X

Monday, September 7, 2015

Trung Quốc đánh cược uy tín khi can thiệp thị trường


Trung Quốc đánh cược uy tín khi can thiệp thị trường

traders-4176-1440995714.jpg
Từ khi thị trường chứng khoán lao dốc giữa tháng 6, làm bốc hơi 5.000 tỷ USD vốn hóa,​ Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng rất nhiều biện pháp để cứu vãn.
Cách mới nhất là bắt giữ lãnh đạo công ty môi giới lớn nhất nước - Citic, một nhân viên Ủy ban Điều tiết Chứng khoán (CSRC) và một phóng viên tạp chí kinh tế Caijing với cáo buộc thao túng thị trường.

Theo Xinhua, các lãnh đạo Citic đã thừa nhận giao dịch nội gián. Phóng viên tên Wang Xiaolu cũng thừa nhận đưa tin sai khi cho biết CSRC đang cân nhắc ngừng hỗ trợ thị trường chứng khoán, gây ra sự hoảng loạn và hoang mang.

Chính phủ Trung Quốc còn can thiệp trực tiếp hơn, đề nghị các hãng môi giới góp thêm 100 tỷ NDT (15,7 tỷ USD) vào quỹ giải cứu chứng khoán. Trên thị trường tiền tệ, họ cũng tiêu tốn hàng trăm tỷ USD để bình ổn NDT, sau động thái phá giá NDT bất ngờ hôm 11/8. Ngày 25/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất lần thứ 5 trong năm nay.

Nhưng nhà đầu tư vẫn không cảm thấy thuyết phục. Chỉ số Shanghai Composite đã mất 2,2% trong 3 ngày qua và đã mất 39% từ đỉnh tháng 6.
xi-jin-ping-8234-1441268254.jpg
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất 40% vốn hóa từ giữa tháng 6. Ảnh: Reuters
Chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn đang vật lộn việc vừa nới lỏng kiểm soát kinh tế, đồng thời vẫn phải đảm bảo ổn định và duy trì niềm tin của người dân. Cuộc chiến giữa bàn tay vô hình của thị trường và nắm đấm thép của Chính phủ đang tạo ra sự hoang mang và hỗn loạn, khiến Trung Quốc trở thành mối đe dọa lớn nhất của kinh tế và tài chính toàn cầu.

"Họ không biết phải làm thế nào với các thị trường này, và cũng chẳng hiểu mình đang làm gì. Đây là một trong những lý do thị trường toàn cầu bị bán tháo", Nicholas Field - chiến lược gia các thị trường mới nổi tại Schroders nhận xét.
Khi lên nắm quyền năm 2012, ông Tập đã thể hiện một tầm nhìn khác. Ông bắt giữ quan chức tham nhũng và thúc đẩy quá trình tái định hình tài chính toàn cầu, khi thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Khi nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ chậm nhất 25 năm, ông muốn để thị trường đóng vai trò lớn hơn, nhằm giải phóng tiềm năng cho đất nước. Nhà đầu tư nước ngoài cũng được cho phép tiếp cận thị trường chứng khoán Trung Quốc với quyền hạn chưa từng thấy. Thông qua việc thay đổi chính sách, các tuyên bố chính thức và phương tiện truyền thông nhà nước, Trung Quốc đã khuyến khích được người dân mua cổ phiếu. Số nhà đầu tư mới ngày một nhiều, rất đông trong số đó dùng tiền đi vay, đã kéo chỉ số Shanghai Composite tăng hơn 150% trong một năm.

Tuy nhiên, khi đà tăng nhờ vay nợ này đột ngột đổi chiều, khiến 90 triệu nhà đầu tư cá nhân tại Trung Quốc hoảng loạn, Chính phủ đã phải ra tay ngăn chặn, liều lĩnh với uy tín của chính mình. Họ ra lệnh cấm các cổ đông lớn bán ra, buộc các tổ chức quốc doanh phải mua vào và cho phép hơn nửa mã cổ phiếu ngừng giao dịch. Khi đà giảm vẫn chưa chấm dứt, việc NDT bị phá giá lại châm ngòi cho đà bán tháo tại các thị trường mới nổi, khiến chứng khoán toàn cầu bốc hơi 7.700 tỷ USD. PBOC từ đó cũng đã chi 3.700 tỷ USD dự trữ ngoại hối để bình ổn nội tệ.
Rất nhiều chuyên gia kinh tế và chiến lược gia cho rằng sự can thiệp này chỉ là tạm thời và các biện pháp cải tổ rồi cũng sẽ được thực hiện khi tình hình lắng dịu. "Họ sẽ không quay về thời kỳ toàn bộ quyền lực tập trung về tay Nhà nước nữa đâu. Họ sẽ đi theo hướng thị trường, nhưng rõ ràng sự kiện này là một bước lùi", Clement Miller - chiến lược gia đầu tư tại Wilmington Trust nhận xét.

Phản ứng của Trung Quốc đã xóa bỏ quan niệm lâu nay rằng Chính phủ nước này luôn kiểm soát tốt nền kinh tế và biết cách duy trì sự ổn định. Kể cả khi Trung Quốc cho phép thị trường có ảnh hưởng lớn hơn và chào đón nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường chứng khoán, họ vẫn lúng túng trong các vấn đề xử lý khủng hoảng và truyền thông với công chúng.

Nhà đầu tư nhận được những tín hiệu trái chiều về ý đồ của Chính phủ, rất nhiều người không hiểu liệu các biện pháp giải cứu là để hỗ trợ các mức giá cổ phiếu nhất định nào đó hay chỉ đơn giản là giảm biến động trên thị trường? Liệu Chính phủ có thực sự muốn NDT trở thành đồng tiền được tự do giao dịch trên toàn cầu như tuyên bố hay không? Tại sao Ngân hàng trung ương lại can thiệp quá sớm để hỗ trợ tỷ giá khi vừa mới phá giá như thế? "Sự can thiệp này đang đe dọa uy tín của Trung Quốc trong vai trò một thị trường đầu tư hợp lý", Miller nhận xét.

Có rất ít tín hiệu cho thấy sự biến động này sẽ sớm kết thúc. Mà kể cả có chấm dứt, cổ phiếu tại Thượng Hải cũng vẫn còn rất đắt đỏ. Với hệ số giá trên lợi nhuận (P/E) là 24, các cổ phiếu này đắt gần gấp rưỡi các mã trong S&P 500 của Mỹ.
Trên thị trường ngoại hối, nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị tinh thần cho việc NDT giảm giá thêm nữa, do các số liệu mới nhất về sản xuất và xuất khẩu có thể sẽ cho thấy kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Các hợp đồng kỳ hạn NDT cho thấy nhà đầu tư dự báo đồng tiền này sẽ mất giá 4% trong một năm tới.

Michael Wang - chiến lược gia tại quỹ đầu tư Amiya Capital cho rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ phải học cách sống chung với biến động - hệ quả tự nhiên của việc giải phóng các yếu tố thị trường. "Họ nhận ra rằng việc này khó khăn hơn mình nghĩ, và đang dần rút lại chiến lược can thiệp mạnh tay. Nhưng niềm tin của thị trường thì đã sứt mẻ rồi", Wang nhận xét.
 (theo Bloomberg)



__._,_.___

Posted by: truc nguyen 

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts