…Đối với cộng đồng người Việt đang làm ăn và sinh sống tại Nga thì
đây là thời điểm khó khăn nhất. Nhiều đại gia sẽ trắng tay và nhiều người sẽ mất hết tài sản gom góp được trong mấy chục năm qua. Câu nói đùa là “tiền của Nga trả lại cho Nga” đang trở thành hiện thực, một hiện thực đau xót và phũ phàng…”
Ông Putin đang tìm cách trấn an dư luận
Một tin buồn cho người Nga và cả những người yêu mến Putin là đồng rúp của Nga đang rơi tự do. Ngày hôm nay
(4/12/2014) đồng rúp đã đạt một kỷ lục mới là 55 rúp đổi một đôla theo giá chính thức của nhà băng, trên thị trường chợ đen đồng rúp đã vượt ngưỡng 60 rúp/1
đôla.
Cách đây một năm tỉ giá của đồng rúp và đôla là 32-33 rúp/1 đôla, như vậy đồng rúp đã mất giá gần 100% so với đồng đôla. Điều này cũng có nghĩa là lương và tiền tiết kiệm của người dân Nga bằng rúp đã “bốc hơi” mất một nữa, tiền rúp gửi trong ngân
hàng cứ 10 đồng nay chỉ còn 5 đồng.
Thật ra vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều, không chỉ những người đang ăn lương và gửi tiền tiết kiệm mới bị mất mát mà sự mất mát nhiều nhất sẽ thuộc về những người đang kinh
doanh và đầu tư. Những nhà nhập khẩu vào Nga
(trong đó có cả cộng đồng người Việt) thì hàng hóa đều tính bằng đôla, khi rúp trượt giá kinh khủng như vậy thì hàng hóa không những không tăng được giá mà cho dù giá cũ vẫn khó bán vì sức mua của người dân kém đi do phải chi trả vào việc ăn uống hàng ngày. Thực phẩm tại Nga tăng giá từ hai đến ba lần do lệnh cấm nhập thực phẩm của Nga, một cân thịt bò trước đây chỉ khoảng 5 đôla thì nay với giá 15 đôla vẫn khó mua.
Đồng tiền rúp đang trở thành “của nợ” đối với người kinh
doanh, do không mua được đôla nên nhiều người (kể cả người Việt) phải nhắm mắt mua nhà, mua xe ô tô để giữ tiền và đây cũng là việc làm chẳng đặng đừng vì hoàn cảnh bắt buộc chứ không ai muốn như vậy. Hậu quả từ việc đồng rúp trượt giá không phanh sẽ để lại những hậu quả vô cùng to lớn cho nước Nga. Hàng nhập khẩu mới sẽ rất khan hiếm và nếu có thì giá phải tăng gấp đôi, như vậy đồng lương của người Nga nhận được sẽ mất đi một nửa. Môi trường đầu tư của Nga mất uy tín nghiêm trọng, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ “chạy mất dép”, nhiều công ty sản xuất phải đóng cửa do nguyên vật liệu nhập khẩu tăng giá, đời sống của người dân Nga sẽ vô cùng khốn khó trong thời gian tới…
Nguyên nhân
thì có lẽ ai cùng đều biết là do giá dầu giảm và do lệnh trừng phạt của Mỹ và Phương Tây. Giá dầu giảm mạnh từ 110 đôla/thùng xuống còn 66 đôla/thùng và khả năng sẽ còn tiếp tục giảm. Lệnh trừng phạt của Phương Tây nhắm vào các ngành công nghiệp chủ lực của Nga như dầu mỏ, tài chính và vũ khí sẽ còn tiếp tục làm Nga lao đao. Thu nhập của nước Nga chủ yếu dựa vào dầu mỏ, khí đốt và vũ khí cho nên khi các nguồn thu này bị phong tỏa thì kinh tế Nga sẽ gặp khủng hoảng. Sau nửa năm áp đặt lệnh cấm vận thì thiệt hại của EU vào khoảng 40 tỉ đôla và Nga là 140 tỉ đôla, tỉ lệ 1:3 này có vẻ hợp lý và nếu “cuộc chơi” này vẫn tiếp tục thì phần thua thiệt về phía Nga đã quá rõ. Bốn trăm (400) tỉ đôla dự trữ của Nga không mấy chốc sẽ bay hơi.
Tuy bản thông điệp liên bang mà Putin đọc sáng nay trước lưỡng viện quốc hội vẫn còn rất cứng rắn nhưng sự lo âu đã thể hiện trên nét mặt của tất cả những người tham dự kể cả thủ tướng Nga
Medvedev. Một lần nữa Putin lại kêu gọi tinh thần dân tộc của người Nga và ông hứa 4 năm nữa kinh tế Nga sẽ vượt lên trên tất cả các nền kinh tế khác. Mọi nhà độc tài đều hoang tưởng, e rằng Putin khó lòng “thọ” được đến lúc đó.
Tinh thần dân tộc và tư tưởng sô vanh nước lớn đã quá lạc hậu trong thời đại ngày nay và hơn nữa nó không thể mài ra để ăn được. Chỉ cần nửa năm đến một năm nữa thôi người Nga sẽ sáng mắt ra và sẽ có thái độ thích hợp với Putin. Một hoang tưởng nữa của Putin khi ông vẫn nghĩ rằng nước Ukraina vẫn còn là “người anh em” của ông. Hình như ông ta không xem thời sự thì phải, cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi tại Ukraina có gần 90% cử tri Ukraina
đã bỏ phiếu cho 5 đảng thân Châu Âu, chỉ có khoảng 10% cử tri chọn đảng đối lập thân Nga.
Trong bài
báo “Nếu như ngày mai xảy ra chiến tranh Nga-Mỹ”
Thượng tướng Nga
Ivashov, chủ tịch Trung tâm phân tích địa-chính trị (từ năm 1996 đến 2001- Chủ nhiệm Tổng cục hợp tác quân sự quốc tế Bộ Quốc phòng Liên bang Nga)
cũng có một cái nhìn hết sức phiến diện và lệch lạc về thế giới y hệt như ông chủ điện Kremlin.
Ông tướng này cũng đã thổi phồng mối nguy cơ xâm lược và tấn công mà Mỹ và Châu Âu sẽ nhằm vào nước Nga và vì thế Nga phải chuẩn bị tâm lý cho chiến tranh. Sự ngụy biện này cũng giống như ông Putin giải thích rằng nếu nước Nga không chiếm lấy Krưm thì Mỹ cũng sẽ lấy mất!? Nếu một người bình thường thì ai cũng có thể thấy được Mỹ và EU suốt hơn 20 năm qua đã hợp tác với Nga một cách rất tích cực, từ hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ không gian đến quân sự, các tổ hợp quốc phòng của Pháp đã nhận đóng những chiến hạm tối tân nhất cho Nga như tàu đổ bộ Mistral, Đức xây dựng các trung tâm huấn luyện và cung cấp rất nhiều trang thiết bị quân sự cho bộ quốc phòng Nga…
Trong lĩnh vực kinh tế thì đầu tư của Mỹ và EU vào Nga rất lớn và bao gồm mọi lĩnh vực từ khai thác dầu mỏ đến tài chính ngân hàng. Mỹ và EU có lợi lớn khi làm ăn với Nga vì thị trường Nga rộng lớn, tài nguyên phong phú và quan trọng hơn cả là Nga chả sản xuất được gì mà chỉ đi mua. Một nước Nga dân chủ và giàu có sẽ đảm bảo cho hòa bình thế giới và nhất là Châu Âu. Chỉ có kẻ không bình thường mới cho rằng Mỹ và Châu Âu muốn gây chiến với Nga nhất là gây chiến về quân sự. Ông tướng Nga chỉ đúng ở một điểm là nếu chiến tranh
Nga-Mỹ xảy ra thì Nga sẽ thất bại.
Cuộc đối đầu giữa Nga và EU vẫn chưa có hồi kết dù phía Nga đã muốn EU dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Phía EU chỉ đồng ý với một điều kiện tiên quyết và duy nhất: Nga phải rút quân đội ra khỏi vùng Donbass của Ukraina.
Putin sẽ không làm điều này, vì như vậy hóa ra ông ta sai?
Khi đó uy tín của ông ta đối với dân Nga sẽ mất hết. Putin đã lỡ trèo lưng cọp, giờ muốn xuống cũng không được. Nước Nga không có đối lập và dân chủ nên giờ muốn “đổi ý” cũng không có cơ sở nào.
Putin chỉ còn cách duy nhất là đâm lao phải theo lao
nhưng trước viễn cảnh đồng rúp rơi tự do và kinh tế của Nga tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng thì không biết ông ta cầm cự được bao lâu? Tại Ukraina đồng nội tệ cũng bị mất giá 100% so với đôla nhưng tổng thống Ukraina
Poroshenko vẫn có lý do để biện bạch với người dân là do chiến tranh, khủng hoảng… Nhưng tại Nga, sẽ đến lúc người dân chất vấn Putin rằng tại sao một cường quốc mà đồng tiền lại mất giá đến như vậy? Khi đối đầu với Mỹ và EU ông Putin có nghĩ đến hậu quả mà người dân sẽ phải gánh chịu hay không? Nếu không thắng được họ thì đối đầu với họ để làm gì?...
Như chúng tôi đã đề cập trong những bài viết trước về tình hình Nga và Ukraina,
Putin đang kéo lùi nước Nga lại hàng chục năm. Những thành quả mà nước Nga có được từ khi Liên xô sụp đổ đến nay đã tan thành
mây khói. Obama đã vứt bỏ mọi nghi thức ngoại giao để nói thẳng rằng Nga là mối đe dọa cho hòa bình thế giới. Tất nhiên sẽ không ai dại gì gây chiến với Nga nhưng quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và EU đối với Nga sẽ không bao giờ còn nữa.
Putin đã tự cô lập mình và cô
lập nước Nga. Putin
đã bước lên đài danh vọng và đỉnh cao nhờ dầu mỏ tăng giá và giờ đây giá dầu mỏ giảm sâu sẽ đưa ông ta về vị trí đích thực và ban đầu của mình.
Đối với cộng đồng người Việt đang làm ăn và sinh sống tại Nga thì đây là thời điểm khó khăn
nhất. Nhiều đại gia sẽ trắng tay và nhiều người sẽ mất hết tài sản gom góp được trong mấy chục năm qua. Câu nói đùa là “tiền của Nga trả lại cho Nga” đang trở thành hiện thực, một hiện thực đau xót và phũ phàng. Nên biết một điều là cộng đồng người Việt tại Nga đã đóng góp rất lớn vào nguồn kiều hối gửi về Việt Nam hàng năm, đồng tiền của người Việt tại Nga thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của mỗi người dù là doanh nhân hay công nhân, dù là chủ hay người làm thuê.
Kinh tế Việt Nam sẽ ảnh hưởng không nhỏ từ nguồn kiều hối và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Nga từ cộng đồng người Việt nơi đây. Bài học rút ra sau cuộc khủng hoảng này là không nên đánh cược tất cả vào một cửa Nga, không nên dồn hết tiền đầu tư vào hàng hóa “đánh” vào Nga. Nên nhớ một điều rằng, dưới một chế độ độc tài thì mọi thành công (nhờ may mắn hay luồn lách giỏi) cũng chỉ là tạm thời và không bao giờ bền vững.
Việt Nam cũng giống như nước Nga, những gì xảy ra ở nước Nga rồi cũng sẽ có ngày xảy ra ở Việt Nam. Hãy quan tâm nhiều hơn đến dân chủ vì chỉ có một chế độ dân chủ mới bảo vệ được tính mạng, tài sản và nhân phẩm cho mọi người trong đó có những người kinh doanh.
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching