Mỹ vẫn tiếp tục lãnh đạo thế giới
Simon Johnson
Phạm Nguyên Trường dịch
Các báo cáo về cái chết của sức mạnh Mỹ thường bị phóng đại rất
nhiều.
Trong những năm 1950, Liên Xô được cho là đã vượt qua Mỹ; hiện nay, Liên
Xô đã không còn. Trong những năm 1980, Nhật Bản đã được coi là sắp sửa vượt mặt
Mỹ; hiện nay, sau hơn hai thập kỷ trì trệ, không có ai nghĩ đến kịch bản này
một cách nghiêm túc nữa. Và trong những năm 1990, liên minh tiền tệ được coi là
có khả năng đưa châu Âu lên vị trí nổi bật hơn; hiện nay, các nền kinh tế châu
Âu thường xuyên trở thành đầu đề của báo chí thế giới, nhưng không phải theo
khía cạnh tốt.
Bây giờ đến lượt Trung Quốc. Cho đến gần đây, nhiều người cho rằng Trung Quốc đã sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo thế giới, đấy là nói nếu nước này chưa thực sự giữ vai trò như thế. Hôm nay, những nghi ngờ về triển vọng trong dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc đang làm náo động thị trường chứng khoán trên toàn thế giới (trong đó có cả thị trường Mỹ).
Những vấn đề của Trung Quốc và chính sách kinh tế của nước này,
trong đó có biện pháp quản lý tỷ giá hối đoái, cần phải được xem xét một cách
nghiêm túc. Nhưng Trung Quốc không lãnh đạo thế giới và cũng sẽ không làm được
chuyện đó trong tương lai gần. Vẫn chi có Mỹ mới đủ khả năng lãnh đạo thế giới
– tin hay không thì cũng thế.
Trung Quốc, như một siêu cường thế giới được xem xét một cách
nghiêm túc nhất trong tác phẩm thuộc hàng sest-seller Eclipse: Living in the
Shadow of China’s Economic Dominance (tạm dịch: Nhật thực: Sống dưới cái bóng
của nền kinh tế Trung Quốc) của Arvind Subramanian, xuất bản năm 2011. (Tác giả
hiện là cố vấn trưởng về kinh tế ở Bộ Tài chính Ấn Độ, và tôi là đồng nghiệp và
đôi khi các đồng tác giả với ông ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.)
Người ta hy vọng rằng chính phủ Ấn Độ sẽ chú ý đến báo cáo của
Subramanian về cách thức Trung Quốc tăng trưởng thông qua xuất khẩu hàng hóa
chế tạo và cải thiện năng suất lao động trong những lĩnh vực liên quan. Trung
Quốc đã hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu – sản xuất tất cả hàng hóa cho các
công ty khác – trên quy mô mà trước đây không ai có thể tưởng tượng được và các
nhà quản lý Trung Quốc đã học được những biện pháp để làm ra sản phẩm tốt hơn.
Nhưng những kinh nghiệm khác của Trung Quốc thì không được tốt như
thế. Trong những năm 2000, Trung Quốc có những khoản thặng dư tài khoản vãng
lai rất lớn và đã tích lũy được khoản dự trữ ngoại tệ cực kỳ lớn – trong đó,
những khoản nợ của kho bạc Mỹ đã là mấy ngàn tỷ USD. Mặc dù trên giấy thì đây
là khoản tiền làm người ta choáng váng, nhưng khoản dự trữ lớn như thế thực
chất là vô dụng. Nếu Trung Quốc bán tài sản của họ ở Mỹ, đồng USD sẽ yếu đi và
các công ty Mỹ sẽ dễ xuất khẩu và dễ cạnh tranh với hàng nhập khẩu hơn.
Nhưng những lo lắng của người Mỹ về việc đang bị người ta qua mặt
thì không phải là mới. Cuối những năm 1980, nhiều người đã tỏ ra lo lắng khi
một công ty Nhật Bản mua New York City’s Rockefeller Center. Nhìn lại, đó là
một trong những sự kiện lớn nhưng không gây ra bất kỳ hậu quả nào của thế kỷ
XX. Tương tự như vậy, người Mỹ rất có thể sẽ nhìn lại khoản tiền mà chính phủ
Mỹ nợ Trung Quốc và chỉ đơn giản là nhún vai.
Vấn đề lớn hơn là chính sách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc. Trong
một thời gian dài, Trung Quốc ngăn không để đồng nhân dân tệ bị định giá quá
cao – và đây là chính sách tốt, như công trình nghiên cứu của Subramanian khẳng
định. Nhưng trong những năm 2000, Trung Quốc đã đi quá xa. Vì những lý do đó
vẫn còn đang được tranh luận, đồng nhân dân tệ bị đánh giá quá thấp; kim ngạch
xuất khẩu lớn hơn hẳn nhập khẩu và thặng dư tài khoản vãng lai đạt hơn 10% GDP.
Đáng lẽ để cho đồng nhân dân tệ được đánh giá cao hơn, giảm dần sự phụ thuộc
vào xuất khẩu, các nhà chức trách Trung Quốc lại thích tích lũy dự trữ ngoại
hối (những khoản nợ của Kho bạc Mỹ).
Bây giờ Trung Quốc phải tìm biện pháp duy trì tăng trưởng trong
khi nhu cầu của thế giới giảm. Quay lại tỷ giá hối đoái được định giá thấp một
cách đáng kể gần như chắc chắn sẽ kích hoạt phản ứng của quốc tế, trong đó có
phản ứng của quốc hội Mỹ. Nhưng đột ngột chuyển sang tăng trưởng nhằm đáp ứng
nhu cầu tiêu dùng trong nước là việc không dễ dàng. Trung Quốc sẽ không sụp đổ
(đây không phải là Liên Xô) và nước này cũng khó có khả năng rơi vào tình trạng
trì trệ theo kiểu Nhật Bản. Nhưng Trung Quốc đang già đi nhanh chóng – và có
thể trở thành già nua trước khi trở nên giàu có.
Thập niên nào cũng có những người dự đoán sự cáo chung của quyền
lực Mỹ. Và có một số lý do để lo ngại – đặc biệt là khi một số chính khách Mỹ
không thừa nhận bản chất của vai trò toàn cầu của Mỹ. Ví dụ, 70 năm trước đây,
Mỹ đã dựng lên hệ thống thương mại và tiền tệ của thế giới, nhưng bây giờ các
đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội không chịu hỗ trợ cho những thay đổi ở IMF –
trong đó có những cải cách nhạy cảm mà hầu như tất cả các nước khác đều ủng hộ.
Tuy nhiên, Mỹ hiện đang thúc đẩy tự do thương mại hơn nữa giữa các
nước khu vực Thái Bình Dương và giảm đáng kể những rào cản thương mại với châu
Âu. Nếu Mỹ có những quy tắc đúng – ủng hộ những công dân bình thường, chứ không
phải là ủng hộ những tập đoàn tự tung tự tác – những sáng kiến trong lĩnh vực thương
mại của nước này sẽ tạo ra những đóng góp lớn cho tăng trưởng toàn cầu và sự
thịnh vượng của chính mình.
Tương tự như vậy, trong lĩnh vực chính sách tiền tệ, vấn đề lớn
đối với thế giới trong những năm tới là khi nào thì Cục dự trữ liên bang (FED)
sẽ tăng lãi suất và tăng bao nhiêu. Khi các quan chức trong lĩnh vực tiền tệ
tập trung về dự hội nghị Jackson Hole hàng năm, họ sẽ xem xét rất nhiều nhân tố
có liên quan của nền kinh tế thế giới. Nhưng Ủy ban thị trường mở liên bang
(Federal Open Market Committee), tức là cơ quan đưa ra chính sách, sẽ thay đổi
lãi suất dựa gần như hoàn toàn vào cách hiểu của họ về tình hình kinh tế Mỹ.
Một lần nữa, những nước khác trên thế giới sẽ phản ứng với biện pháp mà Mỹ đưa
ra.
———————————————————
Simon Johnson, một cựu kinh tế trưởng của IMF, giáo sư tại MIT
Sloan, cộng tác viên cao cấp ở Peterson Institute for International Economics,
và đồng sáng lập blog The Baseline Scenario hàng đầu về kinh tế học. Ông là
đồng tác giả, cùng James Kwak, cuốn White House Burning: The Founding Fathers,
Our National Debt, and Why It Matters to You.
_
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching