Cầu
tiêu & Quốc hội
Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Tôi có việc phải trở lại
Singapore, chút xíu. Ai nói gì thì nói, tôi cứ Vietnam Airlines mà
chọn mặt gửi vàng.
Đi hãng hàng không của ta, ít ra, cũng
có ba cái lợi: khỏi phải nói tiếng nước người, được nghe mọi thông
báo của phi hành đoàn bằng tiếng nước mình, và vừa bước chân vào
khoang máy bay là các em tiếp viên phát ngay cho vài ba tờ báo bằng
Việt ngữ. Đọc báo nhà nước không chỉ đỡ mệt mà còn thấy khoẻ thêm
vì thường chỉ có những tin tức (cùng hình ảnh) vô cùng lạc quan về
đồng bào và tổ quốc.
Y như rằng, ngay trang đầu đã có tin vui:
8h45 sáng, thay mặt
ban kiểm phiếu, Trưởng ban Đỗ Văn Chiến đã lần lượt công bố kết quả lấy phiếu
tín nhiệm đối với 47 chức danh chủ chốt...
Chủ tịch Quốc hội nhận
định, những vị trong danh sách lấy phiếu đều có trọng trách liên quan tới vấn
đề lớn. “Đối với những lĩnh vực nóng như ngân hàng, giáo dục, y tế, xây dựng
thì Quốc hội đòi hỏi trách nhiệm cao hơn. Phiếu tín nhiệm cao của Quốc hội là sự
động viên khích lệ đồng thời là sự đánh giá kết quả đất nước đạt được thời gian
qua. Còn phiếu tín nhiệm thấp thể hiện sự đòi hỏi nghiêm túc đối với người được
lấy phiếu để các vị này có thể hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao”, Chủ tịch
Quốc hội nhận xét.
Cũng theo ông, Quốc
hội đã hoàn thành trọng trách nhân dân cả nước giao về đánh giá tín nhiệm bước
đầu. Đây sẽ là cơ sở để các lần sau rút kinh nghiệm khi tiến hành quy trình này
ở các cấp HĐND.
“Kết quả cuối cùng rất
tốt”, người đứng đầu cơ quan lập pháp chốt.
Thật là là “phấn khởi” và yên tâm biết
mấy: “Quốc hội đã hoàn thành trọng trách nhân dân cả nước giao về đánh
giá tín nhiệm bước đầu” và tất cả “47 chức danh chủ
chốt” đều vẫn được tín nhiệm như thường, dù tỉ số (thấp/cao)
cũng có xê xích phần nào hay chút đỉnh.
Phải uống mừng với được, dù chỉ là
mừng thầm. Đợi máy bay bình phi, tôi nói nhỏ với một em tiếp
viên:
- Cho chú hai chai Vodka Smirnoff nha.
Nói là “chai” cho nó oai, chớ dung tích
chỉ 50ml nhỏ xíu xiu hà, ngó thấy “thương” lắm. Nốc xong cả hai vẫn
chả thấy bõ bèn gì mà niềm vui (về “trọng trách do nhân dân giao phó
cho quốc hội đã hoàn thành”) vẫn cứ còn âm ỉ nên tôi nói khẽ với
một em tiếp viên khác, vừa chợt đến:
- Khi nào rảnh, cho chú hai lon Heineken.
- Hai lận sao?
- Thì khỏi mất công cháu phải đi tới đi
lui, mỏi cẳng, chớ sao!
Tôi nhâm nhi đậu phụng với bia xong thì
sự “hồ hởi” cũng nguôi dần nên ngủ thẳng một giấc cho đến khi máy
bay đáp xuống phi trường Changi, Singapore.
Đến lúc này mới thấy là bụng hơi nằng
nặng. Vừa bước ra khỏi máy bay là đi ngay đến W.C. Dù hơi vội vã
trong việc “xả bầu tâm sự” nhưng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên là sao
cầu tiêu, cầu tiểu của họ trắng tinh và sạch bóng vậy nè -
Trời?
Phần lớn restroom ở trong
tất cả những sân bay quốc tế đều sạch sẽ nhưng sạch quá cỡ thợ
mộc, sạch như lau như li thì thiệt là quá sức tưởng tượng, và có lẽ
chỉ thấy ở cái phi trường này thôi.
Tôi chỉ bớt kinh ngạc khi bước ra, và
nhìn thấy trên bức tường bên phải lối đi có bức hình một phụ nữ chừng
đã đứng tuổi (đeo bảng tên Loh Kam Beng) đang cầm chổi tươi cười, với
câu chào (“Good Afternoon”) cùng hàng chữ “Xin chấm điểm nhà vệ sinh
của chúng tôi,” và bên dưới là 5 cái nút tròn ghi thang điểm theo thứ
tự: tuyệt hảo, tốt, trung bình, tệ, rất tệ.
Thường dân Loh Kam Beng và thường dân Tưởng Năng Tiến
ở phi trường Changi. Ảnh: NCB
Chỉ có chuyện vệ sinh trong cầu tiêu mà
sao thiên hạ lại thực hiện một cách đàng hoàng, rõ ràng, minh bạch,
và tiện dụng dữ vậy cà? Không dưng tôi bỗng nhớ lại chuyện lấy
phiếu tín nhiệm (kín) của quốc hội ở nước ta, hôm qua, và chợt cảm
thấy có hơi... ngường ngượng!
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu trước QH sáng 14.11 -
Ảnh: Ngọc Thắng
Nhìn kỹ bức ảnh với nét tự tín và
tươi vui của người đàn bà phụ trách việc chùi rửa phòng tiêu tiểu ở
Singapore, rồi liên tưởng đến bức hình (chụp sáng 14 tháng 11) của ông
Chủ Tịch Quốc Hội Việt Nam - trông âu lo và ngượng ngập ra mặt - cũng
khiến tôi có đôi chút... lăn tăn: Quả là không có nghề nào hèn hạ,
chỉ có tư cách của người hành nghề mới là điều cần phải quan tâm.
Thì cũng “lăn tăn đôi chút” thế thôi chớ
một anh già nát rượu (cỡ tôi) mà “quan tâm” nhiều quá về chuyện
triều đình (e) cũng không... tiện lắm. Không khéo lại còn rách việc
thêm ấy chứ.
Chui vào taxi, lục xục một hồi mới kiếm
ra cái địa chỉ của nơi tạm trú ngụ lần rồi: Hotel 81 Gold, 20 Lorong
20 Geyleng, Singapore 398738.
Gọi là khách sạn cho nó sang chứ thực
ra đây chỉ là một thứ phòng ngủ rẻ tiền, với một cái giường bé
xíu xiu, và cái phòng tắm nhỏ chưa bằng một nửa... cái giường. Đất
ở Singapore không rẻ, và riêng ở Phố Đèn Đỏ Geyleng (chắc) phải mắc
cũng cỡ kim cương nên phòng chật, và giá cả “không nhân nhượng” là
chuyện tất nhiên.
Biết vậy nhưng tôi vẫn muốn trở lại khu
này, trở lại những quán cà phê ở hai con hẻm 20 và 21 (Lorong 20 &
21) với hy vọng được gặp lại những khuôn mặt đồng hương cũ - những
phụ nữ mà tôi đã có dịp tiếp chuyện mấy tuần lễ trước, và đã
giới thiệu họ (cũng trên diễn đàn này) như Những Cánh Bèo Trôi Ở Geyleng.
Sở dĩ họ trôi dạt đến đây vì Việt Nam
không còn chỗ chen chân cho những người bán hàng rong hay bán vé số
nữa. Singapore tuy cũng chật hẹp nhưng lòng người, xem chừng, vẫn còn
rộng rãi.
Đây là một đảo quốc giầu có, với lợi
tức bình quân đầu người hàng năm cao nhất nhì thế giới. Dân bản
xứ không ai phải đi làm điếm, bán hàng rong, hoặc đi ăn xin nên họ
“nhường” việc làm này cho những người Việt tha hương - đang ở bước
đường cùng.
Người Singapore không chỉ hào phóng mà
còn vô cùng cởi mở nữa. Họ chấp nhận đến bốn thứ ngôn ngữ chính
thức khác nhau: tiếng Anh, tiếng Mã, tiếng Tầu, và tiếng Tamil.
Bán giấy chùi miệng là một nghề tương
đối mới mẻ của người Việt ở Singapore. (Cũng có người bán vé số
nhưng rất ít vì ai cũng ngại phải “ngậm” những tấm vé không bán kịp
trước giờ sổ). Dù thời hạn cho phép “du lịch” chỉ trong vòng một
tháng, mỗi một chuyến đi - sau khi trừ chi phí máy bay và ăn ở - trung
bình một người chịu khó đi bán không ngừng (chừng mười hai tiếng mỗi
ngày) có thể để dành được từ tám trăm đến một ngàn đô. Một năm nếu
đi được vài lần thì mang về được ba bốn ngàn Mỹ Kim.
Thực khách ở Singapore không ai cần giấy
chùi miệng nhưng họ vẫn vui vẻ (và tế nhị) chia sẻ vài đồng tiền
lẻ với những kẻ không may ở nước láng giềng, qua hình thức bán/mua.
So với dịch vụ xuất khẩu lao động rất nhiêu khê, tốn kém, phải cầm
cố nhà cửa, và bị lường gạt đều đều thì “thương vụ” bán giấy chùi
miệng (rất lương thiện này) quả một là phát kiến thần tình, rất
đáng được hoan nghênh.
Tắm rửa xong, tôi ngủ một giấc cho đến
khuya rồi lò dò ra quán đầu đường kêu hai chai bia Carlsberg và một
đĩa cơm gà Hải Nam. Cơm gà mà giá chỉ ba đô Singapore hà, nghĩa là
chưa tới 2 đồng 50 xu tính theo Mỹ Kim bản vị. Chỉ có điều là hơi ít
nhưng với tôi thì ăn không thành vấn đề, uống mới là ... chủ yếu.
Chưa kịp nhấp môi đã nghe tiếng gọi:
- Ủa, chú còn ở Sing hả? Qua đây ngồi
chơi với tụi con đi...
Bàn góc bên kia già trẻ toàn là đàn
bà, con gái. Tôi cầm chai bia xề lại, với cái cảm giác dễ chịu như
vừa gặp lại người thân:
- Sao không ai làm ăn buôn bán gì ráo
trọi mà tụ tập hết cả xóm ở đây vậy cà?
- Tụi con ngồi chơi với con Bẩy chút
xíu, mai nó về rồi.
- Sao vậy?
- Visa hết hạn chú à.
- Kỳ này Bẩy đi kiếm “bộn” không?
- Không dám “bộn” đâu! Trừ tiền ăn, tiền
ghép phòng chưa chắc còn ngàn đô mà đi bộ ròng rã cả tháng trời
thiếu điều muốn “gớt” cái cẳng ra luôn. Làm gái như hai con này mới
khá, chớ bán giấy thì cũng như đi ăn xin thôi, được nhiêu đó cũng
mừng muốn chết rồi.
- Đợt sau qua lại nhằm mùa Noel với tết
Tây chắc đỡ hơn nhiều.
- Không chắc có qua được nữa không đó.
Nghe nói họ sắp “xiết” lại rồi. Người mình qua mỗi lúc một đông và
qua liền liền như vậy mà ai chịu cho thấu ...
- Thiệt, nếu không qua đây được nữa thì
ở nhà ríêt biết làm gì ra mà ăn ..
Câu chuyện giữa chúng tôi dù lan man tới
đâu, cuối cùng, vẫn dẫn vào một cái ngõ cụt. Tương lai, dường như,
không rộng mở cho những cô gái và những người đàn bà Việt Nam mà tôi
gặp lại khuya nay - ở Geyleng.
Họ là những người mẹ, người chị đã
tảo tần thương khó để giữ cho dân tộc này chưa đến nỗi bị diệt vong. Tôi nhớ là đã có đọc (đâu đó) câu
này của Solzhenitsyn khi ông nhắc đến phụ nữ của nước Nga, vào thời
Stalin.
Ở Geleyng dường như người ta không ngủ
nhưng dù sao thì đêm vẫn cứ tàn dần. Chúng tôi, cuối cùng, cũng phải
chia tay. Ai đi đường nấy.
Tôi mệt mỏi lê bước trở lại khách sạn.
Tuy uống khá nhiều bia nhưng đầu óc vẫn cứ còn chút vướng vất về “kết
quả tốt đẹp của cuộc lấy phiếu tín nhiệm của quốc hội, đối với 47 chức
danh chủ chốt” vừa qua. Như vậy, là vẫn y như cũ. Tuyệt nhiên chả có
chút thay đổi nào ráo trọi.
Lại chợt nhớ đến lời của ông T.B.T Nguyễn Phú Trọng: “Đổi mới chỉ là một giai
đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có
CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.” Nhà đương cuộc Hà Nội vẫn
chưa tiến đến giai đoạn đổi mới (thật) nên sẽ còn rất nhiều thế hệ
con dân Việt Nam đến Geyleng để bán thân, hay bán giấy, nếu người dân
của đất nước láng giềng vẫn còn tiếp tục mở rộng vòng tay chào
đón chúng ta.
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching