X

Thursday, September 11, 2014

Thận Trọng? Nhát Gan? Rối Trí?


 
Thận Trọng? Nhát Gan? Rối Trí?
Vũ Linh
...Obama vào thế bí, muốn diệt IS phải diệt từ Syria, tức là… cứu Assad...

Mùa Hè năm nay có thể sẽ đi vào lịch sử Mỹ như một trong những mùa hè nóng nhất. Tình hình chiến sự bộc phát mạnh khắp nơi trên thế giới, như một dẫy núi lửa đang bốc nổ tứ tung.

Bên Đông Âu, TT Putin chẳng cần e lệ gì nữa, công khai tung cả ngàn quân chính quy với đại bác và xe thiết giáp ào qua biên giới, giúp quân ly khai Ukraine đánh quân chính phủ trung ương. Rồi lại công khai cảnh cáo “đừng ai giỡn mặt với Nga, chúng tôi là cường quốc hạt nhân, có thể chiếm thủ đô Kiev của Ukraine trong vòng hai tuần”.

Người ta thấy một số quân ly khai phiá đông nam Ukraine bây giờ kéo cờ của một “nước” mới tên là Novorossiya, tức là New Russia, hay là Nga Mới. Thật ra, cái tên này là tên của một vùng bao gồm hết phần phiá nam của Ukraine, đã có từ cả trăm năm trước, khi các Nga Hoàng chiếm vùng này và sát nhập vào Đế Quốc Nga. “Nước” Nga Mới này chạy dài từ vùng Donetz phiá đông Ukraine (nơi đang đánh nhau và cũng là nơi máy bay Mã Lai bị bắn rớt) qua bán đảo Crimea mà Putin mới chiếm, rồi qua phiá tây tới biên giới Moldova, là xứ mới tách ra khỏi Liên Bang Xô Viết. Tại biên giới này, cũng có một vùng đặc biệt, gọi là Transnistria, tuy thuộc xứ Moldova, nhưng trên thực tế gần như tự trị vì có nửa triệu dân gốc Nga sống, không chấp nhận là dân Moldova hay Ukraine. TT Putin hiển nhiên đang tính bành trướng nước Nga của ông từ Donetz kéo dài qua tới Transnistria, kiểm soát hết một nửa biển Hắc Hải.

Trước chuyện lính Nga công khai tràn vào đánh quân Ukraine, TT Obama lên tiếng ngắn gọn, tố TT Putin đã “nói láo” khi chối cãi là không có lính Nga trên đất Ukraine. Một tuần sau đó, TT Obama qua Âu Châu họp NATO, kêu gọi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương –NATO- phải có hành động quyết liệt vì “Ukraine cần hành động hơn là võ miệng”. Tuyên bố thật cứng rắn, nhưng sau khi Ukraine và Nga đã đồng ý ký hiệp ước đình chiến. Việt Nam ta gọi là “khôn lỏi”.

Tại Trung Đông, TT Obama ngay từ đầu, đã có chiến lược rất rõ ràng: rút về cố thủ đất Mỹ càng mau càng tốt: chuyện quý vị, quý vị tự lo. Kết quả ta thấy là sau khi tướng Petreaus ổn định được tình hình chiến sự, làm kiệt quệ các nhóm khủng bố Al Qaeda và hậu thân của Al Qaeda, thì bây giờ các nhóm đó đã không phải là khủng bố vớ vẩn nữa mà đã là những lực lượng quân sự mạnh nhất Trung Đông, hơn xa các quân đội chính quy của các nước lớn nhất trong vùng. Đã vậy, lại cũng là tổ chức giàu nhất, kiểm soát một vùng mỏ dầu hoả lớn của Iraq, đang khai thác và bán lẻ trên thị trường kiếm cả trăm triệu đô, tha hồ mua súng đạn và nuôi quân.

Trong vòng vài tháng, lực lượng Islamic State (IS) đã kiểm soát gần hết bắc Syria và bắc Iraq. Không ai có thể gọi đó là nhóm khủng bố nữa. Và cũng khó có thể tiêu diệt được lực lượng này, cho dù TT Obama có mang cả trăm ngàn biệt kích Mỹ vào tham chiến trở lại. Có tin lực lượng này có ít nhất khoảng 20.000 tay súng cuồng tín, sẵn sàng tử vì đạo, đánh đến cùng, trong đó có cả ngàn anh đến từ Âu Châu và Mỹ.

Tin mới nhất cho biết TT Obama nhận được báo cáo an ninh hàng ngày và đã biết rõ sự lớn mạnh của IS từ cả năm qua, nhưng cố tình giữ kín để cố bảo vệ “thành quả diệt Al Qaeda” mà ông đã khoe. Bây giờ IS quá lớn, không còn dấu diếm được nữa thì TT Obama quay về chiến thuật cố hữu đổ thừa tại TT Bush đã rút quân khỏi Iraq. Trước đây là “Yes We Can”, bây giờ “No We Cannot” tại vì, bởi vì, rằng thì là,...

Đối với TT Obama, đây là cuộc chiến... tùy cơ ứng biến, không chiến lược gì hết. Chuột chạy tới đâu, ta đuổi theo tới đó, tới đâu hay tới đó. Ta không biết địch làm gì thì làm sao có chiến lược được. Cũng hợp lý thôi.

Ngay cả trong vụ anh James Foley bị cắt đầu, một hành động dã man cố tình reo sợ hãi lên đối phương, không ai biết có tác dụng như thế nào với TT Obama, chỉ biết ông ra trước ký giả, nói ngắn gọn “sẽ tìm công lý” cho anh này, rồi đi đánh gôn tiếp tục. Rồi IS cắt đầu anh Steven Sotloff, một nhà báo Mỹ khác. TT Obama phản ứng bằng cách... gửi thêm 350 lính qua gác tòa đại sứ. Nếu có thêm một nhà báo nữa bị cắt đầu chắc TT Obama sẽ đóng cửa tòa đại sứ, mang mấy trăm lính đó về gác Tòa Bạch Ốc.

Mới đây, TT Obama họp thượng đỉnh NATO, tuyên bố sẽ “tiêu diệt” IS (destroy). Nghe yên tâm phần nào. Nhưng chỉ trong vài đoạn sau, lại tự sửa lại là sẽ “kềm chế” IS (contain) “hy vọng sẽ hạ IS xuống thành một “vấn đề có thể quản lý được” (manageable problem). Đến ngay cả tạp chí Time cũng phải nhận định thông điệp của TT Obama thật khó hiểu, đầu đuôi bất nhất. Tóm lại “tiêu diệt” hay chỉ cần “kềm chế” và “quản lý được”? Nếu IS đừng đánh thêm tỉnh nào nữa, đừng cắt đầu anh nhà báo nào nữa thì sẽ không sợ bị tiêu diệt nữa, an toàn củng cố căn cứ địa chuẩn bị một 9/11 khác?

Ngày 12 tháng 7 năm 2007, TT Bush tuyên bố “Tôi biết nhiều người ở Washington muốn chúng ta rút khỏi Iraq ngay bây giờ. Nhưng rút ra khi các tư lệnh chiến trường chưa sẵn sàng sẽ rất nguy hiểm cho Iraq, cho toàn vùng, và cho nước Mỹ. Có nghiã là chúng ta chấp nhận sẽ có tàn sát tập thể trên mức độ khủng khiếp nhất. Nghiã là chúng ta đã cho khủng bố một căn cứ địa an toàn thay thế Afghanistan. Nghiã là chúng ta gia tăng triển vọng lính Mỹ sẽ phải trở lại để đương đầu với một kẻ địch còn nguy hiểm hơn Al Qaeda nhiều”.

Năm 2011, TT Obama hấp tấp rút hết lính về và tuyên bố “Chúng ta đã trao lại cho người Iraq một nước Iraq với một chính phủ dân chủ, ổn định và vững bền”.

Tiên tri của TT Bush cách đây 7 năm và tiên tri của Đấng Tiên Tri cách đây 3 năm, cái nào đúng?

Đối với TT Obama, nội chiến Syria không còn là chuyện đáng ưu tư nữa. Không bàn đến nữa, vì có bàn vào thì cũng chẳng biết phải làm gì hay có thể làm gì.

Nhưng bất ngờ, sự lớn mạnh và đe dọa của IS dồn TT Obama vào thế bí, muốn diệt IS phải diệt từ Syria, tức là… cứu Assad, còn không đánh bom bên Syria, thì phải gửi lính Mỹ qua đánh tại Iraq. Còn không nữa thì nhắm mặt ngó lơ, chờ ngày IS đánh… New York hay Chicago. Quốc Vương Abdullah của Ả Rập Saudi đã lên tiếng cảnh giác thế giới, chỉ trong vòng vài tháng là IS sẽ đánh tới Mỹ. Làm gì bây giờ?

Tại Libya, sau khi TT Obama “lãnh đạo từ phiá sau” Pháp và Anh để lật đổ TT Khaddafi, thì Libya đã biến thành nồi cháo heo hay lò than đỏ, tùy cách nhìn, trong đó các nhóm quân nổi loạn chống Khaddafi quay súng lại bắn nhau túi bụi. TT Obama phản ứng rất nhanh: chạy! Tiếng súng vừa nổ ngoại ô thủ đô Tripoli là TT Obama đã khẩn cấp ra lệnh tất cả nhân viên tòa đại sứ Mỹ nhẩy lên xe hơi, ào ào chạy qua biên giới Tunisia, bỏ ngỏ toà đại sứ. Cả tháng sau, quân khủng bố mới chiếm tòa đại sứ, kéo cờ đen lên nóc và mở tiệc ăn mừng quanh hồ bơi của tòa đại sứ.

Thế thì TT Obama tham chiến và lật đổ Khaddafi để làm gì? Giúp khủng bố Hồi giáo có thêm một địa bàn vững chắc?

Trong khi đó, chiến tranh Do Thái và Hamas tái phát sau mấy chục năm hưu chiến. TV tràn ngập hình ảnh đổ nát của các cao ốc tại Gaza, cũng như hình ảnh đàn bà trẻ con chết đầy đường. Không ai nghe một lời tuyên bố nào của TT Obama, mặc dù Ngoại Trưởng Kerry bù đầu làm con thoi giữa Do Thái, Ai Cập và Hamas.

xxx

Trước tình hình sôi động như vậy, thiên hạ vẫn thấy TT Obama đi nghỉ hè, đánh gôn, nhẩy đầm và gây quỹ như không có gì đặc biệt xẩy ra. Như thể TT Obama đang làm tổng thống Congo gì đó, hay tổng thống ở một hành tinh khác. Báo chí tranh cãi, bàn luận om sòm, thây kệ, vẫn đi nghỉ hè, chẳng cần phải thay đổi chương trình làm gì.

Có dư luận trách tổng thống quá vô tâm, có người cho tổng thống quá chán nản đã bỏ cuộc, cũng có người bào chữa cho tổng thống, cho rằng trước sự căng thẳng tột cùng này, tổng thống phải đi đánh gôn cho tỉnh táo, mới suy nghĩ chín chắn được, rất cần thiết và rất hữu ích.

Một anh nhà báo phe ta mới viết bài bênh vực TT Obama cần đi đánh gôn cho khoẻ. Và anh cũng đủ lương thiện để nhìn nhận trước đây anh đã sỉ vả TT Bush thậm tệ vì tội hay đi nghỉ hè. Anh phân trần, bây giờ anh mới thấy tổng thống cần nghỉ ngơi, chứ thời Bush thì anh không nghĩ đến chuyện đó. Dĩ nhiên muốn chửi Bush thì cứ chửi thôi, bây giờ tìm cách bênh Obama thì phải đổi giọng.

Một diễn giải quan trọng hơn và có vẻ chính xác hơn là TT Obama cố tình đi nghỉ hè để gửi thông điệp cho cả thế giới biết là ông coi những chuyện lộn xộn trên thế giới hiện nay chẳng có gì ghê gớm, chẳng có gì đáng gọi là khủng hoảng nghiêm trọng đến nỗi phải gián đoạn nghỉ hè. Họp báo thì cố tình mặc bộ vét mùa hè như vẫn còn đang nghỉ hè. Chính ông đã tố giác chuyện thế giới đang sôi động chỉ là sản phẩm của truyền thông khuấy ra cho to chuyện thôi.

Đài truyền hình CNN phổ biến bản đồ Iraq, thay vì tô đỏ hết vùng bắc Syria và bắc Iraq do IS kiểm soát, thì lại sơn đỏ các vòng tròn nhỏ tượng trưng cho các tỉnh lẻ, và các trục lộ giao thông chính nối liền các tỉnh đó, do IS kiểm soát. Làm như thể ngoài các tỉnh và trục lộ giao thông thì toàn là những vùng do quân chính quyền Iraq vẫn còn kiểm soát vậy. Nhìn vào bản đồ đó, ta có cảm tưởng IS chỉ kiếm soát chưa tới 10% vùng bắc Iraq, trong khi thực tế thì IS đã kiểm soát hết hai phần ba bắc Iraq, một vùng lớn hơn cả tiểu bang Indiana, theo như báo New York Times đã nhận định, trong đó có những mỏ dầu hoả lớn trong vùng. Và gần một triệu dân Iraq đã phải di tản, bỏ của chạy lấy thân.

Bản đồ của CNN hiển nhiên nằm trong chính sách của TT Obama, giảm thiểu tối đa mối đe dọa của IS. Chỉ xác nhận thêm CNN đúng là cơ quan ngôn luận bán chính thức của TT Obama thôi, đã giúp chuyển thông điệp của ông cho cả thế giới.

Tại sao TT Obama lại có thái độ cố tình “hạ hỏa” như vậy? Có thật sự là ông không cho những biến cố gần đây là quan trọng không?

Theo Washington Post thì không, TT Obama hiểu rõ tầm mức khủng hoảng của tình hình thế giới, từ Ukraine đến Iraq, Syria, Libya, và Gaza. Phải nói là ông hiểu quá rõ, nên mới phải cố tình “hạ hỏa” để có lý do tránh can thiệp, không hơn không kém.

Thái độ đó phản ánh đúng cách làm việc mà phe ta gọi là rất “thận trọng” của TT Obama. Khi còn làm nghị sĩ tại tiểu bang Illinois, ông đã nổi tiếng là người chuyên môn bỏ phiếu trắng, hay đúng hơn, bỏ phiếu “hiện diện”, ai muốn hiểu sao thì hiểu, và sau này cũng chẳng ai tố giác ông được chuyện gì. Quá trình đã rất mỏng, đã vậy, quan điểm lại bí mật, chính vì vậy mà ông đã đắc cử tổng thống năm 2008. Cho đến khi ông đắc cử tổng thống, người ta mới thấy rõ đường hướng cấp tiến khá cực tả của ông, nhưng đã quá muộn.

Bây giờ, trước những biến động của thế giới, ông cũng cố tình áp dụng chiến lược tránh đút đầu vào rọ đó. Nếu ông lớn tiếng la làng cùng với cả thế giới, cùng với thủ tướng Anh chẳng hạn, hay cùng với chính nội các của ông, cùng rung chuông báo động om sòm với các bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao, tư pháp và an ninh của ông thì bắt buộc phải có hành động cụ thể.

Chỉ có cách phớt lờ, coi như “chuyện nhỏ” thì mới khỏi phải có hành động cụ thể.

Một bình luận gia gọi thái độ của TT Obama là theo chủ thuyết “minimalist”, mà kẻ viết này dịch cho sát nghiã là … “chủ thuyết hạt tiêu”. Nghiã là tất cả mọi hành động đều thuộc loại lắt nhắt bé tý như hạt tiêu. Putin vẽ lại bản đồ Đông Âu, TT Obama cấm vài phụ tá của Putin không được du lịch Mỹ. IS vẽ lại bản đồ Trung Đông, TT Obama thả bom Irbil vài trái, Sinjar vài trái, gửi 300 biệt kích qua gác tòa đại sứ, rồi 300 qua làm “cố vấn”, rồi mới đây, thêm 350 nữa cũng để qua gác các cơ sở Mỹ. Không thể nào “hạt tiêu” hơn.

Rõ ràng là giữa những tuyên bố đình đám “hàn gắn vết thương của địa cầu, hạ thủy triều” và chủ thuyết hạt tiêu đã có một tương phản thật lớn giữa lời nói và việc làm.

Lịch sự hơn thì sẽ cho là TT Obama “thận trọng”. Nhưng vấn đề là TT Obama có phải đã quá thận trọng, đến độ tê liệt luôn, không dám nhúc nhích gì nữa.

Bà TNS Dân Chủ Diane Feinstein, mà không ai có thể nói là thuộc loại diều hâu hăng tiết vịt cả, đã lên truyền hình công khai chỉ trích TT Obama đã thận trọng quá mức –too cautious- khi đối xử với những tên khủng bố quá tàn bạo như IS. Dân biểu Dân Chủ Adam Smith đã kêu gọi TT Obama phải có hành động cụ thể hơn tại Ukraine. Bà nghị sĩ Dân Chủ Jeanne Shaheen cũng lên tiếng đòi hỏi TT Obama phải có hành động đối với nhóm IS. Gần kề ngày bầu cử, cả quốc hội sôi sục sợ mất cử tri trong khi tổng thống không phải ra tranh cử nữa nên... tỉnh bơ.
TT Obama đang cố thành lập một liên minh Mỹ-Âu-Ả Rập đối phó với IS, để tránh mang tiếng là cao bồi một người một ngựa giống Bush, nhưng cho đến nay, đã chẳng nước nào hưởng ứng. Họ lo ngại quyết tâm của TT Obama vì nhớ lại “lằn ranh đỏ” với Syria, và cuộc tháo chạy sau đó. Dĩ nhiên họ không muốn ở trong tình trạng nhẩy vào liên minh rồi thấy TT Obama tháo chạy, bỏ họ lại lãnh đủ.

Thời đại nhiễu nhương, con thuyền thế giới cần một người lãnh đạo cứng tay chèo. Đáng tiếc thay, dân Mỹ lại bầu cho một ông tổ chức cộng đồng được giải Nobel Hoà Bình, cứ địch tiến ta lùi, nhân danh “thận trọng”. Vừa lùi vừa đỡ đông tránh tây, chẳng chiến lược, chính sách gì hết. TT Obama quên mất lùi mãi chưa chắc đã là cách tốt nhất để bảo vệ hòa bình. Nhiều khi chính vì lùi riết mà lại tạo ra đại chiến.

Lịch sử là những chuyện lập đi lập lại. Dù vậy vẫn có không biết bao nhiêu chính khách vẫn không bao giờ thuộc bài học sử ký nhập môn. Nhiều sử gia đã nhắc lại phản ứng của Thủ Tướng Anh Chamberlain khi nghe tin Hitler đã tung quân xâm lăng Tiệp Khắc. Ông cho là “chuyện nhỏ” không đáng chú ý, cho đến khi nó thành... thế chiến. Và cả thế giới ngày nay đã khẳng định chính thái độ “thận trọng” không dám làm mất lòng Hitler, muốn “hạ hỏa” chuyện Hitler đánh Tiệp Khắc, đã khiến Hitler ngày một hung hãn, đưa đến đại chiến. Nếu Chamberlain ngay từ đầu cứng rắn như Churchill sau này, thì có thể đã làm chùn chân Hitler bớt và thế chiến đã không xẩy ra.

Nhìn kỹ lại phản ứng của TT Obama, nhất là đối với những bước đi của Putin, mà bà Hillary đã từng ví như Hitler, thật khó ai biết được đó là phản ứng thận trọng không muốn làm to chuyện, hay là nhát gan không dám làm gì, hay là rối trí không biết phải làm gì.

Chuyện thế giới rối tung chưa biết đi tới đâu, chỉ biết tỷ lệ hậu thuẫn của TT Obama tiếp tục đạt những kỷ lục mới. Theo Gallup, tỷ lệ này bây giờ đã tuột xuống mức thấp nhất, chỉ còn có 38% trong khi tỷ lệ chống leo lên tới 55%. Chẳng mấy chốc sẽ bắt kịp Bush. Còn thời giờ mà.
Chính sách đối ngoại của TT Obama nhìn về quá khứ là một thất bại trọn vẹn. Với Nga, bà Hillary cách đây sáu năm đề nghị bắt đầu lại từ đầu –reset-, kết quả quan hệ Mỹ-Nga quả đã khác xa thời Clinton hay Bush, bây giờ chiến tranh lạnh đã biến thành chiến tranh nóng. Đối với khủng bố Hồi giáo quá khích, việc ông tổng thống với cái tên đệm là Hussein đi lòng vòng xin lỗi vẫn chẳng có kết quả tốt đẹp hơn gì.

Một nạn nhân bên lề mà Mỹ gọi là collateral damage là… bà cựu ngoại trưởng Hillary Clinton. Sẽ là cả một vấn đề cho bà khi ra tranh cử tổng thống mà phải giải thích những thất bại ngoại giao này. (07-09-14)

Vũ Linh


__._,_.___

Posted by: truc nguyen 

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts