X

Friday, November 14, 2014

Mỹ muốn thắt chặt thêm quan hệ với ASEAN trong chiến lược xoay trục


Đăng ngày 13-11-2014

Mỹ muốn thắt chặt thêm quan hệ với ASEAN trong chiến lược xoay trục

Thanh Phương
media
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ngày 13/11/2014 tại Naypyidaw (Miến Điện). Từ trái sang phải: Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Mỹ B. Obama, Thủ tướng Miến Điện Thein Sein.REUTERS/Damir Sagolj
Ngay sau cuộc họp thượng đỉnh Đông Á hôm nay, 13/11/2014 tại Nay Pyi Daw, tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo các quốc gia ASEAN. Ngay trong bài diễn văn khai mạc thượng đỉnh Đông Á sáng nay, tổng thống Obama đã tuyên bố Hoa Kỳ muốn thắt chặt quan hệ với khối Đông Nam Á, trong khuôn khổ chiến lược "xoay trục" sang châu Á.
Từ Nay Pyi Daw, đặc phái viên Thanh Phương tường trình
Tổng thống Obama đã từ Bắc Kinh đến Nay Pyi Daw vào chiều hôm qua với một phái đoàn hùng hậu và rất nhiều phóng viên đã đăng ký ra sân bay để quay phim chụp ảnh lúc máy bay của nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ đáp xuống sân bay quốc tế Nay Pyi Daw. Có đến hơn 1.300 phóng viên đến thủ đô Miến Điện lần này, tức là hơn gấp đôi so với cuộc họp thượng đỉnh ASEAN lần trước vào tháng 5 vừa qua ở Nay Pyi Daw. Sự có mặt đông đảo phóng viên phần lớn chính là do sự có mặt của tổng thống Obama.
Sự hiện diện của ông Obama tại Nay Pyi Daw càng đáng chú ý hơn nữa vì thượng đỉnh Đông Á vào năm ngoái, tổng thống Mỹ đã không thể đến dự, do khủng hoảng về ngân sách Hoa Kỳ. Lần này, ông Obama đến Miến Điện trong khuôn khổ một chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương ( Sau khi họp thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh và ASEAN ở Nay Pyi Daw, tổng thống Mỹ sẽ bay qua Sydney để dự cuộc họp các lãnh đạo nhóm G20 ). Lần này, ông Obama đến dự thượng đỉnh Đông Nam Á để khẳng định lại vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực trước đà bành trướng ngày càng mạnh của Trung Quốc.
Nói chung, mặc dù vị thế chính trị của ông trong nước đã suy yếu nhiều sau thắng lợi của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, nhưng ông Obama muốn chứng tỏ rằng trong hai năm cuối của nhiệm kỳ, ông vẫn còn đủ sức để cân bằng lại quan hệ với các nước châu Á, cho dù đang phải đối phó với lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Irak.
Mặt khác, cho dù ông Obama đến Nay Pyi Daw chính thức là để dự thượng đỉnh Đông Á, nhưng nguời ta đang chờ đợi tổng thống Mỹ sẽ nhân chuyến đi này để thúc đẩy chính quyền Miến Điện tiếp tục cải tổ dân chủ, trong bối cảnh mà tình hình nhân quyền tại nước này trong thời gian gần đây đã tồi tệ trở lại và Quốc hội Miến Điện đang xem xét việc tu chính Hiến pháp để lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi có thể ra tranh cử tổng thống. Chiếu tối nay, ông Obama sẽ gặp tổng thống Thein Sein tại Nay Pyi Daw và ngày mai, trước khi rời Miến Điện ông sẽ ghé qua Rangun để gặp bà Aung San Suu Kyi.
Obama đã tuyên bố những gì về quan hệ Mỹ-ASEAN ?
Mở đầu cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, tổng thống Obama đã khen ngợi ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của khối này và ông nhấn mạnh rằng mối quan hệ vững chắc giữa ASEAN với Hoa Kỳ là rất quan trọng. Ông Obama bảo đảm là Hoa Kỳ sẽ tăng cường quan hệ với khối Đông Nam Á. Tổng thống Mỹ cũng đã khen ngợi việc hai bên đã nâng cao quan hệ đối tác trong 6 năm qua và cho biết là hợp tác giữa Mỹ với ASEAN trên các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh, đối phó thiên tai sẽ tiếp tục trong những năm tới.
Đặc biệt, ông Obama tuyên bố rằng có rất nhiều cơ hội để thắt chặt hơn nữa quan hệ với Việt Nam và theo ông, hai nước có thể hợp tác trong các lĩnh vực thương mại an ninh và nhân quyền. Tổng thống Mỹ còn cho biết hai nước sẽ tiếp tục hợp tác trên vấn đề tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Chiều nay, ông Obama cũng đã gặp gỡ thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng bên lề thượng đỉnh ASEAN.
Về vấn đề Biển Đông, tuy không nhắc đến tên Trung Quốc, nhưng tổng thống Mỹ tuyên bố rằng tất cả các quốc gia nên giải quyết các tranh chấp chủ quyền theo luật quốc tế, hàm ý là không nên có những hành động vũ lực hoặc de doạ dùng vũ lực để áp đặt chủ quyền.
Thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ : những vấn đề được bàn thảo  ?
 Các lãnh đạo ASEAN - Hoa Kỳ đã bàn về việc gia tăng nỗ lực để thực hiện "Kế hoạch hành động về quan hệ đối tác ASEAN - Mỹ vì hòa bình và thịnh vượng". Họ cũng đã cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với nhau để bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, kể cả Biển Đông. Trong chiều hướng này, các lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ đồng ý với nhau là các quốc gia có vũ khí hạt nhân nhanh chóng ký kết Hiệp nước Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân SEANWFZ. Họ cũng đã thảo luận về hợp tác chống các mối đe dọa mới về an ninh, như bạo động của các chiến binh Hồi giáo cực đoan ngoại quốc, tội phạm trên mạng, biến đổi khí hậu, các dịch bệnh như Ebola, nạn buôn ma túy, buôn vũ khí và buôn người. Hai bên cũng cam kết sẽ hợp tác về bảo đảm an ninh hàng hải và đối phó thiên tai. Về giáo dục, các lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ quyết định sẽ đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ Chương trình Học bổng ASEAN-Mỹ.
Trung Quốc " phản công" như thế nào?
Như là để đáp lại những tuyên bố nói trên của Tổng thống Obama tại cuộc họp thượng đỉnh Đông Á sáng nay, thủ tướng Lý Khắc Cường đã đề nghị một hiệp ước "hữu nghị" với các nước Đông Nam Á, nhằm chứng tỏ rằng Trung Quốc không hề là một mối đe doạ với các nước trong khu vực. Nhưng ông Lý Khắc Cường nhắc lại rằng tranh chấp chủ quyền Biển Đông nên được giải quyết giữa các nước có liên quan, hơn là trong khuôn khổ đa phương hoặc qua một tòa án trọng tài. Sau đó, tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN- Trung Quốc, diễn ra ngay sau thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ, thủ tướng Lý Khắc Cường còn đề nghị với các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông tích cực thăm dò khả năng phát triển chung, cho đây là cách " thực tiễn và hiệu quả " để giải quyết các bất đồng.

Đăng ngày 13-11-2014

Tổng thống Mỹ chỉ trích Miến Điện thụt lùi về cải cách dân chủ

Đức Tâm
mediaTổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trong cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Naypyitaw, ngày 13/11/ 2014.REUTERS/Damir Sagolj
Ngay sau khi từ Bắc Kinh tới Naypyidaw, thủ đô Miến Điện, ngày hôm qua, 12/11/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích Miến Điện chậm cải cách, thậm chí thụt lùi về tự do báo chí, dân chủ hóa.
 
Trả lời phỏng vấn báo chí Miến Điện, Tổng thống Mỹ tuyên bố : « Trong một số lĩnh vực, cải cách đã bị chậm lại, thậm chí thụt lùi, quay trở lại tình hình như trước đây ».
Nguyên thủ Hoa Kỳ nêu ra các « ép buộc hạn chế » đối với cựu tù chính trị, các vụ « bắt giữ » nhà báo và cái chết gần đây của một phóng viên trong lúc bị quân đội giam giữ.
Tổng thống Obama còn đề cập đến tình hình chính trị tại Miến Điện, một năm trước khi có tổng tuyển cử trong bối cảnh Hiến pháp của nước này, kế thừa từ chế độ quân sự độc tài, ngăn cản lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử Tổng thống. Theo lãnh đạo Mỹ, « việc sửa đổi Hiến pháp phải phản ánh ý chí của người dân Miến Điện ».
Sau khi dự Thượng đỉnh Đông Á và ASEAN – Hoa Kỳ, Tổng thống Mỹ sẽ gặp Tổng thống Thein Sein tại Naypyidaw và  bà Aung San Suu Kyi tại Rangoon, trong khuôn khổ chuyến thăm Miến Điện.
Đây là lần thứ hai, ông Obama công du Miến Điện. Theo giới quan sát, sự hiện diện của nguyên thủ Mỹ đã phần nào củng cố tính đáng của một chế độ « dân sự » mà đa số các thành viên là cựu tướng lĩnh.
Từ Rangoon, thông tín viên RFI Rémy Favre tường trình :
« Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới Naypyidaw, thủ đô chính trị, một thành phố mới, cằn cỗi, với những đại lộ rộng thênh thang có hơn 10 làn xe… một thủ đô biểu tượng cho chế độ quân sự được xây dựng vào giữa những năm 2000. Đây là lần đầu tiên, nguyên thủ Mỹ tới thành phố này.
Cách nay hai năm, ông Obama đã công du Miến Điện trong vòng hơn một chục tiếng đồng hồ, nhưng lúc đó, ông tới Rangoon. Lần này, sự hiện diện của Tổng thống Mỹ ở thủ đô chính trị khẳng định tính chính đáng của một chính quyền với đa số thành viên là cựu tuớng lĩnh, được lập ra sau một cuộc bầu cử có nhiều bê bối. Có thể nói, các cựu quân nhân đã thực hiện các cải cách dân chủ.
Thế nhưng, kể từ đầu năm ngoái, tiến trình chuyển đổi, cải cách đã bị trục trặc. Lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi tỏ ra khó chịu về sự gần gũi giữa chính quyền Obama và chính quyền của các cựu tướng lãnh Miến Điện. Theo bà, Hoa Kỳ đã quá lạc quan.
Hoa Kỳ đã bãi bỏ phần lớn các biện pháp cấm vận đối với chính quyền Miến Điện, nhưng sẽ khó gây áp lực trong việc sửa đổi Hiến pháp, một vấn đề mà bà Aung San Suu Kyi rất quan tâm.
Thứ Ba, 11/11, một phái đoàn của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đảng của bà Aung San Suu Kyi đã công du Bắc Kinh. Tháng 12 tới, lãnh đạo đối lập cũng sẽ sang Trung Quốc. Bà bị coi là chính trị gia thân phương Tây, thế nhưng, chính quyền Miến Điện lại cho rằng bà thân Trung Quốc. Trong việc này, vai trò của các bên bị đảo ngược ».


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts