Liên Hiệp Quốc báo
động đe dọa khủng bố gia tăng
Lực lượng thánh chiến mang tên Nhà nước Hồi giáo
tại Trung Cận Đông.REUTERS
Hôm qua, 19/11/2014, Hội
Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp thảo luận các biện pháp chống khủng bố. Theo
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, các biện pháp quân sự thuần túy không
thể ngăn chặn được sự lan tỏa của các nhóm khủng bố. Cần phải chú ý đến các
điều kiện, môi trường thúc đẩy sự phát triển của các mạng lưới Hồi giáo cực
đoan.
Theo Hội Đồng Bảo An, mối đe dọa của khủng bố ngày càng gia tăng
và tác động đến nhiều quốc gia. Từ New York, thông tín viên RFI Karim Lebhour
tường trình :
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nhóm Boko Haram, Front al-Norsa… Theo
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, ngày càng xuất hiện nhiều tổ chức khủng bố với
mạng lưới tuyển mộ chiến binh được mở rộng.
Gần 15 ngàn chiến binh nước ngoài đã đến chiến đấu tại Syria và
Irak. Trong số này, có 376 chiến binh là người Pháp hoặc định cư tại Pháp. Phần
lớn những người này gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Irak. Theo
Liên Hiệp Quốc, số lượng chiến binh tới khu vực này không giảm.
Mặc dù cách nay hai tháng, Hội Đồng Bảo An đã thông qua một nghị
quyết nhằm ngăn chặn làn sóng chiến binh thánh chiến nước ngoài. Do vậy, các
nước cần phải theo dõi tốt hơn các công dân của mình tới khu vực này và các
quốc gia có biên giới chung với Syria, Irak, như Thổ Nhĩ Kỳ, cần phải ngăn chặn
làn sóng này.
Dường như nghị quyết này cho đến nay không có tác dụng. Hội Đồng
Bảo An đồng thời cũng lưu ý cần đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực chống nạn buôn dầu
lửa để ngăn chặn nguồn tài chính của các nhóm khủng bố.
Hội
Đồng Bảo An đã bổ sung vào danh sách đen của Liên Hiệp Quốc nhóm khủng bố Libya
Ansar al-Charia, hoạt động mạnh tại Benghazi. Các thành viên của nhóm này giờ
đây là đối tượng bị trừng phạt. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cũng thừa nhận là
những biện pháp trừng phạt có ít tác dụng đối với những nhóm khủng bố nhỏ,
không có tổ chức quy mô, phân cấp lãnh đạo. Quả thực là các biện pháp trừng
phạt mà Liên Hiệp Quốc vẫn thường áp dụng từ lâu nay, giờ đây tỏ ra không phù
hợp với những hình thức mới của khủng bố.
Mỹ vẫn theo sát tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện
Tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi
cùng bước vào phòng hội nghị © REUTERS /Aung Myin Yezaw
Nhiều dấu hiệu cho thấy
tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện được thúc đẩy trở lại. Vài ngày sau khi Ủy
ban bầu cử Miến Điện thông báo lịch bầu cử Quốc hội, Tổng thống Thein Sein
triệu tập thượng đỉnh chính trị gồm các tư lệnh quân binh chủng và sáu đảng
phái. Kết quả, các bên đồng thuận thảo luận tu chính Hiến pháp cho phép lbà
Aung San Suu Kyi tranh ghế Tổng thống năm 2015.
Thượng đỉnh chính trị tại Miến Điện khai mạc và kết thúc trong
ngày hôm nay 31/10/2014 tại thủ đô hành chánh Naypyidaw với một số dấu hiệu
khích lệ. Theo AFP, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi cùng với Tổng thống Thein
Sein song hành bước vào phòng đàm phán trước đám đông ký giả, phóng viên quốc
tế và quốc nội được mời.
Cuộc họp chỉ kéo dài có nửa ngày nhưng đã đạt được thỏa thuận cơ
bản là đưa một số điều khoản phản dân chủ của bản Hiến pháp ra thảo luận tại
nghị trường để sửa đổi.
Bản Hiến pháp được soạn thảo năm 2008, ba năm trước khi tập đoàn
quân sự rút lui, đã đặt nhiều chốt chận bảo vệ đặc quyền đặc lợi và cản đường
cải cách toàn diện. Một là cho phép quân đội dùng quyền phủ quyết ngăn chận mọi
nỗ lực tu chính Hiến pháp.
Hai là cấm công dân có vợ, chồng, con cái mang quốc tịch nước
ngoài tranh ghế tổng thống. Điều khoản này là nhắm vào cá nhân giải Nobel Hòa
bình 1991, lãnh đạo chính trị có uy tín hàng đầu trong và ngoài nước, bà Aung
San Suu Kyi.
Tất cả những nhân vật tham dự đàm phán do Tổng thống Thein Sein
triệu tập không đưa ra lời bình luận nào.
Tuy nhiên, phát ngôn viên phủ Tổng
thống Ye Htut nhận định khá lạc quan : cuộc đối thoại hôm nay là một « bước tiến khiêm tốn nhưng sẽ có tác
dụng rất quan trọng » và khả năng « sửa đổi các điều khoản sẽ được
thảo luận tại Quốc hội theo luật định ».
Sự kiện chính quyền Miến Điện tổ chức « thượng đỉnh chính trị »
ngày hôm nay không phải là chuyện ngẫu nhiên. Lịch trình bầu cử Quốc hội, vào
tháng 10 và tháng 11/ 2015, cũng vừa được thông báo để chứng minh con đường dân
chủ đang được tăng tốc.
Nhiều lý do thúc đẩy chế độ đưa ra những động thái tích cực trấn
an công luận. Về quan hệ quốc tế, vào giữa tháng 11, Miến Điện với tư cách là
nước chủ nhà sẽ đón tiếp hội nghị thượng đỉnh Asean và sẽ có sự tham dự của
Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trước khi đối thoại chính trị khai mạc, đích thân Tổng thống Mỹ đã
điện thoại với Tổng thống Miến Điện và lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi.
Với lãnh đạo đối lập, Barack Obama cho biết Hoa Kỳ sẽ làm gì để « hỗ trợ các nỗ lực phát huy không
gian chính trị cởi mở ». Với Tổng thống Miến Điện, chủ nhân
Nhà Trắng nhấn mạnh đến nhu cầu « tổ
chức bầu cử 2015 quang minh chính đại, đáng tin cậy và tự do ».
Với uy tín hiện nay của đối lập, Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ sẽ
chiếm đa số tại nghị trường và chắc chắn họ sẽ dồn phiếu cho bà Aung San Suu
Kyi lên làm Tổng thống.
Vấn đề đặt ra là liệu Quốc hội hiện nay của Miến Điện với đa số
đại biểu là quân nhân, xuất phát từ cuộc bầu cử 2010 bị tố là gian lận, có chấp
nhận tu chính các điều khoản trái dân chủ hay không ? Để gây áp lực, Liên Đoàn
Quốc Gia vì Dân Chủ đã thu thập được hơn 5 triệu chữ ký đòi tu chính Hiến pháp.
Về nội trị, bên trong guồng máy nhà nước cũng đang có những tranh
chấp quyền lực khốc liệt, mầm móng làm tăng căng thẳng trong nước.
Một trong những thất bại của chính quyền Thein Sein là thỏa thuận
ngưng bắn với các tổ chức đối lập võ trang vẫn không được bên nào tôn trọng.
Xung đột giữa Phật tử cực đoan và sắc tộc Rohingya cũng lên cực điểm làm hàng
trăm ngàn tín đồ đạo Hồi phải vượt biên lánh nạn.
Ẩn số hiện nay là liệu đối thoại chính trị vừa kết thúc với những
kết quả được xem là khích lệ sẽ đưa đến một giải pháp dung hòa khai thông tiến
trình dân chủ, đem lại ổn định xã hội và phát triển kinh tế hay không ?
Theo AFP, đối lập Miến Điện cũng như giới phân tích tây phương hy
vọng như thế. Tiến trình này đang được Washington theo dõi từng bước.
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching