Một hôm sau khi nêu bật tại Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN vấn đề Trung Quốc ra quy định bắt buộc tàu cá nước ngoài phải xin phép khi vào hoạt động ở Biển Đông,
Philippines vào hôm nay 18/01/2014, tiếp tục tố cáo Bắc Kinh âm mưu thôn tính Biển Đông. Theo Manila, các quy định mới đây của tỉnh Hải Nam nằm trong một kế hoạch lâu dài nhằm chiếm hữu toàn bộ vùng Biển Đông.
Trong một thông cáo được AFP trích dẫn, phát ngôn viên
Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez xác định : « Luật về ngư nghiệp của tỉnh Hải Nam chỉ là một trong những biện pháp đơn phương của Trung Quốc nhằm áp đặt một sự thay đổi trong hiện trạng của khu vực, với mục đích thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền không thể tranh cãi (của Bắc Kinh) trên gần như toàn bộ Biển Đông ».
Vào lúc quan hệ giữa Trung Quốc với Philippines, Việt Nam và một số nước khác đang căng
thẳng trên vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, vào tháng 11 năm ngoái, tỉnh Hải Nam (miền nam Trung Quốc Hải) đã ngấm ngầm thông qua các
quy định hạn chế tàu cá nước ngoài tại các vùng mà Bắc Kinh cho là thuộc sở hữu của Trung Quốc ở Biển Đông.
Sau khi bị tiết lộ, quyết định trên đây – bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 – đã lập tức bị nhiều nước phản đối, từ các láng giềng như Việt Nam và
Philippines, đang tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, cho đến các nước ngoài khu vực như Hoa Kỳ hay Nhật Bản.
Yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông chồng chéo với các tuyên bố chủ quyền của năm quốc gia láng giềng. Ngoài Việt Nam và Philippines, các nước như Brunei và
Malaysia cũng đòi chủ quyền trên một phần của vùng Trường Sa, trong lúc
Đài Loan có yêu sách rộng khắp tương tự như Trung Quốc, nghĩa là trên
khoảng 80% diện tích Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines
vào hôm nay đã nhắc lại lời cáo buộc theo đó tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông là một hành động « vi phạm luật pháp quốc tế một cách thô thiển ». Theo ông
Hernadez, « Đó là vấn đề cốt lõi cần được giải quyết » và Trung Quốc nên chấp nhận để cho Tòa án trọng tài quốc tế phân xử.
Philippines là nước đã chính thức kiện Trung Quốc ra trước Liên Hiệp Quốc vào năm ngoái, về tính chất phi pháp của cái gọi là « đường chín đoạn » mà Trung Quốc dùng để xác định phạm vi chủ quyền của họ trên hầu hết Biển Đông, bao gồm cả vùng biển và hải đảo gần các nước láng giềng.
Philippines là nước đang bị Trung Quốc chĩa mũi dùi tấn công, cả trên mặt ngoại giao lẫn trên hiện trường Biển Đông mà Manila gọi là Biển Tây Philippines. Bãi ngầm Scaborough (ở gần bãi Macclefields
mà Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa) mà Philippines đòi chủ quyền đã bị Trung Quốc chiếm cứ trong thực tế từ sự cố tháng 04/2012.
Sau đó, Trung Quốc đã cho tàu thường xuyên túc trực gần bãi Ayungin - trong vùng quần đảo Trường Sa - bên trên
có một toán thủy quân lục chiến Philippines đồn trú. Báo chí Trung Quốc không ngần ngại đưa ra lời đe dọa là nước họ sẽ đánh chiếm bãi ngầm này, cũng như là đảo Thị Tứ, hòn đảo lớn thứ nhì trong vùng Trường Sa, hiện cũng do
Philippines trấn giữ.
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching