X

Sunday, February 1, 2015

Xung đột Ukraina : Châu Âu mở rộng trừng phạt Nga


Đăng ngày 30-01-2015

Xung đột Ukraina : Châu Âu mở rộng trừng phạt Nga

media
Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu tại Bruxelles (21/01/2015).REUTERS/Francois Lenoir
Hôm qua 29/01/2015, 28 Ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu, trong phiên họp đặc biệt tại Bruxelles, đã thông qua một số biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Matxcơva. Mục đích của Châu Âu là tỏ ra cứng rắn với Nga, nhưng đồng thời thúc đẩy các bên tìm kiếm một kế hoạch hòa bình, trở lại với thỏa thuận đạt được tại Minsk, tháng 09/2014.
Theo các nhà quan sát, nhóm 28 nước đã quyết định loạt trừng phạt mang tính tối thiểu. Loạt trừng phạt này nằm trong hệ thống các biện pháp truyền thống của Châu Âu, cụ thể là phong tỏa các tài khoản và không cấp visa vào lãnh thổ Châu Âu. Như vậy, nhiều nhân vật mới trong số giới lãnh đạo Nga, và thành phần nổi dậy miền Đông, cũng sẽ được đưa vào danh sách 312 người hiện có và danh sách này cũng được triển hạn đến tháng 09/2015. Trong phiên họp ngày 09/02 tới, các bộ trưởng sẽ quyết định danh sách trừng phạt bổ sung.
Trên thực tế, đề xuất áp đặt một loạt trừng phạt kinh tế mới, có quy mô tương đương với loạt trừng phạt được đưa ra hồi tháng 8/2014, chỉ nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia chủ trương cứng rắn với Nga, như Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk (cựu Thủ tướng Ba Lan), các chính phủ Ba Lan, Litva hay Latvia – quốc gia hiện đang đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên Châu Âu. Latvia chính là nước đề xuất tổ chức cuộc họp này.
Ngược lại, các nước như Áo, Cộng hòa Séc và Slovakia tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của các trừng phạt. Trong khi đó, tân chính phủ Hy Lạp còn gần như lên án việc Châu Âu trừng phạt Nga trước cuộc họp. Athens thiên về hướng « nỗ lực để ngăn cản những rạn nứt giữa Châu Âu và Nga ».
Về phần mình, Hoa Kỳ hoan nghênh việc Liên Hiệp Châu Âu mở rộng trừng phạt Nga, đồng thời đe dọa có các biện pháp riêng với Nga, nếu Matxcơva tiếp tục ủng hộ phe nổi dậy tại Ukraina.
Hôm nay, phản ứng trước quyết định này, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu « suy nghĩ kỹ » về chính sách « đối đầu » « không có tương lai ».
Theo AFP, có một số thông tin cho thấy Kiev, Matxcơva và phe ly khai muốn nối lại các đàm phán – dưới sự bảo trợ của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu - kể từ hôm nay.
Phe ly khai bao vây hàng nghìn quân chính phủ tại Donetsk
Về tình hình tại miền Đông Ukraina, trong vòng 24 giờ sau, riêng tại Donetsk, thêm 7 thường dân bị giết hại và 23 người khác bị thương, theo đại diện của thành phố thuộc chính quyền Cộng hòa Donetsk tự phong. Còn theo người phát ngôn quân đội chính phủ, thêm 5 quân nhân tử trận. Trả lời AFP, một số cư dân Donetsk cho biết họ không tin tưởng sẽ có một thỏa thuận hòa bình mới.
Vẫn theo AFP, hàng ngàn binh sĩ Ukraina – đồn trú xung quanh thành phố Donetsk 25 nghìn dân - hiện đang bị bao vây. Tuyên bố trên một kênh truyền hình Nga, « Tổng thống » nước Cộng hòa tự phong Donetsk kêu gọi các binh sĩ chính phủ hạ vũ khí. Trước đà tiến của phe nổi dậy, người ta lo ngại một thảm kịch như ở Illovaisk hồi mùa hè năm ngoái sẽ lặp lại, với ít nhất 108 binh sĩ chính phủ thiệt mạng trong vòng vây.

Đăng ngày 30-01-2015

Oanh tạc cơ Nga ở biển Manche : Luân Đôn đòi Matxcơva giải thích

media
Oanh tạc cơ của Nga.GNU/Sergey Krivchikov
Quan hệ giữa Anh và Nga lại căng thẳng. Hôm qua, 29/01/2015, chính phủ Anh đã triệu đại sứ Nga tại Luân Đôn lên để yêu cầu giải thích về việc các oanh tạc cơ của Nga, hôm thứ Tư, 28/01 đã vào vùng biển Manche, sát không phận Anh Quốc. Nhiều máy bay của các hãng hàng không dân dụng đã phải đổi hướng.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix tường trình :
« Anh Quốc đã trong tình trạng báo động sau khi hai oanh tạc cơ của Nga bay sát không phận nước này. Các máy bay Nga không xâm nhập không phận Anh, nhưng đã đi qua vùng ngoài khơi Ai Len, rồi vùng biển Manche và chỉ cách bờ biển Scotland khoảng 50 km về phía bắc, nơi có rất nhiều các tuyến hàng không.
Đây là một động thái không bình thường, một mối nguy hiểm tiềm tàng đối với các chuyến bay hàng không dân dụng. Hơn nữa, các phi công Nga đã không thông báo trước bản đồ bay và không hề liên lạc với cơ quan quản lý không lưu của Anh. Các hoạt động này đã ảnh hưởng đến giao thông hàng không và nhiều máy bay của các hãng hàng không đã phải đổi hướng.
Bộ Ngoại giao Anh nói rõ là ngay sau khi phát hiện ra các oanh tạc cơ của Nga, các tiêm kích của Không quân Hoàng gia Anh đã đi kèm các máy bay này. Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng David Cameron đã quyết định phải có phản ứng mạnh và đã triệu đại sứ Nga lên để yêu cầu giải thích vụ việc.
Thực ra, sự cố này không phải là vô tình và khẳng định một thực tế là từ năm ngoái đến nay, các máy bay quân sự Nga gia tăng hoạt động trong không phận Châu Âu và đặc biệt là gần các nước thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương – NATO. Hành động biểu dương sức mạnh này diễn ra trong bối cảnh có cuộc xung đột tại Ukraina và lại càng làm cho quan hệ giữa nước Nga của Tổng thống Putin và Anh quốc, vốn đã tồi tệ, lại càng căng thẳng hơn ».

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts