Dân
Giàu Nước Mạnh: Bán Vé Số, Thu Nhập Cao
đã đến nước này rồi thì tui cũng đành phải chết thôi.
Thôi thì nhẩy mẹ nó xuống cầu Golden Gate, ở San Francisco, chết quách
cho rồi
Một Chút Hiểu Lầm
Wed, 09/17/2014 - 15:19 — tuongnangtien
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
Một người thuộc giai cấp nào đó không có nghĩa rằng người đó đã có
một khối tài sản nhất định. Điều đó càng đúng đối với chế độ cộng sản: sở hữu
mang tính tập thể. Ở đây muốn trở thành chủ sở hữu hay đồng sở hữu thì cần phải
len được vào hàng ngũ của bộ máy quan liêu chính trị.
Milovan Djilas – Giai Cấp Mới
Thời gian gần đây, gần như là hằng đêm tôi đều mơ thấy
mình vẫn đang sống trong một khung cảnh nào đó – ở Việt Nam. Cứ như
thể là tôi chưa bao giờ rời khỏi đất nước này, dù chỉ một ngày.
Khỏi cần phải đọc Freud hay Jung gì ráo trọi, tôi cũng
biết được rằng tự tiềm thức của mình đang có một thôi thúc
khác – khác với sự chọn của ý thức từ bấy lâu nay – tuy sâu
kín nhưng mạnh mẽ, cái sức mạnh của một định luật tự nhiên: lá
rụng về cội! Nhờ thế, tôi (chợt) hiểu tại sao hai ông Phạm Duy và
Nguyễn Cao Kỳ nằng nặc phải trở lại cố hương bằng mọi giá – kể cả
cái giá phải “hy sinh” luôn tính tự trọng (tối thiểu) và lòng liêm
sỉ.
Thường dân cỡ tui thì đi mới khó, chớ về thì dễ ợt. Chả
sợ điều tiếng chi, và cũng khỏi ngại chuyện mấy chú công an canh
chừng hay thăm hỏi gì. Chỉ ngặt có chút xíu (xiu) là tôi không biết
rồi sẽ làm sao để mưu sinh, ở quê nhà.
Già cũng phải sống chớ bộ, cũng phải có nơi ăn chốn ở,
phương tiện đi lại, và chăm sóc y tế tối thiểu – khi cần. Mà tui thì
suốt đời không có đồng xu dính túi (tiền vừa tới tay là tui đã sài
liền, hoặc cho mẹ nó rồi) nghề nghiệp thực dụng để có thể kiếm
việc ở V.N cũng không luôn, còn thân bằng quyến thuộc thì toàn là
những người khốn khó và thuộc thành phần... phản động không hà!
Mà cố hương (than ơi!) cho dù ở góc bể chân trời, hay châu
lục nào chăng nữa thì cũng đều chia chung một định luật bất thành
văn: không đâu, và không ai, hân hoan đón chào những kẻ trở lại với ...
hai bàn tay trắng. Thôi thì đành bỏ xác quê người, chớ về làm chi/cho
má nó khi.
Tôi đã có dự tính nhẩy cầu Golden Gate thì có tin
vui giữa giờ tuyệt vọng, từ một giới chức cao cấp ở Việt Nam –
Bộ Trưởng Chủ Nhiệm Ủy Ban Dân Tộc Giàng Seo Phử. Ông vừa hân hoan cho biết:
“Bán vé số ở Việt Nam có thu nhập cao.”
Bán ngày không đủ phải tranh thủ bán ban đêm.
Ảnh và chú thích: Uyên Nguyên, RFA
Bán tin, bán nghi, tôi liền vào net tìm hiểu thêm và biết
được rằng hiện nay (ở Việt Nam) bán vé số được coi là một nghề
nghiệp đàng hoàng tử tế, của một giới người riêng biệt, không những
có “thu nhập cao” mà còn có nhiều chuyện may mắn bất ngờ và rất
thú vị nữa kià – theo như tường thuật của phóng viên Hữu Danh, báo
Dân Việt:
Dư luận Long An đang xôn xao với thông tin một người bán vé số
nghèo đưa cho khách 10 tờ vé số trúng thưởng 6,6 tỷ đồng để nhận lại 200 ngàn
đồng tiền xổ số, dù khách chỉ “mua thiếu qua điện thoại.
Khoảng 16 giờ ngày 15.11, còn hơn 20 vé bị ế nên chị gọi điện
thoại cho mối quen là anh Đỗ Ngọc Tuấn, 41 tuổi, ngụ khu phố 2, đường Bà Chánh
Thâu, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức - hành nghề chạy xe ba gác - nài nỉ mua
dùm. Anh Tuấn đồng ý mua 20 tờ, gồm ba số khác nhau. Gọi là “mua” nhưng chỉ là
nói qua điện thoại, anh Tuấn cũng chưa trả tiền.
Chiều cùng ngày, lốc vé 10 tờ của công ty XSKT tỉnh Bến Tre mang
dãy số đuôi X91207 trúng đặc biệt 4 tờ, trúng an ủi 6 tờ. Nhiều đồng nghiệp
bán vé số bảo người mua chưa trả tiền, coi như chưa mua và nói chị Lành toàn
quyền định đoạt “số phận” 10 tờ vé số với trúng thưởng với giá trị lên đến gần
7 tỷ đồng này.
Tuy nhiên, chị Lành gạt phăng và cho rằng anh Tuấn là một trong
những khách hàng thường xuyên mua vé số ủng hộ chị. Rất nhiều lần anh mua qua
điện thoại và dù không trúng lần nào nhưng anh vẫn trả tiền sòng phẳng. Do đó,
không thể vì tiền mà chị đánh mất chữ tín.
Ngay lập tức, chị bấm điện thoại gọi anh Tuấn đến quán cà phê để
bàn giao số trúng. Cảm kích trước lòng tốt của người bán vé số, anh Tuấn đã
tặng 1 tờ trúng giải đặc biệt cho người bán vé số nghèo.
Theo tìm hiểu của Dân
Việt, vợ chồng chị Lành trước đây sống cùng mẹ ruột là bà Phạm Thị
Thèm trong một căn nhà cũ nát rộng chỉ 27m2, dựng nhờ trên đất của
một người thân ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp.
Hai người anh trai của chị Lành, một người bị tâm thần, một chết
sớm trong khi các chị dâu lại bỏ đi, để lại đến 6 đứa bé côi cút cho bà Thèm và
chị Lành nuôi dưỡng. Do bà Thèm đau ốm liên miên lại không có đất sản xuất nên
vợ chồng chị Lành đang tính tới phương án đưa đại gia đình lên Bến Lức
hành nghề bán vé số.
Đoạn văn thượng dẫn có hai hạn từ mà tôi tự ý cho in
đậm: “đồng nghiệp” và “phương án.” Chị Phạm Thị Lành là một con
người cao cả, đã đành, và cái nghề bán vé số số hiện nay cũng đã
tạo nên một giới người vô cùng cao qúi theo như ngôn ngữ đương đại
của giới truyền thông hiện nay – ở Việt Nam – như vừa trích dẫn!
Họ “lập phương án” đi bán vé số đàng hoàng, chớ không
phải bạ đâu làm đó đâu nha. Họ cũng gọi nhau là “đồng
nghiệp” nữa đó (lịch sự hết biết luôn) nghe cứ y như cái cung cách
xưng hô (qúi phái) của qúi vị bác sĩ hay luật sư ở giữa toà, hoặc
ở giảng đường của trường đai học y khoa vậy.
Thiệt là quá đã, và ... quá đáng!
Rõ ràng là cách mạng Việt Nam đã tạo ra thêm một ... Giai
Cấp Mới (nữa). Khác với giai cấp mới đỏ au – phát sinh cùng thời –
những người bán vé số hôm nay dù hành nghề có “phương án” (cẩn
thận) và vẫn thường gọi nhau là đồng nghiệp (tử tế) nhưng họ lại
rất đen đủi, lam lũ và đông đảo hơn mức cần thiết rất nhiều.
Nếu đã có lúc dân Việt cứ bước ra ngõ là gặp anh hùng
thì nay họ lại gặp những người chào mời vé số, theo như tường trình
của thông tín viên RFA:
Chỉ riêng thành phố Sài Gòn, lượng người bán vé số đông lên cả vài
ngàn người, họ đến từ thập phương, cũng có người xuất thân là công nhân nhà
máy, xí nghiệp, vì tai nạn lao động hoặc vì mất sức lao động, bệnh tật, phải
nghỉ việc và chuyển sang bán vé số kiếm cơm độ nhật. Ngồi quán cà phê vỉa hè 58
– Trần Quốc Thảo, quận 1, trong vòng nửa giờ đồng hồ, đã đếm được 16 người bán
vé số đến mời, già có, trẻ có, bệnh tật có, nhưng xót xa nhất vẫn là những em
bé tuổi chưa đầy 15, học hành dở dang hoặc vừa đi học vừa bán vé số kiếm tiền
phụ giúp cha mẹ.
Ngành kinh doanh vé số được đánh giá là ngành siêu lợi
nhuận...Trung bình, mỗi tỉnh có từ 20 đến 30 đại lý, mỗi đại lý có từ 30 dến 40
người đi bán, mỗi ngày, một đại lý tiêu thụ trung bình 2000 tờ vé, như vậy,
doanh thu trung bình mỗi ngày là 600 triệu đồng.
Trẻ em bán vé số thay vì đến trường học.
Ảnh và chú thích: Uyên Nguyên, RFA
Với mức thu nhập bình quân mỗi ngày từ vài chục ngàn đồng cho đến
một trăm ngàn đồng. Mức một trăm ngàn đồng là mức may mắn của người bán vé,
hiếm khi họ kiếm được số tiền lãi này, vì để có nó, người bán phải bán được 100
tấm vé giá 10 ngàn đồng cho một ngày. Nhưng đây là con số rất khó đạt được, chỉ
có những người bán vé cho ngày mai ngay trong buổi chiều hôm nay mới có cơ may
kiếm được số lượng này.
Nghĩa là buổi sáng, họ thức dậy lúc 5h, ăn uống qua loa và lên
đường, lang thang hết quán cà phê này sáng quán ăn nọ để chào mời vé số, 4 giờ
chiều trả vé, lấy tiếp vé ngày mai đi bán cho đến 9 giờ tối. Đương nhiên, để
kiếm được chén cơm, manh áo, họ phải chấp nhận sự khó chịu, thậm chí những lời
thóa mạ của khách vì bị quấy rầy, mời mọc trong lúc đang ăn. Nhưng nếu nhìn kĩ,
người bán vé số cũng không có cơ hội mời chào khác ngoài việc đi từ bàn ăn này
đến bàn ăn khác hoặc từ bàn cà phê này đến bàn cà phê khác để mời.
Ngành kinh doanh vé số được đánh giá là ngành siêu lợi nhuận, chi
phí in ấn một tờ vé số không bao giờ vượt tới mức giá 500 đồng, chi phí trả cho
người phát hành vé số, từ đại lý cấp 1 cho đến người bán là 1.300 đồng, trong
đó, đại lý được hưởng 3% trên giá vé số, người bán được hưởng 10%. Như vậy,
tổng số tiền lãi công ty nhận trên một tờ vé số sẽ là 8.200 đồng. Trung bình,
mỗi tỉnh có từ 20 đến 30 đại lý, mỗi đại lý có từ 30 dến 40 người đi bán, mỗi
ngày, một đại lý tiêu thụ trung bình 2000 tờ vé, như vậy, doanh thu trung bình
mỗi ngày là 600 triệu đồng, khấu trừ 13%, con số còn lại vẫn ở mức 492 triệu
đồng.
Riêng về khoản tiền thuế đóng cho ngân sách nhà nước, con số này
không ổn định và cũng không minh bạch do sự co giãn giữa mối quan hệ ăn chia,
thân bằng quyến thuộc trong bộ máy cầm quyền và chỉ số thuế qui định đã được
phù phép cho nhỏ lại… Cũng chính vì lẽ này, phần đông nhân viên và ban bệ trong
ngành xổ số kiến thiết đều là đảng viên Cộng sản và có người thân làm quan chức
cấp cao trong bộ máy nhà nước.
Tôi e rằng mình, cùng nhiều người khác, đã hiểu lầm câu
nói (“bán vé số ở Việt Nam có thu nhập cao”) của ông Giàng Seo Phử.
Khi phát biểu như trên, ông Bộ Trưởng chỉ có ý muốn đề cập đến
những đại lý bán vé số của những người có “mối quan hệ ăn chia, thân
bằng quyến thuộc trong bộ máy cầm quyền” thôi. Họ cũng “đều là đảng viên Cộng
sản và có người thân làm quan chức cấp cao trong bộ máy nhà nước” hết trơn
hết trọi. Chớ đâu phải là cái thứ thường dân dấm dớ, cỡ tui,
cha nội!
Ảnh: Tuổi Trẻ Online
Thiệt là một sự hiểu lầm tai hại, chết người, chớ không
phải giỡn. Mà đời về chiều, và đã đến nước này rồi thì tui cũng
đành phải chết thôi. Thôi thì nhẩy mẹ nó xuống cầu Golden Gate, ở San
Francisco, chết quách cho rồi. Chớ lặn lội về tới cố hương rồi đi chào
mời vé số – từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối – chỉ để kiếm được vài
ba Mỹ Kim thì chắc chỉ chừng hai ngày sau là tui sẽ nhẩy cầu Rồng,
hay cầu Bình Lợi thôi hà.
- tuongnangtien's
blog
- http://www.gocnhinalan.com/cac-hoat-dong-khac/dan-giau-nuoc-manh-ban-ve-thu-nhap-cao.html
Trò chuyện với một nhân
chứng sống của Cải Cách Ruộng Đất
|
Nhà văn
Trần Mạnh Hảo
|
Trà Mi/VOA
Một sự kiện gây
bão dư luận trong tháng này khi chính phủ Hà Nội lần đầu tiên mở triển lãm về
cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất những năm 40-50 ở miền Bắc và vội vã
đóng cửa sau 3 ngày gặp phản ứng mãnh mẽ từ công chúng, nhất là các cư dân mạng.
Cuộc triển lãm tại
Viện Bảo tàng Lịch Sử Quốc Gia ở Hà Nội chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946 –
1957” khai mạc hôm 8/9 đã làm khơi dậy làn sóng phẫn nộ vì điều bị cáo buộc là
không phản ánh đúng thực chất sự kiện lịch sử đã giết chết ít nhất 15 ngàn
người bị đấu tố là địa chủ mà đa phần trong số đó bị vu oan, cùng hàng ngàn nạn
nhân khác bị tra tấn, hành hạ và bỏ đói trong tù.
Với sự hướng dẫn,
giúp đỡ của cộng sản Trung Quốc và Liên Xô, chiến dịch Cải cách Ruộng đất của
chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh
và đảng Lao động Việt Nam tức đảng Cộng sản hiện nay đề mục tiêu xóa bỏ văn hóa
phong kiến, tiêu diệt địa chủ và các thành phần bị xem là ‘bóc lột, phản quốc’,
để chia lại ruộng đất cho dân cày, lập nền chuyên chính vô sản, nhanh chóng
tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Chiến dịch đấu tố
thảm sát tàn bạo này đã gây ra bầu không khí nồi da xáo thịt kinh hoàng khi
đồng bào- đồng loại truy quét, thảm sát, tận diệt lẫn nhau; khi những người
cùng huyết thống trong gia đình đấu tố, vu cáo, ám hại nhau giẫm đạp luân
thường đạo lý.
Sự khủng khiếp ấy đã được bộc lộ rõ nét qua mấy vần thơ của Tố Hữu:
«Giết! Giết nữa bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong,
Cho Đảng bền lâu cùng rập bước tơ lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sit-ta-lin bất diệt!»
Trong số trên 172
ngàn người bị quy là địa chủ trong Cải cách Ruộng đất, cứ 10 người thì có tới
hơn 7 người bị quy oan, để rồi sau đó ông Hồ Chí Minh đã thừa nhận chính sách
này là một sai lầm.
Giới trẻ Việt Nam
ít người được biết đến cuộc Cải cách Ruộng đất này vì bấy lâu nay nó không được
sử sách nhà trường nói đến hay báo chí nhà nước nhắc lại, và cuộc triển lãm lần
đầu tiên đầy tranh cãi và kịch tính ở Bảo tàng Lịch Sử Quốc Gia trong tháng này
dường như là một vết dao thêm nữa cứa vào vết thương còn rỉ máu sau gần 6 thập
niên.
Để các bạn trẻ
hiểu thêm về sự kiện gây sóng gió công luận này, Tạp chí Thanh Niên hôm nay có
cuộc trao đổi với một trong những nhân chứng sống, nạn nhân, và cũng là người
tham gia cuộc Cải cách Ruộng đất 60 năm về trước: nhà văn, nhà báo Trần Mạnh
Hảo, nguyên ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, người đã bị khai trừ
khỏi đảng Cộng sản vào năm 1989 vì tác phẩm ‘Ly Thân’ trong đó có nói tới chiến
dịch Cải cách Ruộng đất.
Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Đại
cục của Cải cách ruộng đất là cái xấu xa, đảo lộn đạo lý của dân tộc, là những
cuộc đấu tố khủng khiếp xử oán oan người ta, hàng vạn người bị oan. Vết thương
đã lành họ lại khoét nó ra. Dư luận trên internet phản ứng. Người ta kể ra sự
thật, cho nên họ thấy lợi bất cập hại, họ vội vàng đóng cửa. Đây là một bài học
cho sự tuyên truyền dối trá. Bây giờ còn rất nhiều người trong Cải cách Ruộng
đất như chúng tôi vẫn còn sống đây, sao lại bịp chúng tôi được?
Trà Mi: Hành động nhắc lại lịch sử có người đánh giá là khoét lại nỗi đau chưa lành, có người cho rằng nên nhìn lại lịch sử để học lại bài học của chính mình. Bấy lâu nay đã có rất nhiều chỉ trích nói rằng nhà cầm quyền Việt Nam muốn né tránh những chuyện sai lầm đã gây ra, nên họ cố quên và muốn nhân dân phải quên đi. Nhưng tới lúc họ nhắc lại thì bị ném đá, bị chỉ trích nặng hơn. Không nhắc thì nói là bưng bít, còn nhắc lại thì bị phản ứng. Nên hiểu thế nào về những gì ẩn sau trong lòng dân chúng Việt Nam? Liệu dư luận Việt Nam có quá khắc khe hay không?
Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Cải cách Ruộng đất thật sự là một vết nhơ xấu xa nhất của cộng sản. Cái xấu xa nhất lại đưa ra khoe, triển lãm. Mà triển lãm lại nói phần tốt đẹp chứ không nói phần xấu. Vẫn là một sự bịp bợm, nói dối. Họ cứ quen thói bịp nhân dân mãi. Xưa nhà nước độc quyền các phương tiện truyền thông, chứ giờ internet và Facebook đã là phương tiện truyền thông của mọi người.
Trà Mi: Có ý kíên cho rằng lịch sử không phải để thù hận, cho nên cũng có người ủng hộ sự bạch hóa lịch sử…
Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Bạch hóa lại chối tội, gian dối thì làm sao? Anh bắn giết, hành hạ người oan. Người qua không tội gì lại vu cáo, bịa chuyện để đưa ra bắn, thích bắn là bắn. Bắn hàng vạn người như vậy, rồi ngồi khóc là xong tội à? Ai gây ra chuyện căm thù nhau, nồi da xáo thịt? Ai gây chuyện đấu tố địa chủ khủng khiếp như vậy? Chỉ bởi học thuyết sai lầm về đấu tranh giai cấp sinh ra. Họ đưa học thuyết tà đạo về áp dụng cho dân tộc Việt Nam, làm đảo lộn đạo lý của dân tộc, con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng, cháu đấu tố ông bà. Toàn tố điêu không. Tôi là người tham gia Cải cách Ruộng đất từ đầu chí cuối. Gia đình tôi và bản thân tôi là nạn nhân của Cải cách Ruộng đất nên tôi biết. Sao chúng tôi lại không lên tiếng được? Buộc lòng chúng tôi phải viết mấy bài trên Facebook kể lại chuyện gia đình tôi, rất khủng khiếp, mà tôi chỉ kể có mức độ thôi. Họ không biết sám hối mà cốt tuyên truyền, đem cái xấu xa nhất của chế độ khoe ra mà bảo là tốt thì làm sao mà mọi người nhịn được. Nếu họ triển lãm trung thực, kể ra cái ác của Cải cách Ruộng đất ra để sám hối, để nhận lỗi của mình thì không ai phản ứng cả. Đằng này họ lại làm cái cuộc dối trá như vậy. Không coi người dân ra cái gì cả. Cũng không có một thái độ đàng hoàng, tử tế. Khi thấy triển lãm hố, hai ba ngày sau ngưng không triển lãm nữa lấy lý do thiếu ánh sáng. Thái độ rất hèn hạ. Những người đã bị đấu tố hầu hết là những địa chủ phục vụ kháng chiến. Thế nhưng họ lại bắt đưa ra đấu tố. Như bà Nguyễn Thị Năm là người có công vô cùng lớn với chế độ của ông Hồ Chí Minh, đã nuôi ông Hồ Chí Minh và những người lãnh đạo cộng sản trong nhà và mang hết tài sản ra tặng. Thế nhưng cuối cùng họ lại đem bà ra bắn.
Trà Mi: Là một nhà báo để ý quan sát thời cuộc, theo ông, vì sao nhà nước lại mở triển lãm Cải cách Ruộng đất vào lúc này chứ không phải là sớm hơn hay muộn hơn?
Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Tôi nghĩ rằng cuộc triển lãm này được cấp cao nhất quyết định lâu rồi. Phải là Bộ Chính trị quyết định chứ Bộ Văn hóa không có quyền làm chuyện này. Họ chủ quan nghĩ rằng đã lừa dối được dân mấy chục năm nay rồi thì giờ muốn nói gì thì nói. Đấy là một cái nhầm vì dân bây giờ đã thức tỉnh.
Trà Mi: Đã có nhiều ngòi bút mô tả Cải cách Ruộng đất như một cuộc cách mạng ‘long trời lở đất.’ Cải cách Ruộng đất dưới ngòi bút của nhà văn-nhà báo Trần Mạnh Hảo, một cựu đảng viên cộng sản Việt Nam, như thế nào?
Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Trong tiểu thuyết Ly Thân của tôi nay đã bị nhà nước cấm, tôi có
mô tả đến cuộc Cải cách Ruộng đất. Bây giờ tôi cũng không muốn nhắc tới vì con cháu những người trong làng đã đấu tố gia đình nhà tôi, những người tố điêu, những người làm những việc rất xấu xa đê tiện đó hiện giờ vẫn còn sống trong làng. Khi tôi nhắc lại thì con cháu những người đó cũng có gọi điện thoại vào nói ‘Xin bác tha cho vì chúng ta là những người Công giáo, lấy sự tha thứ làm trọng.’ Tôi bảo ‘Không, tôi thì tôi quên rồi, nhưng tự nhiên ông nhà nước triển lãm Cải cách Ruộng đất mà rất là dối trá như vậy thì bắt buộc tôi phải lên tiếng để công luận biết những gì triển lãm kia không phải thực chất của Cải cách Ruộng đất. Thực ra, nếu muốn viết về Cải cách Ruộng đất, tôi đã viết một cuốn sách ít nhất phải là 500 trang vì riêng chuyện gia đình tôi cũng khủng khiếp lắm. Có những điều tôi cũng không muốn nói ra nữa.
Trà Mi: Nhân nói chuyện về cuộc triển lãm nhắc lại thời mốc quá khứ đen tối trong lịch sử Việt Nam, có thể cùng nhà văn Trần Mạnh Hảo nhìn lại những gì đã diễn ra? Là một nạn nhân cũng là ngừơi tham gia đấu tố trong Cải cách Ruộng đất, từng kinh qua những chuỗi ngày Cải cách Ruộng đất trong thời thơ ấu, sau 6 thập niên nhìn lại, những ký ức còn đọng lại trong ông là gì?
Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Tôi đã chứng kiến lính Pháp đi càn quét trong làng xã, cũng là kinh khiếp lắm, nhưng không bằng Cải cách Ruộng đất. Tôi đã từng đi xem bắn người, những người tốt nhất trong làng xã tôi bị quy là địa chủ và bị đưa ra bắn rất tàn bạo. Tôi cũng từng đấu tố bố mẹ tôi. Tôi cũng từng chứng kiến thảm cảnh gia đình nhà tôi từ đầu chí cuối thì tôi phải nói là Cải cách Ruộng đất không khác gì Polpot bao nhiêu. Những người bị bắn trong làng xã tôi hầu hết là từng là đảng viên cộng sản. Không hiểu tại sao họ lại lôi ra bắn hết. Chắc họ muốn thanh trừng vì họ sợ. Những lớp người làm kháng chiến chống Pháp trong vùng này đã từng là bí thư chi bộ của cộng sản, chủ tịch xã bị lôi ra bắn hết.
Trà Mi: Ông không hiểu vì sao họ làm như vậy, nhưng chính bản thân ông từng có hành động đấu tố tham gia trong cuộc Cải cách Ruộng đất đó, ông có hiểu vì sao mình làm vậy không?
Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Lúc đó tôi mới 10 tuổi thôi. Họ huy động thiếu niên con cái của địa chủ, bắt phải đấu tố bố mẹ thì bố mẹ mới khỏi bị bắn. Bọn chúng tôi đều nghĩ là họ nói thật nên sợ lắm. Tôi bàn với mẹ, mẹ bảo ‘Con không đấu tố thì bố con chết.’ Cuối cùng, chúng tôi phải đứng ra nói theo kịch bản của họ là ‘Bố tôi rất gian ác.’ Họ bảo ‘Chưa được, phải nói nặng thêm.’ Tôi hét lên ‘Bố tôi giết cả làng này.’ Ông đội cải cách rất trẻ tát vào mặt tôi cái bốp, bảo ‘Chửi cha vượt chỉ tiêu trên giao. Trên giao cho mày chửi bố có bằng này thôi, sao mày chửi nhiều vậy?’ Bố mẹ tôi còn bị những người hàng xóm đấu tố. Trước đó, họ là những người Thiên Chúa giáo rất tốt. Đội Cải cách về khuyến khích thế nào thành ra nói dối hết. Tất cả ‘địa chủ’ trong làng xã tôi đều không giàu có gì vì ngoài Bắc ít có người có ruộng thẳng cánh cò bay như trong Nam Bộ. Chỉ vài mẫu ruộng, vài con trâu mà thành ‘địa chủ’ rồi. Họ cứ quy và đấu tố điêu rất gian ác. Trong Cải cách Ruộng đất, không khí khủng khiếp vô cùng.
Trà Mi: Sau lần chính ông đấu tố bố mình, bố ông có lãnh hậu quả thế nào không?
Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Bố tôi sau đó bị nhốt mấy tháng được thả vì gia đình tôi được xuống thành phần ‘trung nông lớp D.’ Tôi nhớ bác Luông ở gần làng tôi cũng bị bắn rất tàn bạo. Đến khi họ sửa sai thì họ cho bác ấy xuống thành phần. Người ta đền tội bắn chết ông Luông có 100 cân thóc cho gia đình. Ngay cả em ruột ông nội tôi là một nhà sư rất nổi tiếng ở huyện cũng bị đấu tố đến mức tự treo cổ chết. Sau này, ông cũng được xuống thành phần. Ông sư trong chùa có gì mà là địa chủ. Họ cốt quy ông là địa chủ để phá chùa của ông thôi. Gần như Cải cách Ruộng đất tiến đến một cuộc diệt chủng. Ví dụ như ông cố sinh ra ông nội tôi, năm đó gần 90 tuổi, râu tóc bạc phơ. Vậy mà họ cũng đem ông ra ruộng đào hố đấu tố ông chỉ vì ông có nhà to nhất làng. Ông cố tôi là một trong những người lập ra cái làng đó. Ông bị đấu tố tới ngất đi. Ông xin xử bắn cho ông được yên mà họ không bắn, đem nhốt ông trong nhà bếp bên cạnh nhà tôi, không cho ăn. Cứ đêm đến ông gọi tôi qua cửa sổ ‘Ông Hảo ơi cho con xin miếng cơm.’ Mẹ tôi thỉnh thoảng lén ném qua cửa sổ cho ông một nắm cơm để ông sống. Nhưng chỉ mấy tháng sau, ông chết.
Trà Mi: Cải cách Ruộng đất nhằm xóa bỏ văn hóa phong kiến; tiêu diệt các thành phần địa chủ, chống chính quyền, hay Việt gian để lấy lại ruộng đất cho bần cố nông. Họ nói mục tiêu đó về cơ bản không sai, nhưng dẫn tới sự đẫm máu và oan sai là do cách thực hiện sai. Ông nghĩ thế nào?
Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Cái đó chỉ là họ biện minh cho hành động độc ác của họ. Mục tiêu của họ là giết trí thức và người giàu. Khẩu hiệu ‘Trí-phú-địa-hào, đào tận gốc trốc tận rễ’, khẩu hiệu căn bản của Cải cách Ruộng đất, vẫn rành rành ra đó. Khẩu hiệu này ra đời từ đảng Cộng sản Đông dương 1930. Trí thức và những người biết làm giàu là thành phần tạo nên xã hội văn minh. Không có trí thức, không có người biết làm ra của cải thì không có xã hội văn minh. Ngay mục tiêu ban đầu của họ đã là rất ác độc, sai trái, chống con người mà cứ bảo trên đúng do dưới thực hiện sai thì rất bậy bạ. Họ chỉ tìm cách mị dân thôi.
Trà Mi: Chủ nghĩa cộng sản tin rằng cách mạng ruộng đất là điều kiện để giải phóng dân tộc…
Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Họ có giải phóng gì đâu. Họ chia ít ruộng cho bần cố nông. Hai năm sau, đến 1958 là họ thu lại hết. Họ cướp hết, cho vào hợp tác xã. Nông dân vẫn tiếp tục khổ ai, còn khổ ải hơn xưa nữa, khốn khó vô cùng. Năm 1958 họ lấy hết đất của dân dồn vào tay nhà nước gọi là ‘hợp tác xã’, thì đâu thể gọi là ‘dân cày có ruộng?’ Đấy là cuộc cách mạng dân cày mất ruộng chứ. Lúc ấy chúng tôi có một ông địa chủ to vô cùng có tên là ‘hợp tác xã,’ đày đọa con người không thể tưởng tượng được. Tôi từng đi làm hợp tác xã, tôi biết, đói vô cùng, hoa cả mắt, suốt ngày làm không đủ ăn.
Trà Mi: Với con mắt một nhân chứng, một người từng là nạn nhân của Cải cách Ruộng đất, ông sẽ nói gì về những di hại của nó cho tới 6 thập niên sau?
Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Tôi chỉ muốn nói rằng dân tộc chúng ta đã kinh qua rất nhiều bi thảm do lỗi lầm của những người mang tà thuyết độc ác, chủ nghĩa duy ác, về đất nước chúng ta. Mong rằng họ sẽ từ bỏ chủ nghĩa duy ác này để trở về với dân tộc, với sự thương yêu hòa đồng với nhau. Chủ nghĩa đấu tranh giai cấp này là một chủ nghĩa rất là sai lầm, làm tai hại cho dân tộc, làm nhân dân cùng đường khốn khổ khốn nạn như thế này. Tôi mong những người cộng sản lãnh đạo đất nước hãy mau thức tỉnh sám hối. Hãy nghĩ rằng không chóng thì chày họ sẽ bị lịch sử lên án. Tôi chỉ mong họ hồi tâm quay lại với đất nước. Mọi người chúng ta hãy cùng nhau nói lên sự thật thì sự thật mới có mặt trên đất nước chúng ta.
Trà Mi: Với thế hệ trẻ ngày nay và ngày mai của nước Việt, theo ông, Cải cách Ruộng đất đã để lại cho họ bài học lịch sử như thế nào?
Nhà văn Trần Mạnh Hảo:Thế hệ chúng tôi bây giờ gần đất xa trời rồi. Thế hệ bố mẹ chúng tôi bị ám ảnh bởi Cải cách Ruộng đất thì chết hết rồi. Bây giờ họ tưởng đã đến lúc họ muốn sáng tác, muốn bịa theo kiểu của họ thế nào cũng được vì lớp trẻ đâu có biết gì, họ muốn nói gì thì nói mà. May mà những người như chúng tôi còn sống và có những bạn trẻ được cha mẹ kể lại những ký ức đau thương của thời Cải cách Ruộng đất, cho nên người ta đã lên tiếng. Không thể nào bịp nhân dân mãi, không thể nào bịt miệng được nhân dân mãi. Internet là phương tiện vô cùng hữu hiệu để chúng ta nói lên sự thật.
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn nhà văn Trần Mạnh Hảo đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.
http://www.voatiengviet.com/content/tro-chuyen-voi-mot-nhan-chung-song-cua-cai-cach-ruong-dat/2457370.html
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching