NÓI
THẬT CHO NHAU NGHE !(Kỳ 10)
Mạnh Trí
13- Câu chuyện thứ 13:
Thứ lý luận xa rời thực tiễn, né tránh
thực
tiễn, xuyên tạc thực tiễn là thứ lý luận gì?
(trao
đổi đôi điều với tác giả Nhị Lê)
Trên Tạp chí Cộng sản số
862 (8-2014), tác giả Nhị Lê (NL) có một bài viết khá dài về chủ đề Đổi mới lý luận về con đường đi lên CNXH
ở Việt Nam, qua thực tiễn 30 năm đổi mới. Anh em chúng tôi dù đã được học
qua chương trình Lý luận chính trị cao cấp, và đều đã có trình độ ĐH và SĐH
rồi, nhưng đọc mãi mà vẫn chưa hiểu hết các ý tứ của ông nêu trong đó, và lại
còn nảy sinh rất nhiều băn khoăn về tính khoa học của bài viết !
Tác giả NL là
một cây viết có uy tín, ở tầm cao, của các báo và tạp chí lý luận chính trị
thuộc “lề phải”, tức là của Đảng. Đi kèm bút danh Nhị Lê, bạn đọc chưa hề thấy
ghi học hàm, học vị gì cả, nhưng xem ra cũng có vẻ ngang ngửa, có thể sánh với
các GS Hoàng Chí Bảo, Nguyễn Đức Bình… Chả thế mà hiện nay ông đang được đảm
nhiệm chức Phó tổng biên tập của Tạp chí Cộng sản! Chúng tôi đã được đọc một số
bài viết của NL, nhưng không để lại cho chúng tôi một ấn tượng gì về mặt học
thuật cả!
Không có phát kiến mới về mặt tri thức, cũng không có sáng tạo về mặt
phương pháp nghiên cứu. Hầu như tất cả các bài viết của ông và đồng sự trong
chuyên mục Nghiên cứu lý luận đều chỉ đáng ở dạng minh họa đường lối,
chính sách, chứ không có tác dụng định hướng cho sự phát triển của thực tiễn,
vì nó luôn đi sau thực tiễn. “Văn phong” của ông thường là thiên về lý luận
ròng, hơn là mổ xẻ thực tiễn, thích “tầm chương trích cú”, dựa vào các tác phẩm
kinh điển, các ý kiến của lãnh đạo, nội dung Nghị quyết của Đảng,…
hơn là liên
hệ với thực tiễn, thích dài dòng lê thê đến mức rối rắm, trùng lặp, hơn là súc
tích ngắn gọn… Các ông cũng thường dùng thủ pháp “hàn lâm hóa” nội dung lý luận
để trốn sự phù hợp bắt buộc giữa lý luận và thực tiễn.
Các chiêu thức ấy
dễ làm cho người đọc thấy khó hiểu hơn, dễ lạc hướng, mất tỉnh táo, dẫn đến ngộ
nhận để chấp nhận theo cùng ý tưởng chủ định của tác giả. Bọn “thù địch” luôn
âm mưu“diễn biến hòa bình” tuy không ghét ông, vẫn hay đọc bài của ông và bình
luận, đều xếp ông và các đồng sự của ông vào loại “học giả chuyên ăn theo nói
leo”, thậm chí có người còn gọi các ông là “bồi bút”, của chế độ độc Đảng hiện
tại !
Sau đây là tóm tắt ý
kiến trao đổi của anh em chúng tôi về bài viết nói trên của tác giả NL :
- Theo tôi và nhiều bạn
đọc thì có lẽ nội dung chủ yếu của bài viết là tác giả muốn chứng minh
cho được Con đường đi lên CNXH ở Việt Nam hiện nay là một sự
phát triển biện chứng, đổi mới nhận thức, do Đảng tìm tòi, sáng
tạo. Con đường ấy là hoàn toàn đúng đắn vì nó phù hợp với xu thế phát triển của
thời đại, phù hợp với đặc thù Việt Nam, và trên hết là đáp ứng được lợi ích của
đất nước, tâm nguyện của toàn dân. Con đường ấy đang được thực thi có hiệu quả,
nhất là trong gần 30 năm đổi mới, dẫn đất nước ngày càng tiến đến gần mục tiêu
hơn của CNXH (ý của tác giả).
- Nhưng sự thể hiện của
tác giả lại không đáp ứng được yêu cầu trên, càng viết dài càng lúng túng, càng
bộc lộ sự vênh váo giữa lý luận và thực tiễn. Rất nhiều bất cập trong bài viết
đã phản bác lại chính những kết luận mà tác giả đã rút ra về lý luận, tức là
người đọc ngay lập tức thấy chúng không có giá trị gì đáng để nghiên cứu !
- Trước hết, người đọc
không được thấy sự phát triển biện
chứng của thực tiễn đổi mới, để dẫn đến sự phát triển biện chứng của lý
luận về đổi mới.
Chỉ thấy tác giả nêu cái kết quả được gọi là phát triển biện chứng
của lý luận về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam qua từng chặng đường, thể hiện
ra ở những thay đổi câu chữ, trong các văn kiện của các nhiệm kỳ Đại
hội Đảng, xét trên từng bình diện: mục tiêu tổng quát, mô hình đặc trưng về
chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,… (Ví dụ: từ Dân giàu, nước mạnh, xã hội
công bằng, dân chủ, văn minh, thành Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh; từ Hành chính tập trung thành Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; từ
Cơ chế kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp, khép kín,… sang Nền kinh tế thị
trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế,…).
- Mà điều quan trọng
nhất để chứng minh sự phát triển biện chứng lại không thấy xuất hiện, đó là:
không thấy tác giả chỉ ra những quy luật khách quan nào đã thúc đẩy sự
phát triển biện chứng đó của thực tiễn kinh tế – xã hội, đã khiến Đảng phải đổi
mới về lý luận tương ứng? Không chỉ ra được quy luật thì hoạt động thực tiễn
chỉ là mò mẫm, sự phát triển của thực tiễn nếu có được chỉ là ngẫu nhiên, ăn
may, chứ không thể gọi là phát triển biện chứng, và lý luận tương ứng rút ra
chỉ là sản phẩm của duy ý chí !
- Tác giả đã nêu lên nét
khái quát nhất về sự phát triển biện chứng của Con đường đi lên CNXH ở Việt
Nam, trước hết là sự nâng cấp của “3 cái định”: từ định hướng nâng lên định tính và bây giờ đã đến định hình. Người đọc không thấy có
gì mới trong ý kiến này cả, vì với bất kỳ sự phát triển của sự vật hiện tượng
nào trong thực tiễn mà chả như vậy !
- Ý kiến của tôi ở điểm
này có hơi khác : không phải từ sự đổi mới nhận thức về CNXH mà Đảng đã có sự
điều chỉnh, bổ sung đường lối và các chính sách, như tác giả lý giải, mà
là chính các thất bại liên tiếp trong thực tiễn do làm sai quy luật
đã buộc Đảng phải sửa sai. Những thay đổi câu chữ trong các văn kiện như đã nêu
ở trên chính là dấu tích của sự sửa sai đó. Đây là một việc làm
hoàn toàn bị động, luôn đi sau thực tiễn !
- Chúng ta đọc kỹ lại
thì thấy tác giả cũng đã chỉ ra những cái gọi là phát triển biện chứng của Con
đường đi lên CNXH, như phủ định biện
chứng, bỏ qua biện chứng, rút ngắn biện chứng… Những khái niệm này
chỉ được giải thích sơ lược như: phủ định những cái phản tiến bộ của chủ nghĩa
tư bản (CNTB), bỏ qua những cái lạc hậu của CNTB, không cần thiết cho CNXH, rút
ngắn những bước đi quá dài mà xưa kia CNTB đã phải trải qua hàng trăm năm…
Thật
ra những khái niệm này ai cũng biết, nếu được học qua chương trình Triết học
cao cấp hay trung cấp. Điều quan trọng là phải chỉ ra được những thể nghiệm ấy
trong thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam, thì tác giả lại không đáp ứng!
Do vậy
mà khi đọc đến đây, người đọc đã ngay lập tức phải tự liên hệ đến những
điều tai nghe mắt thấy trong cái hiện thực được gọi là CNXH, thì đều toàn thấy
một màu xám xịt u tối, từ kinh tế cho đến chính trị, rồi văn hóa, xã hội,… Tất
cả đều là những cái rác rưởi, thậm chí là phản động, của cái CNTB hoang dã,
mông muội, man rợ thời khởi đầu, mà ngay các xã hội TBCN sau đó đã phải vứt bỏ,
và xã hội TBCN hiện đại cũng đã và đang tìm cách điều chỉnh mạnh mẽ, nhằm hạn
chế tối đa những tác động tiêu cực, phản tiến bộ.
- Tôi có chú ý tới ý
kiến của tác giả nói về cái lô gích phủ định biện chứng. Tác giả lý giải sự phủ
định biện chứng của Đảng ta khi tìm tòi Con đường đi lên CNXH là rất sáng tạo,
không phải là phủ định sạch trơn đối với những thành tựu của CNTB. Trước sau,
dù ở giai đoạn lịch sử nào, Đảng ta cũng chỉ kiên quyết phủ định, kiên quyết bỏ
qua cái chế độ chính trị TBCN.
Chỉ
vậy thôi, còn tất cả đều tiếp nhận để sử dụng cho CNXH, nhưng phải phù hợp với
đặc thù của Việt Nam. Quả là người đọc không hiểu tác giả định nói gì ở đây?
Cái chế độ chính trị TBCN mà Đảng ta kiên quyết phủ định là cái gì thì không
thấy tác giả lý giải! Mỗi người hiểu một cách, tôi thì đoán là tác giả muốn nói
đến: sự đa nguyên chính trị, không đi theo con đường XHCN, không có sự lãnh đạo
của ĐCS ?
Tôi cho đó là một nhận thức mơ hồ, không biện chứng, và rất cũ rồi! Một
nền KT thị trường, tức là đa thành phần KT, đa sở hữu KT… thì nhất thiết phải
tương thích với một nền chính trị đa nguyên, một nhà nước pháp quyền, một xã
hội dân sự. Trên thế giới hiện nay đã có rất nhiều quốc gia có đi theo con đường
XHCN và có ĐCS lãnh đạo đâu mà họ vẫn phát triển ngoạn mục, vẫn là các quốc gia
giàu có, dân chủ, tiên tiến, mà chính Việt Nam đang phải chạy theo để học tập.
Trên thế giới hiện nay có quốc gia nào mà chính trị một đàng và KT một nẻo (tức
đổi mới KT nhưng không chịu đổi mới chính trị) lại ổn định thật sự và
phát triển bền vững được đâu, nên phải (nếu không) áp đặt bạo lực ?
- Trong bài viết, tác
giả đã nhấn mạnh nhiều lần đến sự đổi mới về mô hình của xã hội XHCN,
đi từ sự xác định 6 đặc trưng (năm 1991) thành 8 đặc trưng (năm 2006)*.
Có lẽ
tác giả cho đây là kết quả sáng tạo tổng hợp của những phát triển biện chứng đã
nêu ở trên. Tác giả cũng đã nói nhiều về những nét đặc thù của Việt Nam
để cốt làm bật lên cái sự sáng tạo của Đảng trong sự xác định này.
Nhưng tôi và
nhiều bạn đọc lại thấy Cái mới đó là bước thụt lùi so với cái cũ (6 đặc trưng),
vì nó vi phạm tính lô gích, gây nhiễu cho tư duy khi vận dụng (trùng lặp, thừa,
mâu thuẫn).Và điều quan trọng hơn là tính mục đích của việc xác định các đặc trưng
này vẫn bị treo lơ lửng.
Khi đã có các đặc trưng đó thì người ta phải làm theo
chúng để cho hình hài, vóc dáng của CNXH ngày càng rõ hơn, mục tiêu của CNXH
ngày càng đến gần hơn. Và cũng phải dựa vào các đặc trưng đó để sự đánh giá về
thành tựu xây dựng CNXH được cụ thể và chuẩn xác hơn, mọi người dân đều có thể
vận dụng. Cả hai mục đích này không thấy tác giả vận dụng để xem thực tiễn CNXH
ở nước ta đã chuyển biến như thế nào, hiện đang ở trình độ nào sau gần 30 năm
đổi mới?
Thực tiễn đang hiện hữu sờ sờ ra đấy, ai mà chẳng thấy, thế mà tác
giả lại né tránh, lại xuyên tạc. Đáng nhẽ sự thể hiện
các đặc trưng trên phải càng ngày càng rõ hơn, nhưng thực tế đều ngược lại! Tất
cả các đặc trưng đều ngày càng lu mờ, thậm chí có biểu hiện trái ngược!
- Đành rằng nước ta đang
quá độ đi lên CNXH, như tác giả vẫn nói, cho nên các nhân tố XHCN và các nhân
tố phi XHCN (tức TBCN) vẫn luôn đan xen nhau. Và theo lô gích của sự phát triển
biện chứng thì điều tất yếu phải đến là: những nhân tố XHCN phải ngày càng đậm
đặc hơn và chiếm vai trò chủ đạo.
Thế nhưng hiện thực xây dựng XHCN ở nước ta
thì đang phát triển ngược lại: những nhân tố phi XHCN (tức TBCN) lại ngày càng
dày đặc và áp đảo đối với các nhân tố XHCN ngày càng thưa thớt và yếu thế. Nói cách
khác nghĩa là các đặc trưng của xã hội XHCN mà Đảng nêu ra ngày càng lu mờ đi,
và luôn xuất hiện những biểu hiện trái ngược. Và đánh giá một cách khách quan
thì phải thẳng thắn mà nói : thực trạng xã hội ta hiện nay về thực chất là
một xã hội TBCN đích thực, mà là ở trình độ rất thấp, xã hội TBCN hoang dã !
- Những lý giải của tác
giả về sự phát triển biện chứng của con đường đi lên CNXH thể hiện ra ở các nấc
thang đổi mới lý luận, như đã được nêu trong bài viết, thực sự là không thuyết phục, vì
chính thực tiễn lại không ủng hộ ông, nó lại biến đổi hoàn toàn trái ngược!
Thử
nhìn lại xem, nền kinh tế hiện nay về thực chất là nền kinh tế gì, tính chất
XHCN ở chỗ nào, đã có cơ chế kinh tế thị trường đích thực và lành mạnh chưa, sự
tăng trưởng kinh tế là thật hay giả, có đi theo hướng phát triển bền vững
không, theo mục tiêu vì lợi nhuận cho thiểu số người giàu hay vì Con Người, vì
hạnh phúc của nhân dân ?…Thử nhìn lại xem, nền chính trị hiện nay là nền chính
trị kiểu gì, đâu có phải là cộng hòa, dân đâu có được làm chủ, làm gì có Nhà
nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân?… Thử nhìn lại
xem, cái mục tiêu tổng quát “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, xã hội công bằng,
văn minh” đang ngày càng đến gần hay đang còn xa lắc, như chính Tổng bí thư vẫn
còn chưa lường được đến cuối thế kỷ này chưa chắc đã có !?…
Vậy nên đã có ý kiến phán rằng: một công việc, một sự nghiệp mà thời gian để
đi tới đích là một ẩn số, thậm chí là vô hạn, thì sự nghiệpấy, công việc ấy
hoàn toàn vô nghĩa đối với con người! Không ai dại gì mà theo đuổi,
dù chỉ một phần việc, chứ chưa nói là theo đuổi đến cùng, trừ khi người đó bị
bệnh tâm thần ! Không có quốc gia nào cần đến loại sự nghiệp ấy, công việc ấy!
- Đúng là một thực trạng
rất đáng xấu hổ của thực tiễn Con đường đi lên CNXH, kéo theo đó là một nguy cơ
rất đáng lo cho vận mệnh đất nước. Thế mà tác giả vẫn hùng hồn kêu to lên rằng
chúng ta ngày càng nhìn thấy rõ hình
hài, vóc dáng của CNXH, con đường đi lên CNXH ngày càng rõ nét dẫn đến gần mục tiêu hơn,
thông qua hàng loạt quá trình phủ định biện chứng…!
Chắc là tác giả không coi
bạn đọc là “cái thá gì” cả, không còn biết sợ ai, kể cả bề trên, nên mới dám
mạnh mồm “nói lấy được” như vậy! Xin hỏi tác giả: Thứ lý luận mà ông đang tạo
ra, bất chấp thực tiễn, lảng tránh thực tiễn, đi ngược lại sự phát triển của
thực tiễn… là thứ lý luận gì?
Nó có cần cho sự phát triển đích thực không, hay
chỉ để lòe bịp, để lừa dối nhân dân?…Vai trò của lý luận trong quá trình phát triển
đất nước chả nhẽ chỉ là chạy theo để minh họa cho thực tiễn sai lầm hay sao?
Chức năng phản biện, định hướng thực tiễn của lý luận là ở chỗ nào ?
- Khi đọc các bài viết
của tác giả NL và các học giả của Đảng, tôi vẫn cứ nghi ngờ cái điều khẳng định
như “đinh đóng cột” của các vị: xu thế phát triển tất yếu của thời đại ngày nay
là quá độ từ CNTB lên CNXH, hay nói cụ thể hơn là mọi quốc gia sớm hay muộn đều
phải đi đến CNXH! Có thật như vậy không, có phải đó là quy luật phổ biến và
vĩnh hằng không? Sự chứng minh của các vị về mặt lý luận là rất yếu ớt, không
có luận cứ khoa học chuẩn xác, không có sức thuyết phục.
Còn về mặt thực tiễn
thì đã hoàn toàn chống lại các vị từ lâu rồi! Trong bối cảnh ấy, tôi thấy không
cần và không nên đặt thành vấn đề đấu tranh ý thức hệ như ngày trước nữa đâu. Vấn
đề quan trọng hơn mà cả thế giới đang quan tâm là : xác định cho được một mô
hình phát triển chuẩn, tiến bộ, khả thi, theo tiêu chí của sự phát triển bền vững (PTBV) mà
Liên hiệp quốc đã đề xướng năm 1992 (trong chương trình nghị sự toàn cầu cho
thế kỷ XXI).
Theo tinh thần đó, rất nhiều quốc gia đã và đang làm theo LHQ, và
chính các quốc gia XHCN (CS) cũng đã hưởng ứng và đang cố đồng hành với thế
giới, mà chưa chắc đã theo kịp. Mô hình PTBV của LHQ đã được chính báo chí Việt
Nam giới thiệu rộng rãi (Tạp chí Cộng sản đã dành hẳn một kỳ để đăng tải các
bài viết quan trọng này).
Tôi đã đọc những tiêu chí của mô hình PTBV của LHQ,
và đối chiếu với các đặc trưng của mô hình xã hội XHCN mà Đảng ta nêu ra thì
thấy về cơ bản là tương đồng, không có sự đối nghịch.
Mô
hình PTBV của LHQ xác định 3 trụ cột là: BV về KT (nhanh,
an toàn, chất lượng), BV về XH (công bằng XH, phát triển Con Người),
và BV về sinh thái, môi trường
(khai thác và sử dụng hợp lý, bảo vệ và cải thiện).
Trong đó đáng chú ý nhất là
ở mục tiêu cao nhất: Vì Con Người
! (bạn đọc có thể tham khảo lại từ bài viết “Nói thật cho nhau nghe” –
kỳ 1, trong câu chuyện thứ 5).
Mà LHQ thì đâu có phải là Quốc tế Cộng sản, họ
đâu có phải đi theo ý thức hệ và lý luận CS của mấy ông XHCN,…!
Lý luận của LHQ
chính là sự khái quát xu thế phát triển tất yếu chung của thế giới ngày nay,
trên cơ sở các luận cứ khoa học rất khách quan, và phản ánh đúng nguyện vọng
chung của nhân loại ngày nay, chứ đâu có còn phân biệt XHCN hay TBCN nữa.
Xu thế phát triển tất yếu của thế giới ngày nay là phải phát triển bền vững,
với khẩu hiệu: “Phát triển bền vững hay là chết ?”.
Đất nước Việt Nam,
nhân dân Việt Nam đâu có chọn và đâu có cần cái xã hội XHCN như các vị đang nặn
ra, nhưng các vị lại nói một đàng mà làm một nẻo! Trước hết, chúng ta đang rất
cần có tự do, dân chủ, công bằng thật sự, đúng như tuyên ngôn
của Đảng về mục tiêu tổng quát của Đổi mới ! Chúng ta đang cần một sự phát triển bền vững, cho
cả trước mắt và lâu dài !
- Đã đến lúc phải từ bỏ
dần những lý thuyết giáo điều, bảo thủ về CNXH, về đấu tranh giai cấp, về vai
trò lãnh đạo của ĐCS,… để chuyển sang nghiên cúu và phát triển lý luận về sự
PTBV. Các nhà lý luận Việt Nam hãy đi tiên phong trong nhiệm vụ này thì chắc là
có lợi cho đất nước hơn, có lợi cho nhân loại hơn đấy!
Nhưng dù theo đuổi mảng
lý luận nào (hoặc cả hai) thì điều quan trọng cần nhớ là phải biết kết hợp lý
luận với thực tiễn, không được trốn thực tiễn, và càng không được xuyên tạc thực
tiễn, như nhiều bài viết đã bàn ở trên! Bởi mục đích của lý luận là cải
biến thực tiễn, và ngược lại thì thực tiễn lại luôn là tiêu chuẩn của
chân lý.
Những thứ lý luận xa rời thực tiễn đều vô duyên và vô bổ, thậm
chí có hại cho sự phát triển, không ai cần đến chúng cả!
Chúng tôi chân thành gửi
những ý kiến bàn thảo nói trên tới tác giả NL, và mong ông (và các đồng sự)
nghiên cứu để cải tiến các bài viết sau này sao cho có ích thật sự cho sự phát
triển của đất nước. Chúng tôi cũng rất mong bạn đọc hãy nhiệt tình tham gia
trao đổi những nội dung trên để có thể đóng góp thêm nhiều tiếng nói phản biện
tâm huyết hơn cho sự phát triển của đất nước
Tháng 10 năm 2014
M.T
Tác giả gửi BVN
* Về 8 đặc trưng của xã hội XHCN mà ĐCSVN đã nêu
ra từ 2006, và được khẳng định lại trong Đại hội XI – 2011 :
- Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh.
- Do nhân dân làm
chủ.
- Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên
lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu.
- Có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc
dân tộc.
- Con người có cuộc sống ấm no, tự do,
hạnh phúc, có sức khỏe, phát triển toàn diện.
- Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn
trọng và giúp nhau cùng phát triển.
- Có nhà nước pháp quyền XHCN, của nhân
dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân
dân thế giới.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for watching