X

Tuesday, September 23, 2014

Sinh viên Hồng Kông bắt đầu tuần lễ bãi khóa, phản đối Bắc Kinh


Đăng ngày 22-09-2014

Sinh viên Hồng Kông bắt đầu tuần lễ bãi khóa, phản đối Bắc Kinh

Đức Tâm
media
Sinh viên các trường đại học biểu tình trước cổng trường Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, ngày 22/09/2014.REUTERS/Bobby Yip
Hôm nay, 22/09/2014, giới sinh viên Hồng Kông bắt đầu cuộc bãi khóa trong vòng một tuần để phản đối thái độ của chính quyền Bắc Kinh hạn chế, thậm chí bóp nghẹt các cải cách liên quan đến việc bầu cử lãnh đạo cơ quan hành pháp của lãnh thổ này. Hôm qua, phong trào này đã nhận được sự ủng hộ của hơn 400 giáo sư đại học Hồng Kông.
Thông tín viên RFI Florence de Changy tường trình tại chỗ :
« Rất hiếm khi thấy các giáo sư đứng phát biểu trên bục giảng của giảng đường số 12 đại học đô thị Hồng Kông. Nhân danh 400 người ký tên vào kiến nghị, khoảng ba chục giáo sư, từ chiều ngày hôm qua, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với sinh viên tiến hành một đợt bãi khóa kéo dài một tuần. Các sinh viên phản đối thái độ của chính quyền Bắc Kinh đã ngăn cản thô bạo hoặc thậm chí chấm dứt phong trào cải cách dân chủ đang diễn ra tại Hồng Kông.

Một giáo sư thuộc ban khoa học xã hội của trường đại học Khoa học công nghệ Hồng Kông, người đứng đầu phong trào đấu tranh của các giảng viên, nói : 'Chúng tôi cảm động rơi nước mắt khi nhìn thấy các sinh viên thực hành những gì họ đã học. Họ xứng đáng được hưởng sự ủng hộ của chúng tôi'.

Kể từ ngày mai, 23/09, một trường đại học mở sẽ được tổ chức ở quảng trường Tama, trước trụ sở Hội đồng lập pháp, ở ngay trung tâm Hồng Kông. Các giáo sư sẽ lần lượt lên giảng các bài liên quan đến việc thức tỉnh ý thức chính trị công dân, tư tưởng phê phán, tự do ngôn luận, chủ nghĩa toàn trị, các quyền phổ quát của công dân… Đó là những chủ đề làm cho Bắc Kinh rất khó chịu, nhưng có mục đích nâng cao ý thức chính trị của người dân Hồng Kông ».

Đăng ngày 22-09-2014

Hồng Kông muốn ra khơi xa rời đại lục

Anh Vũ
media
Bích chương kêu gọi sinh viên đại học Hồng Kông bãi khóa để phản đối luật bầu cử của Bắc Kinh.REUTERS/Tyrone Siu

Trên trang Tranh luận của Le Monde hôm nay, 22/09/2014, điểm lại một bài viết đăng trên tạp chí Phê bình ( Critique) số ra trong tháng này có tựa đề « Hồng Kông rời bến ra khơi » đề cập đến những xáo động chính trị xã hội gần đây trên vùng đất có quy chế đặc khu hành chính của Trung Quốc.

Theo Le Monde, sau 17 năm trở về với Trung Quốc, Hồng Kông vùng đất thuộc địa cũ của Anh đang kháng cự. Mặc dù chịu nhiều sức ép của Bắc Kinh, xã hội Hồng Kông vẫn không được « bình thường hóa ».

Bài viết ngược lại thời gian, nhắc lại vào thời điểm năm 1997 khi Hồng Kông trở về với Trung Quốc lục địa, nhiều người bi quan đã dự báo về sự sụp đổ của trung tâm tài chính lớn ở Châu Á, về sự suy tàn của tiếng Quảng Đông, thứ ngôn ngữ của 7 triệu người dân Hồng Kông, và người ta cũng dự báo về hệ thống « một đất nước hai chế độ » như thỏa thuận giữa Đặng Tiểu Bình và Margaret Thatcher ( thủ tướng Anh lúc bấy giờ) sẽ không thể duy trì được.
Thế nhưng những tiên liệu đó đã không xảy ra, Hồng Kông với một xã hội dân sự sôi sục vẫn bảo tồn được bản sắc riêng của mình. Đây là điều đã được nhiều nhà báo, chuyên gia, học giả người Hồng Kông, Trung Quốc đề cập đến qua nhiều bài viết ở các góc độ khác nhau về chính trị văn hóa xã hội ở vùng đất này.
Tuy nhiên theo, Le Monde, nếu như Trung Quốc lục địa ưu ái thậm chí hỗ trợ Hồng Kông trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997, thì chính quốc đại lục cũng đã bị ảnh hưởng bởi mảnh đất từng một thời bị coi là biểu tượng nhục nhã của triều đại Trung Hoa trong thế kỷ 19 dưới thời nhà Thanh.
Tự do ngôn luận, hoạt động tích cực của các tổ chức xã hội dân sự từ Hồng Kông đang lan sang ảnh hưởng tới bầu không khí chính trị của tỉnh Quảng Đông nằm kế bên.

Nhưng từ năm 2003, ý đồ đưa vào luật pháp Hồng Kông tội « xâm hại an ninh quốc gia », một tội danh vẫn được sử dụng ở Trung Hoa lục địa để kết án những nhà ly khai với chế độ, thì bầu không khí ở Hồng Kông bắt đầu trở nên căng thẳng. 

Sự huy động của phe dân chủ và đặc biệt sinh viên cũng như thái độ thù hằn với du khách đến từ đại lục là những dấu hiệu căng thẳng dễ thấy nhất.

Gần đây, chính quyền Bắc Kinh vừa mới ấn định, theo cách thắt chặt hơn, những điều kiện chỉ định ứng cử viên lãnh đạo đặc khu cho bầu cử phổ thông đầu phiếu.

Bài báo trích dẫn nhà nghiên cứu Khổng Cáo Phong (Ho-fung Hung) thuộc đại học Johns Hopkins – Hoa Kỳ nhận định những diễn biến chính trị tại Hồng Kông gần đây cho thấy đường lối của Bắc Kinh đang nôn nóng muốn đồng hóa Hồng Kông và áp đặt cho vùng đất này cách thực thi quyền hành ở đại lục, muốn nền dân chủ truyền thống của Hồng Kông phải dựa trên ảo ảnh cải cách dân chủ của Trung Quốc. 

Trong khi đó các phong trào tự quản địa phương đang thách thức Bắc Kinh đòi dân chủ cho Hồng Kông nhưng vẫn hướng tới cuộc đấu tranh rộng lớn hơn cho việc dân chủ hóa ở Trung Quốc.



__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for watching

Popular Posts

Popular Posts