X

Friday, September 5, 2014

Phản ứng về vụ Pháp ngưng giao tàu Mistral cho Nga


Phản ứng về vụ Pháp ngưng giao tàu Mistral cho Nga

Xưởng đóng tàu chiến Mistral tại cảng Saint Nazaire REUTERS /Stephane Mahe
Xưởng đóng tàu chiến Mistral tại cảng Saint Nazaire REUTERS /Stephane Mahe

Thanh Hà RFI

Ngày hôm qua 03/09/2014, Tổng thống Hollande thông báo do tình hình « nghiêm trọng » hiện nay, Pháp hoãn việc giao tàu chiến Mistral cho Nga. Thông cáo của điện Elysée ghi rõ « hành vi của Nga tại miền Đông Ukraina trái ngược lại với những nền tảng an ninh của châu Âu. Washington hoan nghênh thái độ thận trọng của Paris.

Nhiều nước trong vùng Baltic cũng tán đồng quyết định của chính phủ Pháp. Tuy nhiên, giới công đoàn Pháp lại phản đối quyết định nói trên của phủ Tổng thống do lo ngại ảnh hưởng đến công việc làm của công nhân khu đóng tàu Saint Nazaire. Theo giới công đoàn, « cả trăm chỗ làm » bị đe dọa.
Dù sao quyết định nói trên được Tổng thống Hollande đưa ra vào lúc Liên Hiệp Châu Âu chuẩn bị tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào nước Nga.

Năm 2011, Nga ký kết hợp đồng 1,2 tỷ euro mua hai chiếc tàu chiến Mistral của Pháp. Khả năng hủy hợp đồng với phía Nga gây lo ngại cho các giới lãnh đạo Pháp. Theo thẩm định của Viện Quan hệ Quốc tế Chiến lược, trong trường hợp hủy hợp đồng, Pháp chẳng những thất thu 1,2 tỷ euro mà còn phải bồi thường cho phía Nga 5 tỷ.

Mỹ cam kết giúp các nước vùng Baltic chống lại Nga

Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo của ba nước vùng Baltic – Estonia, Latvia và Lithuania.

Luis Ramirez
04.09.2014
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tới Anh để dự hội nghị thượng đỉnh NATO, tập trung vào vấn đề Ukraine. Hôm thứ tư, nhà lãnh đạo Mỹ đã đến thăm Estonia và cam kết hỗ trợ cho các nước vùng Baltic để chống lại những hành động xâm lăng mà Nga có thể thực hiện. Thông tín viên Luis Ramirez của đài VOA tháp tùng phái đoàn tổng thống có bài tường thuật sau đây.
Tại một cuộc họp với các nhà lãnh đạo của ba nước vùng Baltic – Estonia, Latvia và Lithuania, Tổng thống Obama đã gởi đi một thông điệp rõ ràng cho nước Nga.
"Trong tư cách là một nước đồng minh trong khối NATO, chúng tôi sẽ chu toàn trọng trách của mình, nghĩa vụ Điều 5 đối với công cuộc phòng thủ chung. Và ngày hôm nay tôi muốn tất cả mọi người ở Estonia, Latvia và Lithuania biết rằng các bạn sẽ không bao giờ phải chiến đấu một cách đơn độc."
Cả ba vị tổng thống trong vùng Baltic cho biết họ trông cậy vào sự lãnh đạo của Mỹ. Tổng thống Toomas Hendrik của Estonia phát biểu như sau.
"Chúng tôi cảm kích những biện pháp cấp thời mà Hoa Kỳ đã thực hiện để chứng tỏ tình liên đới với ba nước chúng tôi, cũng như với Ba Lan và Romania.
Nhưng đối với phần còn lại của Châu Âu, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã đưa ra một thông điệp khác. Ông muốn tất cả các nước hội viên NATO chu toàn trách vụ của mình và đóng góp 2% GDP cho các nỗ lực quốc phòng. Ông gọi Estonia là “một đồng minh hoàn hảo”, một phần vì nước này đã chu toàn trách vụ đó.
Tổng thống Obama nói thêm rằng NATO sẽ sát cánh với Estonia và các nước khác trong vùng Baltic.
"Một vụ tấn công một nước là một vụ tấn công tất cả các nước. Và do đó, trong một thời điểm như vậy mà quí vị lại hỏi “Ai sẽ giúp chúng ta đây?” thì quí vị sẽ biết câu trả lời là liên minh NATO, trong đó có quân lực Hoa Kỳ."
Việc một cuộc ngưng bắn giữa Ukraine với Nga được loan báo đã không làm thay đổi các kế hoạch thảo luận tại hộïi nghị thượng đỉnh NATO.
Tổng thống Obama nói rằng hãy còn quá sớm để biết được Nga có ngưng những hành động xâm lăng hay không.
Ông cũng cho biết sẽ có thêm các đơn vị không quân Mỹ được điều tới Estonia để hoạt động chung với các binh sĩ Mỹ đang trú đóng ở đó.

Theo dự liệu, tại hội nghị ở Wales ông Obama sẽ ra sức nâng cao quyết tâm của Châu Âu và gia tăng sự hiện diện quân sự ở Đông Âu

 

NATO - Nga : Bế tắc đối thoại về Ukraina

Tổng thống Porochenko tại Thượng đỉnh Newport - Reuters
Tổng thống Porochenko tại Thượng đỉnh Newport - Reuters

Thanh Hà

Ukraina là trọng tâm của thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Newport. Tổng thống Porochenko vào trưa nay tiếp kiến tổng thống Hoa Kỳ, Obama, tổng thống Pháp, Hollande và thủ tướng các nước Anh, Đức và Ý bên lề hội nghị. Quốc tế gia tăng áp lực đòi Matxcơva chấm dứt can thiệp vào miền Đông Ukraina.

Tại hiện trường, phe thân Nga ở miền Đông Ukraina đang giành lại thế mạnh. RFI đặt câu hỏi với giám đốc Viện Quan hệ Chiến lược Quốc tế IRIS của Pháp, ông Philippe Migault về bế tắc trong đối thoại giữa phương Tây và Nga trên hồ sơ Ukraina. 

Trước hết phải chăng việc phe thân Nga ở Đông Ukraina đang lấy lại ưu thế là một sự bất ngờ ?  
Điều đó vừa đúng mà vừa không đúng. Mới chỉ cách nay hai tuần, Kiev khẳng định là sắp dẹp được quân nổi dậy ở miền Đông Ukraina. Thế nhưng trên hiện trường, xung đột giữa quân đội Ukraina với phe nổi dậy thân Nga rất khốc liệt, nhất là ở vùng sát biên giới giữa Nga với Ukraina. Quân đội Ukraina cho tới nay chưa từng thành công trong việc tách rời quân nổi dậy khỏi vùng biên giới với Nga.

Trợ giúp từ phía Nga vẫn tiếp tục đổ về khu vực này, nuôi sống, trang bị cho phe nổi dậy thân Nga. Đương nhiên là ngày nào mà liên hệ đó còn được duy trì, thì quân đội Ukraina sẽ bị xói mòn, hao tốn sức lực. Quân đội Ukraina tuy có nhiều phương tiện nhưng lại bị chia rẽ và thiếu nhân sự. Hơn nữa, trong thế tấn công, Ukraina cần huy động nhiều binh sĩ và các phương tiện quân sự. Chốt lại, tình hình hiện nay tương đối không phải là một điều gây ngạc nhiên. 
Quốc tế phải nghĩ gì khi Nga tuyên bố « xét lại chiến lược quân sự » ở phía tây trước khả năng NATO thu nhận thêm thành viên mới ? 
Tôi nghĩ là chúng ta không nên nao núng vì tuyên bố đó của chính quyền Matxcơva. Nga không đưa ra điều gì mới mẻ cả. Ngay từ những năm 2010, Matxcơva đã coi khả năng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương mở rộng biên giới là một mối đe dọa đối với an ninh của nước Nga. Trong mắt các nhà cầm quyền Nga, NATO luôn là một hiểm họa. Có điều là với khủng hoảng Ukraina, sau việc Crimée bị thôn tính và sáp nhập vào nước Nga, NATO đề nghị thành lập căn cứ quân sự thường trực tại đông Âu, tức là sát cạnh biên giới của Nga. Đương nhiên là Matxcơva phải có phản ứng. Có nhiều khả năng Nga tăng cường sự hiện diện quân sự ở vùng phía tây. 

Thưa ông Philippe Migault, thực ra Nga muốn gì trên hồ sơ Ukraina ?  
Tôi nghĩ từ đầu cuộc khủng hoảng tới nay, mục tiêu của Matxcơva đối với Ukraina không hề thay đổi. Liên bang Nga luôn coi Ukraina là một quốc gia có lợi ích sống còn và có tầm mức chiến lược đối với bản thân nước Nga. Vì vậy Matxcơva làm tất cả để Kiev không ngả về phía Liên Hiệp Châu Âu và nhất là không đi theo NATO. Nga không muốn trông thấy một nước Ukraina thân Mỹ. Đương nhiên là Matxcơva không muốn quyền lực Ukraina nằm trong tay các nhà lãnh đạo bài Nga. Đơn giản chỉ vậy thôi. 

Liệu rằng Nga có tiếp tục muốn thành lập một liên minh với Ukraina để buộc Kiev chịu ảnh hưởng của Matxcơva như dưới thời Liên Xô cũ hay không ?  
Đương nhiên với khủng hoảng không hồi kết như hiện nay, mọi kịch bản đều có thể xảy ra. Chúng ta có thể liên tưởng tới một « liên bang Ukraina » hay một nước Ukraina bị chia đôi mà ở đó vùng Donbass tách rời hẳn khỏi Ukraina để thuần phục Matxcơva như ở vùng Nam Áp Kha Si. Nhiều người cũng không loại trừ khả năng miền Đông Ukraina xin được sáp nhập hẳn vào nước Nga. Ngày nào mà các bên liên quan không chịu ngồi vào bàn đàm phán, thì không thể nói tới hồi kết của khủng hoảng Ukraina. 

Vào lúc NATO họp thượng đỉnh ở Newport, Anh Quốc, ông có nghĩ là phương Tây và Nga có thể dễ dàng nối lại đối thoại để giải quyết hồ sơ Ukraina hay không ? 

Tôi có cảm tưởng là liên quan tới đối thoại với Nga, cộng đồng quốc tế đang trong một tình huống tương tự như đối với vấn đề khủng hoảng kinh tế của nước Pháp. Có nghĩa là tất cả mọi người cùng nhận thức được vấn đề nhưng không ai sẵn sàng làm bất cứ một việc gì để giải quyết vấn đề đó. Vấn đề rất đơn giản. Nga muốn có một cuộc đối thoại về Ukraina. Nhưng đó phải là một cuộc đối thoại tương tương xứng, bình đẳng giữa các bên. Nga không muốn bị cộng đồng quốc tế áp đặt. Phương Tây thì coi đó là một thái độ ngạo mạn của các nhà cầm quyền Matxcơva. 

Khác biệt đó cho thấy khó có thể tiến tới đối thoại thực sự. Vấn đề đặt ra là quốc tế vẫn nghĩ nước Nga ngày này của ông Putin như liên bang Nga ở những thập niên 1990 dưới thời đạo của cố tổng thống Boris Eltsin. Đó là một sai lầm. Ngày nào mà chúng ta không hiểu được rằng nước Nga ngày nay của Putin không khoan nhượng như thời trước, thì không thể có một sự thương lượng thực sự để đem lại hòa bình cho Ukraina. 

Xin cảm ơn ông Philippe Migault, giám đốc viện IRIS. 
__._,_.___

Posted by: ly vanxuan 

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts