X

Sunday, December 21, 2014

Bình thường hóa quan hệ với Cuba: Đòn chính trị tinh tế của Obama

Bình thường hóa quan hệ với Cuba: Đòn chính trị tinh tế của Obama

Trọng Nghĩa

clip_image002

Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp Chủ tịch Cuba Raul Castro nhân tang lễ Nelson Mandela 10/12/2013 – REUTERS /Kai Pfaffenbach

Việc Washington và La Habana loan báo tái lập bang giao là một “quyết định lịch sử” đối với Đức Giáo Hoàng, một trong những tác nhân chủ chốt của tiến trình hòa giải, một “bước can đảm và cần thiết cho lịch sử” đối với Tổng thống Venezuela, sự kết thúc của một nửa thế kỷ đoạn giao, “giấc mơ của cả một lục địa, nơi hòa bình sẽ ngự trị” đối với Tổng thống Colombia.

Cả thế giới đều hoan nghênh quyết định của Mỹ và Cuba. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là sự kiện được cả Tổng thống Mỹ Barack Obama lẫn Chủ tịch Cuba Raul Castro đồng thời loan báo ngày 17/12/2014 có thể có tác động ra sao tại Mỹ, nơi có một cộng đồng người Cuba lưu vong rất đông đảo và có trọng lượng chính trị?

Để tìm câu trả lời, nhà báo Caroline Paré ban Pháp ngữ RFI đã đặt câu hỏi cho chuyên gia về Hoa Kỳ François Durpaire, giảng sư tại Đại học Cergy-Pontoise, tác giả tập biên khảo “Lịch sử nước Mỹ”, nhà xuất bản Presses Universitaires de France PUF ấn hành.

RFI: Sự thay đổi đường lối đối với Cuba có đáp ứng một nguyện vọng thực sự của công luận tại Hoa Kỳ hay không?

François Durpaire: Quả đúng là như vậy. Một trong những lý do thúc đẩy việc chuẩn bị bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ là hậu thuẫn của công luận Mỹ: 67% người Mỹ ủng hộ xu hướng bình thường hóa bang giao. Tóm lại dư luận Mỹ đã chuyển biến. Và trong vụ này, Barack Obama đã thúc đẩy công luận Mỹ thay đổi, với hai động thái trong năm 2014 này.

Đầu tiên là hình ảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro tại sân vận động Soweto ở Nam Phi nhân lễ tưởng niệm cố lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela. Sau đó là lời khen của Ngoại trưởng John Kerry đối với Cuba, về vai trò của nước này trong cuộc đấu tranh chống dịch Ebola tại Sierra Leone và Guinéee.

Tóm lại, công luận Mỹ rốt cuộc đã dần dần thay đổi cái nhìn, và trong công chúng Mỹ, có các công dân Mỹ gốc Cuba. Bộ phận kỳ cựu nhất thuộc các hiệp hội chống Castro và luôn luôn giữ một lập trường cực kỳ cứng rắn chống lại việc bình thường hóa, nhưng con cháu của họ, các công dân Mỹ, lại đã thay đổi cách nhìn vấn đề và tương tự như đa số người Mỹ khác, mong muốn quan hệ Mỹ-Cuba được bình thường hóa.

RFI: Điều đó phải chăng giải thích thái độ giận dữ của những người hôm 17/12 vừa qua đã lên án một hành vi phản bội. Như vậy phải chăng tư tưởng chống bình thường hóa ngày nay đã trở thành thiểu số?

François Durpaire: Vâng. hình ảnh của những người biểu tình phản đối mà ta thấy là của những người thuộc thế hệ cha mẹ và ông bà. Còn giới trẻ thì lại hoan nghênh.
Bên cạnh đó, cũng phải nói thêm là giới chống bình thường hóa cũng có phần hơi “hai mặt” một chút, nghĩa là ngay cả những người trên lý thuyết chống lại sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Cuba, cũng sẽ rất vui khi được trở lại Cuba để gặp lại cô dì, chú bác, anh em. Họ cũng sẽ rất vui khi được gởi những khoản tiền “remesas” nổi tiếng (tức là kiều hối) về nước.
Mọi người trong cộng đồng hải ngoại đều biết đến những tấm bưu phiếu mà họ có thể chuyển về nước. Và trên vấn đề này, cái mới là Tổng thống Obama đã thông báo rằng người dân Cuba ở Hoa Kỳ có thể gửi đến mức 2.000 đô la mỗi quý cho gia đình họ ở Cuba.


RFI: Sắp tới đây sẽ có một loạt quyết định cần ban hành. Dĩ nhiên, điểm đáng nói nhất sẽ là lệnh cấm vận. Nhưng ở đây, đáp án phải chăng không trực tiếp nằm trong tay của Barack Obama?

François Durpaire: Đúng thế. Nhìn từ Pháp, điểm khá lạ lùng là việc chính sách đối ngoại của Mỹ lại không được quyết định tại Nhà Trắng, ít ra là không chỉ được quyết định từ Nhà Trắng, mà là một sự cân bằng quyền lực giữa Quốc hội và Nhà Trắng. Và trong vấn đề quan hệ với Cuba, chính Quốc hội là định chế có khả năng dỡ bỏ hay duy trì cấm vận.
Trong tình hình đó, quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba là một động thái chính trị cực kỳ thông minh của Barack Obama. Hãy nhớ là mới một vài tuần lễ trước đây, vào tháng 11, sau cuộc bầu cử giữa kỳ, người ta đã mệnh danh ông Barack Obama là “tổng thống vịt què” (Lame duck President), một người coi như nhiệm kỳ đã tận.

Thế nhưng, các thông báo về di trú được đưa ra, 5 triệu người nhập cư bất hợp pháp sẽ được hợp thức hóa.

Và rồi đến thông cáo rất mạnh này về Cuba. Nó đã dồn Quốc hội vào chân tường, tức là đặt Quốc hội trước trách nhiệm của họ. Nếu ngăn chặn việc xích lại gần nhau – vào lúc công luận lại đã ủng hộ việc bình thường hóa – Quốc hội sẽ mang tiếng là định chế cản trở việc chung sống hòa bình và không cho tiến trình này sản sinh ra những hành động cụ thể.
Tóm lại, động thái của ông Obama rất thông minh, nhất là khi ở Quốc hội, có một số nghị sĩ Cộng hòa đang là, hoặc sắp là ứng cử viên vào chức tổng thống, như ông Marco Rubio chẳng hạn.

Nhân vật này là người gốc Cuba và có liên hệ mật thiết với các nhóm lobby chống Castro. Do đó, ông Rubio đã phải lên tiếng tố cáo quyết định xích lại gần Cuba của Tổng thống Obama. Nếu làm mất lòng một phần của cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha, thì có lẽ triển vọng trở thành Tổng thống của Marco Rubio sẽ tan biến.

RFI: Khi nêu tên nhân vật Rubio, hẳn là ông muốn nêu lên trường hợp của tiểu bang Florida?

François Durpaire: Ông ấy chính là Thượng nghị sĩ bang Florida.

RFI: Và đó là một tiểu bang quan trọng, thậm chí là thiết yếu trong mọi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ?

François Durpaire: Đúng vậy. Barack Obama đã không chỉ chiến thắng trong năm 2008 và 2012 nhờ vào Florida, còn nhờ vào việc bang này đã chuyển sang màu xanh, tức là theo đảng Dân chủ, trong hai cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Vì thiếu bang Florida mà Al Gore đã thất bại, trong lúc George W. Bush lại thắng, nhờ vào một vài lá phiếu gây tranh cãi. Florida là một tiểu bang gọi là chưa dứt khoát theo hẳn một đảng.

Và ở bang Florida, lần đầu tiên trong lịch sử của họ, cộng đồng gốc Cuba đã bầu cho đảng Dân chủ, đặc biệt là nhờ một sự vận động mạnh mẽ của giới trẻ gốc Cuba dưới 30 tuổi. Và những người dưới 30 tuổi đều ủng hộ việc cải thiện quan hệ với Cuba.

Vì vậy, quyết định bình thường hóa bang giao với Cuba là một sự kiện thuộc về chính sách đối ngoại mang tính chất lịch sử, một sự kiện còn ảnh hưởng đến quan hệ với Châu Mỹ Latinh. Vào năm tới 2015, sẽ có Hội nghị Thượng đỉnh các nước châu Mỹ. Và đấy cũng có thể là một trong những lý do dẫn đến quyết định của Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, đó cũng là một sự kiện chính trị đối nội của Hoa Kỳ.

T.N.

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts