X

Friday, September 13, 2013

Một siêu cường mệt mỏi?


 

Một siêu cường mệt mỏi?


Việt-Long, RFA
2013-09-12

Email

Ý kiến của Bạn

Chia sẻ

In trang này


VTGTT091113.mp3 Phần âm thanhTải xuống âm thanh

moskva-cruiser

"Sát thủ hàng không mẫu hạm" soái hạm Moskva của hạm đội Hắc hải đang trên đường tới Syria

Photo red-star.org

Nước Mỹ thở phào?


Cả nước Mỹ được giải toà căng thẳng từ trước 9 giờ 15 tối hôm thứ ba, 10 tháng 9, 2013, khi Tổng thống Obama nói chuyện với quốc dân về vấn đề Syria.

Nhiều người thấy tâm tư thoải mái hẳn ra khi nước Mỹ và Syria tránh được một cuộc xung đột quân sự mà chắc chắn chế độ al-Assad phải gánh chịu tổn thất nặng nề; Hoa Kỳ cũng phải tốn kém ngân quỹ và hao tổn tâm lực, không tránh khỏi một số tổn thất nào đó về binh lực, vũ khí, phương tiện chiến tranh, lại còn gây thêm chia rẽ trong nội bộ chính trị và xã hội ngay tại nước Mỹ.

Ý chính của bài diễn văn của Tổng thống Obama nói với công chúng Hoa Kỳ có thể được tóm tắt là Hoa Kỳ chấp thuận giải pháp ngoại giao quốc tế do Moskva đề nghị và Syria ưng thuận thi hành, đồng thời Mỹ hoãn thi hành cuộc tấn công quân sự có giới hạn và thời hạn; Tổng thống Obama yêu cầu quốc hội hoãn cuộc biểu quyết về hành động quân sự đối với Syria, nhưng kêu gọi quốc hội và người dân hãy sẵn sàng ủng hộ hành động ấy nếu cần thiết sau này.

Tổng thống Obama không quên nhấn mạnh rằng chế độ al-Assad đã phải chấp nhận giải pháp của do người Nga đề nghị là vì áp lực quân sự của Hoa Kỳ, và ông quyết định sẽ duy trì áp lực đó trong khi theo dõi chặt chẽ kế hoạch ngoại giao để giải thể vũ khí hạt nhân của Syria.

Tổng thống Barack Obama biện minh cho hành động quân sự được treo lơ lửng trên bầu trời Syria bằng lời kết luận đầy hào nhoáng: "Hoa Kỳ không phải là cảnh sát của thế giới. Những sự kiện tồi tệ xảy ra khắp quả địa cầu, và vượt quá sức của nước Mỹ để sửa chữa tất cả sai trái. Nhưng khi nào, với những nỗ lực khiêm tốn và nguy cơ ít ỏi, mà Hoa Kỳ có thể chặn được việc trẻ em bị đánh hơi độc đến chết để nhờ thế giữ cho trẻ em nước Mỹ được an toàn hơn, thì tôi tin rằng chúng ta phải hành động. Việc đó giúp người Mỹ trở nên khác thường. Với sự khiêm tốn nhưng với quyết tâm, chúng ta đừng bao giờ rời mắt khỏi sự thật thiết yếu đó."

Uy thế của nước Mỹ?  


us-president


Tổng thống Barack Obama nói chuyện với quốc dân, 10 tháng 9, 2013 - Courtesy photo of the White House


Có nhiều ý kiến khác nhau quanh bài diễn văn của Tổng thống Obama, mà công luận cho là quan trọng nhất trong hai nhiệm kỳ của ông.

Phần đông người dân Mỹ, hay có thể nói là hầu hết cả thế giới, hài lòng khi thấy đường lối hoà bình ló dạng. Nhưng ngược lại, nhìn vào cục diện ở Syria, người ta cho rằng ai cũng phải thấy phía bị thiệt thòi nhất là lực lượng kháng chiến mang tên "Đạo quân Tự do Syria".  Quân nổi dậy và người dân lành ở Syria đã chịu tổn thất vì vũ khí hoá học cùng với bao nhiêu bom đạn của chế độ Bashar al-Assad, nhưng nay kẻ sát nhân chỉ cần hứa hẹn buông súng và giao nạp vũ khí là được tiếp tục cai trị, không bị chế tài gì khác.

Tổng thống Obama đã hai lần nhắc lại rằng nước Mỹ không làm nhiệm vụ cảnh sát của thế giới, cho nên người ta thấy bài diễn văn này là của một vị Tổng thống không muốn chiến tranh nói với người dân cũng không muốn chiến tranh. Ông Obama biện minh cho một hành động quân sự khả dĩ và kêu gọi quốc hội ủng hộ hành động đó, nhưng ông không thực sự muốn thi hành biện pháp quân sự ấy.

Vì vậy nước Mỹ vẫn đứng trong một vị thế gay go. Tổng thống Mỹ đã hai lần tuyên bố Al-Assad phải ra đi, nhưng lãnh tụ độc tài vẫn nguyên vị, mà có vẻ còn tại vị lâu dài thêm. Tổng thống Mỹ tuyên bố Al Assad phải bị trừng phạt, nhưng kẻ độc tài vẫn nguyên lành không suy suyển. Phải chăng uy tín của nước Mỹ đã suy yếu?

Giải pháp ngoại giao cần chiếm ưu tiên trong chính sách, nhưng chính Tổng thống Obama đã tự đưa mình vào chỗ bí khi tuyên bố mạnh mẽ về chế độ Al-Assad mà không cân nhắc khả năng có thực hiện được điều tuyên bố đó hay không.

"Bất chiến tự nhiên thành"?


Ý kiến khác cho rằng Mỹ không phát động chiến tranh nhưng "bất chiến tự nhiện thành", Mỹ vẫn đạt được mục tiêu đề ra là Syria phải từ bỏ và giao nạp vũ khí hoá học. Cần lưu ý rằng trong diễn văn Tổng thống Obama cho biết sau những lần ông nói chuyện một cách xây dựng với Tổng thống Putin, thì Nga đã nêu ra sáng kiến đó. Và đó cũng là lúc Ngoại trưởng Kerry đã tuyên bố trước đó ở London rằng Mỹ có thể ngưng tấn công nếu Syria từ bỏ vũ khí hoá học, nhưng ông Kerry nói ngay ông không tin rằng Syria sẽ chịu từ bỏ, và điều đó không thể xảy ra. Như vậy đã có phần sáng kiến của Mỹ trong kế hoạch do Nga đề nghị mà Syria lập tức đáp ứng thuận lợi.

chem-weaps

Nạn nhân của vũ khì hoá học ở Syria- Photo courtesy of Human Rights Watch

Về quan niệm chiến tranh,  Tổng thống Obama nói thẳng là ông cho rằng nước Mỹ không nên đánh đổ một lãnh tụ độc tài nữa bẳng võ lực như ở Iraq, và từ cuộc chiến Iraq nước Mỹ đã hiểu ra là làm như vậy chỉ khiến Hoa Kỳ phải lãnh trách nhiệm về tất cả những gì xảy tới sau đó; nhưng một trận tấn công có nhắm tới mục tiêu chuyên biệt có thể làm cho Tổng thống Basher al-Assad hay bất kỳ kẻ độc tài nào khác phải suy nghĩ lại trước khi sử dụng vũ khí hoá học.

Liệu có cần phải lật đổ một chế độ độc tài bằng hành động quân sự thì mới xây dựng hay giữ vững được uy tín cho nước Mỹ chăng?

Trước hết người ta thấy Tổng thống Obama không từ bỏ giải pháp quân sự mà chỉ đình hoãn nó, khi ông nhấn mạnh rằng nhờ mối đe doạ quân sự nên chế độ Al-Assad mới thuận theo đề nghị của Liên Bang Nga là giao nạp vũ khí hoá học dưới sự kiểm soát quốc tế để tiêu huỷ nó.

Tổng thống Mỹ cũng nhắc là phải duy trì áp lực quân sự dù chấp nhận giải pháp của Moscow và theo dõi chặt chẽ kế hoạch thi hành giải pháp đó. Tổng thống Obama vẫn yêu cầu quốc hội ủng hộ hành động quân sự ở Syria để trợ lực cho giải pháp ngoại giao, và sẵn sàng sử dụng quân sự một khi kế hoạch ngoại giao quốc tế thất bại vì Syria lật lọng, dù rằng ông đang yêu cầu đình hoãn phiên họp thảo luận để biểu quyết về vấn đề này.  Nói cách khác, giải pháp quân sự vẫn còn nằm trên bàn giấy của Tổng thống Mỹ, như bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel nói hôm thứ ba, và các lực lượng quân sự Hoa Kỳ vẫn ở vị thế sẵn sàng tung ra cuộc tấn công. Tóm lại vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới có thể được bảo đảm bằng đường lối ngoại giao, không nhất thiết phải thực hiện một hành động quân sự, nhưng vẫn cần có sức mạnh quân sự sẵn sàng đi theo, phòng khi cần thiết.

Một điều quan trọng nữa, là uy tín của Tổng thống Obama đã được cứu vãn khi phiên họp của quốc hội thảo luận về cuộc tấn công Syria được đình hoãn.  Vì sao? Vì mọi người đều tin rằng qua phiên họp đó quốc hội sẽ biểu quyết không ủng hộ hành động chiến tranh ở Syria, và đó sẽ là lần đầu tiên sau khi cả lập pháp lẫn hành pháp Mỹ buông bỏ Việt Nam trong thập niên 1970, quốc hội Hoa Kỳ dứt khoát không đồng ý với việc Tổng thống Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh ở nước ngoài.

Một siêu cường mệt mỏi?


Thêm nữa, đây là lần đầu tiên kể từ chiến tranh Việt Nam, quốc hội và người dân Mỹ, nếu không phải là cả Tổng thống Mỹ, từ chối một cuộc chiến tranh ở nước ngoài, một cuộc chiến dù hạn chế cũng có đủ thời cơ đem lại ưu thế cho Hoa Kỳ và châu Âu đối với Liên Bang Nga về mặt chiến lược và địa chính trị ở khu vực xung yếu tại Trung đông. Khi chế độ thân Nga ở Syria bị tiêu diệt, thế chiến lược ở Trung đông sẽ có thể nghiêng hẳn về phía phương Tây, với căn cứ hải quân Nga ở Địa Trung hải phải rút về, khiến tàu chiến Nga khó lòng lui tới vùng này.

Căn cứ hải quân duy nhất của Nga ở Địa Trung hải là căn cứ Tartus trên bờ biển Syria, là căn cứ bảo trì và yểm trợ kỹ thuật duy nhất ở vùng này cho các chiến hạm Nga hoạt động nơi đây; năm 2008 từng chứa tới ba tàu ngầm nguyen tử của Nga và vài chiến hạm khác.  Hôm 26 tháng 6 thứ trưởng ngoại giao Nga loan báo Nga sẽ rút bỏ căn cứ này, nhưng ngay ngày hôm sau bộ quốc phòng Nga cải chính, nói rằng Tartus vẫn là căn cứ chính yếu của hải quân Nga ở Địa Trung hải.

Trong viễn ảnh cuộc tấn công của Hoa Kỳ được đình hoãn, nửa ngày trước bải diễn văn của Tổng thống Mỹ có tin Nga điều động đến Syria một lực lượng hải quân được coi là lớn nhất từ sau thời kỳ chiến tranh lạnh đến nay.  Hạm đội gồm một tàu khu trục, một tàu tuần dương và một tàu đồ bổ tấn công. Khu trục hạm Smetlivy, lớp Kashin, có hoả tiễn hành trình và ngư lôi điều khiển, rời Sevastopol ở Ukraine hôm thứ ba, trong khi tàu đổ bộ Nikolai Filchenko rời cảng Novorossiysk hôm thứ hai đem theo hàng tiếp liệu cho Syria để gặp tàu kia và cùng đi. Cùng lúc, tuần dương hạm Moskva, soái hạm của hạm đội Hắc hải, cũng trên đường đến Syria.  Tàu này được gọi là "sát thủ của hàng không mẫu hạm" vì có trang bị những hoả tiễn chuyên trách tiêu diệt tàu chiến lớn. Giới trách nhiệm ở Nga không nói đến mục đích cuộc hành quân, trong khi công luận nhận định rằng Nga đã thay đổi mục đích di tản người Nga ở Syria với nhiệm vụ ủng hộ tinh thần cho Syria, biểu diễn lực lượng chứng tỏ sẵn sàng yểm trợ Syria một khi hạm đội Hoa Kỳ khai hoả.

Việc này cho thấy Nga đã duy trì và tăng cường được vị thế chiến lược ở Trung Đông, Tây Âu, sau khi Moskva khai triển đúng lúc sáng kiến của Hoa Kỳ để nêu đề nghị về giải pháp ngoại giao, ngăn được cuộc tấn công quân sự có thể lật đổ chế độ Al-Assad.

Hoa Kỳ tung ra hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan với lý do "tấn công để phòng thủ" trước khả năng vũ khí nguyên tử của Iraq và những cuộc tấn công khủng bố của Al-Qaeda, tiêu diệt chế độ độc tài chống Mỹ, đã tăng cường vững chắc vị thế chiến lược và địa chính trị của Hoa Kỳ ở Trung đông, Nam Á. Nhưng đồng thời, tiềm lực kinh tế và quốc phòng của Hoa Kỳ cũng đã hao mòn đáng kể trong cuộc chiến bị kéo dài.

Thêm vào đó là cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới đến vừa đúng lúc, càng khiến siêu cường hàng đầu thế giới thêm mệt mỏi.  Phải chăng tình trạng ấy đã góp phần đưa đến tinh thần chống chiến tranh của người dân và chính quyền Hoa Kỳ, một siêu cường mà trước đây chưa từng ngần ngại trước hành động võ trang để mở rộng thị trường thương mại và vị thế chiến lược?    

smetlivy

Khu trục hạm Nga Smetlivi đang trên đường tới Syria ngày 12-9- 2013 - flot.sevastopol.org photo

Viễn ảnh của giải pháp ngoại giao


Hiện giờ Mỹ và phương Tây đang ráo riết vận động cho một nghị quyết Liên Hiệp Quốc về việc này, nhưng gặp phải sự mâu thuẫn từ phía Nga, khi Nga phản đối điều kiện của Mỹ và Pháp đòi hỏi một nghị quyết ràng buộc trách nhiệm rất nặng nề cho Syria nếu không tuân thủ kế hoạch giao nạp vũ khí hoá học.

Nga bác bỏ nghị quyết này vào trưa thứ ba, yêu cầu triệu tập khẩn cấp một phiên họp Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Ngoại trưởng Nga tuyên bố sự đe doạ quân sự để cưỡng hành giải pháp ngoại giao là điều không thể chấp nhận. Tổng thống Putin nói thoả thuận về vũ khí hoá học của Syria chỉ có hiệu quả nếu Hoa Kỳ và các nước khác cam kết từ bỏ kế  hoạch sử dụng võ lực với Syria.

Tuy nhiên sau cuộc điện đàm giữa hai ngoại trưởng Nga Mỹ chiều thứ ba, phía Nga bỏ yêu cầu về phiên họp khẩn cấp Hội đồng Bảo An, đồng ý sẽ nói chuyện thẳng với nhau ở Genève ngày thứ năm.

Một giới chức cao cấp của bộ ngoại giao Hoa Kỳ cho biết qua hội nghị đó Hoa Kỳ cần biết chắc kế hoạch do Nga đề nghị là kế hoạch toàn diện, có thể xác minh giữa cuộc nội chiến kéo dài, và quan trọng nhất là phải bao gồm những hậu quả cho Syria nếu xứ này không tuân thủ.

Những dữ kiện này cho thấy các bên, thực ra là hai phía, còn phải thương lượng gay go nhưng có triển vọng cuối cùng cũng tìm được chỗ thoả thuận để thi hành kế  hoạch đó, và Syria bắt buộc phải tuân thủ dưới áp lực của Hoa Kỳ và quốc tế.

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts