Putin sẽ chơi cứng hơn?
- 16 tháng 10 một 2014
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin rời hội nghị Thượng đỉnh G20
sớm để về nước sau thái độ lạnh nhạt của các lãnh đạo thế giới có thể càng làm
cho quan hệ giữa Nga và phương Tây thêm căng thẳng và sẽ dẫn đến chiến sự tái
diễn ở Ukraine, các nhà phân tích nhận định.
Các nhà lãnh đạo phương Tây đã dồn rất nhiều sức ép lên ông Putin
tại hội nghị ở Brisbane, Úc.
Chiến sự sẽ ác liệt?
Ông Tony Abbott, thủ tướng nước chủ nhà, đã yêu cầu ông Putin phải
‘chuộc lỗi’ cho việc chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị
bắn hạ trên bầu trời Ukraine trong khi Thủ tướng Anh David Cameron gọi ông
Putin là ‘kẻ bắt nạt’.
Các nhà phân tích cho rằng sự tức giận rõ ràng của Putin với cách
ông bị lãnh đạo các nước đối xử như vậy sẽ ‘làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng
ở Ukraine’.
“Nếu ông ấy (Putin) rời nước Úc trong tâm trạng bực mình, hãy chờ
xem chiến sự sẽ càng ác liệt ở Ukraine,” ông Stanislav Belkovsky, một nhà
phân tích độc lập, nói với AFP.
Ông Putin, vốn được biết đến là một vị nguyên thủ gan lì, đã
viện lý do ‘cần ngủ’ và chuyến bay dài để giải thích cho việc ông rời Úc sớm.
Mặc dù thời tiết ở Brisbane oi bức nhưng bầu không khí lạnh lùng
thì rất rõ ràng.
“Tại Thượng đỉnh G20, nước chủ nhà Úc đã dùng mọi cách có thể để
làm mất mặt Tổng thống Vladimir Putin,” tạp chí Expert thân Kremlin viết trên
trang mạng của họ.
Ông Putin đến ÚC với tư cách là ‘người quyền lực nhất thế giới’ do
Tạp chí Forbes bình chọn và với tỷ lệ ủng hộ trên 80% của người dân Nga.
Hội nghị G20 này được cho là chuyến đi khó khăn nhất của ông
Putin kể từ khi Điện Kremlin và phương Tây căng thẳng xung quanh việc Nga ủng
hộ cho phe ly khai ở miền đông Ukraine.
Trong những năm gần đây, ông Putin thường là nhân vật được chú ý
tại các hội nghị quốc tế vì chính sách của Kremlin ngày càng xung đột với
phương Tây.
Tuy nhiên việc ông rời khỏi Brisbane đã đưa căng thẳng giữa Nga
và phương Tây lên một mức độ mới.
‘Không cần khách sáo’
Các nhà phân tích cho rằng việc các nhà lãnh đạo phương Tây ngày
càng chỉ trích thẳng thừng các chính sách của Nga và việc ông Putin về sớm cho
thấy không bên nào muốn giữ vẻ bền ngoài khách sáo nữa.
Ông Fyodor Lukyanov, chủ tịch của Hội đồng Chính sách Đối ngoại
và Quốc phòng có liên hệ với Điện Kremlin, cảnh báo rằng sự lên án của phương
Tây chỉ càng làm cho ông Putin thêm cứng rắn.
“Chúng ta đang chứng kiến sự cực đoan hóa hơn nữa lập trường của
một số nước phương Tây, trước hết là Bắc Mỹ và Úc vốn là nước chủ nhà của
G20,” ông Lukyanov nói trên đài phát thanh của Nga.
“Họ không muốn nhẹ giọng lại mà trái lại để nó lan ra cho công chúng
biết. Cho nên có thể biết trước phản ứng của Nga: Nga sẽ có thái độ cứng rắn
hơn nữa,” ông nói.
Trước khi đến Úc, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói sự gây hấn của
Nga đối với Ukraine là ‘mối đe dọa đối với thế giới’ và gọi việc máy bay MH17
bị bắn hạ là ‘khủng khiếp’.
Còn Thủ tướng Úc Abbott thì cáo buộc ông Putin muốn tìm cách tìm
lại ‘hào quang đã mất của Sa hoàng’.
Putin cũng bị Thủ tướng Canada Stephen Harper làm cho muối mặt
khi ông chủ động tiến đến bắt tay ông Harper.
‘Chỉ có một điều để nói’
“Vâng, tôi sẽ bắt tay ông, nhưng tôi chỉ có một điều để nói với
ông: ông phải ra khỏi Ukraine,” ông Harper được truyền thông Ukraine dẫn lời
thuật lời cuộc chạm trán này.
Thủ tướng Anh David Cameron thì cáo buộc ông Putin đã làm tổn hại
đến lợi ích của nước Nga.
“Ông không thể nói rằng ông đang phụng sự đất nước khi mà cuối
cùng kết quả là một nền kinh tế chịu sức ép, hệ thống ngân hàng không thể huy
động vốn, đồng rúp bị trượt giá và thị trường chứng khoán căng thẳng,” ông
Cameron được truyền thông Anh dẫn lời nói.
Trong tuần qua, phương Tây đã cáo buộc Nga gửi thêm khí tài vào
miền đông Ukraine, khiến có lo ngại giao tranh toàn diện sẽ tái bùng phát.
Phương Tây đã đe dọa sẽ có thêm trừng phạt đối với Nga nếu bạo lực tiếp tục gia
tăng ở Ukraine.
Các nhà phân tích cũng cho rằng việc ông Putin bước ra khỏi hội
nghị G20 có thể càng tăng thêm uy tín của ông với những người ủng hộ ở trong
nước.
“Tất cả mọi cử chỉ của Tổng thống Nga đều nhằm vào cái gọi là số
đông ủng hộ Putin,” ông Konstantin Kalachev, người đứng đầu nhóm Chuyên gia
Chính trị, nói với hãng tin AFP.
Theo ông thì cách hành xử của ông Putin sẽ được những ủng hộ viên
của ông diễn giải là: “Nhà lãnh đạo Nga có chuyện gì mà phải nói với phương
Tây thối nát?”
Ông Kalachev cũng chỉ ra rằng bằng cách bỏ qua phép lịch sự ngoại
giao ông Putin đang cố ý tách mình ra khỏi các nhà lãnh đạo khác.
“Càng thất thường chừng nào, người ta càng chú ý đến anh chừng
đó,” ông nói.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/11/141116_putin_exit_g20_analysis
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching